‘Vụ ĐH Đông Đô cho thấy quản lý quan liêu, việc kiểm soát có vấn đề’
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT – cho rằng đối với các trường, bộ không đơn thuần quản lý mà phải kiểm soát chất lượng.
Đông Đô là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sau 25 năm hoạt động, trường vướng nhiều sai phạm như tuyển sinh vượt chỉ tiêu, gian lận thi cử, bị đình chỉ tuyển sinh do tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao.
Mới đây nhất, hiệu trưởng cùng một số cán bộ ĐH Đông Đô bị khởi tố vì tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự. Chủ tịch HĐQT trường cũng bị truy nã vì tội danh tương tự.
Điều đáng nói trường này tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ chính quy văn bằng 2 nhiều năm liền, dù không được Bộ GD&ĐT cấp phép.
ĐH Đông Đô có nhiều sai phạm kể từ khi thành lập. Ảnh: VTV.
Kẽ hở trong quản lý, cấp phát văn bằng
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định sai lầm ở chỗ ký quyết định cấp văn bằng. Trước đây, để có phôi bằng, trường phải trình đủ giấy tờ, gồm danh sách nhập học, danh sách tốt nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh với chuyên viên Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT (phụ trách theo dõi trường). Người này chứng nhận, trình lên vụ trưởng rồi mới chuyển sang văn phòng bộ để cấp phôi bằng.
Sau này, vì một số chuyên viên sách nhiễu, bộ trưởng (khi đó là ông Phạm Vũ Luận) đã bỏ khâu ở Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, giao thẳng cho Văn phòng Bộ GD&ĐT. Việc thả lỏng này tạo ra kẽ hở khi sự phối hợp giữa văn phòng và Vụ Kế hoạch – Tài chính không tốt.
Video đang HOT
“ĐH Đông Đô là trường hợp như vậy. Người theo dõi ở Vụ Giáo dục Đại họckhông gắn với người theo dõi ở Vụ Kế hoạch – Tài chính”, ông Vinh giải thích.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nói thêm vụ việc ĐH Đông Đô cho thấy quản lý còn quan liêu. Khâu kiểm soát chất lượng có vấn đề. Đối với các trường, Bộ GD&ĐT không đơn thuần quản lý, mà phải kiểm soát chất lượng.
Bản thân ông từng phản đối quyết liệt quy định về quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Ông Vinh cho rằng với bằng cấp có in chữ Bộ GD&ĐT, bộ phải có quyền kiểm soát từ tuyển sinh, đào tạo đến cơ sở vật chất. Trường phải thông qua kiểm định, đảm bảo chất lượng mới được đưa dòng đó vào, tránh trường hợp chỉ mượn danh bộ “làm liều” như ĐH Đông Đô.
Theo chuyên gia này, việc cấp phát phôi bằng được giao cho văn phòng. Trong khi đó, chuyên viên ở văn phòng không có chuyên môn về lĩnh vực này, cấp phôi cho các trường làm đủ thủ tục, không có sự theo dõi trở lại.
“Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô cần xem xét giải thể”
Trong sự việc ĐH Đông Đô, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm một phần. Vấn đề còn nằm ở việc trường không tuân thủ. Để thắt chặt quản lý, Bộ GD&ĐT có thể ứng dụng công nghệ thông tin. Với blockchain, bộ nắm được mã định danh của sinh viên, nhập học ngày nào, quá trình học ra sao, bao nhiêu tín chỉ, ngày nào ra trường (biết được thời gian học).
Lãnh đạo của ĐH Đông Đô liên quan sai phạm. Ảnh: Công an cung cấp.
Đương nhiên, thời gian không phải tất cả nhưng là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng. Trường hợp học vài ba ngày mà có bằng không thể chấp nhận được.
“Nếu có công nghệ thông tin nối chặt các đầu mối (Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ GD&ĐT – PV), gian lận khó xảy ra hơn. Đương nhiên, trường vẫn có thể làm giả nhưng ít nhất, quá trình được giám sát chặt chẽ”, ông Vinh nói và cho rằng hiện nay, cả đào tạo văn bằng 1 lẫn văn bằng 2 đều có vấn đề, một phần ở việc xử lý sai phạm.
Trước đó, trong 9 năm ông làm vụ trưởng, một vài trường làm sai. Theo luật, ông trình bộ cho dừng tuyển sinh một năm và thông báo rộng rãi để xã hội biết. Chỉ cần làm nghiêm một trường, xử lý dứt điểm, hàng chục trường khác lấy đó làm gương, đỡ mất công kiểm tra (nhiều khi kiểm tra cũng không xuể).
“Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô, trường cần phải giải tán. Bộ đã có quy định. Trường sai phạm cần bị xử lý nghiêm túc, không phải kiểu xử rồi vẫn tồn tại. Xử lý một trường để răn đe hàng trăm trường khác”, ông Vinh nêu quan điểm.
Ngày 2/8, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô) và Trần Ngọc Quang (57 tuổi, Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên) về tội “Giả mạo trong công tác”. Hai cán bộ khác của ĐH Đông Đô cũng bị khởi tố với tội tương tự nhưng được tại ngoại.
Dù không được cấp phép, ĐH Đông Đô vẫn tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh từ năm 2016. Năm 2018, trường liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn để ăn chia.
Cơ sở này cho phép học viên không phải đi học, không phải thi đầu vào, đầu ra. Các khóa cấp văn bằng cấp tốc không thông báo tuyển sinh, không thành lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Có trường hợp được chèn hồ sơ vào danh sách lớp đã học trước đó.
Nngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (47 tuổi, quê Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục ĐH Đông Đô. Ông Hùng bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.
Theo Zing.vn
Bộ Công an khởi tố Hiệu trưởng Đại học Đông Đô
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô (Ảnh Bộ Công an).
Ngày 2/8, Bộ Công an cho biết: Ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 04 bị can, gồm:
1. Dương Văn Hòa, sinh năm 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô.
2. Trần Ngọc Quang, sinh năm 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô.
3. Phạm Vân Thùy, sinh năm 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
4. Lê Thị Lương, sinh năm 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
Ngày 01/8/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương. Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Theo Danviet
Hiệu trưởng bị bắt, bằng do Đại học Đông Đô cấp có còn giá trị? Một số cán bộ Trường Đại học Đông Đô móc ngoặc với tổ chức bên ngoài cấp văn bằng 2 cho học viên trái quy định. Khi vụ việc bị phanh phui, những tấm bằng đã cấp có còn giá trị? Liên quan vụ ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) cùng 3 thuộc cấp bị bắt, nhiều...