Vụ Giám đốc BV Gò Vấp bị tố gom khẩu trang: Vì sao phải mở rộng điều tra?
Chuyên gia pháp lý đã giải thích lý do, vì sao Viện KSND quận Gò Vấp, TP.HCM yêu cầu điều tra bổ sung vụ Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp bị tố gom khẩu trang bán giá cao.
Như đã thông tin, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, đã mời ông Phạm Hữu Quốc (SN 1968, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, đang bị đình chỉ công tác) lên làm việc, thông báo một số vấn đề liên quan đến hành vi thu gom khẩu trang.
Cụ thể, vào ngày 27/4, Công an quận Gò Vấp thông báo với ông Quốc là không khởi tố vụ án hình sự về tội đầu cơ, sau khi ông bị tố thu gom khẩu trang bán kiếm lời trong mùa dịch Covid-19.
Bệnh viện nơi ông Phạm Hữu Quốc làm việc.
Sau khi nhận quyết định không khởi tố vụ án hình sự từ Công an quận Gò Vấp, Viện KSND quận Gò Vấp chưa đồng ý với quyết định này và yêu cầu công an phải làm rõ một số hành vi khác để điều tra thêm.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, sự việc Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp bị tố mua gom khẩu trang số lượng lớn giữa thời điểm dịch bệnh viêm phổi cấp ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp khiến dư luận bức xúc.
Về mặt đạo đức xã hội, hành vi này không thể chấp nhận được nên việc kỷ luật Đảng đối với Giám đốc bệnh viện này là cần thiết.
Với việc xem xét trách nhiệm pháp lý của ông Quốc, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để kết luận sự việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không, cơ quan điều tra cần làm rõ nhiều nội dung để xem xét hành vi có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội đầu cơ hay các tội phạm khác hay không.
Theo vị luật sư, để xử lý được về tội “đầu cơ”, theo quy định tại điều 196 – Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan điều tra phải thu thập được các tài liệu chứng cứ để chứng minh.
Tại thời điểm vị lãnh đạo này mua gom khẩu trang với số lượng lớn đã có văn bản của Chính phủ quy định khẩu trang, vật tư y tế là loại hàng bình ổn giá.
Video đang HOT
Điều kiện tiếp theo là phải lợi dụng tình trạng dịch bệnh để thực hiện hành vi “mua gom”, “mua vét” hàng hóa với số lượng lớn tạo ra sự khan hiếm trên thị trường nhằm trục lợi thì hành vi mới cấu thành tội phạm.
Theo quy định tại điều 196 Bộ luật Hình sự, dấu hiệu bắt buộc về hoàn cảnh phạm tội đó là lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tình trạng này có thể được các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố xác định vùng thiên tai, dịch bệnh, vùng có chiến sự…
Lợi dụng các hoàn cảnh nêu trên, một hoặc một số người do nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt…nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi.
Người phạm tội là người đã lợi dụng tình hình khan hiếm nêu trên hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.
“Mua vét hàng hóa được hiểu là hành vi mua với số lượng lớn hàng hóa, có thể mua một lần hoặc nhiều lần với số lượng hàng hóa nào đó vượt quá nhiều lần nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nhu cầu dự trữ của nghề nghiệp trong điều kiện hàng hóa khan hiếm… đồng thời việc mua vét này có căn cứ chứng minh nhằm bán lại để thu lợi bất chính” – luật sư Cường thông tin.
Nói về việc Viện KSND quận Gò Vấp không đồng ý với thông báo không khởi tố vụ án của phía công an cùng cấp, luật sư Cường cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-VKSNDTC, Viện Kiểm sát cùng cấp có nhiệm vụ giám sát quá trình kiểm tra xác minh tin báo của cơ quan điều tra.
Trong trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, nhưng Viện kiểm sát có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung làm rõ các tình tiết để khởi tố vụ án hoặc có quyền hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án để yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Bởi vậy, trong vụ việc trên, trường hợp cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định này nếu có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
“Giải quyết vụ việc này như thế nào cơ quan tố tụng phải có thống nhất và đánh giá chứng cứ một cách khoa học, khách quan, toàn diện để tránh oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội đầu cơ nhưng có căn cứ cho thấy lãnh đạo bệnh viện này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, có thể Viện kiểm sát cho rằng vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên yêu cầu điều tra bổ sung” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp (TP.HCM) đã công bố quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Hữu Quốc – Bí thư Chi bộ – Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp bằng hình thức cách chức Chi ủy viên Chi bộ Bệnh viện quận Gò Vấp.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đã báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật ông Phạm Hữu Quốc – Bí thư Chi bộ – Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, ông Quốc vi phạm rất nghiêm trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tại thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19, tạo dư luận xấu, bức xúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bệnh viện quận Gò Vấp.
Ông Phạm Hữu Quốc đã vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm.
Vụ giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp gom khẩu trang: Công an mở rộng điều tra
Sau khi ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (TP HCM), nhận quyết định không khởi tố vụ án, VKSND quận Gò Vấp đã yêu cầu điều tra thêm một số hành vi
Ngày 22-5, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp cho biết đã mời ông Phạm Hữu Quốc (SN 1968, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, đang bị đình chỉ công tác) lên làm việc thông báo một số vấn đề liên quan.
Theo đó, ông Quốc được thông báo trước đó Công an quận Gò Vấp ra quyết định không khởi tố với ông về tội "Đầu cơ" nhưng VKSND quận Gò Vấp chưa đồng ý với quyết định này, yêu cầu công an phải làm rõ một số hành vi khác để điều tra thêm.
Dùng xe cứu thương đi bán khẩu trang
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công an quận Gò Vấp cho biết sẽ gia hạn thời hạn giải quyết tin báo đã thụ lý ngày 28-2 trong thời hạn 2 tháng. Kết quả xác minh ban đầu cho biết vào ngày 28-2, Công an quận Gò Vấp tiếp nhận kiến nghị điều tra của Thanh tra UBND quận Gò Vấp đối với ông Phạm Hữu Quốc có hành vi mua bán khẩu trang y tế số lượng lớn với giá cao.
Tại CQĐT, ông Quốc thừa nhận vào ngày 17-2, ông có thỏa thuận mua khẩu trang y tế cho ông Mã Thanh (SN 1977, ngụ quận 11, TP HCM) và một người bạn của ông Thanh là Visal (quốc tịch Campuchia). Trong lúc thỏa thuận mua khẩu trang, ông Thanh khẳng định ông Quốc báo giá là 220.000 đồng/hộp tương đương 11 triệu đồng/thùng nhưng ông Quốc không thừa nhận chi tiết này.
Sau khi thỏa thuận giá cả, ông Mã Thanh đến Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp giao cho ông Quốc 50.000 USD. Sau đó, ông Thanh 4 lần chuyển thêm cho ông Quốc 4,3 tỉ đồng. Như vậy, ông Quốc đã 5 lần nhận tiền với số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.
Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp
Trong hai ngày 18 và 19-2, ông Trần Hữu Thái (SN 1988, quyền trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp) đã tìm mua được 202 thùng khẩu trang y tế với số tiền hơn 4,6 tỉ đồng. Sau khi gom được 202 thùng khẩu trang, ông Quốc đã điều động 3 lượt xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp cùng xe tải của công ty đối tác vận chuyển đến một căn nhà trên đường Mã Lò (quận Bình Tân, TP HCM) cho ông Thanh. Sau đó, Visal cho người đến chở số khẩu trang này đi đâu không rõ.
Tuy nhiên, sau khi giao hàng, ông Quốc yêu cầu Mã Thanh chuyển thêm tiền thì ông Thanh không đồng ý với lý do đã chuyển hơn 5,4 tỉ đồng trong khi mới nhận 202 thùng khẩu trang. Ông Quốc trả lời do giá biến động nên tăng từ 22,8 triệu đến 23,6 triệu đồng/thùng. Ông Thanh chỉ đồng ý mua giá 11 triệu đồng đến 12,5 triệu đồng/thùng, từ đó hai bên xảy ra mâu thuẫn. Bất ngờ trên các trang mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp đầu cơ, mua bán khẩu trang với số lượng lớn.
Đầu cơ hay buôn lậu?
Tại CQĐT, ông Quốc khai đã trực tiếp mua 147 thùng khẩu trang của Công ty Hoàng Thiên Kim với số tiền 1,575 tỉ đồng và mua trôi nổi của các cá nhân khác. Ông Trần Hữu Thái mua giúp ông Quốc 25 thùng khẩu trang.
Kết quả xác minh cho thấy ông Phan Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Vi Na) xuất bán cho Công ty Hoàng Thiên Kim 100 thùng khẩu trang trị giá 148,5 triệu đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào cuộc họp liên ngành các cơ quan tố tụng tại quận Gò Vấp thống nhất về định giá hàng hóa thực tế là hơn 4,6 tỉ đồng.
Theo Công an quận Gò Vấp, tại thời điểm xảy ra vụ việc này, khẩu trang không nằm trong danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá được nhà nước quy định tại Luật Giá và Nghị định 177/2013/NĐ-CP. Căn cứ vào các quy định này, Công an quận Gò Vấp nhận định không thể xử lý ông Quốc tội đầu cơ mà chỉ có thể xử lý tội "Buôn lậu" nếu chứng minh được yếu tố đưa hàng hóa qua biên giới. Trong khi đó, đối tượng Visal hiện nay chưa xác định được lai lịch, hàng hóa được vận chuyển đi đâu tiêu thụ..., từ đó Công an quận Gò Vấp ra quyết định không khởi tố vụ án.
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), trong thời điểm dịch Covid-19, Nhà nước và Chính phủ đã dốc hết sức người, sức của để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quy định xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi, đầu cơ, tăng giá khẩu trang cũng như những mặt hàng khan hiếm khác. Trong vụ việc này, việc truy tìm những người liên quan là việc cần làm và phải làm của CQĐT. Cho nên việc rà soát các quy định cũng như việc điều tra nhiều vấn đề liên quan là việc cần làm để đưa ra mức xử lý đúng quy định và được dư luận đồng tình.
Cách chức chi ủy viên chi bộ
Liên quan đến vụ việc, Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Hữu Quốc, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, bằng hình thức cách chức chi ủy viên chi bộ bệnh viện.
Theo kết luận, ông Quốc vi phạm rất nghiêm trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tại thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19. Hậu quả của việc này đã làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, việc này, còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, vi phạm quy định của trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm.
Không khởi tố vụ giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp gom khẩu trang Ngày 27-4, Công an quận Gò Vấp thông báo không khởi tố hình sự vụ giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp thu gom khẩu trang trong khi thị trường đang khan hiếm khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Bệnh viện quận Gò Vấp - Ảnh: DUYÊN PHAN Kết luận về việc xác minh nguồn tin tội phạm của Công an quận...