Vụ học sinh bị 231 cái tát: Giáo viên đã tự “bẫy” chính mình
“Chính cái vụng về trong việc đối đầu trước áp lực, cái nôn nóng cho sự hoàn hảo về nhân cách, cái “ham” quá nhanh về sự thay đổi của học sinh và cái kỳ vọng về một nhà trường đạt chuẩn quốc gia đã đẩy thầy cô vào chỗ khó cựa quậy…”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy về hành động cô giáo Thủy chỉ đạo cả lớp tát em N 231 cái tát ở Quảng Bình đang gây xôn xao dư luận.
Giáo viên tự “bẫy” chính mình
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hành động cô giáo Thủy chỉ đạo cả lớp tát em N 231 cái tát ở Quảng Bình, là sự bế tắc trong phương pháp sư phạm, là sự thụt lùi trong suy nghĩ giáo dục và thiếu nhân văn trong quá trình điều chỉnh hành vi theo của cô giáo. Điều đáng nói hơn khi xét trên bình diện con người, hành vi này mang đậm dấu ấn vô cảm từ cuộc sống. Dư luận xã hội lên án hành động này là điều rất đúng.
Ông Sơn cho hay, chính cái vụng về trong việc đối đầu trước áp lực, cái nôn nóng cho sự hoàn hảo về nhân cách, cái “ham” quá nhanh về sự thay đổi của học sinh và cái kỳ vọng về một nhà trường đạt chuẩn quốc gia đã đẩy thầy cô vào chỗ khó cựa quậy. Theo kiểu tự đặt ra chiếc bẫy, tự “bẫy” chính mình với cái kết thương tâm khi mình lại trở thành “con mồi” đau đớn.
Hình ảnh em N đi học lại sau vụ bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Sơn, hiện tại cơ quan công an tỉnh Quảng Bình đã quyết định truy tố hành vi của cô giáo Thủy, bản thân cô cũng đã nhận sai trước gia đình và xã hội. Cho nên, đây là lúc thích hợp để dừng lại những chỉ trích về câu chuyện buồn này theo hướng xử lý tới cùng chứ đừng khuấy động truyền thông để vấn đề thêm phức tạp.
Bởi vì, nỗi đau của học sinh sẽ nhẹ đi, lòng tin của xã hội sẽ được củng cố theo thời gian và sự dày vò lương tâm của cô giáo Thủy là động thái thay đổi tốt nhất cho những hành vi bạo lực học đường cô đã gây ra… Người thân, đồng nghiệp và cả ngành giáo dục cần nhận được cái nhìn công bằng và nhân văn hơn ngay lúc này.
“Dẫu biết mỗi thế hệ học sinh có những cách thể hiện quan điểm cá nhân khác nhau đối với thầy, cô giáo như: tốt, xấu, trân quý, dè bỉu, tôn trọng… nhưng dù có là gì thì chúng ta nên nhìn nhận một cách công bằng rằng sự vụ lần này chỉ như “giọt nước tràn ly” niềm tin về một thế hệ giáo viên đang bị lung lay”, PGS.TS Sơn trăn trở.
Video đang HOT
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường
Áp lực chính là nguyên nhân khiến bạo lực học đường nảy sinh và tồn tại ngày càng nhiều hơn. Do đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã chỉ ra những hệ quả của hành động bạo lực trong môi trường giáo dục gây ra để cảnh tỉnh các giáo viên, phụ huynh.
“Các việc làm trái chuẩn mực giáo dục sẽ luôn hằn sâu vào tâm trí học sinh rất lâu. Dù là những bạo lực về mặt thân thể hay tâm hồn cũng sẽ luôn để lại các vết thương tâm lý, một số em còn bị sang chấn tâm lý về sau.
Điển hình như, các em bắt đầu xuất hiện cảm giác sợ hãi, lo âu khi bước đến trường. Thậm chí, một số em lại rơi vào tình trạng mất ngủ, học tập không tập trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe không ổn định. Nặng nhất là một số em đã bị chấn thương về mặt cơ thể, tâm lý phải đến gặp các nhà tâm lý để được tham vấn và trị liệu kịp thời”.
Để xảy ra nạn bạo lực học đường hiện nay, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay, do chúng ta chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường, chưa có định dạng cụ thể về văn hóa học đường. Tất cả mọi mối quan hệ ứng xử đều được “ép chuẩn” theo một cách tự nhiên, dựa trên sự ám thị của một nhóm hoặc xã hội. Ví dụ, các trường đều quy định học sinh không được cãi lời, nói xấu thầy cô; thầy cô không được đánh mắng học sinh… nhưng lại chưa chỉ rõ nói xấu như thế nào, đánh mắng ra sao…
Do đó, PGS.TS Sơn đề xuất, Bộ GD&ĐT, khi phát động phong trào xây dựng môi trường học đường thân thiện thì nên đặt ra các tiêu chí thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo. Khi mọi yếu tố chưa quy về thành tiêu chí giúp đo lường thì vấn đề sẽ khó được giải quyết.
Song song đó, các giáo viên cũng cần tự bồi dưỡng rèn luyện về các kỹ năng mềm trước áp lực của nghề giúp bản thân cứng hơn, mềm hơn khi đứng trên bục giảng… đó sẽ là một hành trình khó chứ không phải là các buổi giảng đậm chất trình bày, mênh mang lý luận.
Về phía gia đình, bậc làm cha, mẹ cũng không nên quá chiều chuộng trẻ theo hướng con đòi thứ gì là đáp ứng thứ đó, không thể tạo ra một không gian sống nặng nề với siêu nhân, gươm kiếm, phim hành động… như vậy mới có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực hay “cây kim” bạo lực quẫy đạp từ rất sớm trong tâm thức trẻ.
Hà Cường.
Theo Dân trí
Hiệu trưởng trường có cô giáo phạt tát học sinh giải thích về tiêu chí thi đua
Nhà trường lập đội cờ đỏ chấm điểm các lớp: chửi thề bị trừ năm điểm, vô lễ trừ 10 điểm. Lớp cô Thủy thường xuyên "đội sổ" toàn trường.
Nhà chức trách huyện Quảng Ninh khởi tố vụ án Hành hạ người khác, xảy ra tại trường THCS Duy Ninh, nơi cô giáo yêu cầu học sinh tát bạn học. Ảnh: Hoàng Táo
Chiều 26/11, trong sự giám hộ của giáo viên, nhà chức trách huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp tục làm việc với một số học sinh lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh) để làm rõ vụ án Hành hạ và làm nhục người khác. Nam sinh bị phạt tát má đã trở lại trường, hòa nhập và vui đùa với bạn bè.
Trường THCS Duy Ninh có 341 học sinh, chia làm 10 lớp. Trong đó, riêng khối 6 có bốn lớp, giữ nguyên thành phần học sinh chuyển từ cấp tiểu học lên. "Mới vào năm học nên nhà trường chưa có đánh giá toàn diện về học sinh lớp 6, vì cách đánh giá ở cấp 1 và 2 khác nhau", Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh nói.
Về thi đua giữa các lớp, nhà trường đặt ra bảy tiêu chí, gồm sĩ số, tư cách đội viên, sinh hoạt đầu giờ và giữa giờ, vệ sinh, khu để xe đạp, nội dung khác... Mỗi tiêu chí 10 điểm và sẽ bị trừ nếu lớp nào có học sinh vi phạm. Nhà trường lập Đội Cờ đỏ do học sinh phụ trách để chấm điểm thi đua giữa các lớp. Trong các tiêu chí này, chửi thề bị trừ năm điểm, vô lễ bị trừ 10 điểm.
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi) đứng lớp đầu tiên vào năm học 1999-2000, tại trường THCS Hiền Ninh. Một năm học sau, cô chuyển đến trường THCS Hải Ninh rồi vừa chuyển về trường Duy Ninh đầu năm học 2018-2019, được phân công chủ nhiệm lớp 6.2.
Lớp 6.2 được đánh giá có nhiều học sinh hiếu động, nghịch ngợm. Từ đầu năm đến nay, lớp thường đứng thứ 9-10, cuối bảng thi đua toàn trường. Vi phạm nặng nhất lớp này thường mắc phải là chửi thề. "Trong họp giao ban hàng tháng, nhà trường thường động viên cô Thủy có biện pháp để nâng cao chất lượng lớp học", cô Lệ Anh nói.
Vừa dạy thay môn Toán tại lớp 6.2 được hai buổi, thầy giáo đứng lớp nhận thấy có "nhiều em ngồi học liên tục cựa quậy, nghịch ngợm". Chủ nhiệm lớp kế bên, nữ giáo viên cho biết cô Thủy thường đến sớm về muộn, "có nhiều nỗ lực để ổn định lớp". Cô này kể hôm phạt tát chỉ xảy ra ít phút giờ ra chơi, nhiều em nghịch ngợm, chạy lên quẹt qua hai bên má của nam sinh bị phạt rồi chạy đi chơi.
Lớp học trống nhiều bàn vì học sinh lớp 6.2 được mời làm việc với nhà chức trách Quảng Ninh để làm rõ vụ án. Ảnh: Hoàng Táo
Việc giáo viên chủ nhiệm đặt quy định "phạt tát", cô Lệ Anh nói biết thông tin qua học trò và khẳng định việc này mới xảy ra hơn một tuần. Nữ hiệu trưởng thừa nhận đây là phương pháp sai, phản sư phạm. Đầu năm học, nhà trường yêu cầu toàn bộ giáo viên viết cam kết về nhiều nội dung, trong đó có mục "không hành động bạo lực, xúc phạm học sinh". Việc đánh giá giáo viên cũng dựa vào nhiều tiêu chí, chứ không đặt nặng thành tích thi đua của lớp học.
Theo tường trình, trong buổi học chiều 19/11, nghe học sinh báo em Hoàng Long Nhật chửi tên phụ huynh của bạn bên cạnh, cô Thủy yêu cầu 23 học sinh phạt Nhật bằng cách tát vào má. Mỗi người tát 10 cái, nếu tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại.
Quá trình bị phạt, Nhật chửi thề thêm một lần và bị cô tát một cái. Cô Thủy chỉ chứng kiến một phần quá trình các bạn tát Nhật, rồi đi ra ngoài.
Nhật sau đó phải nhập viện điều trị. Thừa nhận việc làm của mình là sai trái, cô Thủy giải thích do nóng giận và áp lực thi đua. Hiện, cô này bị đình chỉ công tác 15 ngày để làm rõ vụ án.
Luật sư Võ Công Hạnh (Giám đốc Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng nếu kết quả giám định thương tật cho thấy tổn hại của Nhật từ 11% trở lên thì cô giáo bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích.
Nếu không thỏa mãn điều kiện trên, cô giáo có thể bị truy cứu về tội Hành hạ người khác, bởi giữa cô giáo và học sinh là mối quan hệ lệ thuộc nên cấu thành hành vi này. Mức độ nghiêm trọng được thể hiện qua việc gây sự đau đớn về thể xác, có sự lặp đi lặp lại và trong thời gian nhất định. Ở tội này, mức phạt từ một năm đến ba năm, theo điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh và xử lý nghiêm với sự việc "học sinh bị tát 231 cái vào mặt", báo cáo trước 5/12.
Ông Hoàng Đăng Quang khẳng định hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tính, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành giáo dục và dư luận xã hội.
Hoàng Táo
Theo VNE
Mạnh tay trị bạo lực học đường! Sau vụ em học sinh bị phạt 231 cái tát, nhiều ý kiến cho rằng cần phải mạnh tay chấn chỉnh bạo lực học đường, hết sức quan tâm đến vấn đề tâm lý của giáo viên lẫn học sinh. Vụ việc học sinh HLN lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng cách...