Vụ “dùng nhục hình làm chết người”: Cần thay đổi tội danh
Mặc dù không thuộc trường hợp bắt quả tang nhưng việc anh Ngô Thanh Kiều bị bắt khẩn cấp giữa đêm mà không có lệnh bắt giữ, không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà còn có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
Vừa qua, TAND thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã mở phiên xét xử sơ thẩm 5 Công an thành phố Tuy Hòa đã tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết. Trái với mong đợi của người dân về một bản án đúng người, đúng tội thì kết quả phiên tòa với mức án cao nhất chỉ là 05 năm tù giam, ngoài ra HĐXX còn cho 02 bị cáo được hưởng án treo. Điều này đã làm dư luận phẫn nộ và thất vọng!
Để rộng đường dư luận, PV Dân Trí đã ghi lại ý kiến của Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) về vấn đề này.
Luật sư Trương Anh Tú
Định tội danh thế nào cho đúng ?
Qua nguồn thông tin khá đầy đủ từ các cơ quan báo chí cung cấp, tôi cho rằng việc Tòa án áp dụng “Tội dùng nhục hình” theo quy định tại Điều 298, BLHS là chưa phù hợp. Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 97 BLHS.
Hai tội danh này đều được thực hiện bởi các chủ thể đặc biệt nhưng nếu hành vi làm chết người khi thi hành công vụ xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của công dân, đến quyền được sống của con người, thì hành vi dùng nhục hình xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.
Mặc dù hành vi khách quan của các chủ thể có nhiều điểm giống nhau nhưng hậu quả để lại rất khác nhau, chế tài (hình phạt) áp dụng đối với hai tội danh này cũng khác nhau: khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với “Tội dùng nhục hình” chỉ từ năm năm đến mười hai năm trong khi khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” là từ bảy năm đến mười lăm năm.
Hiện nay, một số quan điểm cho rằng, hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu của “ Tội giết người” theo quy định tại Điều 93, BLHS, tuy nhiên theo tôi nếu truy tố với tội danh giết người là chưa phù hợp theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện hành vi gây ra cái chết của anh Kiều thì các đối tượng đang thực thi công vụ (dù có tuân thủ quy định của tố tụng hay không) và hiện trường vụ án là trụ sở công an thành phố do đó đầy đủ dấu hiệu của Tội làm chết người khi thi hành công vụ. Vì vậy, không thể dùng hậu quả của hành vi phạm tội gây ra (chết người) mà cho rằng những đối tượng trên phạm tội giết người. Việc xử 05 bị cáo với hành vi làm chết người khi thi hành công vụ có thể sẽ không thỏa mãn được tính công bằng nhưng lại phù hợp với quy định của BLHS cũng như hệ thống tư pháp hiện nay của nước ta.
Cần sửa luật!
Từ vụ án này đã thể hiện rõ sự khác biệt trong việc áp dụng luật, áp dụng chế tài đối với cùng một hậu quả “chết người” nhưng do công dân thực hiện và do những người có chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Theo khoa học hình sự thì mọi hành vi xâm phạm đến thân thể dẫn đến tử vong, chấm dứt sự sống của người khác đều được xem là giết người.
Tuy nhiên, nếu theo quy định của Bộ luật hình sự, dù cùng hậu quả chết người nhưng nếu do người dân thực hiện thì có thể bị xử lý với tội danh “giết người” với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình nhưng nếu do người đang thi hành công vụ thực hiện thì lại được áp dụng “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” hoặc “Tội dùng nhục hình” với mức hình phạt nhẹ hơn rất nhiều.
Đây không chỉ là việc “đánh tráo khái niệm” mà hơn hết còn thể hiện sự bất bình đẳng đối với các đối tượng khác nhau. Có thể nhà làm luật cho rằng, để đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước cần thiết phải trao cho những người thực hiện công quyền một số quyền năng và ưu tiên nhất định nhưng cũng cần phải nhìn nhận với góc độ khác rằng: những người thực hiện công quyền là những người có học, được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên môn, về cách ứng xử chuẩn mực, so với người dân thì họ là những người nắm rõ luật, họ được trả lương từ nguồn đóng góp của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của mình thì có lẽ họ phải chịu trách nhiệm nặng hơn, nghiêm khắc hơn so với công dân. Hơn thế nữa, khi chúng ta tạo ra “hai luật chơi” cho cùng một “sân chơi” là chúng ta đang đi ngược lại với tinh thần bình đẳng được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp và Điều 3 BLHS, theo đó “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội” (khoản 2, Điều 3, BLHS).
Tóm lại chúng ta nên bỏ Điều 97, BLHS về “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”. Theo đó, từ nay những người thực hiện hành vi này bị xử lý chung về “Tội giết người” theo quy định tại Điều 93, BLHS.
Video đang HOT
Cần bổ sung tội danh, mở rộng điều tra những người liên quan
Mặc dù không thuộc trường hợp bắt quả tang nhưng việc anh Ngô Thanh Kiều bị bắt khẩn cấp giữa đêm mà không có lệnh bắt giữ, không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà còn có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 123, BLHS.
Quá trình điều tra xác minh, nếu phát hiện ra có sự chỉ đạo bắt giữ từ cấp trên thì “cấp trên” này sẽ là đồng phạm của “Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Nếu “cấp trên” không những chỉ đạo việc bắt giữ mà còn “làm ngơ” để 05 bị cáo tra tấn anh Kiều đến chết thì người này sẽ còn là đồng phạm của “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”.
Làm lại vụ án như thế nào?
Rõ ràng, việc xử các bị cáo với mức hình phạt mức cao nhất là 5 năm tù giam và 02 án treo không chỉ là mức phạt quá nhẹ cho các bị cáo mà còn có dấu hiệu của sự sai lầm trong việc định tội danh, dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, các cơ quan có thẩm quyền cần phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Trên cơ sở xem xét các dấu hiệu phạm tội từ đó khởi tố thêm “Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”, khởi tố thêm các bị can khác có liên quan và có quyết định thay đổi tội danh từ “Tội dùng nhục hình” sang “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”.
Công Tâm (ghi)
Theo Dantri
Một vụ án lạ lùng giữa hai người đàn bà sinh năm 1953
Lạ lùng không phải bởi ngay từ cáo trạng đầu tiên, TAND TP.Pleiku, Gia Lai khi thụ lý đã phải trả lại yêu cầu điều tra bổ sung, cũng không phải qua hai phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án "cố ý gây thương tích" giữa hai bà già (sinh 1953) tiếp tục được trả lại để điều tra bổ sung mà vấn đề là nhiều nội dung quan trọng của tòa án đều được cơ quan điều tra cho rằng... không cần thiết. Và 4 năm sau khi đã đình chỉ, vụ án giữa 2 bà già này lại được khôi phục và lúc này, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây lại... có sự thống nhất cao.
Ném, chém hay đâm - nhân chứng mỗi người nói một phách
Theo kết luận điều tra số 98 ngày 10.12.2005 của cơ quan CSĐT Công an TP Pleiku, Gia Lai, khoảng 9h ngày 8.6.2005, vì nghi ngờ bà Nguyễn Thị Hữu Hiếu (sinh 1953, trú tại Lê Đại Hành, TP Pleiku) chê vải may áo dài quê mùa khiến khách hàng của bà Phương Thị Thạch (sinh 1953) đã mua rồi nhưng vẫn trả lại hàng, bà Thạch đến nhà bà Hiếu chửi: "Con đĩ, nghèo khố rách áo ôm mà chê vải xịn của tao" rồi lao đến dùng tay đánh vào miệng và xô bà Hiếu ngã xuống đống đồ đang bày bán rồi quay đi.
Bà Phương Thị Thạch và vết thương do bà Hiếu gây ra. Ảnh: Báo CATPHCM
Bà Thạch quay đi thì bà Hiếu vớ ngay chiếc bình hoa ném vào phần chẩm trái phía sau đầu bà Thạch. Bà Thạch quay lại nhặt đá và đồ sành sứ đang bày bán ném về phía bà Hiếu nhưng không trúng, bà Hiếu nhặt mảnh vỡ của bình hoa ném trúng mặt trong cánh tay phải của bà Thạch.
Bà Thạch xông vào, thấy vậy bà Hiếu chạy vào nhà lấy con dao giơ lên dọa, nhằm ngăn cản bà Thạch xông đến. Nhưng khi thấy con trai bà Thạch đến, bà Hiếu vứt dao chạy vào nhà trốn. Sau đó, tại cơ quan điều tra, bà Hiếu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Theo kết quả giám định sức khỏe của tổ chức giám định pháp y tỉnh Gia Lai ngày 30.6.2005, bà Thạch có 2 vết sẹo vùng chẩm trái (một vết 5,5 x 0,4cm, một 2 x 0,2 cm), trong cánh tay phải có một vết sẹo hình chữ V (4 x 0,3cm), đốt 2 ngón 3 tay phải có một vết sẹo 2 x 0,2cm. Tổng cộng tổn hại sức khỏe: 14%. Chính vì vậy bà Hiếu đã bị cơ quan CSĐT khởi tố bị can về tội "cố ý gây thương tích."
T òa yêu cầu điều tra bổ sung, công an và viện kiểm sát cho rằng ... không cần
Khi thụ lý hồ sơ vụ án này, TAND TP.Pleiku đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều nội dung, trong đó có hai nội dung:
Thứ nhất, nạn nhân khi vào viện khai là "bị chém", còn lời khai của các nhân chứng có rất nhiều mâu thuẫn.
Người khai là bà Hiếu ném bình hoa, người nói là bà Hiếu cầm dao chém, người bảo bà Hiếu dùng mảnh lọ hoa đâm... Trong khi cáo trạng lại kết luận rằng: "Hiếu dùng bình đựng hoa đang bày bán ném trúng đầu bà Thạch, hai bên tiếp tục dùng mảnh vỡ bình bông ném nhau thì Hiếu ném trúng mặt trước cánh tay phải của bà Thạch".
Thế nhưng, cơ quan điều tra chưa làm rõ thực tế vết thương mặt trước cánh tay phải của bà Thạch là do hành vi ném hay đâm của bị can gây ra; chưa làm rõ được động cơ nào mà những người làm chứng có lời khai mâu thẫn với nhau và có những lời khai không đúng thực tế.
Hai là, biên bản hỏi cung bị can có nhiều chỗ bị tẩy xóa. Biên bản đối chất có chỗ bị sửa chữa nhưng không có sự xác nhận bằng chữ ký của họ.
Tuy nhiên, công văn số 10 của VKSND TP Pleiku ngày 23.5.2006 vẫn cho rằng: "VKS kết luận theo nội dung cáo trạng là phù hợp với lời khai nhận của bị can và lời khai của nhân chứng Lê Thị Nga".
Không chấp nhận nội dung này, một lần nữa, tòa án có công văn số 03 ngày 7.8.2006 yêu cầu điều tra bổ sung: Có hay không việc bà Thạch chủ động sang nhà chửi bị cáo, dùng tay đánh vào miệng và xô bị cáo ngã vào gian hàng bình đựng hoa mà bị cáo đang bày bán trước nhà, sau đó bà Thạch còn dùng bình hoa của bị cáo đang bán ném về phía bị cáo, để từ đó khắc phục sự việc hai bản cáo trạng có nội dung khác nhau và khác với nội dung của kết luận điều tra; Tiến hành đối chất giữa bị cáo, người bị hại và những người làm chứng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án; Làm rõ có hay không việc bị cáo dùng vỏ bình hoa đâm người bị hại và nếu có thì vì sao cơ quan điều tra không thu giữ vật chứng này; Thực nghiệm điều tra để làm rõ thực tế bị cáo đã thực hiện hành vi dùng bình hoa "ném" hay "đập" vào đầu bà Thạch; Trưng cầu giám định lại thương tích của bà Thạch.
Tuy nhiên, bản kết luận điều tra bổ sung số 02 ngày 12.8.2008 của cơ quan CSĐT công an TP.Pleiku vẫn cho rằng không cần thiết phải thực nghiệm điều tra, không cần thiết phải đối chất. Ngày 29.10.2008, một lần nữa tòa án nhân dân TP.Pleiku ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung với nhiều nội dung, trong đó vẫn tiếp tục yêu cầu phải đối chất và thực nghiệm điều tra để làm rõ: Bà Thạch có dùng tay tát vào miệng bị cáo gây chảy máu, xô bị cáo ngã vào nơi bị cáo bày đồ sành sứ hay không; Bị cáo đã thực hiện hành vi dùng bình hoa "ném" hay "đập" vào đầu bà Thạch và trưng cầu giám định lại thương tích của bà Thạch.
4 lần giám định cho 4 kết quả khác nhau
Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa án nêu rõ những lời khai của các nhân chứng đầy mâu thuẫn: Lúc chém, lúc ném và lúc thì đâm.
Có lẽ do quá mệt mỏi với các yêu cầu giám định đi, giám định lại của các cơ quan tham gia tố tụng, ngày 28.10.2008, tổ chức giám định pháp y tỉnh Gia Lai có công văn số 679 gửi VKS và công an TP.Pleiku "đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại cho bà Phương Thị Thạch tại cơ quan giám định cấp trên".
Lý do được đưa ra là "trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều vướng mắc, có nhiều đơn thư khiếu nại của người bị hại cũng như bị can, phát sinh một vấn đề mới, nghi ngờ về kết quả giám định...".
Điểm lại quá trình giám định cho thấy:
Lần 1, ngày 30.6.2005, giấy chứng nhận giám định pháp y số 209 là 4 vết thương "đa vết thương phần mềm có ảnh hưởng chức năng đau: 14%";
Giám định sức khỏe lần 2 ngày 14.2.2005, VKS chỉ yêu cầu giám định 3 vết thương (trừ đi vết thương ở đốt 2, ngón 3 tay phải), kết luận còn là 13%;
Đến lần thứ 3, tổ chức giám định pháp y thừa nhận 2 lần giám định trước dùng câu "đa vết thương phần mềm " là chưa chính xác, nên thống nhất xếp tỉ lệ 12%.
Nếu 3 lần giám định đầu do tổ chức giám định pháp y tỉnh Gia Lai thực hiện, thì lần cuối, ngày 29.12.2008, bộ phận thường trực phía Nam Viện pháp y Quốc gia thực hiện đã kết luận: "Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 3%."
Đây cũng là lý do, sau 3 lần VKSND thành phố Pleiku ra cáo trạng và 2 lần xét xử sơ thẩm (đều bị trả hồ sơ điều tra bổ sung), ngày 4.6.2009, cơ quan CSĐT TP.Pleiku ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự về tội "cố ý gây thương tích."
Lời khai dựa vào đơn của chị Thạch (nạn nhân) theo thừa nhận của chính các nhân chứng tại biên bản của chi hội phụ nữ địa phương họp (ảnh phải).
Những câu hỏi không thể không đặt ra
Theo Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 15 ngày theo luật định, VKS không có văn bản nào để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra, thì VKS không còn thời hạn để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra bị can của Công an TP.Pleiku.
Nhưng mãi hơn 4 năm sau, ngày 26.6.2013, VKSND TP.Pleiku mới ra quyết định số 01 "Hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án" của công an thành phố.
Tiếp đó, tại bản án hình sự sơ thẩm số 33 ngày 11.3.2014, Hội đồng xét xử đã tuyên: Bị cáo Nguyễn Thị Hiếu phạm tội "cố ý gây thương tích" theo Khoản 2, Điều 146 Bộ luật hình sự với mức 18 tháng tù, cho hưởng án treo.
Nhưng, sau bản án này dư luận không thể không đặt ra hàng loạt câu hỏi:
Thứ nhất, việc các cơ quan tham gia tố tụng cùng thống nhất lấy kết quả giám định lần 1 (thương tật 14%), bỏ qua kết quả giám định của Viện pháp y Quốc gia (thương tật 3%) liệu có thỏa đáng?
Thứ hai, vụ án có thể có kết luận điều tra chính xác không khi còn nhiều điều chưa được làm rõ. Đó là, khi xảy ra vụ án, không có biên bản khám nghiệm hiện trường; vật chứng quan trọng của vụ án là cổ lọ hoa bằng sứ bị vỡ nham nhở được cho là hung khí lại không thu được; lúc đầu kết luận điều tra nói là khoảng cách giữa 2 người đánh nhau là 4 mét (nên chỉ là ném bình hoa vào nhau), nhưng khoảng cách đó sau chỉ còn lại là 1 mét (nên đối tượng mới dùng lọ hoa đập và đâm vào nạn nhân)...
Thứ ba, trong hồ sơ điều tra cho thấy, lời khai của các nhân chứng là dựa vào lời kể của nạn nhân và lời khai của các nhân chứng này rất mâu thuẫn nhau: Lúc thì bị can Hiếu "chém", lúc là "ném" và lúc lại là "đâm". Còn bản thân nạn nhân lúc đầu cũng khai là bị chém. Vậy các lời khai này liệu có đủ khách quan để tin cậy? Tại sao cơ quan điều tra không cho đối chất, không cho làm thực nghiệm, không làm rõ đâu là động cơ của những lời khai nhân chứng rất không có cơ sở này như yêu cầu của tòa án?
Thứ tư, nếu như 3 cáo trạng lần đầu của VKS ND TP.Pleiku đều đề nghị áp dụng Khoản 1 Điều 146 BLHS thì cáo trạng lần thứ 4 cũng của chính viện này lại áp dụng Khoản 2 thì liệu có thỏa đáng?
Thứ năm, liệu kết luận điều tra cũng như cáo trạng vừa qua đã đạt được những yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án TP.Pleiku từ 3 lần trước chưa, nếu chưa, thì đâu là lý do khiến hội đồng xét xử ngày 11.3.2014 vừa qua lại không nhắc gì đến nó nữa?
Theo Văn Hải
Lao Động
Luật sư trong vụ 5 công an đánh chết người: "Tôi không sợ vì mình làm đúng" Tôi quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé sinh ra mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi gia đình lại quá nghèo. Hơn nữa, tôi rất bức xúc trước hiện tượng có nhiều nghi can, bị can chết bất thường tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tại phiên...