Vụ gần 1000 cư dân dùng nước nhiễm độc: Người đấu tranh lĩnh “đòn thù” ?
Trong lúc lời kêu cứu mong được dùng nước sạch của Tổ dân cư 22 thị trấn Cầu Diễn chưa được giải quyết, UBND thị trấn Cầu Diễn đã quyết định miễn nhiệm thành viên Tổ bảo vệ với ông Hoàng Tiến An, người trực tiếp đứng đơn đòi quyền lợi cho cư dân.
Sau loạt bài phản ánh lời kêu cứu của gần 1000 nhân khấu thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn về nguồn nước bị nhiễm độc Asen nhiều năm đăng trên báo Dân trí, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội đã làm việc với Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội, huyện Từ Liêm, thị trấn Cầu Diễn để thống nhất phương án đấu nối hệ thống nước của khu tái định cư B3, B4, B4 và Tổ dân cư 22 với hệ thống nước sạch của TP. Hà Nội. Theo cam kết từ cơ quan chức năng, chậm nhất đến Tết Nguyên đán 2013, các hộ dân khu vực sẽ được dùng nước sạch sau gần 10 năm phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm.
Ông Hoàng Tiến An đã lên tiếng phản ánh nguồn nước bẩn và nguy cơ ô nhiễm vệ sinh môi trường khu tái định cư
Khi vấn đề nước sạch đang được cơ quan chức năng giải quyết, ngày 24/9/2012, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Trần Mạnh Hùng bất ngờ ký quyết định miễn nhiệm số 427/QĐ – UBND đối với vị trí thành viên Tổ bảo vệ với ông Hoàng Tiến An mà không đưa ra lý do chính đáng. Điều đặc biệt, ông Hoàng Tiến An chính là người đứng tên đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và truyền thông phản ánh nguồn nước bị nhiễm độc, cũng những nguy hại vệ sinh môi trường xuất phát từ công tác quản lý kém của chính quyền và chủ đầu tư.
Tâm nguyện nước sạch, nhà văn hóa, đèn chiếu sáng bị UBND thị trấn yêu cầu gỡ bỏ (Ảnh: Ngọc Cương)
Quyết định miễn nhiệm đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm khiến ông Hoàng Tiến An và nhiều người dân cảm thấy bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 8/10/2012, ông An cho biết: “Tôi đâu có ham muốn chức vụ, việc tôi phản ánh nước bẩn và tham gia tổ bảo vệ là vì quyền lợi người dân. Tuy nhiên, cách miễn nhiệm với lý do tôi đá bóng ở khu dân cư do UBND thị trấn đưa ra khi tôi đang đấu tranh cho quyền lợi khu dân cư là không thuyết phục. 16h30′ ngày 3/10 tôi mới nhận được quyết định miễn nhiệm sau khi tôi chủ động yêu cầu, nhưng thị trấn Cầu Diễn và tổ dân phố đã cho dán trước tại các bản tin nhằm bôi nhọ danh dự của cá nhân, quyết định chỉ được gỡ xuống khi báo chí lên tiếng.
Video đang HOT
Quyết định miễn nhiệm không nêu lý do của Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Trần Mạnh Hùng
Việc thị trấn Cầu Diễn miễn nhiệm là cơ hội thuận lợi cho tôi được nghỉ ngơi, nhưng tôi cảm thấy thất vọng về cách hành xử mà không đưa ra lý do. Trong khi đó, hàng loạt quyền lợi chính đáng của cư dân như: nước sạch, vệ sinh môi trường nhà văn hóa hệ thống đèn chiếu sáng thì chính quyền không giải quyết dứt điểm”.
Theo lời ông An, ông và một cá nhân khác đã bỏ gần 17 triệu đồng tiền túi dựng cổng chào đầu khu dân cư, làm băng rôn đề tâm nguyện của dân cư về những điều kiện an sinh. Hiện cổng chào vẫn đang tồn tại, còn bằn rôn đã phải gỡ xuống theo ý kiến của UBND thị trấn Cầu Diễn.
Đánh giá về quyết định miễn nhiệm của thị trấn Cầu Diễn đưa ra với ông Hoàng Tiến An, ông Nguyễn Thanh Tự, Trưởng nhà B5 cho rằng đó là việc làm thiếu thuyết phục: “Ai làm cũng có sai sót, nhưng chúng tôi thấy ông An là người có trách nhiệm nhất trong số các thành viên tổ bảo vệ nên việc miễn nhiệm là không thuyết phục. Trong khi đó những vấn đề an sinh cấp thiết như nguồn nước, vệ sinh, thang máy tại các tòa nhà thì không được chính quyền giải quyết.
Ông An khẳng định đã bỏ tiền túi để dựng cổng chào đầu khu dân cư
Để rộng đường dư luận, ngày 8/10/2012, PV báo Dân trí đã làm việc với UBND thị trấn Cầu Diễn, tổ dân phố, tổ bảo vệ cơ sở về những vấn đề liên quan trong quyết định miễn nhiệm bất thường UBND thị trấn Cầu Diễn vừa đưa ra với ông Hoàng Tiến An.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Long, Tổ trưởng tổ dân phố 22 thị trấn Cầu Diễn cho rằng ông Hoàng Tiến An không hoàn thành nhiệm vụ và chức năng của thành viên tổ bảo vệ. Theo lời ông Long, nguyên tổ phó Hoàng Tiến An đã không mặc quân phục khi đi tuần tra, tuần tra không theo sự phân công, đá bóng trong khu dân cư gây mất an toàn giao thông và an ninh khu vực dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Ông Long cho biết được người dân bán hàng quanh khu vực phản ánh ông Hoàng Tiến An tự ý thu tiền của người kinh doanh, nhưng không nêu lý do hoặc ghi biên lai. Tuy nhiên, khi hỏi về nhân chứng và chứng cứ liên quan đến nội dung phản ánh, ông Đinh Văn Long lại thừa nhận ông Hoàng Tiến An vô can vì Tổ dân phố chỉ nghe nói miệng từ các hộ dân.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hách cho rằng việc miễn nhiệm với ông An là đúng luật
Giải thích về quyết định miễn nhiệm với ông An, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Nguyễn Văn Hách nói: “Chúng tôi ra quyết định miễn nhiệm dựa trên ý kiến đề xuất của người dân, của tổ dân phố, tổ bảo vệ và thực hiện theo đúng Nghị định của Chính phủ về tổ bảo vệ dân phố. Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện chính quyền trù dập ông An, việc ban hành quyết định miễn nhiệm đúng lúc ông An gửi đơn đề nghị xem xét nguồn nước sạch chỉ là điều chung lặp mà thôi. Về nguồn nước, UBND thị trấn và các cơ quan chức năng đã 6 lần họp thống nhất, chứ không phải đợi tới lúc ông An gửi đơn chúng tôi mới xem xét”.
Trước câu hỏi tại sao không nêu lý do trong quyết định miễn nhiễm đối với ông Hoàng Tiến An? Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Nguyễn Văn Hách cho biết: Hiện những phản ánh của người dân về việc thu tiền của ông Hoàng Tiến An đang được chuyển cho Công an thị trấn Cầu Diễn, kết hợp tổ hình sự điều tra làm rõ hơn nên chưa nêu ra trong quyết định miễn nhiệm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Gần 500 nhân khẩu phải dùng nước nhiễm độc Asen giữa Thủ đô
Thực hiện chủ trương của thành phố, 115 gia đình khu nhà gỗ nguy hiểm phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã chuyển về các tòa nhà tái định cư đặt tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Nhưng suốt 6 năm qua, hàng trăm nhân khẩu vẫn không được hưởng nguồn nước sạch.
Theo phản ánh của các hộ dân khu tái định cư B3, B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn gửi đến báo Dân trí phản ánh: Hiện 115 hộ dân, với khoảng 500 nhân khẩu đang phải sống trong những điều kiện thiếu thốn, đặc biệt là nguồn nước hàng ngày bị nhiễm bẩn gấp hơn 40 lần tiêu chuẩn cho phép. Trong suốt 6 năm qua, đại diện khu dân cư đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh lên chủ đầu tư, cùng các cơ quan chức năng TP. Hà Nội nhưng đều không được giải quyết những yêu cầu chính đáng.
Khu nhà tái định cư B3, B4, B5 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, được UBND Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng nhằm phục vụ tái định cư cho 115 hộ dân thuộc 7 nhà gỗ bị khoanh vùng nguy hiểm tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm theo Quyết định số 5257/QĐ-UBND ngày 24/11/2006.
Các hộ dân nhà tái định cư B3 Thị trấn Cầu Diễn đang kêu cứu
Thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội, 115 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã nghiêm chỉnh thực hiện việc di dời, bàn giao nhà, mặt bằng đúng thời hạn theo yêu cầu của thành phố. Khi di chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân đều có chung mong muốn sẽ được sống an toàn và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, tất cả các hộ gia đình đang sinh sống tại khu tái định cư B3, B4, B5 lại phải sống trong cảnh thiếu thốn, ô nhiễm, đặc biệt là về nguồn nước kéo dài suốt 6 năm.
Cho đến lúc này, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ gia đình khu nhà B3, B4, B5 vẫn là nước giếng khoan không được xử lý theo đúng quy chuẩn. Theo kết quả xét nghiệm được anh Lê Trung Kiên cung cấp, ngày 15/5/2012, Phòng Công nghệ điện hóa môi trường kết luận hàm lượng chất Asen tại khu tái định cư vượt đến 43 lần tiêu chuẩn cho phép, vi khuẩn Ecoli vượt xa mức giới hạn cho phép. Hàm lượng chất nitrat là 191,6 trong khi mức cho phép chỉ là 50. Qua tìm hiểu thực tế, trạm nước cung cấp nước sinh hoạt đến các hộ dân khu tái định cư Cầu Diễn chính là trạm nước do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị đầu tư phục vụ cho dự án xây dựng như trộn vôi vữa, cát sỏi...
Phiếu xét nghiệm cho thấy hàm lượng Asen vượt 43 lần cho phép
Sau khi phát hiện nguồn nước nhiễm độc, đại diện khu dân cư đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cho sức khỏe người dân. Ban quản lý khu tái định cư và UBND thị trấn Cầu Diễn đã nhiều lần họp để ghi nhận ý kiến người dân, Công ty nước sạch thành phố cũng cam kết cung cấp nước sạch cho 115 hộ dân tái định cư Cầu Diễn vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay những lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực, còn sức khỏe của người dân đang bị "đầu độc" hàng ngày.
Không chỉ ô nhiễm về nguồn nước sinh hoạt, hệ thống thu gom rác thiết kế cho khu nhà B3, B4, B5 cũng là điều khiến cho hàng trăm cư dân lo lắng. Theo ghi nhận thực tế, nhà tái định cư B3 không được thiết kế hệ thống thu gom khiến người dân phải tự mang xuống đổ như hình ảnh thường thấy ở các khu tập thể cũ có tuổi thọ 20 - 30 năm. Những tòa nhà được lắp đặt hệ thống lại không có người thu gom thường xuyên khiến không khí luôn trong tình trạng ô nhiễm, thậm chí bốc mùi nồng nặc vào các ngày nắng nóng.
Nguồn nước khu nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng
Vì sức khỏe của 115 hộ dân với trên 500 nhân khẩu đang sinh sống tại khu tái định cư nhà B3, B4, B5 thị trấn Cầu Diễn. Đại diện các hộ dân ở đây khẩn cấp đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những yếu kém trong khâu quản lý và điều hành, sớm lắp đặt hệ thống nước sạch để các hộ cư dân chuyển về từ khu nhà gỗ Chương Dương sớm ổn định cuộc sống.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
TPHCM: Con đường không mưa cũng ngập Mặc dù trời đang nắng nhưng nhìn con đường chẳng khác nào một con sông, nước đen ngòm hôi thối hành hạ hàng ngàn cư dân sống ven đường suốt 5 năm qua. Đó là đường An Dương Vương, giáp ranh giữa phường 16, quận 8 và phường An Lạc, quận Bình Tân, (TP.HCM). Sau khi hố sâu tại địa điểm trước nhà...