Vụ hàng trăm trẻ em nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Cần phải khởi tố vụ án
Theo chuyên gia pháp lý, việc hàng trăm trẻ theo học tại trường học bị nhiễm sán do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn của nhà trường là hậu quả rất nghiêm trọng.
Xét về tính chất của vụ việc, cần thiết phải khởi tố vụ án để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2.000 trẻ từ 1 đến 10 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được đưa đi xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Kết quả cộng dồn của những ngày qua tại hai viện này cho thấy, đã có 1.700 mẫu có kết quả, ghi nhận 209 ca dương tính.
Clip: Hàng trăm phụ huynh trường mầm non Thuận Thành đưa con đi xét nghiệm
Trước đó, năm 2018, cơ quan y tế đã từng phát hiện một ổ bệnh với hơn 100 người mắc sán lợn ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Khi đó, đã phát hiện 108/904 người có kết quả xét nghiệm dương tính sán lợn. Tuy nhiên đến nay, “kỷ lục” này đã bị Bắc Ninh vượt xa.
Sáng 18/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Lê Văn Thiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm bẩn vào trường học.
Theo đó, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015, về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
“Vụ việc đã gây ra những hệ lụy xã hội rất nguy hiểm, hỗn loạn cho xã hội. Gây ảnh hưởng niềm tin đối với ngành giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hậu quả đã có và nó sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau chứ không chỉ ngày một ngày hai”, luật sư Thiệp nói.
Để làm rõ và có căn cứ cụ thể khởi tố vụ án, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần thu thập, tổng hợp những chứng cứ mà phụ huynh cung cấp liên quan đến việc cung cấp, sử dụng thực phẩm bẩn ở trường. Các mẫu thực phẩm thu được cần đưa đi xét nghiệm.
Cần chứng minh được việc đơn vị cung cấp thịt và nhà trường tiếp nhận thực phẩm biết được số hàng đó không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vẫn cố ý cung cấp cho trẻ sử dụng. Và phải trưng cầu giám định số trẻ đã nhiễm sán để xem xét tỉ lệ tổn hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của nạn nhân làm căn cứ xác định hậu quả thiệt hại do hành vi cung cấp thực phẩm bẩn gây ra.
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan chức năng. Khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can cần áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em quy định tại Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017″, vị luật sư nhấn mạnh.
Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo nguoiduatin
Hơn 1.000 trẻ phải xét nghiệm sán lợn: Phải đi đến cùng vụ việc
Sau khi các phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tố cáo nhà trường đã sử dụng thịt lợn nhiễm sán và thịt gà bị hỏng trong thực đơn của trẻ bán trú, câu chuyện đã nghiêm trọng hơn khi ngay sau đó 2 bé được phát hiện bị mắc sán lợn.
Ngay lập tức, cơn hoảng loạn lan nhanh trong các gia đình có con học ở các trường do Công ty TNHH đầu tư Tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm, vì ngoài Trường mầm non Thanh Khương, còn 19 trường học nữa cũng do Công ty này cung cấp thực phẩm. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, đã có khoảng 1.500 cháu bé ở Bắc Ninh được đưa đến các bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm xem có mắc sán lợn hay không. Bước đầu, đã phát hiện 124 cháu bé có nhiễm sán lợn. Còn rất nhiều kết quả chỉ có được vào đầu tuần này và nhiều khả năng, số cháu mắc sán sẽ không dừng ở con số đã có.
Hôm qua (16.3), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương đã đon gần 1000 bé đến xét nghiệm tìm bệnh sán lợn và con sô nay đang tiếp tục tăng.
Đây thật sự là một cơn rúng động xã hội, vì sự việc xảy ra ở môi trường giáo dục và nạn nhân là các cháu bé hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ, tự nhận biết trước những gì nguy hại cho bản thân. Cho dù nguyên nhân của việc các bé bị mắc sán có liên quan đến công ty cung cấp thực phẩm hay không vẫn chưa được ngành y tế kết luận, thì theo các clip mà phụ huynh tố cáo, việc cho trẻ ăn thịt lợn có sán, thịt gà không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn là có thật. Nếu như có mối liên quan giữa việc trẻ bị bệnh với nguồn thực phẩm bẩn, thì đây là một tội ác.
Việc cho trẻ sử dụng thực phẩm bẩn dù thế nào vẫn không thể tha thứ được. Bởi là sự cố tình của cả một hệ thống, chứ không phải của một người, càng không phải là do vô tình. Khi mổ con lợn có sán, người ở lò mổ có biết hay không? Tôi tin rằng với kinh nghiệm của họ, mắt thường cũng có thể phát hiện được. Lại nữa, ở các lò mổ, các khu vực nhập thịt của công ty, phải có lực lượng cán bộ thú y kiểm dịch để đóng dấu lên những con lợn khẳng định đó không phải là lợn bệnh. Vậy thì ai đã đóng dấu kiểm dịch lên những con lợn "bẩn" để đưa vào Trường mầm non Thanh Khương? Nếu có, phải làm rõ trách nhiệm của những người đã đóng dấu kiểm dịch lên các con lợn này!
Còn trong trường hợp những con lợn bệnh không có dấu kiểm dịch, thì câu chuyện càng trở lên nghiêm trọng, bởi đã chứng tỏ đơn vị cung cấp thực phẩm biết là lợn bệnh nhưng vẫn cố tình đưa vào trường. Chưa hết, số thịt bệnh lọt qua được các khâu trước khi đến nhà trường, nhưng khi nhà trường tiếp nhận, thì người ký nhận thực phẩm, nhất là người chế biến thịt lợn sán, thịt gà hư hỏng, lẽ nào lại không biết đây là thực phẩm bẩn, không nên dùng cho người, chứ đừng nói đến trẻ nhỏ? Những người này có báo cáo lên cấp trên của họ hay không? Tất cả những điều này phải được làm rõ, để qui trách nhiệm ở từng khâu, cũng chính là làm rõ tội ác đã không được ngăn chặn ở cấp nào!
Được biết, khi cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc cung cấp thực phẩm của Công ty TNHH đầu tư Tài chính Hương Thành, đã phát hiện có một số vi phạm. Một công ty có nhiều vi phạm mà vẫn được 20 trường học nhập thực phẩm, cũng là điều phải đặt câu hỏi vì sao, để làm rõ nguyên nhân của tội ác này!
Trường mầm non Thanh Khương.
Vụ việc ầm ĩ suốt nhiều ngày qua. Các phụ huynh cuống cuồng mang con ra các bệnh viện chuyên ngành để khám. Khoảng 1.500 gia đình mang con đi xét nghiệm, là một vấn đề lớn của xã hội, khiến ngành y tế đặc biệt quan tâm và Bộ Giáo dục -Đào tạo đã lên tiếng, báo chí vào cuộc rầm rộ.
Lẽ ra trước diễn biến bất bình thường như trên, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Ninh phải có những giải pháp kịp thời, như chủ động phối hợp với ngành y tế tỉnh để truyền thông, trấn an các gia đình học sinh, hoặc đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ các gia đình làm các xét nghiệm. Ít nhất là cử người đến các bệnh viện đang rất đông học sinh xét nghiệm để nắm bắt tình hình.
Thế nhưng lạ lùng là đến giờ này, chiều 17/3, vẫn tuyệt không thấy Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Ninh có ý kiến gì. Sự im lặng của Sở Giáo dục -Đào tạo tỉnh Bắc Ninh như bày tỏ rằng Sở này vô can trong câu chuyện động trời trên, mặc kệ các gia đình xoay xở và mặc kệ sự vào cuộc của ngành y tế!
Mới có ngành y tế địa phương lên tiếng khi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh các trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Đặc biệt, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho học sinh ở các trường mầm non đã nhập thực phẩm do Công ty Hương Thành cung cấp, rồi đưa toàn bộ các mẫu máu đến viện đầu ngành để làm xét nghiệm, nhằm giúp cho các gia đình phụ huynh không phải đưa con ra Hà Nội để xét nghiệm.
Vụ việc "động trời" này chính là lời cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học, đồng thời cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đi đến cùng vụ việc, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan và xử lý nghiêm, nhằm bảo vệ trẻ nhỏ khỏi những hậu quả đau lòng.
Theo Danviet
Hơn 1.500 trẻ ở Bắc Ninh khám sán lợn, 151 ca nhiễm bệnh Đến hết ngày 17/3, hơn 1.500 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được khám, làm xét nghiệm sán lợn ở bệnh viện của Hà Nội. Kết quả ghi nhận 151 bé dương tính. Chiều tối 17/3, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay trong...