Vụ Giám đốc Sở tát lái xe: Một bộ phận cán bộ bị ngộ độc quyền lực
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định việc quan chức, cán bộ ngang nhiên vi phạm pháp luật, ứng xử hống hách là việc đáng kinh ngạc, thậm chí một bộ phận bị ngộ độc quyền lực.
Trước thông tin ông Vũ Đức Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), bị tố đánh tài xế Vũ Hàm Linh vì anh này lái xe nhầm đường khi chở sếp đi công tác ở Nghệ An, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định đang có một bộ phận quan chức không biết tôn trọng pháp luật và nếp sống văn hóa.
Những sự việc như cán bộ phường Văn Miếu chậm làm giấy chứng tử, trung tướng về hưu chửi bới lăng mạ CSGT, giám đốc sở đánh lái xe… là những hành vi đáng kinh ngạc.
Sự tha hóa quyền lực đáng báo động
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề: “Tôi không hiểu vì sao những người có chức có quyền lại đặt mình ở vị trí cao hơn vị trí của một công dân. Quan chức, dù là quan chức cấp cao cũng là công dân, là con người. Là công dân thì phải chấp hành pháp luật, là con người thì phải ứng xử có văn hóa”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII. Ảnh: Mạnh Thắng.
“Phải chăng trong xã hội bây giờ có một số người đang giữ lối sống hai mặt: Ở cơ quan thì chững chạc, đàng hoàng, thậm chí còn lên lớp giảng đạo đức cho người khác; nhưng khi ra đường lại có cách ứng xử khác hẳn? Đó là điều thật đáng lấy làm buồn” – giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Video đang HOT
Bàn về căn nguyên của những vụ việc trên giáo sư Thuyết cho rằng một bộ phận công chức, quan chức nhận thức sai lầm về vị trí của mình trong xã hội. Quen được hưởng ưu tiên ưu đãi, quen được ra lệnh, các quan chức này bị ngộ độc quyền lực, buông lỏng bản thân dẫn tới cả chuỗi hành động sai: đã sai, không những không biết dừng, còn thực hiện hành vi sai trái khác để sửa cái sai đầu tiên.
Bên cạnh đó, dường như có những người thiếu giá trị đích thực nên phải tôn giá trị của mình bằng cách thể hiện uy quyền để lấy le với mọi người. Liệu có phải vì vậy mà khi xe đỗ sai luật, bà phó chủ tịch quận vẫn điềm nhiên ngồi ăn bún; khi xe chạy quá tốc độ, bị yêu cầu dừng lại, ông trung tướng có thể dọa cách chức cả giám đốc công an tỉnh; giám đốc sở sẵn sàng tát lái xe vì đi sai đường?
“Tôi cho rằng đây là những hình ảnh tương đối rõ thể hiện ’sự tha hóa của quyền lực’. Khi người có chức, có quyền lạm dụng quyền lực được Nhà nước giao và tự cho mình đặc quyền ‘vỗ vai pháp luật’ thì đó là sự tha hóa của quyền lực rất đáng báo động”, giáo sư Thuyết nói.
Cần hình thức kỷ luật tương xứng
Trong khi đó cựu đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nhận định Giám đốc Sở đã từng kinh qua nhiều vị trí như ông Vũ Đức Dũng lẽ ra phải thường xuyên dùng từ cảm ơn và xin lỗi thay vì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với cấp dưới. Đó là điều không thể chấp nhận.
Theo ông Lê Như Tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở chúng ta phải “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” nhưng ở đây người cán bộ đã quên mất ứng xử văn hóa cơ bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói: “Cán bộ làm gì dân cũng biết; vì vậy người công chức càng phải đề cao trách nhiệm của mình”.
Ông Lê Như Tiến đề nghị sau khi UBND tỉnh Ninh Bình có kết luận chính thức về vụ việc cần có những hình thức kiểm điểm, kỷ luật tương xứng đối với vị Giám đốc Sở để làm gương cho những cán bộ khác.
- Ngày 13.7, anh Linh (lái xe Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) nhận lệnh chở ông Dũng và hai chuyên viên khác cùng cơ quan đi công tác Nghệ An. Sau bữa cơm tối đoàn chủ nhà mời, ông Dũng ra về. Trên xe khi đó còn chở 2 cán bộ đoàn bạn đi nhờ về một khách sạn khác. Lúc về xe chạy đường khác và trời tối nên anh Linh đi nhầm lối. Ông Dũng lúc đó khó chịu, yêu cầu lái xe cho xuống để tự đi bộ về. Thấy giám đốc xuống xe, một chuyên viên chạy theo sếp để tìm taxi cho ông Dũng, còn tài xế Linh chạy lại xin lỗi, mời lãnh đạo trở lại ôtô. Lúc này, ông Dũng tỏ ra khó chịu, vung tay tát anh Linh. – Ngày 20.7, khi nắm được thông tin vụ việc, chi ủy Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã nghe các bên báo cáo. “Xác định đây là xô xát cá nhân ngoài giờ làm việc, chi ủy yêu cầu anh Dũng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đã phê bình”, ông Giang Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, cho biết.
Theo P.V (VNN)
Sở Nội vụ Hà Nội: Một số công chức có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực
Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - cho biết, qua các cuộc kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, phát hiện nhiều trường hợp thiếu sót, khuyết điểm trong thực thi công vụ, giao tiếp, ứng xử nơi công sở,...
Sáng 27/12, phát biểu tại Hội nghị Giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý IV/2016, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, qua các cuộc kiểm tra, các cơ quan đơn vị đã kịp thời chấn chỉnh, phát hiện nhiều trường hợp thiếu sót, khuyết điểm trong thực thi công vụ, giao tiếp, ứng xử nơi công sở... và một số trường hợp vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính đối với công dân, tổ chức.
"Một số công chức, viên chức khi giải quyết công việc với tổ chức, công dân chưa làm hết trách nhiệm, chưa tận tình hướng dẫn giải quyết theo quy định. Một số công chức, viên chức có thái độ và hành vi ứng xử văn hóa thiếu chuẩn mực tại công sở, địa điểm công cộng, nơi cư trú, gây bức xúc trong nhân dân", ông Trần Huy Sáng nói.
Hà Nội dự kiến ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở vào đầu năm 2017 (Ảnh minh họa)
Theo ông Trần Huy Sáng, trong năm 2017, Hà Nội sẽ hoàn thiện và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và bộ quy tắc ứng xử tại các cơ quan hành chính để thực hiện đồng bộ trong toàn thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng quản lý, giám sát chặt chẽ thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với tổ chức, công dân tại công sở, địa điểm công cộng, nơi cư trú.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự UBND TP đang cố gắng ban hành Bộ Quy tắc vào đầu năm 2017. "Tuy nhiên hiện nay chưa ban hành đã có nhiều bình luận khác nhau. Thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến đó. Bộ Quy tắc là sự cảnh báo cán bộ, công chức có ứng xử phù hợp trong quá trình làm việc, sinh hoạt tại khu dân cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhắc lại trong năm 2016, trên địa bàn xảy ra một số vụ liên quan đến hành vi ứng xử thiếu văn hoá của cán bộ, công chức của thành phố. Điều này ảnh hưởng xấu đến đội ngũ công chức đang làm việc hết sức hăng say, đang vì cái chung.
"Mặc dù chúng ta đã có xử lý rất nghiêm, rất kịp thời, nhưng chúng ta phải nhận thức rõ đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Tất cả người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kể cả cơ quan đảng và cơ quan chính quyền phải thấy đây là bài học hết sức xót xa và phải lấy bài học này làm kinh nghiệm", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Hoàng Trung Hải cũng dành thời gian đề cập đến Bộ Quy tắc ứng xử mà Hà Nội sắp ban hành. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội vấn đề đó đã được thành phố nghiên cứu trong nhiều năm qua nhưng chưa mạnh dạn đưa ra.
"Khi đưa ra cũng còn rất nhiều ý kiến, nhưng quan điểm là chúng ta phải mạnh dạn đưa ra rồi sau đó sửa sau. Ví như còn góp ý về mùi nước hoa thế nào, mặc quần áo thế nào thì sửa sau, nhưng nếu không cương quyết thì chúng ta không thể làm được", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Theo ông Hoàng Trung Hải, Bộ Quy tắc với nội dung ứng xử khuyên nên áp dụng. Do vậy, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải thật sự quan tâm, hướng dẫn và nhắc nhở nhau.
"Những việc như thế rất là khó, chúng ta không đưa thành chế tài để xử phạt. Nhưng thực tế luôn đòi hỏi cán bộ, công chức trong cách xưng hô ở cơ quan, đơn vị với nhau hay cách xưng hô với người dân", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói thêm.
Quang Phong
Theo Dantri
Sao lại có loại lãnh đạo tát cán bộ của mình? Những loại cán bộ mà hơi tí là tát nhân viên như ông Vũ Đức Dũng - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Ninh Bình thì quan điểm của tôi, tốt nhất nên cách chức và cho ra khỏi Đảng. Việc ông Vũ Đức Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Bình tát lái xe cơ quan ngay giữa chốn...