Vụ Dương Chí Dũng: Có thể buộc thôi việc ngay sau khi truy nã
Ngay từ thời điểm ông Dũng bỏ trốn và bị truy nã, Bộ GTVT đã có thể xử lý kỷ luật buộc thôi việc với lý do tự ý nghỉ việc tại cơ quan (bỏ trốn) quá thời gian quy định.
Sự kiện nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng sau khi tòa xử phúc thẩm kết án mới bị cơ quan chủ quản là Bộ GTVT buộc thôi việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Suốt thời gian từ sau khi bị khởi tố, bỏ trốn cho đến khi có bản án phúc thẩm, ông Dũng vẫn được hưởng lương, thậm chí năm 2013 còn được tăng lương. Vậy quy định pháp luật hiện hành về chuyện này ra sao?
Cơ quan chủ quản quá máy móc
Điều 9 BLTTHS quy định không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khoản 3 Điều 248 BLTTHS cũng quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Do vậy theo quy định của pháp luật, ông Dũng chỉ bị coi là có tội sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án.
Có ý kiến cho rằng BLHS và BLTTHS hiện hành không có quy định nào về việc xử lý buộc thôi việc với cán bộ, công chức đang bị khởi tố, truy tố, xét xử nên các cơ quan chủ quản cứ chờ có bản án của tòa thì mới xử lý cán bộ của mình cho chắc ăn. Tôi cho rằng nhận định này đúng nhưng không nên hiểu máy móc mà phải tùy vào trường hợp cụ thể.
Đúng là bởi BLTTHS và BLHS không thể quy định được vì chuyện buộc thôi việc thuộc về kỷ luật hành chính, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự. Mặc dù khởi nguồn của vụ việc là hình sự và bản chất là vi phạm trách nhiệm hình sự nhưng quá trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải dựa hoàn toàn vào quy định hành chính liên quan.
Video đang HOT
Cho nên nếu không có đủ các căn cứ để buộc thôi việc công chức theo quy định tại Điều 14 Nghị định 34/2011 (về xử lý kỷ luật đối với công chức) thì công chức đang bị truy tố, xét xử phải chờ bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật mới có thể buộc thôi việc họ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 là “bị phạt tù mà không được hưởng án treo”. Có nghĩa là trong trường hợp họ bị một bản án có hiệu lực pháp luật phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì họ vẫn không bị buộc thôi việc. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có tâm lý chờ nội dung bản án phúc thẩm là cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, các trường hợp trên là áp dụng đối với những cán bộ, công chức có hành vi phạm tội thông thường, hoàn toàn khác với trường hợp bỏ trốn và bị truy nã của ông Dũng.
Ngày 19-5-2012, ông Dũng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã sau khi xác định ông đã bỏ trốn. Như vậy ngay từ thời điểm ông Dũng bỏ trốn và có lệnh truy nã thì Bộ GTVT đã có thể xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Dũng theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 34/2011 với lý do đã tự ý nghỉ việc tại cơ quan (bỏ trốn) quá thời gian quy định. Điều luật này quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Tự ý nghỉ việc tổng số từ bảy ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản ba lần liên tiếp. Ngoài ra khoản 5 điều luật này còn quy định nếu công chức vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng trong quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… cũng là một căn cứ để buộc thôi việc.
Do đó ngay từ đầu, nếu Bộ GTVT căn cứ vào thực tế, quyết liệt và đánh giá được mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi thì đã có thể xử lý kỷ luật ông Dũng. Đằng này Bộ lại chọn một giải pháp an toàn là chờ sau khi có một bản án có hiệu lực pháp luật mới chính thức ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc vào ngày 10-6 vừa qua là thận trọng quá mức và không cần thiết. Đây cũng thể hiện cách hiểu về Nghị định 34/2011 quá máy móc, không đúng tinh thần của nghị định.
Trả lương là tất yếu vì Bộ lỡ “chậm chân”
Việc trả lương cho ông Dũng trong suốt hai năm trong trại tạm giam chờ các cấp tòa xét xử là hệ quả tất yếu của việc Bộ GTVT không ra quyết định buộc thôi việc sớm đối với ông Dũng như đã phân tích ở trên. Bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì chừng nào chưa có quyết định buộc thôi việc của Bộ GTVT thì ông Dũng vẫn được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác.
Cụ thể, khoản 1 Điều 24 Nghị định 34/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định: “Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)”.
Đành rằng việc trả lương cho ông Dũng vấp phải sự phản ứng của dư luận, song nguyên nhân của vấn đề là ngay từ đầu Bộ GTVT đã “chậm chân” trong việc vận dụng pháp luật để buộc thôi việc đối với ông Dũng nên mới xảy ra cớ sự. Trong vụ việc này, tôi khẳng định lại Bộ GTVT không phải chờ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa mới kỷ luật được ông Dũng.
Theo Pháp luật TPHCM
Vụ tàu cá mất tích: Người làm thuê bí ẩn
Đến ngày 29/9, thông tin về hai cha con ông Lê Thanh Cường và Lê Thanh Vương, chủ tàu cá BV-5002TS vẫn bặt tăm. Cơ quan chức năng hai tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Thuận đang nỗ lực truy tìm người đàn ông làm thuê đã rời khỏi tàu BV-5002TS khi tàu mắc cạn vào sáng 23/9 tại khu vực Bãi Dương, La Gi, Bình Thuận.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, vợ ông Lê Thanh Cường nức nở cho biết, những ngày qua, người thân của gia đình luôn túc trực và đi tàu tìm kiếm thi thể hai cha con. Bà không còn hy vọng chồng và con trai mình còn sống nữa, chỉ mong tìm thấy thi thể hai người thân.
"Ngay cả di ảnh người thân đã phóng lồng vào khung rồi nhưng tung tích chồng và con sống chết thế nào vẫn chưa biết. Đau đớn quá!", bà Hiệp khóc nấc.
Bà Hiệp cho biết, chuyến ra khơi định mệnh chỉ có ông Cường và con trai tên Vương và 1 người làm thuê. Người làm thuê này rất ít nói, khó tiếp xúc. Người này lúc thì xưng tên Cường, lúc lại xưng tên Khương, trước đây từng đi đánh cá thuê cho ông Cường nhưng bị ông cho nghỉ việc. Do thiếu người nên khi vào cảng La Gi bán cá, ông Cường lại thuê người này trở lại làm việc. Bà Hiệp cho biết, công an thị xã La Gi đã xác định được danh tích người làm thuê trên tàu mất tích nghi đã bỏ trốn là Nguyễn Văn Khương (37 tuổi, quê Quãng Ngãi).
Anh Nguyễn Văn Thi, 20 tuổi, ngư dân tàu cá BV-4887, đánh bắt hải sản gần tàu ông Cường cho biết, tàu BV-5002TS là ghe dây (chỉ thả dây, không đánh bắt) nên cần ít người.
Bà Nguyễn Thị Hiệp nức nở nhìn di ảnh chưa thể lập bàn thờ của chồng và con
Theo các ngư dân của tàu BV-4887TS, tàu cào đôi với tàu BV-5002TS thì trong lúc đi biển, Khương là người ít nói, cục cằn, khó gần nên rất ít người quen thân với Khương. Khương thường hay cự cãi với anh em thuyền viên nên ít người chơi thân. Lúc phát hiện tàu BV- 5002 TS mất tích, khoảng 9 giờ ngày 23/9, một người tên Dơ (bạn của Khương) có gọi vào máy của Khương nhưng người này không bắt máy. Sau đó, Khương có nhắn tin lại hỏi Dơ có chuyện gì rồi tắt máy di động luôn. Được biết, anh Dơ trước đó làm thuê cho ông Cường và đã xin nghỉ khi tàu cập cảng La Gi bán cá.
Trong một diễn biến khác, theo nguồn tin từ Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đang mở rộng khu vực tìm kiếm nạn nhân. Bên cạnh đó thông báo tới các phương tiện đang đánh bắt trên khu vực xảy ra tai nạn để hỗ trợ tìm kiếm.
Một trinh sát Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, người trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, cho biết: Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, công tác khám nghiệm hiện trường và tàu cá BV 5002TS được thực hiện rất kỹ lưỡng. Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vết máu vương vãi khắp tàu cá, từ boong, sàn, cabin... cho đến cửa kính của tàu đều dính máu còn rất tươi. Bên cạnh đó, đồ dùng cá nhân của thuyền viên trên tàu cũng bị xáo trộn, một số vật dụng trên tàu cá bị mất.
Thượng tá Đinh Trung Hưng, đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), cho biết: Tàu cá BV 5002TS có công suất 400CV, chuyên hành nghề giã cào đôi. Đây là loại tàu lớn và hoạt động ở những vùng biển xa bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Cường là người có nhiều kinh nghiệm đi biển, nên việc thuyền trưởng này đột nhiên mất tích khi đang hành nghề trên biển là rất đáng ngờ. Vụ việc xảy ra đã khiến cả gia đình thuyền trưởng Nguyễn Thanh Cường hết sức đau lòng. "Ngay sau khi xảy ra vụ việc, bên cạnh việc phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra vụ việc, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã cử cán bộ đến gia đình thuyền trưởng Nguyễn Thanh Cường để động viên gia đình nạn nhân" - Thượng tá Đinh Trung Hưng, nói.
Đại tá Cao Xuân Trang, Chỉ huy phó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-VũngTàu, cho biết: Đến thời điểm này, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang khẩn trương xác minh, thu thập thông tin để củng cố hồ sơ vụ việc; đồng thời truy tìm đối tượng nghi vấn. Khi có thông tin đầy đủ về vụ việc, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo. Cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đã lấy số ngư cụ dính máu trên tàu đưa đi xét nghiệm, hiện chưa có kết quả. Đồng thời huy động lực lực truy tìm đối tượng bỏ trốn.
theo Khampha
4 trẻ bị tường sập đè chết: Tang thương xóm núi Người dân xóm núi xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bàng hoàng và đau đớn trước cái chết thương tâm của 4 cháu bé. Chỉ vì sự tò mò của trẻ nít về chiếc máy múc và sự bất cẩn của người lớn mà con, cháu họ đã phải trả một cái giá quá đắt. Giữa cái nắng hanh hao...