Vụ dân phá rừng chiếm đất lâm trường: Dân “khát” đất sản xuất
“Cả bản không có một tấc đất cho bà con sản xuất, làm rẫy. Quanh năm, bà con dân bản chỉ biết đi làm thuê, bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước”, ông Lê Hiền Dung – Bí thư bản Lầu 2, xã Châu Bình chua chát nói.
Sau khi sự việc xảy ra, cán bộ vào kiểm kê rừng (Ảnh: Trần Minh).
Nhìn đất lâm trường mà…thèm!
Như Dân trí đưa tin, trong 5 ngày từ 8 – 13/6 có khoảnggần 1.000 người dân của 17 bản ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã cùng nhaukéo vào Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn xã Châu Bình để chặt phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Quỳ Châu, rừng bị tàn phá tại các tiểu khu 200, 204 và 205 thuộc lâm phần do Lâm trường Cô Ba quản lý. Diện tích rừng bị phá khoảng 10ha, tuy nhiên rừng bị xâm hại ước tính từ 450 đến 500ha.
Sáng ngày 14/6, chúng tôi tìm về xã Châu Bình khi việc người dân vào Lâm trường Cô Ba để chặt phá rừng đã tạm “hạ nhiệt” so với những ngày trước.Gặp chúng tôi, nhiều người dân đều bày tỏ nguyện vọng muốn có một mảnh đất rừng để canh tác. Chị Hoàng Thị Thương (37 tuổi, trú tại bản 3/2, xã Châu Bình) cùng một số phụ nữ trong bản ngồi trước căn nhà tuyềnh toàng, đưa mắt nhìn về mảnh rừng Lâm trường Cô Ba nghẹn ngào không nói nên lời khi chúng tôi hỏi về diện tích đất sản xuất của gia đình.
“Có tý đất nào đâu các anh, một miếng đất để trồng khoai, trồng sắn cũng không có nói gì đến đất trồng lúa. Dân chúng tôi khổ quá, không có đất sản xuất, cùng quẫn lắm mới vào Lâm trường chặt cây, phát rẫy để kiếm cái ăn thôi”, chị Thương than thở.
Chị Thương (bên phải) bật khóc khi gia đình không có một tấc đất để sản xuất, quanh năm phải đi làm thuê (Ảnh: Doãn Hòa)
Video đang HOT
Cả 4 miệng ăn trong gia đình chị Thương đều trông chờ vào những ngày chị và chồng cực nhọc làm thuê bóc vỏ cây keo, đào hố trồng cây cho lâm trường. Thế nhưng, công việc thu nhập khoảng 80.000 – 100.000đ/ngày, lại bấp bênh theo mùa vụ nên gia đình chị Thương luôn phải lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa.
Cũng như gia đình chị Thương, gia đình chị Nguyễn Thị Phú (41 tuổi) cũng khốn khổ khi không có mảnh đất nào để sản xuất, canh tác. Hai đứa con của chị đang tuổi ăn, tuổi lớn nên vợ chồng chị không muốn cuộc đời của con mình lại khổ như bố mẹ nó. “Số gạo nhà nước hỗ trợ cứu đói cũng chỉ đủ ăn được ít tháng rồi hết. Chúng tôi muốn có một mảnh đất ổn định để sản xuất, canh tác. Nếu được giao đất thì chúng tôi sẽ chấp hành theo chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như đóng thuế sử dụng đất đầy đủ”, chị Phú nói.
Người dân bức xúc khi họ không có đất sản xuất trong khi Lâm trường Cô Ba có trên 7000ha đất rừng (Ảnh: N.P)
Không riêng gì gia đình chị Thương và chị Phú mà gần 230 hộ dân ở bản 3/2 đều không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Ông Nguyễn Văn Thiện Trưởng bản 3/2 cho biết, trước đây bản có gần 3ha đất trồng lúa cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, do lâm trường phát rừng, nguồn nước cạn kiệt nên mấy năm qua không thể sản xuất được và đành bỏ hoang. Thậm chí những lạch ruộng nhỏ dân tự khai hoang, phía lâm trường cũng cho người vào phát hết nên người dân không còn đất để canh tác.
Ông Lê Hiền Dung – Bí thư bản Lầu 2, xã Châu Bình – một bản cũng “trắng” đất sản xuất chua chát nói: “Cả bản không có một tấc đất cho bà con sản xuất, làm rẫy. Quanh năm, bà con dân bản chỉ biết đi làm thuê, thanh niên lớn lên đều không có việc làm bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều lúc, bà con nhìn đất của lâm trường rộng bạt ngàn hàng ngàn héc-ta mà thèm!”.
“Để tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói ngày càng tăng”
Sáng ngày 14/6, một số người dân ở 6 bản của xã Châu Bình tiếp tục vào rừng để tự chia đất, làm mất tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Việc chặt phá tràn lan còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng khi nền nhiệt độ tại Quỳ Châu đang cao và nếu xảy ra cháy rừng tại các khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng ở Quỳ Châu. Trước tình hình trên, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu, các đoàn thể quần chúng, đảng ủy UBND xã Châu Bình và các bản tuyên truyền, vận động nhân dân không được chặt phá rừng trái pháp luật.
Chiều ngày 14/6, tại trụ sở UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã diễn ra cuộc đối thoại “ nóng” giữa lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, đại diện Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình với 17 trưởng bản của xã Châu Bình nhằm tìm ra phương hướng giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Theo thống kê, trong tổng số diện tích 11.000ha của xã Châu Bình thì diện tích Lâm trường Cô Ba quản lý lên đến hơn 7200 ha. Hiện nay, toàn xã Châu Bình có 17 bản, gần 2000 hộ dân và khoảng 8000 nhân khẩu. Tuy nhiên, do diện tích đất có thể canh tác được quá ít nên hết vụ mùa người dân đều phải đi làm thuê cho các Lâm trường. Công việc của họ cũng bấp bênh và phụ thuộc theo mùa vụ bởi thế nên tỷ lệ hộ nghèo tại đây vẫn còn rất cao.
Ông Kim Văn Duyên – Chủ tịch UBND xã Châu Bình – cho biết: “Toàn xã có 1800 ha đất có thể gieo trồng được, trong đó có khoảng 300ha đất hai lúa, 600ha đất trồng mía. Quỹ đất này quá ít ỏi so với nhu cầu sản xuất của người dân. Bởi vậy nên người dân không có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm không giảm mà còn tăng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây vẫn còn trên 65%”.
Đại diện cho người dân, 17 trưởng bản xã Châu Bình cũng băn khoăn với diện tích đất Lâm trường Cô Ba đang quản lý quá lớn trong khi người dân lại đang “khát” đất sản xuất. Đồng thời, các trưởng bản cũng mong muốn các cấp chính quyền sớm rà soát lại diện tích đất Lâm trường Cô Ba để chuyển một phần lâm phần của lâm trường cho người dân. Thực tế, người dân đã nhiều lần kiến nghị qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.
Ông Vi Văn Thông – Trưởng bản Pà Hốc, xã Châu Bình – kiến nghị: “Toàn bản chúng tôi có 80 hộ với 360 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp không có, đất rẫy khoảng 2ha, khai hoang phục hóa 5ha. Số đất này không thấm vào đâu so với nhu cầu của bà con. Đề nghị cấp trên xem xét cấp miếng đất nào ở Lâm trường cho bà con yên tâm sản xuất. Cho người dân cái cần câu chứ đừng cho cá, có như thế người dân mới mong thoát đói, nghèo được”.
Theo một số người dân thì họ chỉ chặt những cây nhỏ, còn lại những cây lớn thì do người của lâm trường chặt?. (Ảnh: Trần Minh)
Tại buổi đối thoại với các trưởng bản, bà Lang Thị Hồng – PCT UBND huyện Quỳ Châu – cho hay: “Thực tế nhu cầu về đất sản xuất của người dân là chính đáng nhưng việc người dân vào Lâm trường Cô Ba chặt phá rừng để đòi đất là chưa đúng. Thời gian qua, UBND huyện cũng đã làm việc với tỉnh để chuyển một phần lâm phần Lâm trường Cô Ba chuyển cho dân nhưng chưa giải quyết được. Để tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói ở đây ngày tăng…người buồn nhất là tôi”.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, ông Đinh Viết Hồng – PCT UBND tỉnh Nghệ An thẳng thắn phê bình chính quyền xã Châu Bình chậm trễ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân khi chỉ có gần 800/2000 hộ dân xã Châu Bình được cấp giấy CNQSDĐ. Để ổn định tình hình, ông Hồng cũng đề nghị chính quyền huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình và bí thư, trưởng phó các bản làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chặt phá trong rừng. Song song với việc đó, thì huyện và tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để rà soát, thống kê lại đề xuất giao lâm phần của Lâm trường cho người dân trong thời gian sớm nhất. “Ngoài việc tuyên truyền người dân không vào rừng để chặt phá rừng, chiếm đất tự do thì tổ công tác của tỉnh, huyện, xã và Lâm trường Cô Ba sẽ rà soát lại quỹ đất của Lâm trường Cô Ba để bàn giao cho chính quyền địa phương, giao đất ổn định lâu dài cho người dân theo tiêu chí khách quan, đúng đối tượng”, ông Đinh Viết Hồng nhấn mạnh.
Công an vào cuộc vụ phá rừng, chiếm đất Lâm trường Cô Ba Sau khi xảy ra sự việc người dân ồ ạt vào Lâm trường Cô Ba phá rừng, chiếm đất, huyện Quỳ Châu đề nghị các cơ quan điều tra cần nhanh chóng tìm ra những kẻ đứng đầu xúi dục nhân dân phá và chiếm đất rừng trái pháp luật để xử lý, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn. Ngày 14/6, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm huy động lực lượng, phối hợp Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Nghệ An và các cơ quan chức năng của huyện Quỳ Châu tiếp cận hiện trường để tuyên truyền, vận động người dân rời khỏi vùng rừng đã tàn phá. PC49 đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vì sao rất đông người dân phá rừng và xâm lấn đất của Lâm trường Cô Ba. Cuối buổi chiều ngày 14/6, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Nghệ An, tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp tại Lâm trường Cô Ba bước đầu được ngăn chặn.
Theo Dantri
Muốn bảo vệ rừng cần tạo việc làm cho dân
Biết khai thác gỗ là trái phép, nhưng những người dân nơi đây vẫn ngày ngày vào rừng đốn gỗ vì họ không biết làm thêm việc gì để kiếm tiền.
Gỗ được thu giữ tại khu bảo vệ rừng
Trong những năm qua trên địa bàn huyện Quỳ Châu-Nghệ An, vấn đề khai thác Lâm sản phụ và khai thác gỗ trái phép vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, phần lớn những người vi phạm đều là những người nông dân nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và đang sống trong đói nghèo.
Anh Lô Văn Mùi ở bản Na Lạnh xã Diên Lãm là một trong số đó, đã nhiều lần anh bị lực lượng kiểm lâm tịch thu tang vật và phạt hành chính về hành vi khai thác gỗ trái phép. Thế nhưng, là một người nông dân, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp gia đình anh Mùi chỉ có 2 mảnh ruộng và không có đất rừng. Mỗi năm chỉ thu hoạch chỉ được gần 2 tạ thóc, cuộc sống của vợ chồng anh và 3 con nhỏ luôn đói nghèo, thiếu thốn. Vì vậy, biết phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng sau mỗi vụ nông nhàn, anh và một số người dân trong bản vẫn rủ nhau mang cưa xăng vào rừng khai thác gỗ, hoặc đốt than. Trung bình mỗi đợt đi rừng có thời gian 15 đến 20 ngày và khai thác được 1 đến 2 khối gỗ. Số gỗ khai thác được anh bán cho những người chuyên buôn bán gỗ lậu và một số người trong bản cần gỗ để làm nhà. Vất vả và nguy hiểm là vậy, nhưng mỗi năm anh cũng chỉ kiếm được ít tiền, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm soát lâm sản ở Diên Lãm thuộc khu bảo tồn thiên Pù Huống, nơi đây đang thu giữ khoảng trên 20m3 gỗ. Trung bình mỗi năm trạm này tịch thu được trên 40 m3 gỗ trên địa bàn các xã Châu Hoàn, Diên Lãm...Số gỗ thu được chủ yếu là gỗ từ nhóm 7 đến nhóm 8. Trong quá trình truy quét, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ được nhiều tang vật như xe máy, cưa xăng do các đối tượng khai thác gỗ trái phép để lại. Các đối tượng này chủ yếu là người dân của địa phương, có hoàn cảnh khó khăn tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng khai thác gỗ để làm nhà, hoặc bán đổi mưu sinh hàng ngày.
Bên cạnh khai thác gỗ, thì vấn đề khai thác than củi cũng đang góp phần thu nhỏ diện tích rừng của huyện Quỳ Châu. Vào dịp nông nhàn, người dân lại đổ xô vào rừng chặt cây, đào hầm để đốt than. Sáng sớm người dân quang gánh lên rừng, chiều gánh than về và có người đến tận nhà thu mua với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/bao. Chỉ vì mưu sinh mà người dân nghèo ở huyện Quỳ Châu đã vào rừng chặt cây để đốt than bán quanh năm, kéo theo những cánh rừng non cũng bị chặt phá. Việc khai thác gỗ rừng một cách bừa bãi ngày càng mạnh mẽ làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Tang vật thu được của những người phá rừng
Trước thực trạng phá rừng ngày càng tăng, năm 2013 huyện Quỳ Châu tiếp tục mở 30 lớp học nghề cho 300 lao động nông thôn. Trong đó có 3 lớp học may công nghiệp, 3 lớp lâm nghiệp, 2 lớp trồng nấm, 1 lớp gò hàn và 1 lớp sữa chữa máy nông nghiệp. Đối với các học viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình bị thu hồi đất, mỗi ngày được hỗ trợ 15 ngàn đồng, riêng học viên thuộc vùng 135 sẽ được hỗ trợ 30 ngàn đồng/ ngày. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất mùa vụ và có các chính sách ưu tiên, ưu đãi về giống, cây con cho người nông dân nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng cho người dân. Thực hiện giáo dục kết hợp răn đe cưỡng chế, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng. Trong quá trình thực hiện cần phát huy tính dân chủ cơ sở trong các cộng đồng dân cư nơi có rừng nhằm nâng cao hiệu quả phương châm toàn dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo xahoi
Nắng nóng 36-38 độ C trên diện rộng Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm qua 14-5, TP Hà Nội cũng như nhiều nơi ở miền Bắc đã trải qua đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay. Nhiệt độ trong lều khí tượng đạt ngưỡng 35-36 độ C. Người dân đã bắt đầu cảm nhận được...