Vụ đàn chó về quê tránh dịch cùng đôi vợ chồng nghèo bị tiêu hủy: Luật sư lên tiếng
“Mình nghe tin sốc lắm, mình nuôi chúng 7, 8 năm rồi, giờ đưa về quê không ngờ lại bị thế này luôn.
Biết thế mình ở lại, không đưa chúng về quê nữa”, người đàn bà buồn bã nói.
“Biết thế mình ở lại, không đưa chúng về quê nữa”
Gia đình ông Phạm Minh H. (49 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Long An) chạy xe máy từ Long An về Cà Mau tránh dịch Covid-19. Trên xe, cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc còn có đàn chó 15 con, gồm 4 chó lớn và 11 chó con.
Theo Tuổi trẻ, khi về tới chốt kiểm soát dịch Covid-19 Quản Lộ Phụng Hiệp thì vợ chồng ông H. cho 2 con chó. Sau đó tất cả được đưa về huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cách ly tập trung tại Trường THPT Khánh Hưng.
Ngày 9/10, ông H. có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, vợ ông sau đó cũng dương tính, được đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.
Ông Hồ Thiên Chúa (Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng) nói với tờ Tuổi trẻ, những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương đã vận động vợ chồng ông H. cho tiêu hủy 13 con chó. Còn lý do và cách thức tiêu hủy thì ông đang yêu cầu đơn vị chức năng báo cáo lại.
Một lãnh đạo ngành y tế huyện Trần Văn Thời xác nhận với Thanh niên online việc đã tiêu hủy đàn chó trên.
Ông H. kể với báo Thanh niên, ngoài đàn chó của ông, gia đình người em đi cùng có mang theo 3 con chó và 1 con mèo nhưng tất cả bị tiêu hủy hết. Người đàn ông nghèo tâm sự, thường ngày, ông làm thuê được 250.000 đồng thì dành hơn 100.000 đồng mua thức ăn cho bầy chó.
“Mấy con lớn ăn nhiều thôi, còn mấy con nhỏ ăn ít. Vợ chồng tôi thương chúng như con vậy, đêm về đang cách ly ở xã Khánh Hưng tụi nó (mấy con chó) còn nằm trước cửa phòng tôi ngủ”, ông kể với nguồn trên.
Chia sẻ với tờ Doanh nghiệp&Tiếp thị trước đó, ông H. bày tỏ, mình nuôi chó bao lâu nay, giờ đàn chó đã chết hết không biết phải làm sao. “Mình khóc từ chiều đến giờ. Giờ không biết làm gì nữa”, ông nói.
Còn bà M. (vợ ông H.) kể: “Sáng nay (9/10), 15 chú chó bị đưa đi. Sau đó, mẹ mình có hỏi về 15 chú chó để đưa về nhà chăm thì nhận được tin là đều đã bị tiêu hủy cả vì sợ lây lan dịch bệnh. Trước đó, mình có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 nên bác sĩ lo ngại do chó lây bệnh. Mình nghe tin sốc lắm, mình nuôi chúng 7, 8 năm rồi, giờ đưa về quê không ngờ lại bị thế này luôn. Biết thế mình ở lại, không đưa chúng về quê nữa”.
Vợ chồng ông H. chở theo đàn chó về quê. Ảnh cắt từ clip
Việc tiêu hủy đàn chó về quê tránh dịch liệu có đúng quy định?
Ở góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Văn Nghĩa , Công ty Luật TNHH LSX nhận định trên báo Dân trí, có thể thấy việc tiêu hủy động vật từ vùng dịch về cần phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, động vật đó phải là động vật mắc bệnh; động vật chết do bệnh dịch; động vật có dấu hiệu mắc bệnh; động vật mẫn cảm với dịch bệnh. Thứ hai, động vật đó phải nhiễm bệnh được quy định trong danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.
Theo đó, với vụ việc này, ông cho rằng, hành vi tiêu hủy động vật từ vùng có dịch bệnh Covid-19 là không đúng.
Bởi theo luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, việc quy định tiêu hủy hiện đặt ra với động vật về từ vùng dịch, nhưng là dịch liên quan đến động vật, còn dịch bệnh Covid-19 được ghi nhận là dịch bệnh lây truyền giữa người với người. Chó, mèo hay nhiều con vật khác hiện không được coi là vật trung gian truyền bệnh Covid-19. Ngoài ra, đàn chó mèo của cặp vợ chồng trên hiện chưa được xác định là có dương tính với SARS-CoV-2 hay không.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào dịch bệnh Covid-19 lây từ vật nuôi sang người và chưa thể khẳng định vật nuôi là vật trung gian truyền bệnh. Hiện cũng chưa có công văn nào quy định về việc tiêu hủy động vật từ vùng có dịch Covid-19 về.
Ảnh: Facebook
Trả lời tờ Pháp luật TP.HCM, TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM ) cho rằng, theo Điểm g Khoản 2 Điều 54 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc tiêu hủy động vật có nguy cơ làm lây bệnh sang người áp dụng khi quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ trong tình trạng là “có dịch” theo Quyết định 447/QĐ-TTg chứ chưa phải “tình trạng khẩn cấp”. Do đó, việc tỉnh Cà Mau tiêu huỷ đàn chó có thể chưa sát với quy định pháp luật. Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 20 Luật Phòng Chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì có thể áp dụng biện pháp “giám sát trung gian truyền bệnh” với đàn chó mà người dân chở về quê.
Cũng theo báo Pháp luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh (Giảng viên Khoa Luật Hành Chính – Nhà Nước, ĐH Luật TP.HCM ) nhìn nhận, cần làm rõ hai vấn đề. Trong đó, người có thẩm quyền có ra quyết định xử phạt hoặc quyết định buộc tiêu hủy đàn chó không, nếu không ra quyết định là sai. Ngoài ra, hiện chưa có tài liệu nào trên thế giới lẫn Việt Nam khẳng định chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm. Người có thẩm quyền phải chứng minh được chó mèo là động vật có khả năng lây truyền bệnh, nếu không thì không thể thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với ông H.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) khi trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM đã viện các quy định gồm: dẫn hướng dẫn tại Quyết định 4156 năm 2021 về chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà; Điều 6 Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Điểm c Khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, luật sư Hậu cho rằng, cơ quan phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau có cơ sở pháp lý để thực hiện tiêu hủy số chó được gia đình ông H. Tuy nhiên, theo ông, cơ quan chức năng nếu cân nhắc nhiều giải pháp trong vụ việc trên hơn như lựa chọn về phun khử khuẩn đàn chó, test Covid-19 đàn chó, tiến hành cách ly nếu cần thiết thì có lẽ vụ việc tiêu hủy gây đau lòng cho chủ của chúng và nhiều người khác sẽ không xảy ra.
Một vị đại diện chính quyền xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời trả lời trên tờ Sức khỏe&Đời sống, gia đình ông H. có đem theo 15 con chó và 1 con mèo.
“Anh H. này ở trên Long An, quê Cà Mau. Trong thời gian sàng lọc, cả gia đình theo về bị dương tính hết. Mà chó mèo anh này đem về khu cách ly, chạy tới chạy lui hết, mang vào cả trong phòng. Nên anh em trong khu cách ly yêu cầu nhốt lại, hoặc là liên hệ xem có ai thì bảo anh mang đi cho, nếu không thì sẽ phải mang tiêu hủy.
Rồi cuối cùng thì không có ai mang cho, anh này mới tự bắt bầy chó đem bỏ vô bao, đồng ý tiêu hủy trên tinh thần tự nguyện.
Sáng hôm qua (9/10), bầy chó đã được tiêu hủy để phòng ngừa dịch bệnh. Chúng tôi đang yêu cầu địa phương rà soát, báo cáo về các quy định, quy trình thực hiện ra sao”, vị đại diện nói với nguồn trên.
Cà Mau yêu cầu báo cáo vụ tiêu hủy 15 chú chó của cặp vợ chồng đi xe máy về quê tránh dịch
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, báo cáo vụ tiêu hủy 15 chú chó của cặp vợ chồng đi xe máy về quê tránh dịch, trước 10h ngày 11/10.
Sáng 10/10, văn phòng UBND tỉnh Cà Mau có văn bản yêu cầu Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Trần Văn Thời rà soát thông tin liên quan đến vụ tiêu huỷ 15 con chó của một gia đình đang cách ly tại Trạm Y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
Các đơn vị báo cáo vụ việc về UBND tỉnh Cà Mau trước 10h ngày 11/10 .
Trước đó, tối 9/10, mạng xã hội lan truyền thông tin 15 chú chó của vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi) từ Long An về Cà Mau bị tiêu hủy để phòng chống dịch, khiến nhiều người bàng hoàng.
Trao đổi với chúng tôi sáng 10/10, một lãnh đạo phòng Y tế huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận chính quyền địa phương đã tiêu hủy 15 con chó của vợ chồng ông Hùng. Huyện đã yêu cầu xã Khánh Hưng gửi báo cáo vụ việc.
Được biết, vợ chồng ông Hùng đều dương tính với SARS-CoV-2, đã được chuyển cách ly và điều trị. Trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng (bà K.C) cũng gặp phải nhiều sự phản ứng của cộng đồng mạng, nằm một chỗ và tăng huyết áp sau tất cả sự việc.
Bộ Y tế cảnh báo người mắc Covid-19 và người nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi vì "đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật". Ngoài ra, không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Các chuyên gia y tế cho biết chưa có bằng chứng đầy đủ để khẳng định Covid-19 lây qua vật nuôi và nếu có nguy cơ cũng là rất thấp. Tuy nhiên, chó mèo có thể được xem là "vật dụng" trung gian truyền nhiễm nếu như người nhiễm bệnh ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chúng. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.
Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19; hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.
00:00:59
Về quê tránh dịch, cặp vợ chồng bất chấp nguy hiểm chở đồ đạc kín xe và bất ngờ nhất là không quên 15 "người bạn trung thành" (Nguồn: Facebook)
Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê 3 tháng thất nghiệp để thực hiện giãn cách xã hội, 12 con người trong căn nhà vé số đã trải qua chuỗi ngày kinh khủng nhất. Có người may mắn đón được xe về quê, có người tiếp tục nuôi hi vọng ở tấm vé đổi đời. Và cũng có người đã mãi mãi nằm lại cùng Sài Gòn, vì Covid-19... Khác...