Vụ đâm tàu: Nạn nhân có thể kẹt trong tàu
Chiều 17/9, tại cuộc họp tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III (Vungtau MRC), ông Phạm Hiển, Giám đốc Vungtau MRC cho biết huy động tối đa các lực lượng để tìm kiếm trên mặt biển, mở rộng vùng tìm kiếm, nạn nhân có khả năng mắc kẹt ở trong tàu.
Chiều 17/9, một cuộc họp tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III (Vungtau MRC) bao gồm các thành phần Ban tìm kiếm phòng chống lụt bão cứu nạn Tiền Giang , Bộ chỉ huy Biên phòng Tiền Giang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Cảng Hàng Hải Vũng Tàu, Tổng Giám đốc Vungtau MRC, Đại lý Hàng hải Singapore đã diễn ra.
Tại các họp những việc triển khai ngoài hiện trường và đưa ra phương án, hướng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn nhân phù hợp với điều kiện thời tiết khó khăn. Các cơ quan chức năng cũng tính đến khả năng các nạn nhân đã tử vong, triển khai tích cực tìm kiếm thi thể.
Lực lượng ngoài hiện trường vẫn duy trì, huy động thêm lực lượng tại chỗ, sự phối hợp của Ban phòng chống cứu nạn của hai tỉnh, huy động nhiều hơn nữa lực lượng ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Khu vực tàu cá bị đâm gãy đôi chìm trên biển. Ảnh: Quân đội nhân dân
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Vungtau MRC cho biết, hiện tại vẫn yêu cầu tàu Sima ở lại tìm kiếm cứu nạn, ba tàu cá lặn, lưới đã gỡ được 2/3. Trong quá trình cứu nạn, có những lúc giông lớn, phải dừng lại 30 phút sau đó tiếp tục tìm kiếm. Sức khoẻ bốn người trên tàu Sima sức khoẻ ổn định. Đại lý hàng hải Singapore uỷ quyền tham gia các cơ quan triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Các nạn nhân được tìm kiếm về sẽ được đưa về Bà Rịa- Vũng Tàu. Tất cả đều được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi đế cấp cứu hoặc bàn giao cho người nhà.
Theo ông Hiển, thi thể đầu tiên đang được bảo quản trên tàu SAR 413, ban đầu được xác định tên là Hùng. Tuy nhiên đại diện Vungtau MRC chưa công bố danh tính vì chưa xác định chính xác. Danh sách nạn nhân mất tích chính thức cũng chưa được công bố.
Video đang HOT
Phương án huy động tối đa các lực lượng để tìm kiếm trên mặt biển, mở rộng vùng tìm kiếm. Vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân có khả năng mắc kẹt ở trong tàu, xác tàu không còn gắn với lưới nhưng có một số mảnh vỡ bung ra trôi nổi trên mặt biển. Có khả năng nạn nhân kẹt trên tàu hoặc văng ra ngoài trôi nổi trên biển.
Phương án cụ thể là huy động tại chỗ của các ngành khác như ghe cá ngư dân; phải có sự giúp đỡ của Ban phòng chống lụt bão của hai tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu. Tất cả đều được sự chỉ đạo của tàu SAR 413. Tất cả phải tập trung cứu nạn vì vẫn có khả năng 7 nạn nhân còn sống. Sau đó, sẽ chuyển sang công tác cứu hộ, trục vớt ghe chìm và đi tìm thi thể.
Cục Hàng hải VN đã thành lập tổ điều tra tai nạn vụ việc tàu hàng Sima đâm ghe cá.
Trách nhiệm chủ tàu có điều kiện thuê thêm tàu ra tìm kiếm cứu nạn.
Tàu Sima sẽ về Bà Rịa- Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra nhưng trước mắt tàu này vẫn phải tham gia công tác cứu nạn.
Việc tìm kiếm cứu nạn thuộc trách nhiệm của VungtauMRC. Bốn thuyền viên còn lại đang hỗ trợ lực lượng hiện trường để nhận dạng. Nếu có vấn đề gì về sức khoẻ sẽ được đem về đất liền.
Bốn nạn nhân được đưa về BV Lê Lợi rạng sáng 17/9 đã được bàn giao cho người nhà đưa về Tiền Giang.
Hiện thời tiết vẫn diễn biến rất xấu, lực lượng tìm kiếm chuyên dụng vẫn triển khai nhưng công tác tìm kiếm rất hạn chế.
Có 2 tàu SAR 413 và tàu Sima, 3 tàu cá Tiền Giang có 50 thuyền viên bơi lặn rất giỏi triển khai cắt lưới và lặn tìm kiếm.
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Vungtau MRC
“Chúng tôi huy động cụ thể những tàu cá tham gia tìm kiếm. Biên phòng Bà Rịa- Vũng Tàu và Biên phòng Tiền Giang nắm rõ vị trí các ghe đang hoạt động sẽ huy động được các tàu cá đang hoạt động tham gia tìm kiếm. Khó khăn hơn là vùng biển xa, tàu cá không ra nhiều vì không phải là luồng cá. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phải làm tốt việc huy động đơn vị tại chỗ, công tác cứu nạn mới thực hiện tốt được.”- ông Hiển nói.
Tại cuộc họp trước đó, trưa ngày 17/9, Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu xác nhận thông tin, hiện mới chỉ tìm được thi thể của một nạn nhân vào 23 giờ 20 ngày 16/9. Thông tin ban đầu cho biết tàu Sami Sapphire vớt được 1 thi thể là không chính xác. Hiện còn 7 ngư dân mất tích chưa tìm được thi thể.
Theo ông Chiến, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã thống nhất với các ngành chức năng để xem xét, giải quyết vụ tai nạn nghiêm trọng này với tinh thần nhanh nhất. Sau khi tham gia cứu nạn, tàu Sima sẽ về Vũng Tàu. Có 2 phương án là đưa tàu về cảng CMIT (nếu nước trong) để trả hàng, quay phim, chụp ảnh con tàu gây tai nạn. Nếu nước đục thì neo tàu ngoài cửa biển để lực lượng chức năng tiến hành các bước điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Ông Chiến cho biết: “Chúng tôi sẽ thu giữ hồ sơ tàu, phỏng vấn thuyền trưởng, thuyền viên về thông tin liên quan đến công tác điều tra. Nếu cần giữ ai thì giữ hộ chiếu để phục vụ điều tra. Đối với con tàu, sau khi tiến hành các bước thủ tục và chủ tàu cam kết bồi thường thỏa đáng cho ngư dân gặp nạn thì sẽ trả tàu sớm theo thông lệ quốc tế, không giữ lâu vì phần lớn hàng hóa trên tàu là của Việt Nam.
Ông Chiến cũng cho biết, quá trình xem xét, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển cơ chức năng khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo Lê Mai (Khampha.vn)
Vụ đâm tàu: Đã vớt được xác 1 ngư dân
Trưa 17/9, Thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hàng hảng khu vực III cho biết, đơn vị này đã vớt được thi thể ngư dân Chung Đức Hùng (45 tuổi, quê ở Bình Dương).
Ông Hùng là nạn nhân trong vụ tàu cá TG-9218T8 bị tàu hàng Sina Saphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm trên vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu, cách bờ hơn 50 hải lý vào rạng sáng ngày 16/9.
Thi thể ông Hùng được một tàu cá của ngư dân tìm thấy khi đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, cách hiện trường nơi xảy ra tai nạn khoảng 5-6 hải lý. Các ngư dân này đã dùng dây cố định xác ông Hùng lại rồi báo cho lực lượng cứu hộ đến vớt.
Hiện thi thể ông Hùng được đưa lên bảo quản trên tàu SAR 413 và sau đó sẽ chuyển về đất liền để cho gia đình lo hậu sự. Các đơn vị cứu hộ đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn lại.
Khu vực tàu cá bị đâm gãy đôi chìm trên biển. Ảnh: Quân đội nhân dân
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cho biết: "Một số người trên tàu cá được cứu sống kể rằng trước khi được cứu thấy ông Ba Chiến nằm úp trên mặt nước nên nghĩ rằng ông này đã chết. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tìm thấy xác, nên chưa thể xác định đó có phải ông Ba Chiến hay không".
Những ngư dân đầu tiên trong số 8 ngư dân được đưa vào bờ lúc 0h30 ngày 17/9
Trước đó, khi nhận được tin báo, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hàng hải khu vực III đã chỉ đạo ngay tàu Sina Saphire thực hiện việc cứu nạn tại chỗ và tàu này đã cứu được 8 nạn nhân. 4 nạn nhân đã được đưa vào bờ vào lúc 0h30 ngày 17/9, 4 nạn nhân còn lại cũng sẽ được đưa vào bờ vào đầu giờ chiều ngày hôm nay.
Vào khoảng 2h sáng ngày 16/9, tàu cá TG-9218T8 chở 16 ngư dân đánh bắt xa bờ đang trên đường trở về đất liền sau 2 tháng ở ngoài khơi. Khi còn cách bờ biển Vũng Tàu hơn 50 hải lý về phía Nam, tàu cá này đã bị tàu hàng Sina Saphire đâm gãy đôi. Sau khoảng 1 giờ, 8 người lênh đênh trên biển được cứu sống, vớt được thi thể 1 nạn nhân, 7 người còn lại mất tích. Ngư dân Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, quê Tiền Giang), người thoát nạn vừa được tàu SAR 272 đưa vào bờ rạng sáng ngày 17/9 cho biết: "Có khả năng những bạn thuyền còn lại mất tích là do bị mắt kẹt trong lưới cá không thoát ra ngoài được lúc tàu chìm".
Hải Âu - Lê Mai (Khampha.vn)
Đâm tàu trên biển: Phút giây sinh tử "Hơn 25 năm làm nghề đi biển, sóng to, gió lớn tôi đã trải qua, nhưng lần đi biển này là định mệnh nhất và không thể nào quên. Cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng. Tôi nghĩ chắc mình đã chết". Ngư dân Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, quê Tiền Giang) kể lại đêm kinh hoàng khi tàu cá bị tàu hàng...