Vụ gia đình từ chối nhận thi thể người thân thiệt mạng ở Malaysia, Kỳ 2: Cty Liên Việt đã đồng ý hỗ trợ
Lần đầu ra Hà Nội giải quyết vụ việc với Cty Cổ phần phát triển Liên Việt nhưng bất thành, những người thân của anh Thùy lại trở về quê, và sự việc sau đó càng trở nên phức tạp…
Khúc mắc nằm ở chuyện hỗ trợ cũng như chi phí vận chuyển thi thể anh Thùy về Nghệ An. Anh Nguyễn Văn Biên – anh trai của Thùy cho biết: “Đoàn chúng tôi ra Hà Nội, phía Cty cũng bố trí chỗ ăn nghỉ, nhưng khi làm việc, thì họ chỉ thống nhất hỗ trợ 5 triệu đồng vì cho rằng anh Thùy chết ngoài giờ lao động, lại không có bảo hiểm, nên họ không có trách nhiệm bồi thường.
Điều này tôi không đồng ý, vì ngay việc chúng tôi di chuyển ra đây đã tốn kém bao nhiêu tiền, trong khi còn việc vận chuyển thi thể, ma chay tốn kém. Chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền, vì cả mấy chị em đều là nông dân, có hoàn cảnh khó khăn cả…”.
Góa phụ Đặng Thị Nga
Video đang HOT
Bà Hoàng Thị Lan Chi – Phụ trách chi nhánh của Cty Liên Việt ở Nghệ An cho biết: “Sau lần đầu tiên đàm phán bất thành, tôi đã trực tiếp về xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để nói chuyện với gia đình về chi phí hỗ trợ cũng như việc đưa thi thể anh Thùy về quê. Gia đình cũng đồng ý, nhưng không biết sau đó thế nào, người đại diện cho anh Thùy báo lại là không đi nữa, bắt buộc Cty phải đưa thi thể anh Thùy về tận gia đình. “Tôi tin là phía gia đình anh Thùy không muốn làm cho mọi việc trở nên phức tạp, bởi cứ để xác người thân một mình ở Hà Nội ngày này qua ngày khác như vậy ai mà chẳng xót.
Tôi nghĩ trong việc này, có sự tác động nào đó khiến gia đình không chịu nghe theo gợi ý của Cty. Rất lạ, bởi anh Thanh – cán bộ tư pháp xã nhiều lần gọi điện cho tôi bảo rằng, phía Cty nên mau chóng hỗ trợ thỏa đáng, nếu không sẽ đưa vụ việc lên mạng…”
Trong khi phía Cty và một số người thân của anh Thùy không thể giải quyết bất đồng trong việc giải quyết vụ việc, thì thi thể anh Thùy vẫn cứ phải nằm một mình tại nhà tang lễ Phùng Hưng với chi phí gửi gần 200.000 đồng/ngày.
Hai tuần trôi qua, thấy nóng ruột, bà Biên tập hợp con cháu lại và tổ chức quyên góp tiền để con trai cả Nguyễn Văn Biên và một người nữa tiếp tục ra Hà Nội giải quyết rốt ráo sự việc. “Còn một vài kỷ vật của thời thanh niên, tôi đem bán hết và giao tiền cho thằng Biên, bắt nó lần này ra Hà Nội, phải đưa bằng được thi thể Thùy về quê, nếu không tôi cũng vì sầu đau mà chết theo…”, bà Biên nói trong nước mắt.
Lần thứ 2 ra Hà Nội, tình cờ anh Biên quen một luật sư quê Nghệ An, hiện đang làm việc ở Hà Nội. Nghe qua câu chuyện, vị luật sư này hứa sẽ giúp gia đình anh đòi quyền lợi. Trong lần thứ 2 tiến hành đàm phán, với sự có mặt của luật sư nói trên, lúc này giữa đôi bên mới tìm được tiếng nói chung.
Theo đó, ngoài hỗ trợ 15 triệu đồng, phía Cty còn trả toàn bộ chi phí gửi cũng như vận chuyển thi thể anh Thùy về quê. Như vậy, tính từ khi thi thể anh Thùy được đưa về Việt Nam cho đến khi được an táng ở quê nhà hết tổng cộng là 18 ngày. “Chúng tôi mất đi người thân, đó là nỗi đau không gì bù đắp được.
Giá như Cty chu đáo hơn một chút, thì có lẽ chúng tôi cũng được an ủi. Để em nó nằm một mình như vậy, chúng tôi xót lắm chứ, nhưng nếu mình nhu nhược quá, thì người ta lại nói mình không biết gì. Nói thật, nếu chúng tôi không làm to chuyện, thì chắc gì Cty đã đồng ý hỗ trợ chúng tôi như sau lần đàm phán thứ 2.”, anh Biên nói.
Sau nỗi đau, với những người thân của anh Thùy là nỗi lo cơm áo, khi hai đứa trẻ còn quá nhỏ. “Tôi phải gọi hết con cháu ở bên đó về, nước ngoài làm gì để rồi mà chia ly đau khổ…”, bà Biên gào lên sau nỗi đau mất con.
Theo Pháp Luật XH
Vụ gia đình từ chối nhận thi thể người thân thiệt mạng ở Malaysia, Kỳ 1: Nỗi đau xuất ngoại
Tối 21-2-2011, khoảng 2 giờ sau khi lên giường đi ngủ, anh Thùy bị đột tử. Mọi người đã đưa anh đến bệnh viện, nhưng anh Thùy đã qua đời sau đó vài giờ đồng hồ.
Chết ở Malaysia trong thời gian đi xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Văn Thùy được đưa về Hà Nội. Nhưng, giữa gia đình và Cty đưa anh đi lao động nước ngoài không tìm được tiếng nói chung, vì thế thi thể của anh Thùy được đem gửi tại nhà tang lễ Phùng Hưng đến hơn 2 tuần.
Sinh ra ở miền quê nghèo xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc - tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Văn Thùy (SN 1982) từ nhỏ đã nuôi ước vọng xuất ngoại để đổi đời. Nhà có tới 13 anh chị em, bố mất sớm, một mình mẹ Thùy đã phải vật lộn với cuộc sống để nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Thùy là con trai út trong gia đình. Học hết cấp 2, anh đã phải bỏ học theo các ngư dân ra biển đánh cá.
Vợ và mẹ anh Thùy mong chờ tiếng nói có trách nhiệm từ Cty Liên Việt
Một thời gian sau, thấy nghề đi biển cũng "bạc" mà rủi ro cao, anh Thùy xin nghỉ và liên hệ đi xuất khẩu lao động. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008, anh Thùy đã từng sang Đài Loan và sau đó là Malaysia làm ăn.
Nhưng rồi, anh cũng cảm thấy không ổn. Đầu năm 2009, anh trở về quê hương và kết hôn với chị Đặng Thị Nga, người cùng quê. Có vợ, anh Thùy cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, nhưng từ khi đứa con đầu lòng ra đời, áp lực đồng tiền bát gạo càng đè lên đôi vai của Thùy.
Các anh chị đã lập gia đình và có cuộc sống riêng, nhà chỉ còn lại người mẹ già, vợ và đứa con mới chào đời, Thùy hiểu rằng, nếu mình không tìm ra cách kiếm tiền, thì gia đình sẽ cùng cực. Anh lao vào làm việc, từ phụ hồ, đánh cá đến việc lên rừng đốn củi. Thế rồi, Thùy quyết định trở lại Malaysia lao động, với ý nghĩ, bên đó dù làm việc cực nhọc nhưng dù sao cũng có thu nhập và chỉ có như vậy, anh mới giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo.
Đầu năm 2010, anh Nguyễn Văn Thùy đã liên hệ được với Cty Cổ phần phát triển Liên Việt có trụ sở ở Hà Nội để xin đi xuất khẩu lao động. Sau khi thỏa thuận, anh Thùy được phía Cty cho vay toàn bộ chi phí của hợp đồng, và Cty sẽ trừ vào tiền thu nhập sau khi anh Thùy đã đi làm ở Malaysia. Tưởng rằng, sau khi trả được hết nợ nần cho Cty, anh Thùy có thể gửi tiền về gia đình để cải thiện cuộc sống nhưng bi kịch ập tới.
Tối 21-2-2011, khoảng 2 giờ sau khi lên giường đi ngủ, anh Thùy bị đột tử. Mọi người đã đưa anh đến bệnh viện, nhưng anh Thùy đã qua đời sau đó vài giờ đồng hồ. Anh Nguyễn Đình Hoạt - Anh rể và là người trực tiếp đưa Thùy đi cấp cứu cho biết: "Khoảng 22g, tôi vừa đi ra ngoài về, định gọi Thùy dậy ăn đêm, nhưng gọi mãi không thấy Thùy lên tiếng. Tôi dùng tay lay đi, lay lại cũng không thấy cậu ấy cử động. Lúc ấy tôi tá hỏa gọi taxi đưa đi cấp cứu, nhưng mọi thứ đã muộn, Thùy chết trước khi vào bệnh viện..."
Anh Hoạt cho biết: Lúc Thùy sang đây rất khỏe mạnh, nhưng việc phải làm một ngày từ 8g sáng đến 23g đêm khiến cậu ấy yếu đi. Đã vài lần Thùy tâm sự rằng, muốn về lại Việt Nam, nhưng Cty không cho vì chưa hết hợp đồng.
Mấy ngày trước khi chết, Thùy liên tục kêu mệt, nhưng chúng tôi cứ nghĩ đó chỉ là cảm cúm thông thường, nào ngờ cậu ấy ra đi luôn. Bà Nguyễn Thị Biên, mẹ anh Nguyễn Văn Thùy nói trong nước mắt: Một ngày trước khi chết, Thùy gọi điện về bảo rằng, bên này lao động cực nhọc, lại phải sinh sống ngay trong nhà máy sản xuất bình ga cực bẩn và độc hại, nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Thùy nói sẽ tìm cách trở về Việt Nam sớm, vì dẫu sao ở nhà nghèo nhưng còn có thể ở bên cạnh mẹ già, vợ và 2 con. Không ai ngờ, đó lại là cuộc trò chuyện cuối cùng của Thùy với người thân.
Khi thi thể anh Thùy được đưa về Việt Nam, giữa Cty Cổ phần phát triển Liên Việt và gia đình đã không tìm được tiếng nói chung trong việc hỗ trợ cũng như chi phí vận chuyển thi thể nạn nhân về quê an táng. Theo đó, phía gia đình yêu cầu Cty phải hỗ trợ thỏa đáng và chịu trách nhiệm đưa thi thể người thân họ về quê.
Việc đàm phán qua điện thoại bế tắc khi chính quyền địa phương cũng cho rằng, cách giải quyết vụ việc của Cty Cổ phần phát triển Liên Việt là chưa thỏa đáng. Ông Trần Hải Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Quang cho biết: Thông thường, khi người lao động chết, phía Cty phải lo lắng việc vận chuyển thi thể về tận quê nhà và hỗ trợ thỏa đáng, nhưng riêng trường hợp này thì không như vậy, khiến rất nhiều người dân địa phương bức xúc. "Chúng tôi đã làm công văn yêu cầu Cty và những cơ quan có trách nhiệm giải quyết thấu đáo vụ việc.
Sau đó, phía Cty có điện cho UBND xã đề nghị làm công tác an ninh để họ đưa xác anh Thùy về, nhưng khi chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo mọi thứ diễn ra an toàn, thì phía Cty lại không thực hiện như yêu cầu..", ông Dương nói.
Ngày 1-3, theo yêu cầu của phía Cty, đại diện thân nhân người chết là anh Nguyễn Văn Biên - anh trai, cùng cán bộ Tư pháp xã Nghi Quang và một số người khác nữa đã ra Hà Nội để trực tiếp đàm phán. Buổi nói chuyện này, giữa hai bên tiếp tục xảy ra bất đồng, và vụ việc vẫn cứ bế tắc. Trong thời gian này, thi thể anh Thùy vẫn phải nằm một mình lạnh lẽo ở nhà tang lễ Phùng Hưng...
(còn nữa)
Theo Pháp Luật XH
Vì đâu em phải bỏ quê chồng? Để sang Việt Nam kết duyên cùng Thạch Thị Hồng Ngọc, Jang đã giấu chứng bệnh tâm thần "Phong trào" lấy chồng nước ngoài (chủ yếu Đài Loan, Hàn Quốc) vẫn rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong số rất nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài thì chỉ có con số nhỏ trong đó là tìm được hạnh...