Vụ “giao ca” người tình: Đánh ghen lạ lùng
Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm một vụ án cố ý gây thương tích gây xôn xao dư luận bởi tính chất của câu chuyện xưa nay chưa từng xảy ra ở xứ này.
Vào tù vì tranh giành “chồng chung”. (Ảnh minh họa).
Theo hồ sơ vụ án, sau khi ly hôn, bà L. đi bán vé số và gặp ông K. gần 50 tuổi, cũng nửa đường gãy gánh. Cả hai nhanh chóng nảy sinh tình cảm. Sau một thời gian, bà L. quyết định dọn đến sống chung với ông K. Khi đến nhà ông K., bà L. phát hiện ông đang sống chung như vợ chồng với bà T…
Cả hai người phụ nữ đều không muốn xa ông K. và ông K. cũng không muốn mất ai trong hai người. Do đó, cả ba thống nhất: Mỗi bà sẽ được đến ăn ở và tình thương mến với ông K. một ngày. Hôm nay, bà T. được ở với ông K. thì hôm sau đến phiên bà L… Đặc biệt, hai bà còn giao ước: Không ai được để lại bất cứ đồ dùng cá nhân nào ở nhà ông K..
Video đang HOT
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra trật tự, êm thấm. Hai bà cứ vậy lặng lẽ… giao ca. Cuộc sống một ông hai bà không xảy ra bất cứ rắc rối gì khiến hàng xóm ngạc nhiên. Có người còn khen ông K. giỏi dàn xếp chuyện tình cảm, đặc biệt là khả năng có thể chiều 2 người phụ nữ đang trong cái tuổi hồi xuân.
Thế nhưng, việc đó không duy trì được lâu. Một tối, đến phiên mình, bà L. bắt xe ôm tới nhà ông K.. Đến nơi, bà L. được người hàng xóm báo lại: Đêm qua, bà T. đã xé rách chiếc áo ngủ của bà L. để quên ở nhà ông K.. Tiếc chiếc áo ngủ vừa dành dụm mua được, bà L. nổi cơn tam bành, lấy một lưỡi dao lam và tức tốc đi tìm bà T. tính sổ.
Gặp bà T. đang ngồi nói chuyện với mấy người trong xóm, bà L. giấu lưỡi dao lam trong tay, đến truy bà T. tại sao dám xé chiếc áo ngủ. Hai người cự cãi rồi xông vào đánh nhau kịch liệt. Thấy bà L. ăn nói chua ngoa, bà T. lao vào chủ động đánh bà L. ngã xuống đất rồi ngồi đè lên người. Ngay lập tức, bà L. vung lưỡi lam khiến bà T. bị nhiều nhát cắt trên mặt.
Sau khi gây án, thấy sự việc nghiêm trọng, bà L. bỏ trốn, còn bà T. được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết luận giám định bà T. bị 3 vết sẹo ở má trái, 1 vết sẹo ở cổ trái, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỷ lệ thương tật 20%. Trong phiên xử sơ thẩm, TAND TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu phạt bà L. 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Cho rằng tòa bênh vực bà L. nên đã xử mức án thấp, bà T. làm đơn kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm tăng hình phạt đối với bà L., đồng thời đòi bồi thường tiền đi thẩm mỹ viện để làm đẹp, tổn thất tinh thần, ngày công lao động trong thời gian điều trị. Theo tính toán của bà T., số tiền bà L. phải bồi thường cho khoản này lên đến gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên yêu cầu của bà T. đã bị cấp phúc thẩm bác bỏ và giữ nguyên hình phạt của cấp sơ thẩm.
Chuyên mục Thử tài tranh tụng nêu ra vụ việc trên để bạn đọc cùng trao đổi. Nếu là luật sư, luật gia, theo bạn trong vụ việc này các cấp tòa đã xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội?
Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Hiếu (học viện Cảnh sát Nhân dân) với quan điểm đồng ý với phán quyết của HĐXX.
Đồng ý với phán quyết của HĐXX
Theo quan điểm của tôi vụ đánh ghen lạ lùng này thật là hy hữu bởi hai người đàn bà trên không ai là vợ hợp pháp của ông K., vụ việc sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu cứ lặng lẽ trôi đi theo bản thỏa thuận lạ lùng của hai người đàn bà trong vụ án trên.
Xét dưới góc độ pháp lý, việc sống theo kiểu chồng chung giữa ba người trong cuộc có thể không là hành vi vi phạm pháp luật bởi tính đến thời điểm hiện tại, họ là những người độc thân “thích vui vẻ”. Tuy nhiên, việc dùng dao lam rạch mặt tình địch của bà L. lại là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm.
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 104 BLHS có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Như vậy, nếu không có chứng cứ hợp pháp chứng minh bà L. đã thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, cân nhắc các yếu tố, tình tiết giảm nhẹ khác thì việc tòa án áp dụng khung hình phạt 2 năm tù đối với bà L. là hợp lý. Tòa chưa có tuyên bố phần dân sự trong bản án hình sự này (những bồi thường dân sự hợp lý) nên luật sư không có ý kiến gì thêm và nhất trí với quyết định của tòa.
Những tưởng kiểu sống lạ của bộ ba trên chỉ có trong giới trẻ, nhưng thực tế lại xảy ra và hậu quả là người lãnh thương tích, kẻ bị đi tù. Vụ việc này không chỉ khiến dư luận sửng sốt và còn thấy bất bình bởi người có lỗi nhất và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến vụ “đánh ghen” hy hữu này chính là ông K. thì lại vô can trong khi hai người đàn bà cùng chung sống với ông cùng phải lãnh hậu quả. Chính kiểu không muốn mất ai của mình mà ông đã gián tiếp khiến 2 người phụ nữ thương mình rơi vào cảnh “trâu chết bò cũng lột da”, người tàn phai nhan sắc, tổn hại sức khỏe, kẻ thì đối mặt với lao lý. Tuy không có bản án nào dành cho ông K. nhưng tôi tin rằng suốt phần còn lại, ông sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về lối sống và cách ứng xử của mình.
Theo xahoi