Vụ giàn khoan HD981: Nga nghiêng về TQ hay Việt Nam?
Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, cụ thể ở giàn khoan Hải Dương 981 (HD981), Mỹ nói suông còn Nga bận rộn với Ukraine, có đóng vai trò nào trong cuộc khủng hoảng này?
Nga đang xích lại gần Trung Quốc
Trong thời gian gần đây, Nga và Trung Quốc đang có những động thái cho thấy 2 nước đang xích lại gần nhau bằng hàng loạt các chuyến thăm của các quan chức cấp cao giữa 2 nước cũng như cuộc tập trận chung.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhật báo Trung Hoa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người vừa có chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 4, cho biết Nga và Trung Quốc đang nỗ lực cùng các nước khác lập nên một thế giới đa cực “dân chủ hơn”.
Sau chuyến thăm của ông Sergei Lavrvov, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến cũng tới thăm chính thức Trung Quốc hai ngày 20-21/5 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm này, các lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận một loạt các vấn đề hợp tác song phương trong trong thương mại, kinh tế, năng lượng và các lĩnh vực nhân đạo, thông báo từ điện Kremlin cho hay.
Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
Trong chuyến thăm của ông Putin, Nga và Trung Quốc cũng sẽ thảo luận về tình hình hiện tại cũng như hợp tác Nga-Trung trên trường quốc tế. “Chuyến thăm sẽ mở ra chương mới cho quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện trong quan hệ song phương giữa hai nước”, bản thông báo của điện Kremlin ca ngợi.
Cũng trong tháng 5, Nga và Trung Quốc sẽ có cuộc tập trận chung “Hợp tác trên biển 2014″ trên biển Hoa Đông. Theo đó, Nga và Trung Quốc sẽ triển khai tổng cộng 14 tàu, 2 tàu ngầm và nhiều máy bay, trong cuộc tập trận hải quân chung ở phía bắc biển Hoa Đông từ ngày 20/5.
“Cuộc tập trận thường niên giữa hải quân 2 nước cho thấy mối quan hệ tốt chưa từng có giữa Trung Quốc và Nga. Cuộc tập trận này cho thấy 2 nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau trên trường quốc tế”, giáo sư Wang Ning -giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại ĐH Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải trả lời tờ New York Times về cuộc tập trận năm 2013.
Điểm đáng lưu ý là cuộc tập trận diễn ra ở biển Hoa Đông – nơi đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật đối với chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nga cũng có tranh chấp với Nhật đối với quần đảo Kuril, nằm ở phía bắc ngoài khơi bờ biển viễn đông của Nga.
Mối quan hệ Nga và Trung Quốc đã có những chuyển biến mạnh mẽ sau khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Tổng bí thư Trung Quốc. Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược “ve vãn” Nga khi ông Tập Cận Bình chọn Nga là điểm đến chính thức trong chuyến công du đầu tiên ở cương vị mới vào tháng 3/2013. Ông Tập Cận Bình cũng có những chuyến thăm Nga liên tục trong hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng như tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Sochi.
Video đang HOT
Để đáp lại, Nga cũng tỏ vẻ sẵn lòng bán cho Trung Quốc một số loại vũ khí hiện đại. Mới đây nhất, ông Putin đã thông qua việc bán hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Vì sao Nga chọn Trung Quốc?
Nga và Trung Quốc đã luôn ở gần nhau trong vấn đề hạt nhân ở Iran cũng như cuộc nội chiến Syria. Vì vậy, khủng hoảng Ukraine sẽ lại càng làm cho Nga tiến lại gần Trung Quốc. Điều này được coi là điều dễ hiểu khi Nga bị châu Âu và Mỹ cô lập thì Trung Quốc sẽ là cứu tinh lớn nhất cho Nga.
Tăng trưởng kinh tế của Nga trong quý I/2014 có thể ở mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 tới nay do quốc gia này liên tục phải chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các nước đồng minh. Điều này đã khiến các nhà đầu tư ngày càng thoái lui khỏi thị trường này kể từ đầu năm nay. Nguy cơ từ các lệnh trừng phạt ngày càng gây sức ép lên nền kinh tế Nga.
“Rõ ràng đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, chúng tôi đã bị mất 4,2% trong đầu tư tài sản cố định chỉ trong quý I năm nay”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết ngày 13/5.
Thị trường Trung Quốc hứa hẹn là thị trưởng hấp dẫn giúp Nga giải tỏa khó khăn trong kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Một nước Trung Quốc dân cư đông và thiếu khoáng sản sẽ có sức hấp dẫn tự nhiên với một nước Nga nhiều tài nguyên nhưng lại ít dân cư.
“Đối mặt với các lệnh cấm của châu Âu và Mỹ, Nga sẽ lại càng có động cơ để xúc tiến việc bán vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc cũng như đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc về những hợp đồng mua khí đốt và dầu với mức giá linh hoạt”, ông Douglas H. Paal – phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm cố vấn chính sách đối ngoại Carnegie Endowment for International Peace nhận định.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc của ông Putin trong tháng 5, Nga có kế hoạch ký kết hợp đồng cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm trong vòng 30 năm, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovksy cho biết. Lượng khí đốt này tương đương với 24% lượng khí đốt được Gazprom cung cấp cho châu Âu trong năm 2013.
Không những vậy, Trung Quốc với lợi thế về nguồn nhân công rẻ cũng sẽ giúp Nga thu được những hiệu quả tích cực nếu Nga tận dụng được nguồn nhân lực vô tận của Trung Quốc để khai thác, chế biến tài nguyên của Nga. Sẽ không lầm khi dự đoán rằng: thời gian tới Nga sẽ đề nghị với Trung Quốc hợp tác mở các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường chung để khai thác tiềm năng tài nguyên của họ, chế biến thành sản phẩm mà người sử dụng chính là người Trung Quốc.
Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin từ hai quan chức cao cấp của Chính phủ Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đang có kế hoạch rút các giới hạn không chính thức về vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Nguyên nhân chủ yếu là việc Nga đang muốn thu hút vốn từ Trung Quốc vào một loạt lĩnh vực, từ nhà đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tới khai thác tài nguyên nhằm làm giảm ảnh hưởng của việc các nhà đầu tư thoái lui khỏi thị trường Nga do các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Trung Quốc – với tư cách một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ khiến cho liên minh Nga – Trung trở thành đối trọng Mỹ và châu Âu trên trường quốc tế.
Trước đó, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lên tiếng bày tỏ “lòng biết ơn Trung Quốc vì sự hỗ trợ lập trường của Moscow trong vấn đề Crimea” trong cuộc họp song phương với người đồng cấp Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn.
Trước đó, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng cho rằng việc trừng phạt Nga sẽ không giúp giải quyết vấn đề Ukraine.
Nga ứng xử trong vụ giàn khoan thế nào?
Với các nguồn lợi thiết thực từ mối quan hệ Nga – Trung, sẽ không khó hiểu nếu Nga chọn cách im lặng trong vấn đề Biển Đông.
Nga hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận hay quan điểm chính thống nào liên quan đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam cũng như liên tục có hành động khiêu khích.
Không những vậy, báo chí Nga còn có những hành động khó hiểu khi 2 hãng thông tấn lớn của Nga Itar-Tass và RIA Novosti liên tiếp đưa tin địa điểm tập trận Hợp tác trên biển 2014 sẽ diễn ra trên Biển Đông. Điều này trái ngược với tuyên bố từ phía Trung Quốc. Liệu đây có phải là một ẩn ý của Nga?
Tàu tuần dương Varyag của Nga đến tập trận với Trung Quốc.
Ông Lucio Caracciolo, Tổng Biên tập của Limes, tạp chí về địa-chính trị uy tín của Italy trả lời phóng viên TTXVN khi được hỏi về vai trò của Nga trong vấn đề biển Đông cho hay: “Nước Nga đã luôn là một đối tác lớn của Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này, họ im lặng là bởi những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, diễn ra sát sườn họ, hơn là những vấn đề ở tận Biển Đông xa xôi hơn. Chính cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến cho Trung Quốc và Nga gạt bất đồng để xích lại gần nhau. Trong quan hệ ấy, Moscow và cả Bắc Kinh đều được lợi, bởi trước hết, Nga nhìn Trung Quốc như một thị trường khổng lồ để thay thế cho thị trường châu Âu và Ukraine, một khi các trừng phạt của Phương Tây đối với họ có tác dụng. Vì thế, tôi tin rằng, trong thời gian trước mắt, Nga sẽ gần với Trung Quốc hơn là Việt Nam, do đó sẽ không thể hiện vai trò nào ở Biển Đông mà để Trung Quốc đối đầu với Mỹ”.
Câu trả lời của ông Lucio Caracciolo có sự tương đồng với câu trả lời của tiến sĩ sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong buổi phỏng vấn với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Ông Grigori Lokhshin cho biết: “Nga có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn không muốn rắc rối trong quan hệ với các đối tác của mình. Chính sách đối ngoại của Nga là giữ vững độc lập, tự chủ”.
Khi được hỏi về vai trò của Nga trong nỗ lực làm giảm tình hình căng thẳng trên Biển Đông, ông Lokhshin cho hay: “Có thể Nga sẽ có kênh tác động hoặc ảnh hưởng nào đấy mà không cần tuyên bố, tuyên truyền công khai, còn nhiều biện pháp khác Nga có thể thông qua đối với tình hình hiện nay. Tôi tin rằng, Nga sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn xung đột leo thang”.
Theo Kiến thức
Biển Đông Chiến trường "pháp lý" đang chờ Trung Quốc
Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ xích lại gần nhau hơn. Một sự đoàn kết trong khối và kêu gọi sự chú ý quốc tế trong tranh chấp biển với Trung Quốc sẽ có khả năng trở thành một chiến lược hiệu quả.
Khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh Trung Quốc với phát xít Đức năm 1938, Manila đã đi trước Bắc Kinh một bước khi đệ đơn tranh chấp ra tòa án quốc tế The Hague.
Theo đề nghị của Philippines, mọi sự tham gia của các nước liên quan đều được để ngỏ và do Tòa án toàn quyền quyết định.
Theo một số nhà phân tích, dù phán quyết cuối cùng của Tòa án có thể sẽ không được thi hành, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế chính trị và pháp lý của quốc gia đó.
"Nếu có nhiều quốc gia, bao gồm các thành viên của ASEAN, cùng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh có thể sẽ phải trả giá đắt nếu dám coi thường phán quyết của Tòa án", bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết.
Trong số 10 nước thành viên ASEAN thì có đến 4 nước hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trong khi đó, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cùng tuyên bố một khu vực kiểm soát chiếm tới 90% diện tích biển Đông. Đây rõ ràng là một hành động không thể chấp nhận được, vi phạm trắng trợn chủ quyền của nhiều nước trong khu vực.
Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng với đội tàu hộ tống hùng hậu đến Biển Đông tập trận.
Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, và Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương cùng lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp và hòa bình.
Các tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động cứng rắn và liều lĩnh trên biển Đông trong vài tuần trở lại đây.
"Những hành vi ở Biển Đông của Trung Quốc phản ánh nỗ lực của nước này trong việc khẳng định quyền kiểm soát các khu vực nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn", bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng. Bắc Kinh thậm chí còn không đưa ra được một lời giải thích hay bất kì cơ sở pháp lý nào liên quan đến pháp luật quốc tế " ông Russel nói trong cuộc họp tiểu ban.
Hiện, các luật sư của Manila đang hoàn tất hồ sơ để đệ trình lên tòa án trước khi hết thời hạn vào ngày 30.3 tới.
Theo Môt thê giơi
Vì sao Mỹ - Pháp xích lại gần nhau? Ngày 11/2, Tổng thống Pháp trở thành "vị khách đặc biệt" của Nhà Trắng với những nghi lễ tiếp đón cấp cao hiếm hoi. Vậy tại sao Mỹ tỏ ra thân thiết với Pháp đến vậy? Theo tác giả Pierre Haski trên tờ Guardian (Anh), có thể gọi đây là "mối quan hệ đặc biệt" ít ai ngờ tới. Pháp và Mỹ có...