Vụ đánh bạc nghìn tỷ: VKS đề nghị xem xét giảm hình phạt cho 17 bị cáo
Kết thúc phần xét hỏi, Viện KSND Cấp cao bác kháng cáo kêu oan của cựu Giám đốc GTS – Lê Thị Lan Thanh.
Sáng 8/3, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ chuyển sang phần tranh tụng với việc đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, có 36 bị cáo kháng cáo và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. Cụ thể, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội: 1) Không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ Đại lý cấp 1 trở lên; 2) Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tự nguyện khắc phục hậu quả cho các bị cáo đã khắc phục từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên; 3) Không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
Cựu giám đốc GTS – Lê Thị Lan Thanh kêu oan tại tòa.
Có 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cải tạo ngoài xã hội; 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; 1 bị cáo xin được áp dụng hình phạt tiền; 1 bị cáo (Lê Thị Lan Thanh, cựu Giám đốc công ty GTS) kêu oan về tội Tổ chức đánh bạc. Trong đó, Viện KSND Cấp cao bác kháng cáo kêu oan của Lê Thị Lan Thanh.
Trước đó, cựu Giám đốc GTS – Lê Thị Lan Thanh đã cho rằng mình bị oan với tội “Tổ chức đánh bạc”. Bị cáo Thanh trình bày trước tòa: “Theo bị cáo nghĩ, Tổ chức đánh bạc là phải có sự bàn bạc, lên kế hoạch cùng hành động. Trong khi đó, bị cáo không quen anh Dương ( Nguyễn Văn Dương), lại càng không biết anh Nam ( Phan Sào Nam)”.
Sau đó, HĐXX đã giải thích cho bị cáo Thanh biết: Các công ty con của bị cáo mua bán trái phép hóa đơn, là một mắt xích trong cả đường dây đánh bạc – đó chính là cơ sở để nói về tội “Tổ chức đánh bạc”. Phiên sơ thẩm tuyên bị cáo tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Tổ chức đánh bạc”, nhưng không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” – nghĩa là đã xét đến việc bị cáo không liên lạc với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
Video đang HOT
Tại phiên tòa, có 1 bị cáo rút đơn kháng cáo, một số bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo bằng việc xin giảm hình phạt tù hoặc xin hưởng án treo. Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC) xin được nộp tiền thay cho hình phạt tù về tội Rửa tiền.
Bị cáo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC).
Căn cứ kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, các lời khai tại phiên tòa và trong hồ sơ vụ án, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho rằng đây là vụ án có quy mô rộng, mang tính phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước, trong đó có cả những bị cáo công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Số lượng bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm lên đến 92 bị cáo.
Sau phiên sơ thẩm các bị cáo kháng cáo và liên quan đến kháng nghị của VKS chủ yếu về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc. Đối với các bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao cho rằng TAND tỉnh Phú Thọ kết án các bị cáo thuộc hai tội danh này là có căn cứ pháp luật.
Quá trình điều tra chỉ thu giữ được dữ liệu điện tử thể hiện hành vi đánh bạc trong hai ngày 8 và 9/8/2016. Căn cứ vào các dữ liệu này để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo và việc xác định số tiền đánh bạc của từng bị cáo theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, làm căn cứ để xác định số tiền tổ chức đánh bạc của các bị cáo.
Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ đề nghị tòa cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc theo diện đại lý từ cấp 1 trở lên; Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và bồi thường khắc phục hậu quả cho các bị cáo đã khắc phục từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên (tình tiết này có liên quan đến 36 bị cáo); và không tịch thu tiền đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc.
Theo quan điểm của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội, đối với tình tiết kháng nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo, đây là vụ án có đồng phạm, mặc dù hành vi tổ chức đánh bạc của các bị cáo là tổ chức đánh bạc trực tuyến, sử dụng công nghệ cao, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, tiếp nhận ý chí, phân công cụ thể thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 48 BLHS quy định những tình tiết đã là yếu tố phạm tội và không được coi là tình tiết tăng nặng.
Sau khi phân tích về kháng cáo của các bị cáo, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ. Chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho cho 17 bị cáo. Không chấp nhận kháng cáo của 22 bị cáo. Giữ nguyên quyết định hình phạt bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thị Lan Thanh (cựu Giám đốc Công ty GTS)./.
Trọng Phú/VOV.VN
HĐXX vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ tuyên án mang tính áp đặt?
Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, HĐXX tòa sơ thẩm xét xử không dựa trên căn cứ pháp luật và mang tính chủ quan, áp đặt; không bảo đảm nguyên tắc công bằng về hình phạt giữa các bị cáo nên không được dư luận đồng tình.
Theo kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, HĐXX cấp sơ thẩm khi tuyên án một số bị cáo trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã không dựa trên căn cứ pháp luật và mang tính áp đặt.
Ngày 5/3, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX Tòa án cấp cao tại Hà Nội cho biết đã có 22 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt trong tổng số 83 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong số đó, các bị cáo chủ chốt trong vụ án đều không xuất hiện tại tòa. Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không kháng cáo bản án sơ thẩm và cũng không nằm trong diện kháng nghị của VKSND.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Đáng chú ý, hai bị cáo được coi là đầu vụ gồm Nguyễn Văn Dương - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online đều vắng mặt tại tòa.
HĐXX phúc thẩm cho biết, sau phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương không có đơn kháng cáo, song Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã có bản kháng nghị về việc áp dụng pháp luật đối với các bị cáo. Do đó, HĐXX tòa phúc thẩm đã triệu tập các bị cáo liên quan đến nội dung kháng nghị đến để phục vụ cho phiên xét xử phúc thẩm.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do các bị can Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm lợi dụng công nghệ cao có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Sau hơn 28 tháng hoạt động, game bài Rikvip/Tip.club đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng số tiền thu lời bất chính trong vụ án này là hơn 9.800 tỷ đồng nên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố điều tra 105 bị can, đề nghị truy tố 92 bị can. Viện kiểm sát truy tố 92 bị can và Tòa án xét xử đối với cả 92 bị can.
Mặc dù cơ bản đồng tình với HĐXX tòa sơ thẩm trong việc áp dụng tội danh đối với các bị cáo, song Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng tòa sơ thẩm đã áp dụng một số quy định pháp luật không giống với quan điểm của cơ quan công tố.
Hải Ninh
Theo kienthuc
Cựu tướng Phan Văn Vĩnh vắng mặt tại phiên phúc thẩm vụ đánh bạc Do không có kháng cáo, các nguyên tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa không được triệu tập và vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Khoảng 8h20 sáng nay phiên tòa bắt đầu HĐXX trong phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này gồm có 3 thẩm phán do ông Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa. Ngày 5/3, tại...