Vụ gỗ huê trăm tỉ: Diễn biến khó hiểu!
Đã một tháng trôi qua kể từ ngày một nhóm người ở xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình) hạ 3 cây huê và bán cả trăm tỉ đồng, chính quyền tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng vẫn lúng túng, chưa khởi tố vụ án… khiến vùng quê này vẫn bất an với nạn giang hồ tứ chiếng.
Hôm qua, 13.5, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xác nhận nguồn tin, từ phát hiện của báo chí, UBND tỉnh đã chỉ đạo làm rõ thông tin nghi vấn các cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc trong việc đốn hạ và tẩu tán gỗ huê.
Nguồn tin cho biết, trước mắt có hai người phải viết bản tường trình. Nhân vật thứ nhất là Hạt phó Hạt kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng Hoàng Văn Quế. Ông Quế bị cho là có liên quan đến vụ để cho (ước tính) cả trăm gùi gỗ huê lọt qua trạm Trộ Mơợng đêm 1.5. Nhân vật thứ hai là Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Trộ Mơợng Trần Đức Tiến. Ông này bị xem xét vì 3 cây huê bị đốn hạ, đào bới thuộc về lâm phần trạm này quản lý và có dấu hiệu nghi vấn là đã biết việc đốn hạ 3 cây huê từ trước nhưng không báo cáo lên cấp trên.
Nguồn tin này cho hay, tư tưởng chỉ đạo là “kiên quyết loại bỏ những phần tử trong lực lượng của ta (bảo vệ rừng) nhưng tiếp tay cho địch (đầu nậu gỗ huê) nếu có”. Tuy nhiên, ông này lại than “rất khó, khó lắm”.
5 hộp gỗ huê lớn bị thu giữ đêm 7.5 có giá ước 13 tỉ đồng – Ảnh: T.Q.N
Điệp khúc “họp – bàn”
Từ ngày xảy ra vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chủ trì nhiều cuộc họp với các ngành chức năng, nội dung các cuộc họp không được ông Hoài tiết lộ, chỉ cho biết là tỉnh “quyết tâm xử lý vụ việc”.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính cũng đã chủ trì… họp. Trả lời báo chí, ông cũng biểu lộ sự quyết tâm của tỉnh nhưng quyết tâm đó thế nào thì giao cho văn phòng thông báo đến báo chí. Tuy nhiên, sau đó, báo chí không hề nhận được thông tin từ văn phòng như bí thư nói.
Điều đáng nói là, trong cuộc họp đầu tiên vào chiều ngày 22.4, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng xác minh “tin đồn” (trúng gỗ huê trăm tỉ) đồng thời, triển khai lực lượng để ngăn chặn có hiệu quả nếu tin đồn là có thật với quyết tâm không để một que gỗ lọt ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cũng biểu thị: Vườn đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và cũng đã lên phương án ứng phó nếu tin đồn là có thật. Vườn cũng đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Lãnh đạo các xã trong vùng cũng quyết tâm không kém khi cho hay, đang tìm cách ngăn chặn người dân vào rừng, tránh gây áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng.
Thế nhưng, sau đó một tuần, giang hồ tứ chiếng xuất hiện rầm rộ tại khu vực nói trên và các cuộc hỗn chiến liên tục xảy ra với một số lượng lớn người tham gia (cuộc đập phá tan nát một chiếc xe đêm 5 rạng 6.5). Và sự việc đã không ngừng diễn tiến phức tạp khi giang hồ mang xe và hung khí vào tận nhà dân cướp gỗ.
“Nhân vật” chính đang ở đâu?
22 ngày sau khi sự việc được đặt lên bàn nghị sự của cơ quan chức năng nhưng nhóm lâm tặc đang ở đâu, đầu nậu nào đã mua gỗ, mua bao nhiêu, số lượng gỗ ra khỏi rừng, ai đã tiếp tay… vẫn còn là ẩn số.
Cơ quan chức năng đã có danh sách 11 người tại xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch) thuộc diện nghi vấn được cho là phát hiện và đốn hạ 3 cây huê. Tuy nhiên, họ đang ở đâu, làm gì thì không ai biết; chỉ biết là họ không có mặt tại địa phương. Dân trong vùng, có người cho rằng, nhóm đó đang lẩn trốn trong rừng nhưng có người lại bảo họ đã thoát đi các tỉnh thành khác, thậm chí ra nước ngoài (?).
Video đang HOT
Anh H., ở xã Phúc Trạch nói có một số dân được cội bị cướp sạch. H., kể vanh vách rằng anh cũng theo dòng người vào rừng, nhưng vào muộn nên không được gì. Trên đường đi vào, chính anh bắt gặp nhóm gùi 11 hộp và khúc gỗ huê ra (nhóm này sau đó bị lực lượng kiểm lâm phục kích thu giữ 5 hộp vào tối 7.5 – NV) và ngay ở trong rừng đã bị trấn cướp 4 hộp. Băng giang hồ đó nằm quấn trong võng, mắc dọc các lối ra vào; mỗi lần có người đi qua, chúng chỉ hé mắt nhìn, nếu có gỗ thì vùng dậy cướp. Đi theo các băng nhóm đều có người “chỉ điểm” là dân địa phương nên mới biết ngọn ngành lối đi, ai lạ ai quen; người “chỉ điểm” luôn bịt kín mặt và không lộ diện trấn cướp. Tối đó, khi nhóm gùi gỗ đi qua liền bị chúng xông ra xịt hơi cay vào mặt và dùng súng khống chế những người còn lại để cướp gỗ.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn nghe được thông tin, ngay khi “trúng” huê, nhóm 11 người đó đã cưa 11 bộ ngựa dài, rộng và đẹp nhất mang về làm… kỷ niệm. Và khi thông tin chưa rộ lên, ông H. (ở xã Phúc Trạch, người được cho là dẫn đầu nhóm) đã rút 16 tỉ đồng tiền gửi tại một ngân hàng. Nhiều nhận định, tiền đó sử dụng vào công tác hậu cần ban đầu như mua lương thảo, lót đường và thuê người cưa, gùi. Một số nguồn tin khác cho hay, nhóm được cội thuê một người tên S., ở thôn 5, xã Xuân Trạch đảm nhận việc cưa xẻ toàn bộ 3 cây huê, tiền công lên đến 6 tỉ đồng.
Gỗ đã ra khỏi rừng?
Thời điểm cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, nhiều xe ô tô xịn của đầu nậu huê thường trực tại xã Phúc Trạch, Xuân Trạch. Nhất là những ngày cuối tháng 4, lúc lượng dân gùi gỗ ồ ạt từ rừng ra và đã xảy ra vụ bao vây, khống chế kiểm lâm ở Vực Trô để tẩu tán người và gỗ thì lượng xe xuất hiện nhiều hơn, đi rảo khắp vùng. Dường như hiện các đầu nậu đã hoạt động bí mật hơn, có thể việc thu gom đã xong hoặc nằm im chờ thời cơ. Trong thời gian qua, nhiều thông tin đồn đoán rằng, đầu nậu cỡ bự ở thị trấn Hoàn Lão (H.Bố Trạch) là H. “mía” mua được nhiều gỗ nhất. Giờ hỏi H. “mía”, người dân sành chuyện ở Hoàn Lão đều nói thấy ít xuất hiện hẳn và đại gia này cũng bị cướp không ít gỗ.
Một nguồn tin cho hay, không phải chỉ có những người chuyên buôn bán gỗ tham gia vụ này, mà nhiều người có tiền cũng vào cuộc vì lợi nhuận cao. Danh tính, hành tung của họ đã được công an chú ý. Cơ quan công an cũng đã mời H. “mía” đến kiểm tra thông tin bị cướp gỗ nhưng H. “mía” không thừa nhận.
Theo nguồn tin của chúng tôi, một lượng lớn gỗ đã ra khỏi rừng, một phần khác không ít vẫn “nằm chờ” trong đó. Nguồn tin này cho rằng, những vụ kiểm lâm bắt được (2 vụ Thanh Niên đã thông tin) chỉ là một phần trong “kịch bản” của các đầu nậu hướng sự chú ý vào bìa rừng để khối lượng lớn ra khỏi rừng dễ bề tẩu tán.
Sống trong lo lắng
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, rất nhiều người dân ở Phúc Trạch, Xuân Trạch vào rừng trước đó với hy vọng khấm khá nhờ huê đã trở về nhà, làng xóm đông đúc trở lại. Một trong những nguyên nhân khiến họ ra là vì những băng nhóm lạ mặt với “hàng nóng” trong tay, lúc nào cũng sẵn sàng uy hiếp. Việc cơ quan chức năng thu giữ được 18 viên đạn trong một gùi hàng, súng trong hốc cây và những tiếng nổ mìn phá đá lấy rễ huê càng khiến người đi rừng tin có những cuộc đọ súng.
Những tưởng trở về làng xóm, về nhà mình sẽ an toàn, yên ổn hơn nhưng người dân 2 xã đó đang sống trong lo lắng, sợ hãi. Lợi nhuận quá cao khiến tất cả mọi thứ đảo lộn, một số người địa phương đã cấu kết với giang hồ tứ xứ để tranh giành, cướp bóc. Việc người ở các tỉnh khác xa xôi nhưng vẫn có mặt đồn trú trong rừng sâu đã minh chứng điều đó. Giờ người dân nghi kỵ lẫn nhau, không biết ai ngay, ai gian. Bên cạnh đó xuất hiện thêm một dạng là lợi dụng việc gỗ kiểm lâm tịch thu hay bị giang hồ cướp để cất giấu, tẩu tán gỗ tập thể thành của cá nhân.
Dư âm, lòng thù hận của cuộc “hỗn chiến” vẫn còn âm ỉ thì tại xã Phúc Trạch xảy ra thông tin kẻ lạ mặt bất ngờ xông vào nhà rồi dùng dao kè cổ uy hiếp chị Nguyễn Thị Nga và cướp đi khúc gỗ huê giữa ban ngày ban mặt. Một cán bộ điều tra tỏ ra ngờ vực về vụ việc này và không loại trừ khả năng đó là một vụ cướp giả. Thật hay giả chưa rõ nhưng khi chúng tôi tìm đến nhà thì chị Nga tỏ ra rất tức tối và tránh mặt không tiếp xúc. Được biết, có 3 thanh niên dùng xe máy đuổi theo chiếc ô tô chở những kẻ lạ mặt nhưng không kịp. Một người dân sống gần nhà chị Nga lo lắng: “Chúng ngang nhiên quá, mà sao biết được trong nhà có huê hay không chứ. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện, ở đâu có vụ gì, ở đâu có gỗ, gỗ vừa từ rừng ra là ngay lập tức có mặt”.
“Chưa có căn cứ để khởi tố vụ án”
Phỏng vấn đại tá Nguyễn Văn Hiệu (ảnh), Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình.
Thưa ông, vì sao vụ việc diễn biến chậm?
- Tôi khẳng định việc khai thác, vận chuyển mua bán 3 cây huê ở trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng là một hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong rừng chưa bao giờ được khai thác gì cả, kể cả một con tắc kè. Vi phạm pháp luật thì có thể xử lý ở 2 mức độ, bằng hành chính hay hình sự, trên cơ sở căn cứ vào hậu quả vụ việc. Muốn xử lý thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ngay từ phiên họp đầu tiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho kiểm lâm và tôi cũng đã đề nghị phải khẩn trương xác định mức độ thiệt hại nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có ai xác định được tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả vụ việc. Cho nên căn cứ đầu tiên làm cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến nay chưa có. Việc nắm thông tin và xử lý ban đầu chậm, người ta khai thác cả tháng rồi mới biết; cũng có điều kiện khách quan là đường đi khó. Đến khi đoàn kiểm lâm đi vào cũng chỉ là xác minh, tổ chức khâu ban đầu chưa tốt, lẽ ra lúc đó phải xác định ngay, tổ chức một cuộc khám nghiệm, có thì làm ngay. Vấn đề bây giờ là phải làm ngay, công an, kiểm lâm, Viện kiểm sát, ban quản lý vườn và một số chuyên viên lâm nghiệp phải nhanh chóng đến hiện trường để xác định tính chất, mức độ thiệt hại. Trường hợp xác định được 10 hộp gỗ bị bắt là của 3 cây huê do 11 người đó khai thác thì việc khởi tố dễ dàng hơn.
Và có hướng tiếp cận 3 cây gỗ huê này ở một khía cạnh khác nữa, đó là quản lý nhà nước. 3 cây huê này nằm trong vườn quốc gia, chủ quản lý là Ban Quản lý vườn quốc gia; đó là tài sản nhà nước. Ban Quản lý vườn quốc gia chưa xác định được trong địa bàn mình quản lý còn khoảng bao nhiêu cây huê, không ai trả lời được, anh khoanh vùng nó thế nào, kiểm đếm từng lô từng khoảnh ra làm sao và anh phải đánh giá được giá trị cây huê này như thế nào.
Công an đã xác minh có thông tin “mua đường”?
Chưa có cơ sở để khẳng định có hay không.
Đã có 3 vụ thu giữ được gỗ huê, tại sao không bắt được đối tượng?
Ngay từ cuộc họp trước đó tôi đã nói muốn bắt được phải có nghiệp vụ, phương án. Thực tế sự kết hợp giữa các lực lượng cũng chưa đầy đủ, chặt chẽ. Tình hình người dân ở đó phức tạp. Lực lượng công an chỉ nắm, hỗ trợ vòng ngoài, vận động, ổn định dân còn trong đó là lâm phận của vườn.
Ông cho biết tình hình an ninh trật tự hiện nay?
Tương đối ổn, công an vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý. Chúng tôi tăng cường chốt chặn, kiểm soát, ngay cả những người mặc đồng phục kiểm lâm hay công an cũng kiểm tra đề phòng trường hợp giả dạng.
Theo Thanh Niên
Mất ăn, mất ngủ vì huê
Vụ 3 cây huê (sưa) cổ thụ bị đốn hạ ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ khiến nhiều người đổ xô vào rừng tìm huê, mà còn xáo trộn đời sống của những gia đình có loại gỗ này.
Rất nhiều người từ các chuyên gia, lãnh đạo hay thương lái một số tỉnh thành cất công tìm hiểu vì sao gỗ huê bỗng chốc được mua với giá ngất ngưởng, nhưng kết quả là những câu trả lời đại loại "không thể biết được". Công dụng của nó ra sao, mua để làm gì? Những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Một số giả định được đưa ra như được tinh xuất chế tạo vũ khí, thiết bị đặc biệt; có hương thơm xua đuổi được các loại côn trùng khiến phòng ốc, nhà cửa sạch sẽ; hoặc người Trung Quốc coi huê như một loại gỗ có giá trị phong thủy mà ai cũng muốn sở hữu... Nhưng tất cả vẫn chỉ là những lời đồn đoán. Chỉ biết rằng, tất cả các đầu mối thu mua gỗ huê đều hướng đến một thị trường: Trung Quốc.
Gỗ huê bị lực lượng chức năng thu giữ tối 7.5 tại xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch - Ảnh: T.Q.N
Ngược lại quá khứ, gỗ huê mới chỉ được "thổi" giá trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trước kia, gỗ huê cũng có giá trị nhưng không cao, thua một số loại như lim, táu... Một cán bộ đang công tác ở huyện Minh Hóa kể cầu thang nhà anh có đến 30 cọc gỗ huê. Thời đó, làm nhà không có tiền mua gỗ nên một người bạn tốt đã cho anh số cọc đó. Rất nhiều gia đình ở Quảng Bình đã dùng gỗ huê để làm nhà hay làm các vật dụng khác.
Chưa có manh mối nhóm vào nhà dân cướp gỗ Chiều 12.5, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng công an xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch), cho biết hiện cơ quan công an đang điều tra vụ cướp một khúc gỗ huê xảy ra trên địa bàn và vẫn chưa có thông tin gì về nhóm cướp gỗ. Trước đó, chiều 11.5, lúc chị Nguyễn Thị Nga (ở thôn Thanh Sen 1) đang ở nhà cùng đứa con nhỏ thì bị một nhóm người lạ mặt đi ô tô đến xông vào dùng dao uy hiếp, buộc phải khai nơi cất giấu khúc gỗ huê khoảng 20 kg (trị giá khoảng 600 triệu đồng). Quá hoảng sợ, chị Nga đã chỉ chỗ giấu gỗ huê và nhóm người này đã cướp gỗ đi mất. Ngay sau đó, một số thanh niên ở xung quanh nhà chị Nga dùng xe máy đuổi theo nhưng không kịp.
Vì vậy, khi huê bỗng hóa vàng, những gia đình có gỗ huê trong nhà cũng gặp không ít bi hài. Nhà anh H., ở huyện Quảng Ninh, có bộ tam sự bằng gỗ huê nhưng chẳng dám để nó trên bàn thờ thường xuyên vì sợ trộm cuỗm mất. Khi nào cúng thì mang ra, cúng xong lại đem cất kỹ. Mệt mỏi nhưng anh H. không thể bán đi vì đó là đồ thờ cúng ông bà. Hay trường hợp gia đình ông C., ở TP.Đồng Hới, phải mua một sợi xích to đùng về xích bộ bàn ghế gỗ huê sau khi đã hì hục mang lên đặt ở tầng hai. Thế nhưng ông chẳng an tâm vì cả nhà thường xuyên đi vắng, trong khi bọn trộm hiện nay có thể đưa cả xe cẩu đến trục đi bất cứ thứ gì. Không ít cơ quan tại tỉnh Quảng Bình cũng đang sở hữu bàn ghế bằng gỗ huê, có nơi đã bán lấy tiền mua sắm các thiết bị khác, nhưng có nơi chưa biết xử trí ra sao.
Chìm nổi với huê
Ai đời gỗ lại đi bán bằng cân! Hiện mỗi cân giá từ 3 đến 40 triệu tùy theo loại huê gì và là gốc, rễ, cành hay gỗ hộp. Với gỗ loại hộp dài 2,09 m, rộng 43 cm, dày 12 cm như lô bị lực lượng kiểm lâm thu giữ đêm 7.5 mới đây tại khu vực xóm Mới, thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch) thì giá có thể lên đến 40 triệu đồng/kg. Và huê trở thành ngọn nguồn của bao oái oăm, bao câu chuyện bi đát. Mất ăn mất ngủ vì huê, đâm chém, nhập viện vì huê, bị phê bình vì huê; huê khiến cho nội bộ lục đục, gia đình ly tán... cũng không ít người giàu lên nhờ huê.
Không phải lúc nào huê cũng giữ giá cao. Những năm 2007, 2008 huê rớt và đứng giá khiến một số thương lái điêu đứng, khuynh gia bại sản, thậm chí có người tự tử. Bởi họ vay tiền với lãi suất cao để gom huê nhưng sau đó phía Trung Quốc thông báo ngưng nhập hàng hoặc nhập ít và giá thấp. Thời điểm đó, cả Đồng Hới ai cũng nghe đồn chuyện đại gia L.H bể lô hàng lên đến 100 tỉ đồng. Thực sự có bể hay không thì chẳng ai biết, vì sau đó nhiều người cho rằng một số thương lái đã ghim hàng vượt cạn được. Và khi huê lên giá trở lại, họ lại thành tỉ phú.
Cũng trong năm 2007, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình bắt được một số vụ vận chuyển huê trái phép. Như vụ 600 kg cùng nhiều biển số ô tô, một bộ còi hú ưu tiên của cơ quan công an, mã tấu và một số hung khí khác trên xe 38H-777... tại xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch. Hay vụ gần 5 tấn huê trên tàu đánh cá mang số hiệu giả QB 3752.
Vườn huê nhân tạo
Cách Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chừng 15 cây số, có một "đại bản doanh" huê ở xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chủ nhân là gia đình 5 anh em ruột con của ông Ngô Văn Lý (lão nông nổi danh vì đã ươm giống thành công cây huỵnh, ông đã mất - PV).
Chúng tôi ghé vào quán cà phê mới mở của gia đình anh Ngô Thế Anh, con trai thứ 2 của ông Lý. Quán được tạo bằng 100 cây huê 4 năm tuổi đều hàng răm rắp, gia chủ chỉ dựng thêm vài ba cái chòi cho có lệ chứ thực ra tán huê dày đặc đã như một mái nhà xanh. Cảm nhận đầu tiên khi bước vô quán là không khí trong lành, mát rượi, đối chọi với cái nắng nóng như đổ lửa ngoài kia; sự dễ chịu rõ ràng hơn khi ngồi dưới tán các loại cây khác. Tổng số huê trong vườn của Anh là gần 400 cây. Vợ chồng Anh đon đả: "Mát không? Mấy năm trước thương lái Trung Quốc đến hỏi mua toàn bộ với giá 3 triệu đồng 1 cây, họ sẽ bứng cả gốc về trồng nhưng chúng tôi không bán".
Anh Ngô Thế Anh trước quán cà phê trong vườn huê - Ảnh: T.Q.N
9 năm về trước, sau khi đã thành công với huỵnh, đại gia đình Anh bắt đầu nghĩ cách ươm giống huê. Khoác gùi gạo cơm, áo quần lên vai, Anh lặn lội sang rừng Lào tìm hạt huê đưa về ươm được 3 cây giống. 4 năm sau, 3 cây giống bắt đầu kết hạt, từ đó cho ươm đại trà. Không phải lúc nào cũng ươm thành công, Anh bảo có khi vài cân hạt mà chỉ được vài cây giống. Quan trọng là phải lấy hạt đúng thời điểm chín, chú ý phơi đủ độ vàng và kỹ thuật ngâm ủ.
Tiếng lành đồn xa, dân khắp vùng đổ đến mua huê giống của đại gia đình Anh về trồng, ngoài người các huyện thị trong tỉnh thì người các tỉnh ở Tây nguyên đến mua nhiều nhất; thời điểm đầu giá đến 60.000 đồng/cây, giờ phổ biến nên chỉ còn 10.000 đồng. Bây giờ, Anh bán cả hạt giống rồi bày cách ươm cho người mua. Mới đây Anh bán được 1 tạ hạt với giá 3 triệu/kg.
Anh cho biết có 3 loại, huê dây và huê vàng mọc nhiều ở miền Bắc, có giá trị thấp hơn huê lội (huê đỏ) ở vùng nam Lào và đông dãy Trường Sơn. Huê có thể thích nghi với nhiều loại đất, có chỗ mọc trong lèn đá, lâm tặc phải nổ mìn phá đá lấy rễ, có khi lại mọc ở vùng sình lầy.
Một điều khá thú vị nữa, theo Anh, nu huê (cục u sừng sẹo lồi ra trên thân cây - NV) có giá trị thương mại gấp đôi gỗ huê tốt nhất, 1 kg có thể lên đến 80 triệu đồng. Anh bảo nhiều người mua gỗ huê đốt lên ngửi khói để chữa bệnh viêm xoang nhưng nhựa huê mới là tốt nhất. Bản thân Anh thường xuyên ngửi khói nhựa huê, mỗi lần ngửi cảm giác nhẹ nhõm và đỡ đau hẳn. Anh chỉ cho chúng tôi xem một số cây đã chảy ra dòng nhựa màu nâu, những cây này bắt đầu hình thành dòng. Quệt một ít nhựa lên tấm vỏ lon rồi đốt vào mặt dưới lớp vỏ, một dòng khói bốc lên, đưa gần mũi ngửi quả thực có mùi thơm dễ chịu...
Anh lo lắng: "Bây giờ thì chưa nhưng với giá trị thương mại lớn như vậy, sau này có thể bị trộm hoặc trấn cướp cây. Lúc ấy mình có thể bàn giao cho nhà nước quản lý chẳng hạn".
Theo Thanh Niên
Kẻ chủ mưu khai thác rừng trái phép bị truy nã Công an huyện Kông Chro (Gia Lai) vừa phát lệnh truy nã đối với Nguyễn Tiến Hợp, 28 tuổi, trú tại phường An Phú, thị xã An Khê, vì được cho là chủ mưu trong vụ khai thác khoảng 80 m3 gỗ rừng trái phép. Liên quan đến vụ việc, hai người đã bị bắt là Phạm Văn May và Hà Văn Thắng...