Vụ học sinh gãy chân ở trường: Bộ GD-ĐT vào cuộc
Nếu có sai phạm trong vụ học sinh gãy chân ở trường tiểu học Nam Trung Yên, ngành giáo dục sẽ xử lý nghiêm.
Vết mổ của học sinh Trần Chí Kiên sau khi bị gãy chân trong sân trường (ảnh: Gia đình cung cấp)
Yêu cầu sớm có kết luận
Thời gian gần đây, sự việc học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4, Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội bị gãy chân trong sân trường tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Đặc biệt, việc nhà trường phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh để chứng minh hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc vô can khiến nhiều người bức xúc.
Tuy nhiên, ngày 17/2, gia đình Vợ chồng anh Trần Chí Dũng và chị Dương Hoài Thu, phụ huynh cháu Kiên đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các cơ quan truyền thông báo chí cho rằng, cô Tạ Thị Bích Ngọc đã báo cáo thiếu trung thực.
Trước tình hình này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã có yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sớm kết luận vụ học sinh gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu xử lý nghiêm nếu có sai phạm để đảm bảo kỷ cường, nề nếp trong các hoạt động giáo dục.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho hay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan chức năng của Thành phố sớm kết luận, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm để đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục.
18 giáo viên đồng loạt phản đối
Video đang HOT
Ngày 18/2, 18 giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên tiếp tục gửi “Thư bày tỏ” phản đối những điểm chưa đúng sự thật trong vụ học sinh bị gãy chân.
Theo “Thư bày tỏ” mà 18 giáo viên gửi đến các cơ quan báo chí về vụ việc cháu Trần Chí Kiên ngã gãy chân trong sân trường, điểm đầu tiên, trước khi lấy khảo sát học sinh, đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã phổ biến với học sinh mục đích của việc khảo sát nhằm phục vụ báo cáo về an toàn trường học và thanh tra của sở.
Thứ hai, trước khi nhận được chỉ đạo của BGH về việc làm phiếu khảo sát, các giáo viên này không biết gì về vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên – học sinh lớp 2A4. Trong phiếu khảo sát, giáo viên xác nhận không nhìn thấy học sinh bị tai nạn và không thấy ô tô vào trường. Việc gửi báo cáo này lên cấp trên và với báo chí ra sao, giáo viên không được rõ. Như vậy, việc phản ảnh 100% giáo viên trong trường nhất trí với hiện tượng không có xe taxi chở cô Hiệu trưởng và Hiệu phó gây tai nạn cho học sinh là không đúng sự thật.
Thứ 3, cũng theo 18 giáo viên này, về bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi cơ quan báo chí nhân danh là tập thể cán bộ giáo viên nhà trường là không đúng, bởi sự thực là chỉ có 3 người ký vào tài liệu đó, gồm hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn trường. Các giáo viên đều khẳng định, họ không hề biết đến nội dung trong bản báo cáo.
Thứ 4, theo một Đảng viên, có hiện tượng Đảng viên bị lôi kéo yêu cầu viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết tâm thư để kêu oan cho Hiệu trưởng.
“Những việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ảnh hưởng đến chất lượng dạy học vì thế rất mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc để ổn định tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường”, trích thư bày tỏ của 18 giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên.
Theo bản báo cáo sự việc của lãnh đạo Trường tiểu học Nam Trung Yên ngày 10.2, việc làm phiếu khảo sát tìm nguyên nhân do cô giáo Trần Thị Thu Nhung, chủ nhiệm lớp 2A2 tư vấn cho ban giám hiệu nhà trường. Cô Nhung cho biết, bản tường trình của cô ký về vụ việc học sinh Chí Kiên bị ngã gãy chân tại sân sau của trường có điểm chưa chính xác. Thời điểm học sinh bị ngã, cô Nhung không được chứng kiến tận mắt. “Đây là sai lầm của tôi khi chưa nhìn thấy đã vội kết luận. Lúc đó, tôi đang trong phòng hội đồng, tôi không thể khẳng định là do cháu tự ngã hay có bị ô tô va vào hay không”, cô Nhung nói. Trước thông tin, cô giáo chủ nhiệm là người tư vấn cho ban giám hiệu lập phiếu khảo sát tìm nguyên nhân, cô Nhung khẳng định: “Ban giám hiệu nói tôi là người đã tư vấn là sai sự thật”.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Học sinh gãy chân: Phụ huynh 'tố', trường nói vô can
Học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4, trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị tai nạn gãy xương đùi phải mổ ghép chân tại Bệnh viện Việt Đức.
Nhà trường thông báo con tự ngã, trong khi Kiên nói với gia đình bị một chiếc xe ôtô đang chạy trong sân trường va phải.
Ngày 20/12, anh Trần Chí Dũng phản ánh với báo chí rằng khoảng 10h30 ngày 1/12, anh nhận được điện thoại của cô Đỗ Thị Hòe (giáo viên chủ nhiệm cũ của con) về việc con trai anh là Trần Chí Kiên bị ngã phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Theo lời anh Dũng, tại bệnh viện, con được bác sĩ chẩn đoán gãy xương đùi ở chân phải.
Tuy nhiên, sau khi bó bột, xương chân của con anh vẫn không liền được nên gia đình chuyển cháu sang bệnh viện Việt Đức để điều trị. Ngày 3/12, tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ đã tiến hành mổ, nẹp vít để định hình khung xương cho Kiên.
Từ lời kể của con trai
Anh Dũng nói, trong quá trình điều trị, bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức đã trao đổi với gia đình về nguyên nhân tai nạn, tư thế ngã cũng như khả năng ảnh hưởng đến các chức năng khác của bệnh nhân về sau.
Bác sĩ khẳng định tình trạng chấn thương của con anh là rất nặng và lý do cháu tự chạy ngã khó có thể gây ra vết thương như thế, anh Dũng cho biết.
Xương đùi phải của Kiên bị gãy, phải bó bột. Ảnh: Tiền Phong.
Đợi đến lúc con trai tỉnh táo, hồi phục hơn, anh Dũng hỏi chuyện thì quá bất ngờ khi con trả lời: "Sau giờ ra chơi, nghe tiếng chuông, con chạy về lớp thì va vào một chiếc xe màu xanh nước biển".
Cũng theo lời anh Dũng, con trai kể trước khi bị ngã con còn nhìn thấy trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo nữa. Khi sự việc xảy ra, con được bác bảo vệ bế lên phòng y tế và sau đó được giáo viên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Quá bất ngờ vì sự việc, sau đó, anh đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc thì sau hơn một tuần nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm và tiến hành khảo sát học sinh toàn trường về vụ việc.
Liệu có vô cảm?
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên cho biết: "Kể từ khi xảy ra vụ việc, do quá bận rộn với lịch thi giáo viên giỏi và nhiều việc khác nên bà không nắm được đầy đủ thông tin".
Bà Ngọc thuật lại khi vụ việc xảy ra, bà không ở hiện trường mà được một giáo viên báo cáo. Khi đó, bà đã chỉ đạo giáo viên ra nắm tình hình và đưa đi bệnh viện. Bà cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh Kiên đến thăm hỏi nhưng sau đó vì nhiều việc nên bà Ngọc cũng quên bẵng.
Bà Ngọc cũng khẳng định bản thân mình không tự lái ôtô đến trường. Trong trường chỉ có ba giáo viên có ôtô thường ngày hay đỗ ở sân sau. Hôm xảy ra sự việc, không có bất cứ ô tô nào khác vào ra trong trường học.
"Sự việc xảy ra có thể do học sinh Kiên chạy và tự va vào một ô tô nào đó đang đỗ trong sân", bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, khi hỏi ngày xảy ra sự việc trong trường có bao nhiêu ôtô và trường có thể xác minh học sinh Kiên tự đâm vào ô tô nào thì bà Ngọc trả lời: "không nhớ, không xác định được".
Ngoài ra, bà hiệu trưởng cũng thông tin sau khi sự việc xảy ra đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ trường viết tường trình, báo cáo vụ việc và họ đều khẳng định học sinh Kiên chạy và tự ngã.
Bà cũng cho tiến hành khảo sát học sinh toàn trường để tìm hiểu nguyên nhân, kết quả: Nhiều học sinh trả lời không biết, một số học sinh cho rằng Kiên tự ngã.
Khi phóng viên đề cập được trao đổi với bảo vệ trường, người bế cháu Kiên đến phòng y tế thì lãnh đạo trường này cho biết: "Người bảo vệ hiện nghỉ, không ở trong ca trực".
Điều khiến anh Dũng bức xúc hơn là tại cuộc gặp giữa gia đình và các giáo viên của trường, các giáo viên vẫn khẳng định do cháu chạy tự ngã. Khi anh Dũng đưa ra kết luận của bác sĩ và tình trạng của con các cô lại nói: "Có thể con chạy va vào xe của giáo viên đang đỗ trong sân trường".
Điều khiến anh ngạc nhiên và nghi ngờ hơn nữa là khi anh gặp cô giáo chủ nhiệm của con để trao đổi, nhà trường luôn cử từ một đến hai giáo viên đứng cùng để giám sát.
Được biết, vụ việc đã được báo cáo lên Phòng giáo dục quận Cầu Giấy để xử lý. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị và tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết hiện mới tiếp nhận thông tin vụ việc. Đơn vị phải tiến hành xác minh sau đó mới có câu trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, sự việc xảy ra trong khuôn viên của trường học, người chịu trách nhiệm đầu tiên phải là hiệu trưởng.
Theo Zing
Vụ học sinh gãy chân: Hé lộ nhiều sự thật khác Cho rằng trả lời của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên về vụ học sinh bị đâm xe trong sân trường là không đúng sự thật, ngày 17.2, phụ huynh Trần Chí Dũng và nhiều giáo viên trong trường đã bức xúc lên tiếng. Trả lời PV Dân Việt về sự việc này, cô Trần Thị Thu Nhung - giáo...