Vụ hỗn chiến trên sông Yên: Kẻ cầm đầu vẫn nhởn nhơ?
Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên ngày 7.7 khiến 3 người chết, nhiều hộ dân thôn Điền, thôn Thanh, thôn Hòa và thôn Đông (xã Quảng Nham, Quảng Xương) đã gửi đơn đến PV kêu cứu. Theo đơn kêu cứu, lãnh đạo xã này đã bao che tội phạm.
Chủ tịch xã bao che
Trong đơn, người dân viết: “Từ ngày ông Đoàn Văn Sâm lên làm Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, một số người đã ngang nhiên thả luồng, phao ngăn sông cấm chợ. Trong số đó có ông Đoàn Văn Cương là em trai ông Chủ tịch xã”.
Ông Đoàn Văn Sâm – Chủ tịch UBND xã Quảng Nham – cho rằng: “Thông tin như bà con nêu là không đúng sự thật”. Ông cho hay, mọi việc liên quan đến đơn từ của người dân đã được xã giải quyết rốt ráo. Trong danh sách 18 hộ cắm cọc đăng đáy trái phép không có tên ông Đoàn Văn Cương. Ông Sâm khẳng định: “Em tôi không cắm cọc ngăn sông trái phép”.
Giá trị của con ngao đã khơi nguồn dẫn tới cuộc ẩu đả diễn ra sáng 7.7.2013 trên sông Yên làm 3 người mất tích
Tuy nhiên, ông Lê Công Toan (thôn Điền) khẳng định: “Cả xã này đều biết, không chỉ ông Cương mà em ông ta là Nhung cũng dựa bóng ông anh làm chủ tịch xã mà cắm cọc ngăn sông”. Ông Toan cho rằng, việc ông Cương không có trong danh sách 18 người vi phạm chứng tỏ ông Sâm đã bao che cho em mình.
Có bỏ lọt tội phạm?
Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 11 người là dân Quảng Nham. Theo điều tra riêng của PV, 11 người này đều là ngư dân hiền lành. Việc họ bị bắt đã gây nhiều khó khăn cho gia đình bởi tất cả đều là lao động chính.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Điền) có con trai là Phạm Văn Thành. Hôm xảy ra vụ việc, Thành nhảy xuống sông tránh dao búa đối phương nhưng cũng đã bị bắt giam. Chị Nguyễn Thị Như có chồng là Trần Quốc Hùng mới đi cào ngao ngày đầu đã bị bắt, giờ chị không biết xoay xở ra sao với 2 đứa con nhỏ và cái bụng bầu 5 tháng.
Ông Lê Công Toan – người trông coi bến thuyền thôn Điền – khẳng định, trước và trong khi xảy ra vụ việc, ngư dân Quảng Nham không hề có sự chuẩn bị tổ chức đánh nhau. Khi ngư dân đang khai thác ngao thì thuyền của các đối tượng phía huyện Tĩnh Gia bất ngờ ập đến dùng hung khí tấn công.
Một số phải nhảy xuống nước thoát thân, một số khác có phản ứng tự vệ. Trong quá trình truy đuổi, thuyền phía Tĩnh Gia đâm phải bè của họ khiến 3 người đều là dân “đâm thuê chém mướn” nơi khác đến, không biết bơi nên bị chết đuối.
Theo bà Nguyễn Thị Tình và nhiều người khác, ông Phạm Văn Long (Long bồ) đã uy hiếp ngư dân, bắt họ phải bán hải sản cho ông ta với giá rẻ, ông ta bán lại cho đại lý, mỗi ngày kiếm lãi hàng chục triệu đồng. Bà Tình (đại lý mua lại ngao của ông Long) cho hay, ông Long là người đã thuê côn đồ và đứng sau vụ hỗn chiến ngày 7.7.
Chị Nguyễn Thị Hương bức xúc: “Sao con tôi bị bắt mà kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ?”. Trả lời PV về việc trên, cả ông Chủ tịch xã Đoàn Văn Sâm và Trưởng CA xã Phạm Hồng Thái đều cho rằng không có cơ sở để khép tội ông Phạm Văn Long (Long bồ).
Ngư dân xã Quảng Nham đang trông chờ cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý công minh vụ việc.
Theo Lao động
Vụ hỗn chiến trên sông: Sông Yên "dậy sóng" vì đâu?
Vụ "dàn trận" hỗn chiến của gần 100 ngư dân thuộc địa bàn hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra trên sông Yên với hậu quả 3 người chết, 9 người bị thương đã làm rúng động dư luận cả nước.
Vụ việc kinh hoàng này hiện đang được các cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hỗn chiến làm hàng chục người thương vong
Sông Yên lâu nay vốn là nơi mưu sinh của người dân bằng nghề nuôi và khai thác ngao. Thế rồi, sự thầm lặng ban phát nguồn sống cho ngư dân quanh năm của dòng sông Yên đã bị "đánh mất" bởi "trận thủy chiến" xảy ra vào trưa ngày 7/7/2013. "Trận thủy chiến" kinh hoàng của gần 100 ngư dân xảy ra trên khu vực giáp ranh giữa địa bàn hai xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia làm 3 người chết, 9 người bị thương đã khiến cho dòng sông Yên "dậy sóng".
Danh tính của những người chết và bị thương trong vụ hỗn chiến được xác định, cụ thể: 3 người chết gồm ông Tô Văn Dũng (SN 1952), ông Lê Văn Hiệu (SN 1966), đều trú tại xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia và anh Lê Kim Cường, trú tại xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương; còn 9 người bị thương gồm anh Tô Văn Dần (SN 1977), anh Tô Văn Mạnh (SN 1973), anh Tô Văn Thêm (SN 1961), đều trú tại xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, anh Lê Văn Linh, Phạm Đăng Hồng (SN 1964), anh Lê Văn Hòa (SN 1962), đều trú tại xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia và anh Đinh Văn Hà (SN 1982), anh Trần Văn Quân (SN 1985), anh Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987), đều trú tại xóm Điền, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, vào sáng 8/7, chúng tôi đến thôn Bắc Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia đúng lúc lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm tử thi 2 nạn nhân là ông Dũng và ông Hiệu vừa được tìm thấy dưới sông lên. Vây quanh 2 thi thể là tiếng khóc ai oán của người thân hai nạn nhân. Hàng trăm người dân cứ lũ lượt kéo đến khu vực hiện trường vụ hỗn chiến để theo dõi quá trình tìm kiếm thi thể nạn nhân của các cơ quan thực thi nhiệm vụ.
Cảnh hương khói và khóc than của người nhà nạn nhân ngay trên bờ sông.
Được biết, ngay khi nhận được tin báo vụ hỗn chiến xảy ra trên sông Yên, lực lượng công an và chính quyền đã có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình, đưa những người bị thương đi cấp cứu và tiến hành tìm kiếm ba nạn nhân bị rơi xuống sông mất tích. Đến sáng sớm ngày 8/7, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân Dũng và Hiệu. Sau khi khám nghiệm tử thi xong, người thân của hai nạn nhân này đã đem thi thể về mai táng theo phong tục, tập quán của địa phương. Công tác tìm kiếm nạn nhân cuối cùng là anh Lê Kim Cường vẫn được tiếp tục cho đến khoảng 18h cùng ngày 8/7 thì lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể anh Cường tại đoạn sông gần chân cầu Ghép, cách hiện trường vụ hỗn chiến gần 10km.
Rời khu vực hiện trường ven bờ sông Yên, thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, chúng tôi tìm về thôn Điền, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung, mẹ của nạn nhân Đinh Văn Hà cho biết: "Trong thôn chúng tôi có 3 người bị thương nặng và 4 người bị thương nhẹ. Con tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Hôm qua khi vừa ăn cơm xong, thì thấy có một số thuyền ở bên kia kéo sang, họ dùng vật nhọn đâm khiến một số người bị thương".
Anh Lê Văn Mạnh (33 tuổi) trú tại thôn Điền là một trong những người đi trên bè cào ngao của xã Quảng Nham cho hay: "Lúc đó chúng tôi đang cào ngao ngoài sông, thì thấy có thuyền, bè bên kia kéo sang (người dân xã Hải Châu - PV) lùa thì chúng tôi bỏ chạy. Do bè chúng tôi nhỏ không chạy được, nên họ dùng gạch đá và vật nhọn đâm một số người rơi xuống sông. Trên bè tôi còn có anh Tuyển và anh Hà bị thương. Lúc đó tôi cũng nhảy xuống sông thoát thân. Một lúc sau, bè của những người trong thôn quay lại cứu chúng tôi. Việc 3 người phía bên kia mất tích là do thuyền của họ đâm vào bè của họ".
"Vụ việc diễn ra trong khoảng 30 phút. Khu vực sông nơi xảy ra vụ việc là vùng ngao tự nhiên, nhưng khi chúng tôi đi làm thì họ ra ngăn cấm và đuổi đánh. Một số lần trước, khi người dân Quảng Nham ra cào ngao thì họ đã gây gổ. Ở đây chúng tôi làm nghề cào ngao từ bao năm nay, mà bây giờ bị cấm như vậy thì lấy gì để sống" - anh Mạnh cho biết thêm.
Ngồi ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Vũ Thị Dậu (27 tuổi), vợ của anh Nguyễn Văn Tuyển, một trong những người bị thương trong vụ hỗn chiến, chị Dậu ngân ngấn nước mắt tâm sự: "Chồng tôi bị thương vào đầu. Ở đây nghèo lắm, nếu không đi cào ngao thì biết lấy gì để sống. Làm ăn mà còn bị đánh đập như thế này thì làm sao được. Vì con cái còn nhỏ, nên tôi phải ở nhà chăm sóc, chỉ có mình chồng đi làm mỗi ngày để nuôi sống cả gia đình. Hiện giờ chồng tôi nằm ở viện nào tôi cũng không biết nữa".
Ngao vốn là một nguồn lợi thủy sản có giá trị cao. Nơi đây cũng là khu vực mưu sinh của hàng trăm hộ dân. Thế nhưng, theo người dân nơi đây phản ánh, thời gian qua, có hiện tượng tranh chấp việc khai thác ngao tại khu vực này. Việc tranh chấp bãi ngao đã khiến nhiều người dân phải đi làm ăn xa, còn những người quyết ở lại quê bám nghề sông nước thì lại bị người dân phía bờ bên kia sông o ép, nên nảy sinh mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
"Giọt nước tràn ly"...
Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, do mâu thuẫn từ việc tranh chấp bãi khu vực nuôi và khai thác ngao ở bãi giữa sông Yên của các hộ dân thuộc thôn Điền, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương với các hộ dân thôn Bắc Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, nên trưa ngày 7/7, hai bên đã tổ chức lực lượng, chuẩn bị hung khí để đánh nhau. Phía xã Quảng Nham có khoảng 30 bè nhỏ (loại bè dùng để khai thác ngao, trên mỗi bè có khoảng 2 đến 3 người) chở khoảng 60 người. Phía xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia có một thuyền máy loại 15CV, dài 8m, rộng 4m và 2 bè chở khoảng 12 dến 15 người. Hai bên dùng các loại hung khí chuẩn bị sẵn như gạch, đá, thanh sắt nhọn hai đầu, gậy, dao... rồi kéo ra đánh nhau trên sông Yên.
Vụ việc xảy ra khiến chính quyền địa phương bất ngờ. Theo ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết: "Vụ việc xảy ra như thế nào thì phải đợi kết quả điều tra của cơ quan công an mới biết được. Hơn chục năm nay, con ngao ở sông Yên rất dồi dào, đặc biệt là từ năm 2010, nên việc xảy ra mâu thuẫn là điều đương nhiên".
"Vài tháng trước, chính những hộ nuôi ngao của địa phương có tranh chấp và kéo lên huyện. Vừa rồi, chúng tôi có phối hợp với công ty quản lý đường sông giải phóng những trường hợp lấn chiếm, trả lại mặt bằng để người dân đi cào ngao. Khi nhận được tin báo về vụ việc, chúng tôi đã cử người ra đưa một số người bị thương đi cấp cứu. Trước đây, phía Quảng Nham có tranh chấp nhưng đã giải quyết xong. Chúng tôi đã ký hợp đồng cho gần 50 ha đất nuôi ngao với 26 hộ dân tham gia" - ông Sâm cho biết thêm.
Theo Người đưa tin
Hỗn chiến trên sông Yên: Bắt khẩn cấp 7 đối tượng Liên quan đến vụ việc gần 100 người dân chém nhau kinh hoàng, ngày 9 - 7, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh bắt khẩn cấp 7 đối tượng cầm đầu trong vụ đâm chém này. Như đã đưa tin ngày 9.7 đã xảy ra vụ hỗn chiến trên sông Yên- đoạn chảy qua xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và...