Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Có thể khởi tố cả… phụ huynh không?
Chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu có việc đưa vật chất để tác động trong việc nâng điểm cho con, những phụ huynh này có thể bị khởi tố về tội Đưa hối lộ.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, một bản danh sách dài được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, trong số hàng chục thí sinh được nâng điểm, phần lớn là con cháu lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp ở địa phương.
Tuy nhiên, khi trả lời trên báo chí, nhiều phụ huynh có con được nâng điểm cho rằng, họ không biết tại sao lại được “ưu ái”. Do vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của việc nâng điểm để có căn cứ xử lý đúng người, đúng tội.
Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), hiện cơ quan điều tra tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang mới khởi tố vụ án về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo (Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015) và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” quy định tại (Điều 358, Bộ luật đã viện dẫn). Với việc khởi tố hai tội danh trên, cơ quan tố tụng của các địa phương chưa làm rõ được động cơ, mục đích trong việc nâng điểm.
Một bức ảnh trên mạng xã hội được cho là danh sách các trường hợp nâng điểm tại Sơn La
Luật sư Anh nhấn mạnh: “Nếu làm rõ phụ huynh học sinh gian lận điểm thi lợi dụng sự quen biết của mình, đã, đang và sẽ đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để họ nâng, sửa điểm cho con mình, hành vi này theo pháp luật hiện hành là hành vi đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 (Bộ luật Hình sự 2015)”.
Điều luật này quy định: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm… Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm”.
Để khuyến khích các nạn nhân tích cực chủ động khai báo, điều luật này cũng quy định: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Đào tạo Bộ Công an đã quyết định trả về Hòa Bình 28 sinh viên thuộc các trường công an vì gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong đó, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), 9 thí sinh trúng tuyển Học viện An ninh nhân dân (ANND) và 2 thí sinh trúng tuyển Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Động thái trên được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận danh sách 64 trường hợp (63 sinh viên năm 2018, 1 sinh viên năm 2017) được nâng điểm thi THPT Quốc gia tại Hoà Bình.
Theo thông tin đăng tải trên Tiền Phong, trong số các trường hợp được nâng điểm thì phần lớn là con, em cán bộ hoặc doanh nghiệp công tác tại tỉnh Hòa Bình.
Nguyễn Hằng
Theo giadinh.net
Video đang HOT
Nhiều thí sinh Hà Giang, Sơn La được nâng điểm là con em lãnh đạo đương nhiệm
Nhiều thí sinh ở Hà Giang, Sơn La được nâng điểm trong vụ tiêu cực kỳ thi THPT quốc gia 2018 là con em của lãnh đạo đương nhiệm.
Hà Giang: Đủ mặt con cháu lãnh đạo tỉnh, huyện
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh và xác minh của VietNamNet, trong số các thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang, không ít em, gia đình có lý lịch "đặc biệt".
Nhiều trường hợp là con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành của Hà Giang, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
Nhiều trường hợp thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang là con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành của Hà Giang
Những thông tin này được người dân Hà Giang bàn tán đặc biệt sôi nổi vào thời điểm sau một ngày Bộ GD-ĐT công bố kết quả rà soát với 330 bài thi của 114 thí sinh sửa điểm thấp thành cao (ngày 17/7/2018).
Một phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang năm 2018 cho biết, tại huyện Vị Xuyên, con của hai lãnh đạo cấp phòng nằm trong danh sách nâng điểm.
Cụ thể: Một thí sinh học lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hà Giang, con một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên có điểm chấm thẩm định hạ 13 điểm so với công bố ban đầu. Một thí sinh khác, cũng chuyên Toán trường này, bị hạ mỗi môn gần 2 điểm (từ 8 điểm xuống còn 6,7 điểm) sau khi chấm thẩm định...
Tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn lần 1.
Con của một vị Phó Giám đốc Sở, điểm thi công bố lần 1 là hơn 28 điểm, nhưng điểm thi lần 2 chỉ là 16 điểm - thấp hơn 12 điểm. Tuy nhiên, với điểm số này, thí sinh trên vẫn đủ nguyện vọng để vào học một trường ĐH ngành tài chính, ngân hàng.
Tại Trường THPT Chuyên Hà Giang có 3 thí sinh khác là con và cháu của một lãnh đạo cấp tỉnh, cũng thuộc diện bị hạ điểm sau khi chấm thẩm định.
Em T.T.M. - con gái của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng được nâng điểm. Tuy nhiên, Bí thư Triệu Tài Vinh bác bỏ thông tin gia đình sắp xếp để em được nâng điểm, bởi, bản thân thí sinh này có thành tích học tập cao.
Ngoài ra, một số thí sinh được nâng điểm trong vụ tiêu cực điểm thi là con em của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, một số thí sinh có bố mẹ công tác tại Công an tỉnh Hà Giang...
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 17/7/2018 - một ngày sau khi công bố kết quả chấm lại điểm thi, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho rằng: "Đương nhiên trong một kỳ thi, có nhiều đối tượng thi, người nhà có, người thân quen có. Tuy nhiên, tôi nghĩ không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường đại học cả".
Khi sự việc xảy ra, PV VietNamNet đã tìm đến nhà của vị PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang để nắm bắt thông tin. Bà N.T.M - mẹ của thí sinh, cũng là một giáo viên nghỉ hưu - buồn rầu cho biết: Từ khi xảy ra sự việc, em rất buồn, khép kín, hầu như ở lỳ trong nhà và không ra ngoài.
Bà cũng khẳng định, con mình là người học hành đàng hoàng, đủ năng lực để vượt qua kỳ thi mà không cần nâng đỡ.
"Việc cháu nằm trong danh sách được nâng điểm, chính cháu cũng không biết và gia đình chúng tôi càng không có chủ trương, sắp xếp" - bà M. nói.
Sơn La: Phụ huynh làm trong ngành giáo dục, phó chủ tịch huyện, thành phố
Như VietNamNet đã thông tin, trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La, có 44 thí sinh đã được sửa nâng điểm, gồm cả điểm thi trắc nghiệm và điểm thi tự luận.
Trong số này, có những thí sinh là con em của cán bộ ngành giáo dục, công an, lãnh đạo ngành thuế...hoặc phó chủ tịch cấp thành phố, c ấp huyện.
Nhiều con em lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT Sơn La được nâng điểm
Một trường hợp được dư luận bàn tán khá nhiều sau khi có kết quả thi vào tháng 7/2018 là N.L.B.N.. Thí sinh này có điểm thi Toán và Ngoại ngữ lần lượt là 9,8 và 9,8. Tuy nhiên, sau qua chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, điểm thực bài thi của em giảm xuống còn 5,8 điểm ở môn Toán và 2,8 điểm ở môn Ngoại ngữ.
B.N có đăng ký một số nguyện vọng, nhưng sau đó đã chọn tổ hợp xét tuyển đại học khác không liên quan tới các môn được nâng điểm. Thí sinh này hiện đang theo học tại một trường đại học ở Hà Nội. Bố của B.N đang làm phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai. Khi được hỏi về thông tin con gái mình bị hạ điểm thi THPT quốc gia 2018, ông nói không quan tâm đến việc này.
Một nam sinh khác tên N.D.A., trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thí sinh này đạt 9,2 điểm môn Toán, 9 điểm môn Lý và 9,6 điểm môn Ngoại ngữ. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, Bộ GD-ĐT xác định bài thi của thí sinh này đạt lần lượt là 4,8 - 6 - 5 điểm. Như vậy, tổng cộng thí sinh này đã được sửa nâng lên tới 12 điểm.
Được biết, bố nam sinh này làm lãnh đạo ở ngành thuế của tỉnh Sơn La.
Còn theo Báo Tuổi trẻ TP.HCM, trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, ngoài con em của công an, ngành thuế, còn có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.
Đáng chú ý, trong số đó có con một phó giám đốc Sở GD-ĐT đương nhiệm, con Chánh Thanh tra Sở, con Trưởng phòng Giáo dục Trung học, con một số chuyên viên của Sở GD-ĐT, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.
Cựu thiếu tá Đinh Hải Sơn - nguyên phó đội trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Sơn La) cũng vừa bị khởi tố để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Sơn cũng đã nhờ các đối tượng trong đường dây nâng điểm bài thi cho 2 thí sinh, trong đó có một thí sinh là em vợ của mình.
Sơn La trả lại hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung gian lận thi cử
Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình bị phanh phui được cho là nghiêm trọng và phức tạp hơn Hà Giang. Kết luận điều tra và kết quả chấm thẩm định cho thấy, 44 thí sinh tỉnh này có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định này là kết quả chính thức của kỳ thi THPTQG 2018; được sử dụng thay thế kết quả do các Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.
Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo Sở GD-ĐT Sơn La, Hòa Bình cập nhật kết quả thi của các thí sinh; xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan. Đồng thời, cung cấp thông tin về điểm thi của các thí sinh này cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an), các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đối với các thí sinh có liên quan.
Cho đến nay, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã hoàn tất việc gửi danh sách tới các trường đại học. Đầu tuần này, Bộ Công an thông tin đã trả 28 thí sinh Hòa Bình theo học các trường an ninh về địa phương.
Trong khi đó, một số trường đại học cho hay họ đã gửi công văn đến Sở GD-ĐT Hòa Bình và Sở GD-ĐT Sơn La nhưng hiện mới chỉ nhận được thông tin từ Hòa Bình mà chưa có thông tin gì từ Sơn La.
Cuối tháng 3, Công an tỉnh Sơn La vừa chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh sau khi hết hạn điều tra vụ việc. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra tiếp do một số việc, đối tượng cần tiếp tục làm rõ.
Cụ thể, cơ quan chức năng đã yêu cầu làm rõ hành vi của một số đối tượng, đặc biệt là một số cựu cán bộ công an tỉnh. Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định được phép gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần tối đa 4 tháng đối với những tội phạm rất nghiêm trọng.
Thái Bình - Thúy Nga
Theo VNN
Bộ Công an trả 28 thí sinh được nâng điểm, người điểm thật bị cướp cơ hội? Sau gần một năm học, số thí sinh được nâng điểm mới bị trả về địa phương, điều này có gây thiệt thòi cho người có điểm thi thật lẽ ra đã trúng tuyển. PV Dân Việt có trao đổi với Giáo sư (GS)- Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và...