Vụ học sinh gãy chân: Hé lộ nhiều sự thật khác
Cho rằng trả lời của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên về vụ học sinh bị đâm xe trong sân trường là không đúng sự thật, ngày 17.2, phụ huynh Trần Chí Dũng và nhiều giáo viên trong trường đã bức xúc lên tiếng.
Trả lời PV Dân Việt về sự việc này, cô Trần Thị Thu Nhung – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 cho biết, khi đọc bản báo cáo về sự việc học sinh Trần Chí Kiên của ban giám hiệu (BGH) trường Tiểu học Nam Trung Yên gửi báo chí dưới danh nghĩa là cán bộ, giáo viên của trường, cô thấy bức xúc vì có nhiều điểm không đúng sự thật.
Phiếu khảo sát trường Tiểu học Nam Trung Yên phát cho học sinh.
Theo cô Nhung, trong báo cáo này có nêu: “…Ngày 12.12.2016, bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp. Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, BGH, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô hiên chỉ đạo các cô giáo liên quan làm rõ việc này”.
“Sự thực là tôi không hề tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, BGH về việc phát phiếu khảo sát. Văn bản viết như vậy là hoàn toàn không đúng sự thật” – cô Nhung khẳng định. Cô Nhung cũng cho biết thêm, sau khi đọc báo cáo này cô đã hỏi thẳng BGH trường rằng tại sao lại viết như vậy thì BGH không trả lời được (?)
Trong khi đó, các giáo viên khác cho rằng, sự việc được đưa lên truyền thông và có khẳng định rằng 100% giáo viên ký vào giấy khảo sát cho rằng không có ô tô nào đi vào trường hoàn toàn không đúng sự thật.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tú – giáo viên lớp 5 cho biết, buổi trưa khi phát phiếu khảo sát, nhiều giáo viên không tham gia trông bán trú nên không có mặt ở trường. Vì thế, không thể nói 100% giáo viên được tham gia vào cuộc khảo sát.
“Khi lấy phiếu khảo sát tới từng lớp thì BGH trường thông báo là làm phiếu khảo sát phục vụ cho công tác thanh tra an toàn trường học vào tháng 3 của phòng chứ giáo viên, học sinh cũng không rõ là khảo sát về vụ việc cháu Kiên” – cô Tú cho biết.
Ảnh chụp X -quang xương chân bị gãy của học sinh Trần Chí Kiên.
Cũng bức xúc về kết quả khảo sát 100% giáo viên, học sinh nói không có xe ô tô vào trường, cô Vũ Thị Mừng – giáo viên lớp 3 của trường cho biết, từ khi xảy ra vụ việc các giáo viên trong trường phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Danh dự và uy tín của tập thể giáo viên trong trường cũng bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
“Đọc những bình luận trên báo chí cho rằng giáo viên trường Nam Trung Yên đồng tình che giấu sự việc, đồng tình dối trá tôi rất buồn. Bạn bè ở khắp nơi cũng gọi điện hỏi thăm về vụ việc vì không hiểu rõ và đánh giá không tốt nhân cách, đạo đức của chúng tôi” – cô Mừng bức xúc chia sẻ.
“Để xảy ra sự việc như này bản thân tôi cũng thấy có trách nhiệm với học sinh của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ ai làm gì thì người đó rõ nhất và họ phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Là người lớn chúng ta hãy sống sao cho đúng với lương tâm chứ đừng để tới mức phụ huynh phản ánh tới mức thế này” – cô Nhung nói.
Cô Nhung cũng cho biết thêm, hiện cô đang được phân công tới dạy cho em Kiên hàng ngày. “ Sức khỏe và tinh thần của Kiên đã ổn định. Kiên tiếp thu môn toán khá tốt nhưng các môn tập viết thì khó hơn” – cô Nhung nói.
Cô Trần Thị Thu Nhung – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 khẳng định không tham mưu cho BGH làm phiếu khảo sát.
Trong một diễn biến khác, sáng nay, 17.2, ông Trần Trí Dũng (bố cháu Kiên) đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và báo chí, trong đó phản bác lại 7 điều mà theo ông không đúng sự thật trong phần trả lời của cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên.
Cụ thể, anh Dũng cho biết, việc gia đình mong muốn giáo viên khảo sát tìm nguyên nhân gây tai nạn là không đúng; việc cô Ngọc giải thích do phải gây mê còn mệt nên phải đi taxi vào trường là không hợp lý. Ngoài ra, anh Dũng cũng đánh giá, cô Ngọc bất nhất trong báo cáo về sự việc cả trước và trong quá trình điều tra: Lúc thì cô khẳng định không có ô tô vào trường, lúc khác lại nói là có.
Ngoài việc bất bình với bản Báo cáo sự việc của cô Tạ Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên – anh Dũng cho biết, anh cảm thấy buồn khi cả tập thể giáo viên của trường không biết do cố tình hay bị ép buộc mà đồng lòng bao che cho sai trái.
“Tôi cho rằng cô Ngọc và cô Hương đã nói không đúng sự thật bằng những hành động và lời nói thiếu trung thực. Gia đình chúng tôi rất bức xúc trước sự việc này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan theo chỉ đạo từ Phó thủ tướng và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội” – anh Dũng mong muốn.
Cũng trong ngày 17.2, để rộng đường dư luận, PV đã nhiều lần gọi điện thoại và tìm đến trường Tiểu học Nam Trung Yên để gặp BGH để trao đổi thêm, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường đều từ chối gặp với lý do bận đi họp (?)
Trả lời PV về hướng xử lý đối với cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, bà Nguyễn Thanh Tịnh – Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết hiện chưa có quyết định điều chuyển đối với hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc từ phía UBND quận Cầu Giấy. “Chúng tôi chưa nhận được kết quả điều tra của cơ quan công an. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, sai đến đâu sẽ xử đến đó. Hiện phòng đang nghiên cứu các văn bản pháp quy để tham vấn cho lãnh đạo UBND quận thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ trực tiếp thông tin đến báo chí” – bà Tịnh nói.
Theo Danviet
Học sinh gãy chân: Phụ huynh 'tố', trường nói vô can
Học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4, trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị tai nạn gãy xương đùi phải mổ ghép chân tại Bệnh viện Việt Đức.
Nhà trường thông báo con tự ngã, trong khi Kiên nói với gia đình bị một chiếc xe ôtô đang chạy trong sân trường va phải.
Ngày 20/12, anh Trần Chí Dũng phản ánh với báo chí rằng khoảng 10h30 ngày 1/12, anh nhận được điện thoại của cô Đỗ Thị Hòe (giáo viên chủ nhiệm cũ của con) về việc con trai anh là Trần Chí Kiên bị ngã phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Theo lời anh Dũng, tại bệnh viện, con được bác sĩ chẩn đoán gãy xương đùi ở chân phải.
Tuy nhiên, sau khi bó bột, xương chân của con anh vẫn không liền được nên gia đình chuyển cháu sang bệnh viện Việt Đức để điều trị. Ngày 3/12, tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ đã tiến hành mổ, nẹp vít để định hình khung xương cho Kiên.
Từ lời kể của con trai
Anh Dũng nói, trong quá trình điều trị, bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức đã trao đổi với gia đình về nguyên nhân tai nạn, tư thế ngã cũng như khả năng ảnh hưởng đến các chức năng khác của bệnh nhân về sau.
Bác sĩ khẳng định tình trạng chấn thương của con anh là rất nặng và lý do cháu tự chạy ngã khó có thể gây ra vết thương như thế, anh Dũng cho biết.
Xương đùi phải của Kiên bị gãy, phải bó bột. Ảnh: Tiền Phong.
Đợi đến lúc con trai tỉnh táo, hồi phục hơn, anh Dũng hỏi chuyện thì quá bất ngờ khi con trả lời: "Sau giờ ra chơi, nghe tiếng chuông, con chạy về lớp thì va vào một chiếc xe màu xanh nước biển".
Cũng theo lời anh Dũng, con trai kể trước khi bị ngã con còn nhìn thấy trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo nữa. Khi sự việc xảy ra, con được bác bảo vệ bế lên phòng y tế và sau đó được giáo viên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Quá bất ngờ vì sự việc, sau đó, anh đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc thì sau hơn một tuần nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm và tiến hành khảo sát học sinh toàn trường về vụ việc.
Liệu có vô cảm?
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên cho biết: "Kể từ khi xảy ra vụ việc, do quá bận rộn với lịch thi giáo viên giỏi và nhiều việc khác nên bà không nắm được đầy đủ thông tin".
Bà Ngọc thuật lại khi vụ việc xảy ra, bà không ở hiện trường mà được một giáo viên báo cáo. Khi đó, bà đã chỉ đạo giáo viên ra nắm tình hình và đưa đi bệnh viện. Bà cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh Kiên đến thăm hỏi nhưng sau đó vì nhiều việc nên bà Ngọc cũng quên bẵng.
Bà Ngọc cũng khẳng định bản thân mình không tự lái ôtô đến trường. Trong trường chỉ có ba giáo viên có ôtô thường ngày hay đỗ ở sân sau. Hôm xảy ra sự việc, không có bất cứ ô tô nào khác vào ra trong trường học.
"Sự việc xảy ra có thể do học sinh Kiên chạy và tự va vào một ô tô nào đó đang đỗ trong sân", bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, khi hỏi ngày xảy ra sự việc trong trường có bao nhiêu ôtô và trường có thể xác minh học sinh Kiên tự đâm vào ô tô nào thì bà Ngọc trả lời: "không nhớ, không xác định được".
Ngoài ra, bà hiệu trưởng cũng thông tin sau khi sự việc xảy ra đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ trường viết tường trình, báo cáo vụ việc và họ đều khẳng định học sinh Kiên chạy và tự ngã.
Bà cũng cho tiến hành khảo sát học sinh toàn trường để tìm hiểu nguyên nhân, kết quả: Nhiều học sinh trả lời không biết, một số học sinh cho rằng Kiên tự ngã.
Khi phóng viên đề cập được trao đổi với bảo vệ trường, người bế cháu Kiên đến phòng y tế thì lãnh đạo trường này cho biết: "Người bảo vệ hiện nghỉ, không ở trong ca trực".
Điều khiến anh Dũng bức xúc hơn là tại cuộc gặp giữa gia đình và các giáo viên của trường, các giáo viên vẫn khẳng định do cháu chạy tự ngã. Khi anh Dũng đưa ra kết luận của bác sĩ và tình trạng của con các cô lại nói: "Có thể con chạy va vào xe của giáo viên đang đỗ trong sân trường".
Điều khiến anh ngạc nhiên và nghi ngờ hơn nữa là khi anh gặp cô giáo chủ nhiệm của con để trao đổi, nhà trường luôn cử từ một đến hai giáo viên đứng cùng để giám sát.
Được biết, vụ việc đã được báo cáo lên Phòng giáo dục quận Cầu Giấy để xử lý. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị và tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết hiện mới tiếp nhận thông tin vụ việc. Đơn vị phải tiến hành xác minh sau đó mới có câu trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, sự việc xảy ra trong khuôn viên của trường học, người chịu trách nhiệm đầu tiên phải là hiệu trưởng.
Theo Zing
Làm "mẹ Hổ" dạy con vượt qua bạo lực học đường Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, học sinh đánh đập lẫn nhau, thầy cô đánh học trò bầm tím người được báo chí đưa tin khiến phụ huynh có con đi học cảm thấy bất an. Câu chuyện mẹ Hổ của chị Lê Phương Hoa ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Đây là bài viết...