Vụ đánh bom Bangkok: Tài tử Úc khốn đốn vì cư dân mạng phá án
Nam diễn viên điển trai người Úc Sunny Burns bất ngờ bị đẩy vào tình trạng không mấy dễ chịu khi anh bị nhầm là nghi phạm đánh bom Bangkok “nhờ” “tài phá án” của cư dân mạng!
Ảnh bên trái là Sunny Burns, còn bên phải là nghi phạm đánh bom Bangkok.
Hôm 19-8, chia sẻ về những trải nghiệm căng thẳng này, chàng diễn viên kiêm người mẫu này nói rằng sau khi bị cư dân mạng “chỉ điểm”, anh không còn lựa chọn nào khác là trình diện trước cảnh sát Thái Lan. Lúc bấy giờ, tin đồn đã lan nhanh chóng mặt trên mạng xã hội, nghi ngờ rằng anh chính là nghi phạm đánh bom áo vàng bị ghi hình trong camera CCTV tại hiện trường vụ tấn công gần đền Erawan khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 123 người bị thương.
“Trên mạng xã hội, người ta tung lên giấy nhập cư của tôi, họ còn chỉ thẳng nơi tôi sống. Tôi không còn lựa chọn nào khác là tới gặp cảnh sát” – Burns nói trên chương trình Kênh 7 của hãng Sunrise.
Sunny Burns chia sẻ lên mạng Instagram bức ảnh anh chụp ở sở cảnh sát ở Bangkok. (Ảnh: Instagram)
“Mọi người cáo buộc tôi là tên khủng bố giết chết hơn 20 người và khiến 100 người bị thương” – Burns nhấn mạnh
“Tôi trộm nghĩ, ôi trời ơi… lẽ nào tôi sẽ giống như vụ Schapelle Corby, nhưng là phiên bản khủng bố. (Schapelle Corby là một phụ nữ Úc phải ngồi tù oan ở Indonesia vì cáo buộc buôn lậu ma túy. Cô phải ngồi tù suốt 9 năm mới được giải oan và phóng thích – PV)” – nam diễn viên này nói thêm.
Video đang HOT
Sunny Burns lên tiếng sau khi trình diện cảnh sát. (Ảnh: News.com.au)
Cũng theo lời Burns, khi vừa phát hiện mình lâm vào tình cảnh đó, anh đã nghĩ ngay tới việc phải tới chỗ cảnh sát để nói rõ rằng: “Tôi là Sunny đây và tôi không phải kẻ khủng bố”.
Sunny Burns vốn là một diễn viên trẻ chưa có tiếng ở Úc. Anh đang quay một bộ phim tại Thái Lan. Theo lời Burns, cảnh sát đã giữ anh lại trong 6 giờ dù không nói gì nhiều.
“Cảnh sát hỏi tôi có theo tôn giáo nào không và tôi ở đâu khi vụ tấn công xảy ra. Ngoài ra còn có những câu hỏi về nơi thường trú, nơi ở… Họ tới nhà tôi và lục soát” – Burns kể lại.
Nghi phạm đánh bom Bangkok đang bị cảnh sát truy lùng. (Ảnh: BBC)
“Mạng xã hội thực sự còn lớn hơn cả Ben Hur (hãng giải trí nổi tiếng ở Hollywood)” – Burns ngao ngán.
Tuy nhiên, nam diễn viên này nói rằng anh tha thứ cho những người phát tán tin đồn khủng khiếp nói trên. “Tôi yêu đất nước này và chúng ta hãy cùng đấu tranh, cùng truy tìm kẻ đánh bom. Tôi không phải là khủng bố” – Burn khẳng định.
Theo Đỗ Quyên/News.com.au
Người Lao động
Cảnh sát Thái Lan truy tìm 1 người đàn ông nước ngoài và 2 kẻ đồng lõa
Theo cảnh sát Thái Lan, nghi phạm người nước ngoài này có thể đến từ châu Âu hoặc Trung Đông.
Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát Thái Lan ngày 19/8 cho biết, nghi phạm bị camera an ninh ghi lại trước khi quả bom phát nổ gần đền Erawan, trung tâm thủ đô Bangkok là người nước ngoài. Theo cảnh sát Thái Lan, người này có thể đến từ châu Âu hoặc Trung Đông.
Chân dung nghi phạm áo vàng do cảnh sát Thái Lan phác họa (trái). Ảnh Khaosodenglish
Phát ngôn viên cảnh sát Prawut Thawornsiri cũng cho biết, các nhà điều tra tin rằng hai người đàn ông khác được nhìn thấy trên đoạn băng video là những kẻ đồng lõa.
Ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong vụ nổ tối 17/8 ở trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan). Chính phủ Thái Lan cho biết, vụ đánh bom như vậy chưa từng xảy ra tại Bangkok và nó được thực hiện nhằm phá hoại nền kinh tế Thái Lan vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ du lịch.
Hiện vẫn chưa có tổ chức hoặc cá nhân này đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom khiến ít nhất 20 người thiệt mạng trong đó có 11 người nước ngoài và làm 120 người khác bị thương.
Ông Prawut cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình rằng lệnh bắt giữ nghi phạm "người nước ngoài" này đã được ban hành. Cảnh sát cũng công bố phác thảo nghi phạm đánh bom, theo đó đây là một thanh niên da trắng, mái tóc đen, bộ râu mỏng và đeo kính.
"Nghi phạm có nước da trắng của người châu Âu hoặc pha trộn dòng máu giữa người Âu và Trung Đông", ông Prawut nói.
Phác thảo nhận dạng của nghi phạm dựa trên đoạn video do camera an ninh ghi lại được, trong đó cho thấy một người đàn ông mặc áo phông màu vàng đã đặt một chiếc ba lô bên trong khuôn viên đền Erawan và đi bộ đi qua một đám đông khách du lịch khoảng 20 phút trước khi vụ nổ xảy ra.
Cảnh sát Thái Lan ngày 19/8 cũng đã treo thưởng 1 triệu baht (khoảng 28.000 USD) cho người nào cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ nghi phạm.
Ông Prawut cũng cho biết, trong vụ đánh bom này có hai người đàn ông khác, một mặc áo đỏ và một mặc áo trắng dường như đã che chắn cho nghi phạm mặc áo vàng khi tên này đặt ba lô phía trước rào chắn của đền Erawan.
Trước đó, cảnh sát nói rằng họ chắc chắn có một số người Thái Lan đã tham gia vào vụ đánh bom tối 17/8.
Cảnh sát và binh sĩ Thái Lan đang ráo riết truy lùng nghi phạm đánh bom tại Bangkok. Ảnh: Reuters
Hiện cảnh sát Thái Lan không loại trừ khả năng bất kỳ phe phái nào đã tiến hành vụ đánh bom trên, bao gồm cả các đảng phái đối lập với chính quyền hiện nay. Tuy nhiên, cảnh sát cũng nhận định rằng vụ đánh bom không giống với chiến thuật của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Thái Lan hoặc phe Áo đỏ ủng hộ chính quyền trước đây.
Angel Rabasa, một chuyên gia về phiến quân Hồi giáo tại Tập đoàn RAND, cho biết, vụ tấn công có thể là sản phẩm của IS vốn đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang Đông Nam Á hoặc của các tổ chức có liên hệ với al-Qaeda hay một nhóm thánh chiến độc lập.
Cảnh sát Thái Lan cũng cho biết, họ không loại trừ khả năng vụ đánh bom do các phần tử người Duy Ngô Nhĩ tiến hành. Tháng trước, Thái Lan đã trao trả cho Trung Quốc 109 người Duy Ngô Nhĩ chạy sang nước này.
Lãnh đạo Cảnh sát quốc gia Thái Lan Somyot Pumpanmuang cho biết, không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa vụ đánh bom tối 17/8 và vụ một thiết bị nổ được ném từ trên một cây cầu bắc qua sông Chao Praya ở Bangkok và phát nổ dưới nước hôm 18/8. Trước đó, một phát ngôn viên của chính phủ đã nói rằng có sự liên kết giữa hai vụ nổ đều sử dụng chất nổ TNT này./.
Nguyễn Hùng Theo Reuters
Theo_VOV
Thủ tướng Thái bác giả thiết thủ phạm là người Duy Ngô Nhĩ Thủ tướng Thái Lan bác bỏ giả thiết của cảnh sát rằng vụ nổ chết người có thể là hành động trả thù của người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời từ chối đề nghị giúp đỡ điều tra của chính phủ Anh. Thủ tướng Thái Lan trả lời phỏng vấn phóng viên hôm qua. Ảnh: Khaosod "Nếu họ đã làm điều đó, đáng...