Vụ đương sự suýt nhảy lầu: Rút đơn khởi kiện, nguyên đơn thành bị đơn
TAND TP.HCM vừa ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thay đổi địa vị tố tụng vụ ‘đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án’.
Nguyên đơn trong vụ án trở thành bị đơn và ngược lại.
Ông Lê Văn Dư – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo nội dung vụ án, mảnh đất 3.500m thuộc phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM là đất trồng cây hằng năm. Năm 1999, ông Phan Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi bằng giấy tay. Năm 2002, ông Quý “cắt” 500m trong mảnh đất trên bán cho ông Khâu Văn Sĩ bằng giấy tay.
Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 3.500m. Tháng 4-2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay.
Sau khi mua, ông Dư và ông Thắng cùng bán lại đất cho ông Sĩ (tổng cộng 674m). Đến năm 2015 thì ông Sĩ bán lại toàn bộ đất cho ông Dư. Ông Dư đã đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú, tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà.
Song tháng 6-2017, ông Quý bất ngờ khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng.
Video đang HOT
Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn viện trưởng Viện KSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.
Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sĩ, Thắng với ông Dư. Đồng thời, không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư đối với 674m.
Tòa buộc các bị đơn trả 674m đất cho nguyên đơn và nhận lại số tiền đã trả cho nguyên đơn trước đây kèm số tiền lãi với lãi suất 9%/năm. Sau khi tòa tuyên án, một đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng được nhiều người ngăn cản kịp thời.
Sau đó TAND cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Tòa án đưa ra nhiều lập luận và cho rằng nếu không phát sinh thêm tài liệu, chứng cứ nào khác thì phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu phản tố của ông Dư.
Không đồng ý, ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, tuy nhiên cơ quan này đã thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau khi TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án, TAND TP.HCM cũng đã thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm. Song, ngày 15-6-2022 nguyên đơn đã có đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn ông Lê Văn Dư vẫn giữ yêu cầu phản tố, nên tòa án đã quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy.
Như vậy, quan hệ pháp luật tranh chấp và địa vị tố tụng của các đương sự trong vụ án được thay đổi. Cụ thể, bị đơn – ông Lê Văn Dư trở thành nguyên đơn. Nguyên đơn – ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy trở thành bị đơn.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (bảo vệ quyền lợi cho ông Lê Văn Dư) cho biết phía ông Dư và các luật sư rất vui vì nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện, để vụ án có thể kết thúc sau thời gian dài.
Dù muộn nhưng vẫn khép lại vụ án, để vẫn giữ được tình nghĩa đạo lý giữa các đương sự và tuân thủ luật pháp, tránh tạo tiền lệ cho sự bội ước trong dân…
Luật sư Thảo cho biết năm 2002, ông Phan Quý đã bán 500m 2 cho ông Sĩ và 174m 2 cho ông Dư và ông Thắng, sau đó ông Sĩ bán lại cho ông Dư bằng giấy tay 500m 2 và ông Thắng cũng đồng ý gộp luôn cho ông Dư, hiện tại ông Dư đang quản lý sử dụng 674m 2 đất của mình.
Vì vậy, bản thân ông Dư rất mong muốn ông Phan Quý có thể hỗ trợ để bản thân ông có thể làm thủ tục sang tên, cấp sổ phần diện tích mua bán này một cách hợp tình, hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật.
TAND Tối cao yêu cầu xử lại vụ Nhật Kim Anh giành quyền nuôi con
TAND Tối cao yêu cầu cấp sơ thẩm khi thụ lý giải quyết lại vụ án phải thu thập, xác minh đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định sự thật và quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải vì quyền, lợi ích mọi mặt của cháu bé.
TAND Tối cao vừa có quyết định giám đốc thẩm đối với tranh chấp về thay đổi quyền trực tiếp nuôi con giữa nguyên đơn bà Đỗ Thị Kim Huê (ca sĩ - diễn viên Nhật Kim Anh, SN 1985, ngụ TP Hồ Chí Minh) và ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc (SN 1987, ngụ TP Cần Thơ).
TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ và giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Ninh Kiều, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao nhận định bà Huê và ông Lộc ly hôn theo bản án phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ. Theo bản án này, bà Huê tự nguyện giao con chung là cháu N.B.L. (sinh ngày 20/9/2015) cho ông Lộc trực tiếp nuôi dưỡng. Do đó, cháu L. ở với cha (ông Lộc) và ông bà nội tại Cần Thơ. Bà Huê sống tại TP Hồ Chí Minh và đi về để thăm con. Ngày 16/7/2019, bà Huê có đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì cho rằng ông Lộc và gia đình ông ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung.
Căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án và thừa nhận của các đương sự, ông Lộc và bà Huê không có sự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Thời điểm hiện tại, cháu L. chưa đủ 7 tuổi nên không đặt vấn đề xem xét nguyện vọng của cháu.
Theo quy định, bà Huê có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nên có nghĩa vụ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con là ông Lộc không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để đề nghị tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã không làm rõ, cũng không yêu cầu bà Huê chứng minh ông Lộc không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Cấp sơ thẩm không xác minh điều kiện hoàn cảnh gia đình, công việc và thu nhập của ông Lộc, việc chăm sóc giáo dục con có đảm bảo phát triển bình thường không mà cho rằng bà Huê chứng minh được việc bà có đủ điều kiện nuôi con về kinh tế, như có chỗ ở ổn định, có thu nhập cao để quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con chung là chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các vấn đề của vụ án.
Cấp sơ thẩm chưa đủ căn cứ chứng minh là có đủ điều kiện để thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật. Do đó, cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại là có cơ sở.
Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc và bà Đỗ Thị Kim Huê tại Tòa.
Theo TAND Tối cao, quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ, rõ ràng, có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án là không đúng.
Bởi lẽ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án chỉ có lời khai của ông Lộc tại biên bản làm việc ngày 5/3/2020 thể hiện thu nhập hàng tháng trên giấy tờ của ông Lộc là hơn 9.000.000 đồng/tháng. Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh còn cho rằng "bản thân ông Lộc cũng thường xuyên đi công việc xa nhà, đi nước ngoài để cháu Long ở nhà cho ông bà nội cháu chăm sóc".
Hồ sơ vụ án có 2 văn bản trả lời của Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thể hiện ông Lộc xuất nhập cảnh 5 lần, lần gần nhất nhập cảnh ngày 14/10/2018. Bà Huê xuất nhập cảnh 44 lần, lần gần nhất nhập cảnh ngày 9/10/2019. Ngoài ra không có tài liệu cụ thể nào thể hiện công việc, thu nhập và tài sản của ông Lộc cũng như tài liệu, chứng cứ chứng minh không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc và giáo dục con.
Do đó, quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy bản án phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ và giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm ngày 23/3/2020 của TAND quận Ninh Kiều là chưa đủ căn cứ.
Theo đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Lộc, quá trình cung cấp chứng cứ cho cấp sơ thẩm, đã nộp đủ các chứng cứ chứng minh điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng con như: 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Lộc; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần Mêkong thể hiện ông Lộc sở hữu 860.000 cổ phần phổ thông; báo cáo tài chính và giá trị hàng tồn kho của Công ty cổ phần Mêkong; 2 hợp đồng thuê ôtô thể hiện ông Lộc là chủ sở hữu xe; hợp đồng bảo hiểm do ông Lộc là người mua và con trai là người thụ hưởng.
Tuy nhiên hồ sơ vụ án không có các tài liệu thể hiện thu nhập và tài sản của ông Lộc. Theo TAND Tối cao, cấp sơ thẩm khi thụ lý giải quyết lại vụ án phải thu thập, xác minh đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định sự thật. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, tòa phải xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện và quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải vì quyền, lợi ích mọi mặt của cháu bé.
Tòa tuyên luật gia Đặng Đình Thịnh được thân chủ trả 68 tỉ đồng từ hợp đồng hứa thưởng Luật gia Đặng Đình Thịnh đòi nhà thành công cho thân chủ, nhưng thân chủ không thực hiện hợp đồng hứa thưởng 35% giá trị căn nhà nên ông Thịnh khởi kiện. Năm 2015, giá trị căn nhà là 156 tỉ đồng. Đến năm 2020, khi xét xử lại sơ thẩm lần 2, giá trị thẩm định căn nhà lên tới 324 tỉ...