Vụ “đòi vợ”: Nhà gái sẽ trả sính lễ
Đôi nam nữ khuyết tật có dấu hiệu bị chia lìa vĩnh viễn khi nhà gái tuyên bố trả sính lễ (nhẫn cưới, bông tai) cho nhà trai. Được biết, dù đi đứng không vững nhưng cô gái từng nỗ lực trốn về nhà chồng.
Liên quan đến vụ chàng trai liệt 2 chân Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi) gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp để nhà gái trả lại vợ cho mình, trong một diễn biến mới nhất, phía nhà gái tuyên bố sẽ trả sính lễ lại cho nhà trai, đồng thời xem đám cưới diễn ra trước đó chỉ là “hành động nông nổi”.
Nhà gái trả vàng, nhà trai phải trả tiền
Ông Nguyễn Hơn, cha ruột của cô dâu Nguyễn Thị Yến (26 tuổi), tuyên bố với phóng viên sắp tới sẽ trả lại sính lễ cho nhà trai (bông tai và nhẫn cưới) với điều kiện nhà trai cũng phải hoàn trả 1,5 triệu đồng cho nhà gái. Ông Hơn cho biết, đây là số tiền chi vào việc thuê xe đi lại dịp tổ chức đám cưới, nhà trai cam kết trả giúp cho nhà gái nhưng không thực hiện.
Theo gia đình nhà trai, việc nhà gái đòi trả sính lễ và xem đám cưới của vợ chồng Hùng như trò đùa là không thể chấp nhận. Theo bà Lý Ngọc Giao (43 tuổi), mẹ của anh Hùng, đám cưới của Hùng và Yến thực hiện đúng theo nghi lễ truyền thống. Ngày hỏi cưới, vợ chồng bà Giao sang xin ý kiến nhà gái là ông Nguyễn Hơn và bà Trần Thị Lân, hai người đều vui vẻ ưng thuận. Ngoài ra, do Yến chưa có giấy chứng minh nhân dân nên nhà trai làm đơn xin chính quyền tổ chức đám cưới trước sẽ làm chứng minh nhân dân và giấy đăng ký kết hôn sau.
Ngày 23/1/2013, đám cưới diễn ra vui vẻ với sự tham gia đầy đủ của bà con hai họ cũng như lãnh đạo thôn ấp.
Cặp đôi Hùng – Yến trong ngày cưới (ảnh do gia đình cung cấp)
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo ấp Bến Sắn, nơi gia đình nhà trai đăng ký hộ khẩu, cũng xác nhận trước khi đám cưới diễn ra lãnh đạo ấp và Công an xã đã nhận được đơn xin cưới vợ của gia đình anh Hùng.
Phía nhà trai cho biết gia đình rất khó khăn, đến cả căn nhà lụp xụp, hư hỏng mà vẫn chưa thể sửa chữa. Nhưng vì “đại sự”của Hùng, gia đình phải chạy đôn chạy đáo cố vay mượn đủ 50 triệu đồng làm chi phí đám cưới. Nhưng tiền vay làm đám cưới chưa trả hết thì con dâu đã “bị cướp”.
Video đang HOT
Bà Giao cho biết, 24 năm nuôi Hùng là 24 năm bà khóc ròng vì sự bất hạnh của con mình. Đám cưới là giây phút bà hạnh phúc nhất vì thấy con trai mỉm cười rạng rỡ. Được biết Hùng bị teo cơ chân, lên 8 tuổi bắt đầu đi không được. Hùng còn có người em cũng bị bệnh như mình.
Cô gái yêu chồng nồng cháy!
Hùng kể: Ngày 17 tháng giêng âm lịch, giữa lúc bị cha mẹ “nhốt” không cho về nhà chồng, Yến gọi điện thoại cho Hùng bảo mình đã trốn được ra ngoài, đang đứng ở cổng Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật (TP. Thủ Dầu Một) để chờ Hùng cho người tới đón. Hôm đó, đích thân mẹ Hùng đi xe máy đến đón. Tuy nhiên vừa mới đi thì người phía nhà gái bỗng xuất hiện, chặn lại. Cũng theo lời Hùng, hôm đó, phía nhà gái định hành hung nhà trai nhưng nhờ công an can thiệp nên mẹ anh mới được an toàn.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, đại diện nhà gái – ông Nguyễn Hơn, khẳng định hôm đó người phía nhà gái chỉ chặn lại không cho mang Yến đi chứ không có ý định hành hung.
Anh Hùng, chị Yến đang ao ước sống đời hạnh phúc như 12 cặp đôi khuyết tật ở trung tâm nhân đạo Quê Hương, Bình Dương
Theo tìm hiểu, mặc dù nói năng không rành rọt, đi cũng không vững nhưng Yến rất yêu Hùng. Ngoài lần bỏ trốn để đến với Hùng, Yến từng “tuyệt thực” để được sống đời hạnh phúc với người mình yêu. Việc này cũng được ông Nguyễn Hơn xác nhận. Cụ thể, ông Hơn cho biết Yến từng bỏ cơm, nhịn ăn để gây áp lực buộc ông và vợ phải cho Yến làm đám cưới với Hùng. Tuy nhiên, lý giải vì sao nỡ ngăn cản tình yêu của con gái, ông Hơn lại cho rằng “Yến đầu óc không tỉnh táo, lúc này lúc khác mới có hành động như bỏ ăn, bỏ nhà đi…
Xung quanh vụ việc này, trao đổi với báo giới, lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương nêu quan điểm, Hội luôn ủng hộ tình yêu tự nguyện và kết hôn giữa những đôi nam nữ khuyết tật. Tuy nhiên Hội cũng lưu ý, chỉ ủng hộ những cặp nào đủ điều kiện kết hôn. Riêng trường hợp của Yến hiện cơ quan chức năng chưa giám định Yến có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không nên việc đăng ký thủ tục kết hôn chưa thể thực hiện.
Nhiều cặp đôi khuyết tật sống hạnh phúc
Những cặp khuyết tật cưới nhau và sống hạnh phúc không phải là chuyện hiếm ở Bình Dương.
Ngày 10/12, 12 cặp đôi khuyết tật đã làm đám cưới tập thể tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Đa phần họ bị khiếm thị hoặc tật nguyền. Được biết, 24 cô dâu chú rể này đều là trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng và sống chung tại trung tâm nhân đạo Quê Hương.
Mặc dù các cặp uyên ương không có “hai họ” nhưng đám cưới của họ có sự tham dự của nhiều cán bộ của các Sở ban ngành của tỉnh Bình Dương. Nhiều quan chức đã trực tiếp cụng ly với các cô dâu chú rể và chúc họ xây được những tổ ấm hạnh phúc, vững bền. Hiện họ sống rất hạnh phúc.
Theo 24h
Vụ "đòi vợ": Nhà gái quá vội vàng
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, gia đình nhà gái đã quá vội vàng khi chia rẽ đôi vợ chồng người khuyết tật.
Như tin đã đưa, chỉ sau đám cưới 20 ngày, chú rể bại liệt Nguyễn Quốc Hùng (xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương), bỗng dưng bị nhà gái đòi lại cô dâu vì lý do cặp đôi này không thể tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân.
Về phía mình, Hùng khẳng định, đám cưới của anh với chị Nguyễn Thị Yến (bị bại não bẩm sinh) diễn ra trước đó đã được hai gia đình đồng ý nên mới tổ chức. Chính vì thế, Hùng đã viết đơn yêu cầu chính quyền phải công nhận đám cưới giữa anh và Yến là hợp pháp, tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho hai người; đồng thời yêu cầu nhà gái trả lại vợ cho anh.
Anh Hùng cho biết từ khi bị nhà gái đòi lại cô dâu, ngày nào anh cũng nhớ vợ
Trước vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần xác định rõ "đám cưới" của anh Hùng với chị Yến chỉ là được thực hiện theo nghi lễ của phong tục tập quán hay đã làm thủ tục kết hôn theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Thơm, để đúng quy định pháp luật, anh Hùng và chị Yến phải có đủ giấy tờ hợp lệ về hộ tịch. Nếu xét thấy đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức đăng ký kết hôn, trường hợp từ chối thì phải thích rõ bằng văn bản. Nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
"Như vậy, nếu anh Hùng và chị Yến chưa làm hồ sơ đăng ký kết hôn gửi lên UBND thì không thể yêu cầu UBND tiến hành làm thủ tục kết hôn cho hai người được", Luật sư Thơm lý giải.
Về mặt pháp lý, Luật sư Thơm khẳng định: Luật hôn nhân-Gia đình và Luật người khuyết tật không có quy định nào cấm những người khuyết tật được kết hôn với nhau.
Song Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định "người mất năng lực hành vi dân sự" thuộc một trong những trường hợp bị cấm kết hôn.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, gia đình nhà gái đã quá vội vàng khi chia rẽ đôi vợ chồng này
Luật sư Thơm cho rằng trong trường hợp này, gia đình người vợ cũng quá vội vàng khi giải quyết vấn đề tình cảm của đôi bạn trẻ. Không thể nói Yến bị mất năng lực hành vi bởi cô đã từng học nghề ở Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương. Nếu đã bị mất năng lực hành vi thì cũng không thể học nghề được", Luật sư Thơm phân tích.
Từ lập luận trên, Luật sư Thơm cho rằng, hoàn toàn có thể đặt khả năng Yến chỉ bị "hạn chế" năng lực hành vi dân sự. "Cô vẫn có thể đi lại, có nói được nhưng không rõ và vẫn có khả năng tiếp thu tình cảm và học nghề được... Nếu chỉ bị "hạn chế" thì vẫn đủ điều kiện kết hôn theo qui định" - Luật sư Thơm nói.
Theo Luật sư Thơm, nếu gia đình Yến vẫn không yên tâm để cô kết hôn với Hùng thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết xác định Yến thuộc trường hợp "mất" hay "hạn chế năng lực hành vi". Trên cơ sở hồ sơ bệnh án, Tòa sẽ ra quyết định yêu cầu giám định tâm thần tại tổ chức giám định cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
"Trong trường hợp gia đình Yến cố tình không thực hiện thủ tục xác định năng lực hành vi cho Yến thì anh Hùng có quyền yêu cầu Hội người khuyết tật bảo vệ quyền lợi của mình và Yến. Mặt khác anh Hùng có quyền đề nghị UBND nơi cư trú của Yến xử lý hành vi "cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật" được quy định tại điều 14 Luật khuyết tật", Luật sư Thơm nói.
Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dung một số điều của Luật hôn nhân gia đình quy định: "Người mất năng lực hành vi dân sự là người mất khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự".
Bộ luật Dân sự cũng quy định "Mất năng lực hành vi dân sự": "Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở của tổ chức giám định".
Theo 24h
Cưới được 20 ngày, gia đình... đòi lại cô dâu Hai người khuyết tật ở Bình Dương sau khi cưới về sống chung được khoảng 20 ngày thì nhà gái đòi lại cô dâu. Cơ quan chức năng lúng túng không biết phải giải quyết ra sao. Ngày 22/1, anh Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi, ngụ xã Long Nguyên, H.Bến Cát, Bình Dương bị bại liệt 2 chân) được 2 gia đình đồng...