Vụ đảo chính chấn động của Chu Vĩnh Khang: Bao vây Trung Nam Hải?
Diễn đàn Tân Hoa Xã đã so sánh vụ của Chu Vĩnh Khang với “âm mưu lật đổ chính quyền” của Bè lũ 4 tên thời Cách mạng Văn hoá.
Vụ Chu Vĩnh Khang nguy hiểm như vụ Bè lũ 4 tên
Sau khi có tuyên bố điều tra chính thức với Chu Vĩnh Khang, ngày 30/ 7, diễn đàn trên trang điện tử của Tân Hoa Xã xuất hiện bài phân tích “Những vấn đề sâu xa trong vụ Chu Vĩnh Khang”.
Bài viết nhận định, vụ Chu Vĩnh Khang gây “chấn động thế giới”, những người có quan hệ liên đới với ông Chu như vợ con, họ hàng, thuộc cấp, trợ lý, đặc biệt là nhóm lợi ích “bang dầu khí” đều đã nằm trong tầm ngắm của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (CCDI).
Bài phân tích trên so sánh vụ án của Chu Vĩnh Khang với vụ Lâm Bưu và Bè lũ 4 tên thời Mao Trạch Đông. Bài viết có nhắc tới Băng nhóm Lâm Bưu phản Đảng, Bè lũ 4 tên, “câu kết bè đảng, âm mưu lật đổ chính quyền”…, tuy không chỉ ra những liên hệ trực tiếp với vụ Chu Vĩnh Khang nhưng cũng đủ khiến độc giả có sự liên tưởng.
Chu Vĩnh Khang từng được mệnh danh là “ông trùm an ninh” Trung Quốc
“Chu Vĩnh Khang điều động lực lượng, bao vây Trung Nam Hải“
Các nguồn tin quốc tế tiết lộ, Chu Vĩnh Khang từng nhiều lần mưu đồ đảo chính nhưng không thành, trong đó, được nhắc tới nhiều nhất chính là sự kiện 19/3.
Ngày 15/3/2012, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai chính thức bị cách chức. Nhiều nguồn tin được lan truyền trên các trang mạng ở Hong Kong nhưng chưa được kiểm chứng cho hay, việc Chu Vĩnh Khang cùng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tranh giành một nhân chứng quan trọng là doanh nhân Từ Minh đã dẫn tới vụ đảo chính Bắc Kinh 19/3.
Nguồn tin tự nhận là “từ bên trong Trung Nam Hải” tiết lộ, đêm 19/3, Chu Vĩnh Khang điều động lực lượng cảnh sát vũ trang quy mô vô cùng lớn tại Bắc Kinh và vùng lân cận, bao gồm cả Tân Hoa Môn và Thiên An Môn, đồng thời khống chế Tân Hoa Môn của Trung Nam Hải. Khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lệnh Kế Hoạch, “đại nội tổng quản” của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã lập tức điều động Cục cảnh vệ Trung ương, đối phó tình hình. Lúc này, lực lượng vũ trang mà Chu huy động chỉ “chần chừ trước cửa Trung Nam Hải” chứ không dám tiến xa hơn.
Sau khi nhận tin Trung Nam Hải bị bao vây, Hồ Cẩm Đào đã phải điều động khẩn cấp Quân đoàn 38 thuộc Bộ đội Vệ Tuất (cảnh vệ bộ đội cấp cao, được ví như “cấm vệ quân” thời xưa) tiến vào Bắc Kinh, đối phó với lực lượng cảnh sát vũ trang của Chu Vĩnh Khang. Sau khi cảnh sát vũ trang kháng cự lại mệnh lệnh rút khỏi Bắc Kinh của Quân đoàn 38, giữa hai bên đã xảy ra đấu súng.
Các nguồn tin này dẫn lời một nhân chứng giấu tên cho hay “đã nghe thấy tiếng súng phát ra từ phía Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương”. Cảnh sát vũ trang sau đó đã đầu hàng và được Quân đoàn 38 cách ly khỏi “khu vực nhạy cảm”.
Video đang HOT
Tân Hoa Môn thuộc Trung Nam Hải
Hồ Cẩm Đào từng muốn bắt giữ Chu Vĩnh Khang nhưng không thành
Cũng theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng nói trên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, khẩu hiệu của Quân đoàn 38 chính là “đập tan phần tử âm mưu đảo chính”. Quân đoàn này từng bao vây trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, tuyên bố truy bắt Chu Vĩnh Khang, chủ mưu vụ đảo chính, theo chỉ đạo của Hồ Cẩm Đào.
Một nguồn tin giấu tên khác tiết lộ, tại trụ sở CCDI, Quân đoàn 38 đã có xung đột với lực lượng cảnh vệ và thậm chí còn khống chế lực lượng này. Tuy nhiên trong đêm đó, người ta không thể tìm thấy Chu Vĩnh Khang bất kể là tại trụ sở CCDI hay tư gia của Chu.
Trước thềm Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18, Bạc Hy Lai đã thừa nhận chính Chu Vĩnh Khang là người đã tiết lộ thông tin cựu Chủ nhiệm Ủy ban an ninh Trùng Khánh trốn tại Lãnh sự quán Mỹ. Chu còn yêu cầu Bạc phải “lập tức hành động, bằng mọi giá phải bắt được Vương Lập Quân”. Sau động thái trên của Chu, bà Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, đã mật báo với Trung ương về vụ chủ mưu đảo chính của ông này.
Theo Tri Thức
Trung Quốc "giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu"
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra một trong những chính trị gia quyền uy nhất, cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang, Carrie Gracie, biên tập viên Trung Quốc của BBC News mở đầu bản tin.
Chu Vĩnh Khang bị hạ bệ chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng ở Trung Quốc, hay chỉ là sự đấu đá cá nhân mượn danh tổ chức? Ảnh Reuters
Trong động thái chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chiến thắng trong trận đấu khó khăn giành quyền chỉ huy tối cao, Tân Hoa xã nói ông Chu sẽ bị điều tra do các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cách nói để ám chỉ tội tham nhũng.
"Không cần biết con hổ to như thế nào, một khi vi phạm pháp luật... và vi phạm luật lệ đảng, con hổ đó sẽ khó có thể thoát được lồng sắt."
Đây là phán quyết từ cơ quan ngôn luận của đảng, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang.
Nhưng với sự bẽ bàng của ông ta, chính trị Trung Quốc bước vào giai đoạn chưa từng có. Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị làm nhục theo cách này trong nhiều thập niên qua.
Trong giai đoạn đổi mới từ 35 năm qua, có bộ quy tắc không thành văn rằng những người mới lên nắm quyền không tấn công những người đã rời chức, nỗ lực nhằm tránh tình trạng thanh trừng chính trị man rợ trong thời Mao.
Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu sau khi điều hành mạng lưới an ninh đầy quyền lực cùng lúc với ông Tập Cận Bình được thăng chức lãnh đạo Đảng năm 2012.
Nhưng với thông báo về vụ điều tra ông Chu, Chủ tịch Tập đã xé bỏ bộ quy tắc dành riêng cho chính giới cấp cao Trung Quốc, và các chính trị gia quyền lực một thời khác đang lo lắng mình có thể là người tiếp theo.
Biến mất trước công chúng
Chu Vĩnh Khang nổi lên từ một gia đình nghèo và trở thành kỹ sư ngành dầu khí, dần thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng để lên nắm công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc rồi sau đó dẫn dắt Tứ Xuyên, tỉnh lỵ có 80 triệu dân.
Đỉnh cao sự nghiệp của ông là chiếc ghế trong đội ngũ chính trị cao nhất của đảng, Ủy viên thường trực Bộ chính trị.
Ngoài ngôi làng ở quê nhà, khó có thể nói ông là người được yêu quý ở Trung Quốc, nhưng tới năm 2012, ông có thể đạt được cái tiếng là người đáng sợ nhất.
Thông báo từ cơ quan thông tấn chính thống của Trung Quốc không ghi rõ chi tiết các cáo buộc đối với ông Chu.
Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, số phận của ông đã được định đoạt khi người mà ông bảo trợ, Bạc Hy Lai, thất thế sau việc vợ ông liên quan tới vụ sát hại một doanh nhân người Anh đầy tai tiếng.
Rõ ràng là ông Chu Vĩnh Khang đã gặp rắc rối khi bỗng biến mất trước công chúng từ năm ngoái.
Trong những tháng sau đó, tên tuổi ông không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới, nhưng lần lượt các đồng minh chính trị của ông, trong ngành dầu khí, ở tỉnh Tứ Xuyên hay trong bộ máy an ninh, đều trở thành con mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng khốc liệt.
Các thành viên gia đình, tài xế, vệ sỹ, và những người được ông bảo trợ cũng bị sa lưới. Thông báo điều tra ông chỉ là vấn đề thời gian.
&'Cả hổ lẫn ruồi'
Hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc thiếu hệ thống bầu cử để có chỗ cho người mới và ý tưởng mới và chiến dịch chống tham nhũng thường được coi là phương thức tiện lợi để lãnh đạo mới khống chế đối thủ và củng cố quyền lực.
Nhưng khi làm nhục một nhân vật cấp cao đến thế, ông Tập Cận Bình đang đánh tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông rất khác.
Suốt nhiều năm, các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cảnh báo rằng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của đảng. Khó phóng đại nghi ngờ sâu sắc của dân chúng đối với tầng lớp lãnh đạo.
Khi kinh tế phát triển mạnh, các quan chức cấp cao vơ vét hàng tỷ từ tài sản công, rất nhiều trong số đó giấu của trong các tài khoản và tài sản ở nước ngoài.
Các chỉ trích gia cáo buộc ông Tập là người giả nhân giả nghĩa khi một số người trong gia đình ông trở nên giàu có hơn trong những năm gần đây.
Nhưng tuyên bố quyết tâm trị "cả hổ lẫn ruồi" của ông đã được sự ủng hộ của dân chúng và gửi tín hiệu tới hệ thống đảng và chính quyền rằng ông thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tư lợi, đặc biệt là với những ai có thể có ý định cản trở kế hoạch đổi mới kinh tế của ông.
Hàng ngàn quan chức đã bị điều tra và không có dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ ngưng lại.
Nhân dân Nhật báo viết hôm 29/07: "Tình hình vẫn dữ dội và phức tạp... Đấu tranh chống tham nhũng sẽ không kết thúc. Lôi được Chu Vĩnh Khang ra không phải là hết. Đây chỉ là một bước, một giai đoạn. Bất kỳ ai tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt."
Với ông Tập Cận Bình, đây là chiến thắng cá nhân quan trọng. Ông đã kết liễu những nghi ngại về việc liệu ông có thể hạ một trong những "con hổ" lớn nhất này và chứng tỏ mình là người đứng đầu mạnh mẽ không ai địch nổi.
Nhưng một bình luận trên mạng xã hội đưa ra vào đêm có thông báo điều tra rằng liệu ông Chu có thực sự là "vua của bầy hổ hay cũng chỉ là một con hổ thường mà thôi?" Và rất nhiều người Trung Quốc khác đồn đoán về "bầy hổ" còn lại vẫn đang tự do, những cựu lãnh đạo hay lãnh đạo đương chức che chắn cho các đế chế doanh nghiệp tham nhũng của người trong gia đình.
Hơn nữa, thông báo này chẳng có gì là cứu vãn danh tiếng của Đảng cả.
Cú đánh chính trị trọng đại lại chỉ được chuyển tải bằng một dòng ngắn gọn trên các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước cho thấy người Trung Quốc hay công chúng thế giới vẫn chỉ được phép biết ít ỏi về các vấn đề nội chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo NTD/Bizlive
Loại nhóm Chu Vĩnh Khang, lãnh đạo Trung Quốc "cài cắm" bạn thân vào Quân ủy trung ương Trong nỗ lực nắm trọn quyền kiểm soát Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA), Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình "cài cắm" bạn thân vào tổ chức quân sự cao nhất này: thượng tướng Lưu Nguyên, 62 tuổi có thể được được chỉ định làm một trong hai phó chủ tịch quân ủy trung ương (CMC). Hai...