Vũ Hán dần hồi sinh
Cô dâu mặc áo cưới, tạo dáng cùng chú rể bên Đông Hồ ở Vũ Hán, kéo vội khẩu trang xuống trong giây lát để chụp ảnh rồi lại kéo lên.
Ở công viên gần đó, một bé trai ngồi trên võng treo giữa tán cây, được ông nội đẩy qua đẩy lại, trong lúc những gia đình khác cắm trại và trải thảm ra bãi cỏ, tận hưởng buổi chiều chủ nhật nắng ấm.
Dấu hiệu của sự sống bắt đầu hồi sinh tại Vũ Hán, thành phố khởi phát Covid-19 ở Trung Quốc, khi người dân bắt đầu quay lại làm việc và vui chơi sau 76 ngày phong tỏa. Ở cây cầu gần sông Trường Giang, người ta xúm lại xem một người đàn ông múa hát, còn những người ưa bơi lội đang ngụp lặn dưới dòng nước.
Cô dâu chú rể sau buổi chụp hình ở Đông Hồ, Vũ Hán, hôm 20/4. Ảnh: AFP.
Trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi ở Vũ Hán mở cửa trở lại hồi cuối tháng 3. Khách hàng khi đó phải kiểm tra thân nhiệt, trình mã sức khỏe trên ứng dụng điện thoại, cho biết họ có nguy cơ nhiễm nCoV hay không.
Cuối tuần trước, một số cửa hàng nhỏ được phép mở cửa đón khách mà không cần kiểm tra thân nhiệt, còn cửa hàng ở khu mua sắm ngoài trời Hanjie đã ngừng kiểm tra mã sức khỏe.
Đường phố Vũ Hán thậm chí bắt đầu ùn tắc trở lại, với dòng xe chạy chậm trên đường tới ga tàu và những đường hầm xuyên qua sông Trường Giang trong giờ cao điểm tuần trước.
Học sinh cuối cấp trung học ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc sẽ quay lại trường vào 6/5, trong khi nhiều người lao động đã tới công sở làm việc.
“Có thể sẽ mất một thời gian nữa nhịp sống mới quay về bình thường, nhưng mọi thứ đang đi theo chiều hướng tốt”, Bai Xue, 24 tuổi, nói.
Tuy số ca nhiễm mới trong thành phố đã giảm dần và nhịp sống bắt đầu khôi phục, nỗi sợ về người nhiễm nCoV không triệu chứng và các ca nhiễm ngoại nhập khiến Vũ Hán luôn đề cao cảnh giác.
Người đi tàu điện ngầm được khuyến khích quét mã QR để đăng ký chính xác toa tàu đã lên. Trước cửa các ngân hàng trên phố, người ta ngồi xếp hàng, cách nhau một khoảng an toàn. Các ủy ban khu phố tiếp tục theo dõi người ra vào khu dân cư, trong khi rào chắn ở nhiều nơi trong thành phố 11 triệu dân này vẫn chưa được dỡ bỏ.
Vũ Hán có lý do để sợ hãi vì cơn bão nCoV quét qua thành phố đã khiến hơn 50.000 người lây nhiễm và hơn 3.800 người tử vong. Thành phố công nghiệp cũng đối mặt với tình trạng kinh tế bất ổn, nhiều cơ sở kinh doanh bị tổn thất nặng tới nỗi không trả nổi tiền thuê nhà, trong khi lệnh hạn chế di chuyển trong thành phố ảnh hưởng tới việc bán hàng.
“Chúng tôi có rất ít, rất ít khách hàng”, Han, 27 tuổi, chủ một quầy bán sữa đậu nành ở trung tâm Vũ Hán nói. “Mọi người đều lo lắng về người nhiễm không triệu chứng. Việc kinh doanh không tốt như trước”.
Chính quyền đang kích cầu tiêu dùng bằng cách tung ra các “phiếu mua hàng” có tổng trị giá gần 71 triệu USD sử dụng ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng và quán bar toàn thành phố. Nhưng nhiều nhà hàng vẫn chưa mở cửa lại, còn những nơi đã mở cửa chỉ bán mang đi hoặc kê bàn ngồi ngoài trời.
Video đang HOT
Một người dân Vũ Hán đứng bên bờ nghỉ ngơi sau khi bơi lội ở sông Trường Giang hôm 16/4. Ảnh: AFP.
Trời tối, Vũ Hán lại chìm trong tĩnh lặng, đa số hộp đêm và quán bar vẫn bị cấm. Quán bar Hot & Crazy Sugar Daddy nằm bên sông Trường Giang là nơi giải trí duy nhất trong khu phố mở cửa tối thứ sáu, nhưng không một bóng khách hàng.
Ở khu vực gần Đại học Vũ Hán, đường phố vắng tanh vào thứ bảy, trong khi các quán ăn vỉa hè vốn đông sinh viên vẫn đóng cửa. Chợ đêm Huquan yên ắng sau hàng rào chắn. Người dân Vũ Hán cảm thấy còn quá sớm để ăn mừng.
“Cuộc sống của tôi không tốt lắm”, Li Xiongjie, 30 tuổi, người dân địa phương mất việc vì dịch bệnh, nói. “Có điều, sống được là thắng rồi, sống sót là điều quan trọng nhất”.
Hồng Hạnh
Vũ Hán "hồi sinh" và "di chứng" của dịch Covid-19
Với Vũ Hán, 76 ngày qua là quãng thời gian giành giật sự sống để thành phố này "hồi sinh" từ kẻ thù mang tên SARS-CoV-2.
Khoảng 2h sáng 23/1 (tức 29 Tết), Ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vũ Hán ra thông báo số 1, tuyên bố "phong thành" - đóng cửa Vũ Hán. 76 ngày sau, vào lúc 0h ngày 8/4/2020, Vũ Hán chính thức dỡ bỏ phong tỏa, khôi phục hoàn toàn giao thông với bên ngoài.
76 ngày là một quãng thời gian không dài trong một đời người và càng ngắn ngủi trong lịch sử phát triển của một thành phố, nhưng với Vũ Hán đó là quãng thời gian giành giật sự sống để thành phố này "hồi sinh" từ kẻ thù mang tên SARS-CoV-2.
Một người dân Vũ Hán lập tức thưởng thức món mỳ trộn nóng quen thuộc sau khi mua được. (Ảnh: Modern Express)
Mỳ trộn nóng 1 ngày bán 30.000 bát
Nếu như ở Hà Nội được ăn một bát phở vào bữa sáng là mong mỏi và thói quen không thể thiếu của rất nhiều người, thì ở Vũ Hán đó là món mỳ trộn nóng. Đây là một trong những món ăn dân dã, quen thuộc, truyền thống và nổi tiếng nhất của người dân Vũ Hán.
Ngày 23/3 vừa qua, quán Thái Lâm Ký, một chuỗi cửa hàng lâu năm nổi tiếng chuyên bán mỳ trộn nóng và nhiều món ăn truyền thống khác ở Vũ Hán bắt đầu bán hàng online. Đến nay, hơn 30 trong số hơn 80 cửa hàng thuộc chuỗi nhà hàng này đã chính thức mở cửa trở lại với lượng bán hơn 30.000 bát mỗi ngày.
Mặc dù trung bình mỗi cửa hàng mới chỉ bán được khoảng 1.000 suất/ngày, chưa thể so với mức hơn 5.000 bát trong Tuần lễ vàng nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2019, nhưng cuộc sống thường nhật được ăn 1 bát mỳ trộn nóng vào bữa sáng tại một quán quen nổi tiếng của người dân Vũ Hán đang dần trở lại.
Chị Lý, một người dân Vũ Hán, tay cầm bát mỳ nóng hổi vừa mua ngồi ngay lề đường và vội, nói: "Hôm nay được ăn bát mỳ, dù là việc rất nhỏ, nhưng tôi thấy tự hào. Vậy là Vũ Hán được vực dậy rồi. Cuộc sống của chúng tôi đã trở lại."
Sân bay quốc tế Thiên Hà thành phố Vũ Hán xịt khuẩn trước giờ dỡ bỏ phong tỏa. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Phục hồi sản xuất
76, 14, 14 đó là những con số đầy ý nghĩa đối với Vũ Hán. 76 là số ngày Vũ Hán bị phong tỏa, 14 ngày đầu là số ngày được tính từ 11/3, thời điểm Hồ Bắc lần đầu tiên nhắc đến cụm từ "phục công phục sản" (tức quay trở lại làm việc và khôi phục sản xuất), đến ngày 25/3 Hồ Bắc tuyên bố dỡ bỏ kiểm soát giao thông các địa phương trong tỉnh trừ Vũ Hán.
14 ngày tiếp theo là từ thời điểm 25/3 đến ngày 8/4 dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán. Cũng giống như những người bệnh của mình buộc phải cách ly tập trung 14 ngày sau khỏi bệnh và tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày nữa, Vũ Hán, thành phố đang dần phục hồi sau khi mang trong mình virus gây đại dịch, cũng phải trải qua 28 ngày cách ly.
Ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Vũ Hán. Chỉ 1 ngày sau đó (11/3), nhà chức trách Trung Quốc thông báo các công ty quan trọng có thể nối lại hoạt động tại thành phố Vũ Hán. Đây là tín hiệu cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát tại đây và đã đến lúc tập trung khôi phục kinh tế.
Ngay sau đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh hay dịch vụ công cộng ở Vũ Hán đã nối lại hoạt động và đi vào sản xuất ngay lập tức. Ngoài ra, các công ty ở Vũ Hán có vai trò quan trọng trong "những chuỗi sản xuất toàn cầu" cũng được hoạt động trở lại sau khi được cấp phép. Các công ty khác bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất sau ngày 20/3.
"Việc khôi phục lại công việc và sản xuất tại thành phố Vũ Hán đang diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả tốt hơn cả mong đợi", ông Hồ Á Ba, Phó thị trưởng thường trực thành phố Vũ Hán đã cho biết như vậy trong một cuộc họp báo hôm 5/4 vừa qua.
Ông cho biết, tỉ lệ nối lại công việc của các công ty trong ngành công nghiệp tại thành phố Vũ Hán đã đạt 97,2% tính đến 4/4 và 93,2% các công ty dịch vụ lớn đã hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ, như hợp tác với các tổ chức tài chính để thành lập quỹ trị giá 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,82 tỷ USD), trợ cấp và cắt giảm phí để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Dịch bệnh sẽ gây ra những khó khăn nhất thời cho sự phát triển kinh tế xã hội của Vũ Hán trong thời gian ngắn sắp tới, nhưng sẽ không thể thay đổi xu thế tốt lên trong dài hạn và cất cánh khi đủ lực của thành phố", Phó thị trưởng Hồ Á Ba nói.
Ông Lưu Á Ba, Phó Thị trưởng thường trực thành phố Vũ Hán. (Ảnh: Nhật báo Khoa học Công nghệ Trung Quốc)
Di chứng và những nỗi lo
Giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, chính vì vậy, ngày 25/3, xe buýt nội đô ở Vũ Hán đã chính thức hoạt động trở lại, tàu điện ngầm cũng bắt đầu vận hành vào ngày 28/3. Sân bay, bến xe lửa và tàu cao tốc đã được khử trùng và chỉ đợi thời khắc 0h ngày 8/4.
Vậy phải chăng Vũ Hán đã hoàn toàn "bình phục"?
Giờ đây, các bệnh viện lớn ở Vũ Hán đã dần hoạt động bình thường trở lại. Chỉ riêng từ 12h ngày 29/3 đến 12h ngày 30/3, đã có hơn 24.000 lượt người đến khám.
Để tránh tập trung đông người trong bối cảnh vẫn còn bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, nhiều nơi đã phải yêu cầu bệnh nhân đăng ký trước trên mạng; nếu buộc phải nằm viện, sẽ phải làm xét nghiệm axit nucleic. Một số bệnh viện còn có thêm chức năng tái khám cho các bệnh nhân Covid-19 sau hồi phục, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh nền.
Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc cơ sở Quang Cốc từ ngày 5/3 là nơi đầu tiên trong toàn tỉnh Hồ Bắc có phòng khám sau hồi phục cho bệnh nhân Covid-19. Đây chính là nơi nắm bắt và xử lý những "di chứng" sau khi ra viện của các ca bệnh đã được chữa khỏi.
Chị Dương Kỳ, một người dân Vũ Hán, nhiễm SARS-CoV-2 tầm 27/1, ngày 29/2 chị được xuất viện, đến ngày 15/3 được về nhà sau khi đã cách ly tập trung. Là bệnh nhân dạng nặng trong các trường hợp nhẹ, nhưng dù đã được về nhà sau thời gian dài điều trị và cách ly, chị vẫn có các triệu chứng hụt hơn, thở không đều.
Hay như chị Vương Lệ, 46 tuổi, trong 4 ngày đầu về nhà sau cách ly, chị luôn cảm thấy tức ngực nghiêm trọng, "phải hít thật sâu, oxy mới vào được", nhưng yêu cầu thở oxy ở viện của chị đã không được chấp nhận vì không đủ tiêu chuẩn.
Bác sỹ Tiêu Minh Trung, Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc, người phụ trách phòng khám sau hồi phục cho biết, những ngày đầu, phòng khám chỉ tiếp nhận tối đa 30 bệnh nhân, giờ đã tăng dần lên và đến nay đã có 1000 người đến khám.
Có người sau khi khỏi bệnh vẫn có các triệu chứng, như ho, tức ngực, hụt hơn, ra mồ hôi, mất ngủ...; có những người phổi chưa phục hồi hoàn toàn, có biểu hiện xơ; cũng có người khám lại sau 14 và 28 ngày cách ly. Mỗi loại bệnh nhân trên chiếm khoảng 1/3.
Trong quá trình khám bệnh, bác sỹ Tiêu Minh Trung cũng phát hiện, ngoài những tổn thương gây ra cho tim, gan, thận, thì lượng đường trong máu của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Có 1 bệnh nhân tầm 70 tuổi mà ông từng khám, không chỉ viêm phổi vẫn còn khoảng 10%-20% và có xơ, mà mỗi lần ăn cơm xong chỉ số đường huyết của người bệnh cao hơn hẳn trước đó.
Có những bệnh nhân thay vì dùng 1, 2 loại thuốc như trước đây, này phải dùng tới 3,4 loại, nhưng chỉ số vẫn không hạ. Là một bác sỹ nhưng ông không thể lý giải nguyên lý của những hiện tượng này. Theo bác sỹ Trung, "đây là một căn bệnh hoàn toàn mới, việc nó ảnh hưởng ra sao tới cơ thể người bệnh, vẫn cần theo dõi một thời gian dài nữa".
Bên cạnh đó, những trở ngại về tâm lý cũng đang là rào cản với không ít các y bác sỹ và những bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán. Đã có khoảng 300 bác sỹ tâm lý ở tỉnh khác được đưa đến Vũ Hán.
Bác sỹ Ngũ Nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế Thần kinh thành phố Thượng Hải là một trong số đó. Ông chia sẻ, vào thời kỳ đen tối nhất, đối mặt với những dòng người ùn ùn đổ về khám bệnh, các nhân viên y tế đã phải chịu những áp lực vô cùng lớn, trong khi vật tư phòng hộ thiếu thốn buộc họ phải làm việc thời gian dài.
Cộng thêm mỗi ngày chứng kiến hàng loạt người bệnh ra đi, có những người họ vừa mới bón cơm trước đó không lâu, làm các y bác sỹ ở đây kiệt quệ về tinh thần. Những y tá trẻ là những người phải chịu đựng các vấn đề về tâm lý nhiều nhất và hơn ai hết họ rất có nhu cầu về trị liệu tâm lý.
Sau y bác sỹ, giờ tới những bệnh nhân hồi phục. Bác sỹ Ngũ Nghị kể, từng có một bệnh nhân nặng hơn 70 tuổi tìm đến ông. Cụ ông này đã mất vợ từ 8, 9 năm nay, hiện đang ở cùng con gái cả. Lúc mắc bệnh, để tránh lây nhiễm, ông không được người nhà chăm sóc.
Đã có lúc nghĩ quẩn, cụ sợ các con không còn quan tâm mình nữa, chúng đang xa lánh, thậm chí bỏ rơi mình. Còn có những bệnh nhân luôn cho rằng trong người mình có virus nên đặc biệt quan tâm đến những hành vi dù rất nhỏ của hàng xóm, người quen khi có ai đó có ý né tránh mình.
Đó là đối với những người bệnh, còn với chính Vũ Hán, dỡ bỏ phong tỏa không đồng nghĩa với thành phố này đã "hồi phục" hoàn toàn. Ông Vương Trung Lâm, Bí thư thành ủy Vũ Hán cho rằng, Vũ Hán đang được "khởi động lại" sau 76 ngày phong tỏa, đây là sự kiện "mang ý nghĩa cột mốc" trong công tác phòng chống dịch của cả nước Trung Quốc, là niềm mong mỏi của người dân nơi đây, nhưng cũng là "thử thách" mới đối với Vũ Hán.
Phố đi bộ nổi tiếng Vũ Hán những ngày đầu tháng 4. (Ảnh: The Paper)
Trước thời điểm ngày 8/4 không lâu, một thông báo về việc thiết lập cơ chế lâu dài trong phòng chống dịch và làm tốt công tác quản lý các khu dân cư đã được Vũ Hán đưa ra. Theo đó, thành phố này có thể tiến hành những "điều chỉnh thích hợp" đối với các tòa nhà và khu dân cư bị cách ly do dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với những tiêu chuẩn và yêu cầu quản lý khép kín.
Người dân ra vào tại đây vẫn phải khai báo thông tin cá nhân, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang, đồng thời được khuyến cáo hạn chế tối đa ra ngoài khi không cần thiết, nhằm chặn đứng nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc đi lại của các cư dân Vũ Hán vẫn sẽ bị quản lý chặt chẽ sau khi dỡ bỏ phong tỏa.
Nỗi lo bùng phát dịch lần 2 sau ngày 8/4 vẫn đang đè nặng lên vai lãnh đạo Vũ Hán. Nơi khởi phát đại dịch Covid-19 toàn cầu này vẫn cần đi tiếp một quãng đường dài nữa mới có thể thực sự "bình phục" sau cơn bạo bệnh./.
Bích Thuận
Công việc nguy hiểm của tình nguyện viên TQ tham gia chống Covid-19 Vào thời điểm người dân Vũ Hán buộc phải ở trong nhà theo lệnh phong tỏa do Covid-19, anh Lin Wenhua đã đảm nhận công tác tình nguyện, cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh. Người dân thành phố Vũ Hán cho biết, những tình nguyện viên đã nắm vai trò quan trọng trong việc giữ dòng chảy hàng hóa tiếp tục...