Vụ Du khách Việt bị hải quan Thái Lan sỉ nhục: Xử lý vụ việc đến cùng
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua (7.5), Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cho biết Tổng cục Du lịch đã gửi công văn đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị phối hợp và có ý kiến với phía Thái Lan về vụ việc này. “Bộ VH-TT-DL sẽ chỉ đạo Tổng cục Du lịch (TCDL) theo dõi, xử lý vụ việc đến cùng”, ông Tuấn khẳng định.
Du khách tại cửa khẩu Aranyaprathet – Ảnh: C.T.V
Cũng theo ông Tuấn: “TCDL sẽ phối hợp với Cục Lãnh sự làm việc với phía Thái Lan để làm rõ nguyên nhân tại sao, xuất phát từ đâu mà họ xâm phạm đến du khách để có hướng xử lý phù hợp. Chúng ta kiên quyết yêu cầu họ hành xử cho đúng để bảo vệ lợi ích khách du lịch của mình”.
Phó tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường cho biết trong ngày 7.5 TCDL đã gửi các công văn đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội và TCDL Thái Lan về vụ sỉ nhục khách Việt ở cửa khẩu Aranyaprathet. “Trong hợp tác ở khu vực là du lịch phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi. Chúng tôi đề nghị TCDL Thái Lan kiến nghị với cơ quan chức năng của chính phủ Thái Lan bãi bỏ việc này”, ông Cường cho hay.
Có thể tẩy chay tour Thái Lan Bà Nguyễn Linh Giang, nghiên cứu luật quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng việc hải quan Thái Lan hành xử như thế là phản cảm, thể hiện sự không tôn trọng du khách Việt. “Có thể tẩy chay không đi Thái Lan, hoặc không đi Thái Lan qua cửa khẩu đó nữa”, bà Giang đề xuất.
Video đang HOT
Ông Cường nhấn mạnh, khi TCDL lên tiếng thì “vấn đề đã ở mức quốc gia”. Vì vậy, trong trường hợp Thái Lan vẫn không gỡ bỏ quy định và dẹp tấm bảng phản cảm ở cửa khẩu, VN sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp. “Nếu Thái Lan không có những phản hồi tích cực, lượng khách VN đi du lịch Thái Lan trong thời gian tới sẽ sụt giảm. Vì đó là tất yếu, hiển nhiên, bởi một khi người ta không tạo điều kiện thuận lợi, không có thiện cảm, không tạo sự hài lòng cho du khách thì du khách có thể quyết định không đi chơi Thái Lan”, ông Cường nói.
Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng tẩy chay
Anh Nguyễn Sơn Lâm (ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết: “Tôi chuẩn bị đi du lịch Thái Lan nhưng khi biết được tin này tôi thay đổi, đi nước khác. Tôi sẽ chờ một thời gian để các cơ quan có thẩm quyền VN giải quyết với Thái Lan về việc này rồi hãy quyết định đi hay không”.
Thông tin từ nhiều công ty du lịch ở TP.HCM cho hay, lượng khách hỏi mua tour Thái Lan trong 2 ngày qua giảm rõ rệt, dù là thời điểm chuẩn bị vào mùa cao điểm du lịch hè. “Chúng tôi không giới thiệu tour đường bộ liên tuyến Campuchia – Thái Lan qua cửa khẩu Poipet nữa. Trong thực tế, tour Thái Lan nhiều tháng qua cũng rất ế ẩm vì tình hình chính trị Thái Lan bất ổn. Cộng thêm làn sóng tẩy chay trên mạng mấy ngày qua về vụ du khách Việt bị sỉ nhục ở cửa khẩu, chắc chắn tour Thái sẽ ế ẩm hơn”, bà Phương, phụ trách tour nước ngoài của một công ty du lịch, chia sẻ.
Giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP.HCM khẳng định sẽ đẩy mạnh bán tour ở một số thị trường gần để bù đắp lại tour Thái sụt giảm, như tour Campuchia, Philippines, Malaysia, Singapore. Còn ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, thẳng thắn: “Nếu phía Thái Lan không gỡ bỏ quy định và tấm biển có chữ VN ở cửa khẩu, chúng tôi có thể sẽ không chào bán tour Thái nữa và kêu gọi các công ty du lịch trong nước cùng hợp tác”.
Theo TNO
Vụ 'Du khách Việt bị hải quan Thái Lan sỉ nhục': Phải bỏ ngay quy định miệt thị
Ngày 6.5, Thanh Niên đã liên hệ với Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM để tìm câu trả lời cho những quy định mang tính sỉ nhục người Việt ở cửa khẩu Aranyaprathet.
Quyền hạn của hải quan ?
Tuy nhiên, thông qua đại diện là nhân viên người Việt, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM từ chối trả lời. Nhưng vị đại diện này cũng cho biết thêm, trang web www.thaiembassy.org có quy định rõ số tiền khách du lịch vào Thái Lan phải mang theo là 20.000 baht, nhưng không đề cập đến việc bắt du khách cầm tiền lên ngang mặt để chụp ảnh. "Phía Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM đã biết thông tin qua báo chí và đang nghiên cứu để có câu trả lời chính thức", vị này nói.
Bà Huỳnh Diễm Thúy, phụ trách truyền thông của Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM (TAT), giải thích với báo chí: "Việc yêu cầu du khách cầm số tiền 700 USD hoặc 20.000 baht để hải quan chụp lại số seri trên tiền, phòng trường hợp cho người khác mượn lại số tiền đó. Lý do vì hải quan đã nhiều lần phát hiện trường hợp gian lận của khách và phải mất nhiều thời gian trong việc giải quyết nếu không chụp lại số seri. Đây hoàn toàn nằm trong quyền hạn của hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh và du khách nước ngoài (bất kể quốc gia nào) khi được yêu cầu phải tuân theo".
Không gỡ bỏ, sẽ tẩy chay tour Thái
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng hằng năm có gần 500.000 du khách Việt Nam du lịch tới Thái Lan, đóng góp một lượng lớn ngoại tệ cho nước này, ở nhiều trung tâm mua sắm còn có nhân viên nói tiếng Việt để phục vụ du khách Việt. "Thế nhưng, phía Thái lại hành xử như vậy với những người đã mang nguồn thu đến cho họ. Cho nên, tôi đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam nên vào cuộc, yêu cầu phía Thái Lan gỡ bỏ chữ Việt Nam trên tấm bảng ở cửa khẩu Aranyaprathet, bỏ quy định có tính miệt thị chụp hình người Việt cầm tiền đưa lên ngang mặt. Nếu phía Thái vẫn giữ quy định này, khách Việt nên tẩy chay du lịch Thái Lan", ông Huê bức xúc. Nhiều độc giả cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vấn đề này.
Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt: "Thực ra, cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan có nhiều cách để kiểm soát, chứ không phải chỉ có mỗi cách rất thiếu tế nhị là bắt khách phải cầm tiền lên chụp hình như tội phạm".
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL Phan Đình Tân cho biết ngay trong ngày Tổng cục Du lịch Việt Nam phải báo cáo vụ việc với lãnh đạo Bộ. Tùy theo mức độ, Bộ sẽ xem xét cơ quan nào lên tiếng với cơ quan ngang cấp của Thái Lan yêu cầu nước này đối xử tôn trọng khách Việt Nam. Ông Tân khẳng định, phải bảo vệ tư cách công dân Việt Nam chứ không thể để bị làm nhục như vậy ở nước ngoài.
Chúng tôi cũng liên lạc với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ông Tuấn cho hay: "Tôi đang đi công tác nên đã giao cho ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng cục phó, gửi thư đến Tổng cục Du lịch Thái Lan yêu cầu chấn chỉnh vụ việc. Đồng thời gửi công văn đến Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội yêu cầu có biện pháp giải quyết, xử lý và rút kinh nghiệm. Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành trong nước khi đưa khách đến Thái Lan nếu gặp tình huống như vậy cần có thái độ cứng rắn để bảo vệ du khách".
Theo TNO
VN cần 8 tỉ USD để thu gom xử lý nước thải đô thị Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20.1 công bố báo cáo Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở VN. Ảnh minh họa Theo đó, từ nay đến năm 2025 VN cần đầu tư 8 tỉ USD thu gom xử lý nước thải đô thị. Báo cáo tập trung nghiên cứu những thách thức mà VN đang gặp phải do...