Vụ giáo viên bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng: Phòng GD&ĐT nói gì?
Việc lãnh đạo Phòng GD huyện Phù Cát (Bình Định) cho rằng việc chấm dứt hợp đồng, không xét tuyển đặc cách là đúng quy định khiến giáo viên hợp đồng càng thêm bức xúc và sẽ khiếu nại lên cấp cao hơn.
Trước đó, PV Dân trí đã thông tin, từ cuối năm 2019 đến nay, hàng chục giáo viên ở huyện Phù Cát (Bình Định) liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại, trình bày bức xúc vì không được tuyển dụng đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ.
Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát: Không đơn phương chấm dứt hợp đồng
UBND huyện Phù Cát đã có văn bản trả lời một số công dân (giáo viên) về một số vấn đề liên quan đến ngành Giáo dục huyện.
Nhiều giáo viên ở huyện Phù Cát (Bình Định) bức xúc vì bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng, không được xét tuyển đặc cách…
Theo đó, trước việc giáo viên kiến nghị xử lý về việc Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật và chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên đang hưởng chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát khẳng định: Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật, không đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Bởi vì, hợp đồng làm việc giữa Phòng GD&ĐT huyện và các giáo viên là hợp đồng có thời hạn 12 tháng (thời gian hợp đồng từ ngày 1/9/2018 đến hết ngày 31/8/2019).
Việc thông báo chấm dứt hợp đồng này cũng phù hợp theo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ việc làm được xác lập thông qua hợp động làm việc xác định thời hạn, ký vào ngày 4/9/2018…
Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát trả lời về các nội dung mà giáo viên kiến nghị.
Liên quan đến việc công tác thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn huyện diễn ra đột ngột và không có kế hoạch trước, không có lộ trình phù hợp, Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát trả lời: Hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện có kế hoạch thuyên chuyển giáo viên phù hợp với yêu cầu dạy học ở các trường.
Đối với năm học 2019-2020, vào đầu kỳ II do có sự biến động về nhu cầu giáo viên tại một số trường sau khi thực hiện công tác sáp nhập mạng lưới trường lớp, đồng thời thực hiện công tác sắp xếp lại một số vị trí việc làm sau tuyển dụng, Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện điều chuyển giáo viên cho phù hợp, đảm bảo việc dạy học các trường trên địa bàn huyện.
Dạy trái chuyên môn do thiếu giáo viên cục bộ
Các giáo viên cũng kiến nghị xử lý việc nhiều giáo viên trong biên chế được phân công dạy trái và không đúng trình độ chuyên môn.
Video đang HOT
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Kiều cho rằng, sau khi thực hiện công tác sáp nhập mạng lưới trường lớp và chờ Quyết định tuyển dụng giáo viên mới trúng tuyển thi vào học kỳ I năm học 2019-2020, giữa các trường học trong huyện có sự thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát chủ trì buổi làm việc với các giáo viên.
Do đó, có một số trường phân công một số giáo viên dạy trái chuyên môn. Đầu học kỳ II năm học 2019-2020, Phòng GD&ĐT huyện thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu giáo viên theo đúng bộ môn quy định. Từ đó đến nay, không còn trường hợp giáo viên dạy trái chuyên môn.
Còn về nội dung, hiện nay, một số trường trong huyện còn thiếu giáo viên như: Trường Tiểu học số 2 Cát Nhơn thiếu giáo viên môn Tin, Trường THCS Cát Hanh thiếu giáo viên môn Lịch sử.
Về vấn đề này, bà Kiều cho biết Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức rà soát, đăng ký nhu cầu tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và đã hoàn thành công tác tuyển dụng giáo viên trước khi có công văn của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên.
“Qua rà soát, tổng số giáo viên hiện làm việc tại cấp THCS và Tiểu học trên địa bàn huyện đã đảm bảo đủ số lượng biên chế được giao theo quy định. Do đó, huyện Phù Cát không còn nhu cầu xét tuyển đặc cách giáo viên giảng dạy ở cấp này”, bà Kiều nói.
Trong khi đó, ông Phạm Tấn Lực (từng là giáo viên dạy Lịch sử ở Trường THCS Cát Khánh, có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/12/2014), sau khi nhận văn bản trả lời của UBND huyện Phù Cát tỏ ra bất bình và cho rằng UBND huyện Phù Cát và Phòng GD&ĐT huyện trả lời không thỏa đáng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Định và mong muốn được gặp lãnh đạo tỉnh Bình Định để được giải quyết thỏa đáng”, ông Lực nói.
Nghiêm túc nhìn nhận, kiểm điểm nếu làm chưa đúng
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát chỉ đạo: “Giao Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác minh nội dung đơn thư của công dân, cũng như các kiến nghị của công dân, ban hành văn bản trả lời theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nếu Phòng GD&ĐT huyện thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ thì nghiêm túc nhìn nhận, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả UBND huyện”.
Bình Định: Hàng chục giáo viên bức xúc vì bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng
Phòng Giáo dục huyện Phù Cát (Bình Định) "bất ngờ" thông báo hết vị trí việc làm. Nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện này bỗng dưng mất cơ hội được xét đặc cách mà còn bị chấm dứt hợp đồng.
Từ không được xét đặc cách
Nhiều tháng qua, hàng chục giáo viên dạy hợp đồng huyện Phù Cát vô cùng bức xúc vì đột ngột bị chấm dứt hợp đồng. Trong khi đó, nhiều giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2015 tại các đơn vị trường trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát.
Nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Phù Cát (Bình Định) bức xúc vì không được xét đặc cách và chấm dứt hợp đồng.
Tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, thầy giáo Phạm Tấn Lực (28 tuổi, quê xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) xin về dạy môn Lịch sử ở Trường THCS Cát Khánh, có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/12/2014.
Theo thầy Lực, cho đến ngày 5/2/2020, ông vẫn còn đang hợp đồng thỉnh giảng, giảng dạy môn Lịch sử theo vị trí việc làm còn thiếu tại trường THCS Cát Khánh. Tuy nhiên, ngày 6/2/2020, Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát gọi điện cho lãnh đạo trường yêu cầu chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng đối với ông mà không có lý do thỏa đáng.
Các giáo viên bức xúc vì phản ánh nhiều lần nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó, thực hiện Công văn 5378 ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ, các địa phương trên cả nước đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 7450/UBND-NC ngày 5/12/2019 về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đang hợp đồng lao động giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2015 trở về trước.
Tuy nhiên, UBND huyện Phù Cát chẳng những không có thông báo hướng dẫn thực hiện xét đặc cách mà còn thẳng tay cắt hết các loại hợp đồng của giáo viên (dài hạn, ngắn hạn, thỉnh giảng...).
"Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ và UBND tỉnh, đáng lý ra chúng tôi phải được thực hiện xét đặc cách", thầy Lực nói.
Cô giáo Vân có đến 7-8 hợp đồng liên tục nhưng đùng một cái bị chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp cô giáo Hà Thị Mộng Đào, giáo viên Trường Mầm non 19/5 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) đóng BHXH trước năm 2014 cho đến năm 2019 thì bị chấm dứt hợp đồng. "Điều kiện đăng ký dự tuyển của huyện Phù Cát đưa ra cho tất cả giáo viên trên địa bàn huyện đủ 36 tháng trở lên. Tại sao tôi lại không được xét đặc cách mà còn bị chấm dứt hợp đồng?", cô Đào bức xúc.
Theo lý giải của ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát: Huyện Phù Cát sẽ không thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng BHXH trước 2015 vì hết vị trí việc làm.
...đến thất nghiệp
Ngoài vấn về không được xét đặc cách, những giáo viên này còn bức xúc vì bị Phòng GD&ĐT huyện cắt hợp đồng đơn phương, đột ngột. Đặc biệt, có trường hợp bị cắt hợp đồng đang hưởng chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Cô Hà Thị Mộng Đào, giáo viên Trường Mầm non 19/5 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) cho rằng cô đủ điều kiện được xét đặc cách nhưng bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng.
Thầy Lực nói: "Ngày 3/9/2019, tôi bất ngờ nhận quyết định chấm dứt hợp đồng của Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát vào ngày 31/8/2019 mà không được thông báo trước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của bản thân mà tinh thần của tôi cũng bị tổn thương không hề nhỏ. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Đến công nhân trước khi bị đuổi việc còn được mời lên phòng quản lý nhân sự công ty uống ly nước, rồi nghe thông báo lý do bị đuổi việc. Còn chúng tôi những giáo viên, có người thâm niên cả chục năm công tác, nhưng Phòng Giáo dục huyện Phù Cát "phủi tay" đuổi thẳng mà không được thông báo trước, không biết lý do".
Cô Huỳnh Thị Hồng Vân (39 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường), giáo viên giảng dạy theo hợp đồng tại trường Tiểu học số 2 Cát Nhơn, cho biết: Công văn của UBND tỉnh chỉ đạo phải rà soát những giáo viên hợp đồng đóng BHXH trước 2015 được xét đặc cách gửi về cho huyện Phù Cát nhưng UBND huyện "phớt lờ". Sau đó, ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cắt tất cả các hợp đồng giáo viên.
"Theo tôi được biết, hợp đồng 3 năm liên tiếp thì hợp đồng thứ 4 là phải hợp đồng không thời hạn. Chúng tôi vì đồng lương lo cho gia đình và cứ nghĩ cố gắng cống hiến sẽ có ngày được xét đặc cách vào biên chế. Hơn nữa, chúng tôi là giáo viên giảng dạy chỉ nắm chuyên môn, chứ không nắm rõ luật thì chúng tôi đã kiện ông Trưởng phòng GD&ĐT huyện rồi", cô Vân bức xúc.
Cô Vân cũng bức xúc nói rằng, giáo viên là người lao động ký hợp đồng trực tiếp với Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, nhưng thông báo chấm dứt hợp đồng chỉ gửi về cho hiệu trưởng từng trường. Hơn nữa, đây là "thông báo chấm dứt hợp đồng chứ" không phải "thông báo hết hạn hợp đồng" như văn bản bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát đã ký.
"Chúng tôi đã làm đơn yêu cầu hòa giải gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phù Cát từ ngày 14/2/2020 để làm thủ tục khởi kiện. Cho đến ngày ngày 4/3/2020 tôi mới nhận được văn bản trả lời của đại diện Phòng Lao động - thương binh và xã hội là không thuộc thẩm quyền giải quyết", cô Tuyết nói.
Căn cứ theo 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, đơn vị sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày với hợp đồng không có thời hạn, 30 ngày với hợp đồng có thời hạn; và nhất là tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 có nêu rõ: "Với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn, đơn vị sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 15 ngày về thời điểm chấm dứt".
Trong khi đó, những giáo viên khẳng định rằng họ không nhận được bất cứ thông báo nào về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 15 ngày của Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát.
Thế nhưng, trong cuộc đối thoại trực tiếp với Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát vào ngày 14/01/2020, giáo viên có thắc mắc vấn đề này và nhận được câu trả lời của ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phù Cát là "do lỗi của bộ phận văn thư".
Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (Bình Định) trả lời những bức xúc của giáo viên.
Ngoài những bức xúc trên, giáo viên cũng phản ánh về công tác thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn huyện diễn ra đột ngột, không có kế hoạch trước, không có lộ trình phù hợp. Do vậy, tại nhiều trường ở huyện Phù Cát đang thiếu giáo viên. Một số giáo viên phải "ôm xô" dạy thêm cả những môn không đúng trình độ chuyên môn của họ.
Liên quan đến các vấn đề trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Phù Cát cho biết trong thời gian tới huyện sẽ kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện tham mưu giải quyết đơn kiến nghị của giáo viên theo đúng thời gian, thẩm quyền, đúng quy định.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này.
Doãn Công (dantri.com.vn)
Bình Định: Thêm "lùm xùm" ở Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát Dư luận địa phương còn chưa lắng vụ hàng chục giáo viên đột ngột bị chấm dứt hợp đồng, thì nay lại thêm những sai phạm trong thu, chi tài chính đầu tư cơ bản tại Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (Bình Định). Không dạy đủ giờ... vẫn nhận đủ tiền chế độ phụ cấp Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ...