Vụ giàn khoan: Australia sẽ không để TQ tiếp tục khuấy đảo Biển Đông?
Sự kiện Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều khả năng sẽ khiến Australia quyết định không thể đứng ngoài cuộc để chứng kiến Trung Quốc bành trướng.
Hiện nay, 2/3 hàng hóa xuất khẩu và 1/2 hàng nhập khẩu của Australia được vận chuyển qua tuyến đường biển trên Biển Đông. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử theo lối hung hăng, tình hình căng thẳng tại vùng biển này sẽ tiếp tục leo thang và dần vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tờ Business Spectator đã cho đăng tải bài phân tích của Tiến sĩ John Lee công tác tại Đại học Sydney. Ông Lee cho rằng Australia sẽ không thể mãi đứng ngoài cuộc mà ít nhất là tham gia mặt trận ngoại giao, để giải quyết các cuộc tranh chấp hiện nay.
Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thuyền tới bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam
Tiền lệ chưa từng có
Các cuộc tranh chấp chủ quyền và quyền kiểm soát nhiều khu vực trên Biển Đông đã diễn ra trong suốt hàng thập niên qua. Song hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được xem là sự việc nghiêm trọng nhất trong chuỗi tranh chấp trên Biển Đông.
Thứ nhất, mức độ nghiêm trọng được thể hiện qua việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đúng thời điểm mối quan hệ song phương giữa hai nước đang trong giai đoạn ổn định, chứ không giống như mối quan hệ sóng gió giữa Bắc Kinh với Philippines và Nhật Bản. Ngoài ra, hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là một tiền lệ chưa từng có. Song Trung Quốc đã chọn Việt Nam để thực hiện kế hoạch này.
Video đang HOT
Tàu Trung Quốc hung hăng dùng vòi rồng tấn công tàu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
Thứ hai, việc Trung Quốc huy động một lực lượng lớn tàu thuyền tới Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn kế hoạch phối hợp hành động giữa chính quyền trung ương và các ban ngành địa phương. Ngoài ra, sự xuất hiện của các tàu quân sự của Hải quân Trung Quốc chứ không chỉ là tàu bảo vệ bờ biển và các tổ chức bán quân sự, đã thể hiện mức độ quân sự hóa leo thang trong những tranh chấp hàng hải mà Trung Quốc tiến hành.
Thứ ba, giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương-981 thuộc về CNOOC – một công ty nhà nước của Trung Quốc. Điều này cho thấy CNOOC đã nhận được sự ưu ái lớn từ phía chính phủ Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại giao, tài chính, luật pháp và nhiều nguồn hỗ trợ khác. Thậm chí, mối quan hệ giữa các cơ quan và cá nhân trong CNOOC và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ngày một trở nên sâu sắc hơn. Do đó, không có gì để ngụy biện cho việc giàn khoan Hải Dương-981 được lai dắt và hạ đặt trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách ngẫu nhiên mà không thông qua ý kiến của giới chức trong các cơ quan chính phủ cấp cao nhất.
Cả 3 yếu tố trên cộng lại cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan Hải Dương-981 như một công cụ đắc lực phục vụ các cuộc tranh chấp chủ quyền và lãnh hải giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia tại khu vực Đông Á bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Ngay cả khi không rõ liệu Bắc Kinh có ra lệnh cho CNOOC hạ đặt giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vẫn có bằng chứng đầy đủ cho thấy ít nhất hành động này nhận được sự ủng hộ từ các cấp cao nhất trong chính quyền Trung Quốc.
Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã liên tiếp triển khai những hành động nhằm mở rộng phạm vi chủ quyền và lãnh hải tự xưng trên hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Tạm thời bỏ qua những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, lối cư xử và chính sách hàng hải hung hăng của Trung Quốc đang trở thành mối lo lớn của Mỹ tại khu vực châu Á. Bởi Washington đã ký kết các hiệp ước hợp tác an ninh quốc phòng hỗ trợ cho Nhật Bản, Philippines cũng như những quốc gia hàng hải nhỏ bé khác như Singapore.
Không dám phản đối vì sợ bị liên lụy
Quay trở lại với những mối lo và lợi ích của Australia. Tầm quan trọng của sự ổn định, tự do và mở rộng tiếp cận với mạng lưới thông tin đường biển nối khu vực phía bắc Australia được công nhận là một trong những mục tiêu chiến lược quốc gia chủ chốt trong Sách Trắng quốc phòng năm 2000.
Điều này đã được nhắc lại trong Sách Trắng năm 2009 và 2013. Mục tiêu chiến lược của Australia cũng là điều được các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông đưa ra bàn thảo. Trong đó, các nước chú trọng tới việc không dùng vũ lực hay các hình thức ép buộc để khẳng định chủ quyền trên hai vùng biển này. Ngoài ra, các quốc gia cũng sẽ không có những hành động làm thay đổi hiện trạng vành đai hàng hải chung cũng như đảm bảo việc tiếp cận tự do và mở rộng với những quy định đã đạt được từ sau Thế chiến thứ Hai.
Australia từng lên tiếng phản đối Trung Quốc đơn phương thiết lập “Vùng phòng không” trên biển Hoa Đông
Tuy nhiên, chính phủ Australia lại đang tỏ ra bị động và phản ứng khiêm tốn trước các vụ việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay. Australia từng ghi nhận một ngoại lệ duy nhất là khi Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop quyết định triệu hồi đại sứ Trung Quốc tới để phản đối hành động Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” trên biển Hoa Đông bao gồm không phận quần đảo tranh chấp với Nhật Bản – Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 11/2013. Australia khẳng định quốc gia này “phản đối mọi hành động đơn phương và ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng trong vùng biển Hoa Đông”.
Việc Australia ra mặt chỉ trích chỉ được xem là điều ngoại lệ. Đối với Trung Quốc, Australia lo ngại hành động phản đối sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác thương mại giữa quốc gia này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lee, cách tiếp cận khiêm tốn trước các cuộc tranh chấp chủ quyền cũng là điều dễ hiểu bởi Australia “không làm được gì” để giải quyết khủng hoảng và cũng không thể thay đổi cán cân quân sự tại khu vực Đông Á.
Trong khi đó, trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là nhằm chỉ cho các nước chứ không chỉ duy nhất quốc gia mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền rằng, họ chỉ nên quan tâm tới lợi ích của mình chứ không nên đưa ra bất cứ lời bình luận nào về “tranh chấp song phương” của Trung Quốc ngay cả khi lợi ích của các quốc gia liên quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu các “bên thứ ba” can thiệp vào chuyện của Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ đối mặt với những phản ứng gay gắt và liều lĩnh hơn từ phía Bắc Kinh.
Theo Tiến sĩ Lee, ngay cả thiết lập mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Trung Quốc, việc Bắc Kinh thi hành lối hành xử ngày một hung hăng và liên tiếp tranh chấp chủ quyền trong khu vực Đông Á, sẽ vẫn gây bất lợi cho những lợi ích của Australia. Do đó, một khi Trung Quốc có những hành động khiến cuộc khủng hoảng tại Đông Á ngày một leo thang, không có gì đảm bảo tình hình sẽ được cải thiện ngay cả khi các nước tránh được một cuộc xung đột giao tranh.
Chuyên gia Lee cho rằng đây là thời điểm để tổ chức các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Song nếu chỉ một mình Australia, kế hoạch này sẽ không thể trở thành hiện thực. Do đó, Australia kêu gọi các nước trong khu vực châu Á cần đẩy mạnh trao đổi ngoại giao để giải quyết các tranh chấp chủ quyền.
Theo Infonet
Mỹ kêu gọi quốc tế đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Quan chức Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc tế chỉ trích Trung Quốc vì đơn phương âm mưu thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố biện pháp tốt nhất mà Mỹ và các đối tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể thực hiện để góp phần xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông là đối thoại ngoại giao mang tính xây dựng.
Tàu Trung Quốc uy hiếp và gây hại cho tàu Việt Nam ở Biển Đông (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc tế chỉ trích Trung Quốc vì đơn phương âm mưu thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 20/5, ông Daniel Russel nhấn mạnh 2 diễn tiến đặc biệt gây quan ngại làm leo thang căng thẳng gần đây là việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu giàn khoan dầu Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động tại Biển Đông và lấp biển-khai hoang trên đảo Gạc Ma để nâng cấp hay có thể là quân sự hóa khu vực có tranh chấp này.
Ông Russel cho biết Chính phủ Mỹ đã nêu các vấn đề này trực tiếp với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và công khai quan điểm rằng Bắc Kinh phải sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực để xử lý tranh chấp.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói vấn đề không phải là sức mạnh của Trung Quốc lớn đến đâu mà là tuyên bố chủ quyền dựa trên pháp lý của Bắc Kinh vững chắc tới mức nào trong các tranh chấp chủ quyền.
Ông khẳng định Mỹ không chấp nhận các hành vi uy hiếp, cưỡng bức, và phi ngoại giao. Ông Russel cũng nhận định rằng việc quốc tế phê phán hành động hung hăng và đơn phương của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân nhắc của ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Theo Vietnam
Trung Quốc cam kết hòa bình: Lời nói đi ngược việc làm "Chúng ta cần đổi mới hợp tác an ninh và thiết lập cấu trúc hợp tác an ninh khu vực mới, trong đó hoàn toàn loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh..." TQ cam kết giải quyết hòa bình trong tranh chấp lãnh thổ TTXVN trích nguồn từ hãng Reuters ngày 21/5 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố...