Vụ cướp máy bay chở 177 người để tạo bom “thiêu” Paris
Một chiếc máy bay Airbus A300 nặng 42 tấn chở 177 người, 20 thanh thuốc nổ và 15 tấn nhiên liệu dễ cháy sẽ nổ tung và tạo thành trận mưa mảnh vỡ trên bầu trời thủ đô nước Pháp khiến nhiều khu vực của thành phố chìm trong lửa – đó là kế hoạch của một vụ khủng bố khét tiếng.
Lực lượng hiến binh Pháp đang cố gắng đột nhập máy bay bị cướp
Thế giới ngày càng bất ổn với những vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở nhiều nơi. Qua loạt bài này, mời bạn đọc cùng nhìn lại những vụ bắt cóc con tin lớn nhất thế giới, và cách các nước xử lý những vụ khủng hoảng như vậy.
Vụ việc bắt đầu vào đêm trước Giáng sinh năm 1994 khi chuyến bay chở 173 người (cả phi hành đoàn) mang số hiệu 8969 của hãng Air France chuẩn bị khởi hành từ sân bay Houari Boumedienne của Algeria về Paris. 157 hành khách hầu như đã yên vị trên ghế ngồi trong tâm trạng háo hức cho kỳ nghỉ lễ với gia đình và bạn bè.
Đúng lúc đó, 4 người đàn ông mặc đồng phục xanh với phù hiệu giống của hãng hàng không Air Algeria xuất hiện. Thông báo rằng họ là nhân viên an ninh, 4 người đàn ông mang theo súng và đai thuốc nổ nói sẽ kiểm tra hộ chiếu của các hành khách. Rồi đột nhiên chúng đóng và khóa hết cửa lại.
“Tôi biết đó là một vụ bắt cóc con tin khi chúng la lên: “Đấng Allah vĩ đại!” một hành khách hơn 50 tuổi người Algeria hiện đang sống ở Pháp nhớ lại trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time gần đây. “Tôi nghĩ đến những đứa con của mình đang ở Pháp, và tôi thấy sợ hãi. 3 tay súng vào buồng lái, tên thứ tư cầm súng trường Kalashnikov đứng canh hành khách. Không ai được nhúc nhích”, ông kể.
Sự chờ đợi kết thúc quá sớm đối với hai hành khách. Một cảnh sát người Algeria bị nhận dạng qua hộ chiếu, bị nhóm bắt cóc bắt ra đứng trước cửa máy bay. Các hành khách khác nghe thấy ông van xin: “Đừng giết tôi. Tôi còn có vợ và con!” Những kẻ khủng bố bắn ông vào đầu và vứt xác vào xe đẩy hành lý, nơi nạn nhân vẫn phải chịu đau đớn thêm một lúc.
Nạn nhân thứ hai là ông Bui Giang To, 48 tuổi, một tùy viên thương mại người Việt tại Đại sứ quán Việt Nam ở Algiers. “Họ bảo người đàn ông Việt Nam ngồi phía đuôi máy bay bước lên phía trước”, một hành khách nhớ lại. “Tội nghiệp ông ấy, chúng tôi thấy ông ấy quay lại lấy áo khoác da. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng súng”.
Đội hiến binh tiếp cận máy bay từ phía đuôi và hai mạn
Trong trí nhớ của nhiều hành khách, những kẻ cướp máy bay chỉ trong độ tuổi 20. Chúng không có râu, tóc cắt ngắn. “Chúng có vẻ lịch sự, đúng vậy. Nhưng chúng có máu lạnh của kẻ sát nhân. Chúng có vẻ rất phấn khích. Chúng nói với chúng tôi rằng chúng sẽ dạy cho người Pháp và thế giới một bài học rằng chúng có khả năng”, một hành khách kể lại.
Trong khi chính phủ Algeria thành lập nhóm thương lượng, Pháp lặng lẽ phái một nhóm thuộc Lực lượng hiến binh đặc biệt quốc gia (GIGN) đến Majorca, Tây Ban Nha, nơi gần nhất với Algiers mà họ có thể đóng quân mà không gây ra sự chú ý quốc tế nào.
Cần nói thêm là trong thập niên 1990, Algeria, cựu thuộc địa của Pháp chìm trong nội chiến đẫm máu. Algeria giành được độc lập một cách khó khăn, còn Pháp là một trong những cường quốc thực dân cực kỳ miễn cưỡng trong việc “buông tha” kiểm soát thuộc địa. Vì thế, tư tưởng chống Pháp ở Algeria rất cao.
Khi chính phủ Algeria tiếp tục khẳng định họ kiểm soát được tình hình vụ khống chế máy bay và không cho lính Pháp vào nước này, các đơn vị GIGN giết thời gian ở Majorca bằng cách nghiên cứu và tập dượt với máy bay của chính họ – chiếc Airbus A300 có cấu hình giống hệt chiếc máy bay mang số hiệu 8969.
Vào buổi tối Giáng sinh, nhóm bắt cóc đồng ý thả một số phụ nữ, trẻ em và hành khách ốm yếu. Chính phủ Algeria xác định được danh tính của kẻ đứng đầu nhóm khủng bố và đưa mẹ hắn đến thuyết phục con trai đầu hàng nhưng bất thành.
Quả bom bay
Trong lúc đàm phán, nhóm khủng bố từ bỏ yêu cầu đòi trả tự do cho các thủ lĩnh của Mặt trận cứu độ Hồi giáo (F.I.S) mà đòi đưa máy bay đến Paris.
Đòi hỏi này gây ra một cuộc giằng co giữa Algeria và Pháp, khi chính quyền Algeria muốn chiếc máy bay vẫn phải ở lại Algiers, còn Pháp muốn máy bay sang đất của họ để họ có thể xử lý trực tiếp. Đến tối 25/12, nhóm khủng bố đưa ra tối hậu thư: nếu máy bay không được cất cánh trước 21h30 thì cứ 1 giờ đồng hồ chúng sẽ giết 1 con tin.
Chúng tuyên bố nạn nhân đầu tiên sẽ là ông Yannick Beugnet, một đầu bếp trong khu nhà riêng của Đại sứ Pháp ở Algiers. Ông này bị đưa vào buồng lái để cầu xin qua microphone: “Nếu các ông không cho máy bay cất cánh, chúng sẽ giết tôi”. Nhưng hai chính phủ vẫn chưa thể thống nhất. 5 phút sau, người đầu bếp bị giết và ném xác xuống đường băng.
Video đang HOT
Nổ súng bên trong máy bay
Nhận được tin đó, Thủ tướng Pháp Edourard Balladur chính thức thông báo với Thủ tướng Algeria Mokdad Sifi rằng Algeria sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ kết quả tiêu cực nào của vụ khủng hoảng – kết quả mà ông Balladur biết rằng sẽ cực kỳ tàn khốc.
Sáng hôm sau, chiếc máy bay được phép cất cánh và dừng ở thành phố Marseilles, Pháp, lúc 3h30 sáng.
Thông qua phi công, nhóm khủng bố đòi nạp 27 tấn nhiên liệu và bay đến Paris. Vì hành trình này chỉ tốn khoảng 10 tấn nhiên liệu, các quan chức Pháp lo ngại nhóm khủng bố sắp đặt kế hoạch khác. Một khả năng là chúng sẽ bay đến một quốc gia Hồi giáo nào đó như Iran, Sudan hay Yemen. Khả năng khác là chúng sẽ đâm chiếc máy bay đầy nhiên liệu xuống thủ đô Paris.
Vài giờ sau đó, giả thuyết thứ hai được củng cố khi Pháp nhận được thông tin nặc danh qua lãnh sự quán Pháp ở Oran, Algeria, cho biết chiếc máy bay đó là “quả bom bay sẽ nổ tung ở Paris”. Từ một số hành khách được thả ở Algiers, Pháp nắm được thông tin có thuốc nổ trên máy bay. Các chuyên gia về chất nổ nhận định số chất nổ này được đặt ở những vị trí có thể khiến máy bay tan xác nếu được kích hoạt.
Gậy ông đập lưng ông
Nhóm đàm phán cố gắng kéo dài thời gian và thuyết phục nhóm khủng bố thả thêm hành khách, trong khi nhóm GIGN chuẩn bị tấn công. Nhóm đàm phán cũng thuyết phục thành công nhóm khủng bố kéo dài hạn chót để đổi lại việc cung cấp thêm đồ ăn và nước, dọn toilet và đưa máy hút bụi vào máy bay. Những công việc này được thực hiện bởi nhóm GIGN cải trang làm nhân viên sân bay – đúng theo cách nhóm khủng bố đã làm ở Algiers.
Nhờ đó, đội đặc nhiệm có cơ hội xác định chắc chắn rằng cửa máy bay không bị chặn hay kẹt. Họ cũng khéo léo gắn thiết bị nghe lén vào máy bay. Nhờ những thiết bị này và các thiết bị giám sát bên ngoài, thiết bị nhìn xuyên màn đêm và microphone gắn trên cửa máy bay và thùng nhiên liệu, nhóm GIGN có thể theo dõi sự di chuyển của nhóm khủng bố bên trong máy bay.
Khi đội hiến binh chuẩn bị hành động, chiếc Airbus khởi động lúc 4h45p chiều, di chuyển từ từ trên đường băng và dừng cách cửa nhà ga khoảng 3m. Chỉ huy đội hiến binh đưa ra tối hậu thư: Nếu máy bay không cất cánh lúc 5h, “chúng tôi sẽ hành động”. Lúc 5h08, một tay súng bắn hai phát vào trạm kiểm soát, làm vỡ tan cửa sổ. Chỉ huy đội hiến binh lập tức bật đèn xanh để tấn công.
Sau vụ giải cứu, chiếc Airbus A300 bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa được
Đội hiến binh tiếp cận máy bay từ phía đuôi và hai mạn để bọn khủng bố không thể phát hiện. Ba nhóm biệt kích đeo mặt nạ đen leo lên nóc tải di động. Nhóm đầu tiên tiến ngay vào cửa trước, mở khóa, xông vào trong rồi nã súng. Bị kẹt trong buồng lái, những kẻ khủng bố hứng một “bức tường đạn”, như lời mô tả của phi công máy bay.
Trong lúc đó, hai nhóm đặc nhiệm khác vào qua cửa sau, triển khai dù thoát hiểm và dồn hành khách qua cửa thoát hiểm. Những thành viên đội nhảy dù đón họ trên đường băng và hướng dẫn họ bò về phía nhà ga. Cabin máy bay đầy khói, nham nhở vết đạn và tan hoang vì lựu đạn nổ.
“Đạn bay vèo vèo xung quanh tôi. Chúng tôi nghĩ sẽ chết chắc, chúng tôi chuẩn bị cho tình huống bị nổ tung. Chúng tôi không nghĩ đó sẽ là một cuộc can thiệp thành công”, một hành khách nhớ lại.
Trong số 154 hành khách còn lại (3 người đã bị bọn khủng bố giết trước đó) chỉ có 13 người bị thương, cùng với 9 thành viên GIGN. Chiến dịch kết thúc và được đánh giá là một trong những cuộc giải cứu con tin thành công nhất trong lịch sử.
_____________
Đón đọc kỳ sau vào 19h ngày 6.9: Cuộc giải cứu con tin khiến thế giới choáng váng
Theo Ngọc Minh (theo Time, NYT) (Dân Việt)
Nghi vấn về mối liên hệ của Arab Saudi với vụ khủng bố 11/9
Nghi vấn về sự liên can của Arab Saudi tới vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ còn nguyên vẹn khi mối quan hệ đáng ngờ giữa một quan chức nước này và hai kẻ không tặc chưa được làm rõ.
Nawaf al-Hazmi, một trong những kẻ cướp chiếc máy bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines và đâm nó vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ trong vụ khủng bố 11/9. Ảnh:911myths.com
Bên trong đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, vào một buổi tối tháng 2/2004, hai điều tra viên Mỹ thẩm vấn một người đàn ông mà họ tin là có thể trả lời cho một trong những bí ẩn của vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Washington và New York: Các quan chức chính quyền Arab Saudi đóng vai trò như thế nào, nếu có, trong âm mưu này, theo New York Times.
Người bị thẩm vấn, Fahad al-Thumairy, từng là quan chức lãnh sự quán Arab Saudi tại Los Angeles và cũng là người đứng đầu một đền thờ Hồi giáo mà hai trong số những kẻ cướp máy bay vụ khủng bố 11/9 thường đến cầu nguyện.
Các nhà điều tra tin rằng xác định được vai trò của Thumairy trong âm mưu tấn công là một bước đi hướng đến chứng minh chính phủ Arab Saudi có dính líu đến vụ 11/9. Song họ đã không thành công. Trong hai cuộc thẩm vấn kéo dài 4 tiếng, Thumairy, lúc đó ngoài 30 tuổi, chối bỏ mọi mối liên quan đến những kẻ cướp máy bay hay đồng phạm của chúng.
Mặc dù tổ điều tra đưa ra dữ liệu cuộc gọi để chứng minh Thumairy có liên quan, ông này vẫn không chịu khuất phục. Thumairy nói những dữ liệu đó là giả mạo hoặc có người đang tìm cách bôi nhọ ông. Vụ việc đi vào bế tắc.
28 trang tài liệu mật
Tuy nhiên, gần 15 năm sau, nghi vấn về sự liên can của Arab Saudi lại trỗi dậy khi xuất hiện những lời kêu gọi chính phủ Mỹ công bố một phần báo cáo điều tra năm 2002 bị đóng dấu mật của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công. Tài liệu dài 28 trang này có nhắc đến vai trò khả nghi của Arab Saudi trong âm mưu tấn công khủng bố 11/9.
Một số quan chức Mỹ từng xem qua 28 trang tài liệu mật cho biết trong tất cả các manh mối điều tra, những nghi vấn chưa có lời giải về Thumairy và hai kẻ cướp máy bay gây tò mò nhất. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Arab Saudi đóng vai trò nào đó trong vụ khủng bố 11/9, Thumairy có khả năng là người nắm rõ hơn cả.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 17/6, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir nói nội dung 28 trang tài liệu mật đã được phân tích kỹ lưỡng và những cuộc điều tra cho thấy các cáo buộc đối với họ là không đúng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan, trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Al Arabiya, cũng trả lời rằng mặc dù ông ủng hộ việc công bố nội dung 28 trang trên, "mọi người không nên xem chúng như là bằng chứng cho thấy sự đồng lõa của Arab Saudi trong vụ 11/9".
Theo ông, các cuộc điều tra mà Mỹ tiến hành đã đi đến kết luận rằng vụ tấn công 11/9 là sản phẩm của tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng như những thế lực khác cùng phe với al-Qaeda.
Tuy nhiên, đối với một số người, tất cả các bằng chứng gián tiếp đều có thể cung cấp một cái nhìn cận cảnh hơn vào sự thật chưa được hé lộ.
"Vụ việc có rất nhiều sự trùng hợp đáng ngờ", Richard L. Lambert, cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người phụ trách văn phòng FBI ở thành phố San Diego sau vụ tấn công 11/9, cho hay.
Hành tung của hai kẻ cướp máy bay
Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Khalid al-Mihdhar, đồng bọn của Nawaf al-Hazmi, ở sân bay quốc tế Dulles gần Washington vào ngày 11/9/2001. Ảnh: AP
Bí ẩn bắt đầu từ khi hai người đàn ông Arab Saudi, Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar, đáp xuống sân bay quốc tế Los Angeles ngày 15/1/2000. Một năm rưỡi sau, hai người này nằm trong những kẻ cướp máy bay và lao chiếc phi cơ mang số hiệu 77 thuộc hãng hàng không American Airlines vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hazmi và Mihdhar dường như không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn như thế khi mà chúng vừa phải kiếm sống vừa lên kế hoạch trong nhiều tháng trời nhưng lại không hề biết tiếng Anh và không có kinh nghiệm về cuộc sống ở Mỹ. Chính yếu tố này khiến FBI phải đặt câu hỏi liệu chúng có nhận được hỗ trợ sau khi đến Los Angeles hay không.
Theo một số nguồn tin, Hazmi và Mihdhar có đến hành lễ tại nhà thờ Hồi giáo King Fahad ở thành phố Culver, bang California, nơi Thumairy làm chủ tế. Chúng cũng có thể lưu trú tại một căn hộ do nhà thờ này thuê gần đó.
Một tài liệu của FBI từ năm 2002, được một ủy ban thẩm tra độc lập vụ 11/9 trích dẫn hồi năm ngoái, kết luận rằng Thumairy "ngay lập tức bố trí người chăm lo cho Hazmi và Mihdhar trong thời gian chúng ở Los Angeles". Song đến nay, FBI vẫn chưa thể làm rõ lịch trình của Hazmi và Mihdhar trong hai tuần đầu tiên đặt chân tới Mỹ.
Hai kẻ cướp máy bay tái lộ diện vào đầu tháng 2/2000, khi đi ăn tại một nhà hàng có tên Mediterranean Gourmet gần đền thờ King Fahad. Ở đây, chúng gặp Omar al-Bayoumi, một người đồng hương làm việc ở cơ quan hàng không dân dụng Arab Saudi.
Bayoumi sau đó khai với FBI rằng cuộc gặp đó diễn ra tình cờ. Bayoumi cho biết ông ta đã bắt chuyện sau khi nghe Hazmi và Mihdhar nói bằng âm giọng Vùng Vịnh. Tuy nhiên, FBI nghi ngờ Bayoumi đã gặp Thumairy ở nhà thờ King Fahad từ trước đấy. Các nhà điều tra tự hỏi liệu có phải Thumairy sắp xếp cuộc gặp này hay không.
Lúc bấy giờ, Thumairy nằm trong mạng lưới đại diện của Bộ Sự vụ Hồi giáo Arab Saudi với nhiệm vụ tài trợ công tác xây dựng nhà thờ, đào tạo giáo sĩ, đồng thời tuyển mộ người gia nhập dòng Hồi giáo bảo thủ và khắt khe với tên gọi Chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo khởi nguồn từ Arab Saudi.
Mạng lưới hỗ trợ đáng ngờ
Theo báo cáo của các nhà điều tra, Thumairy dường như đã nói dối khi bị thẩm vấn về các mối liên lạc của ông ta, đặc biệt là với Bayoumi. Ông nói không biết Bayoumi nhưng dữ liệu các cuộc điện thoại cho thấy hai người thực hiện 21 cuộc gọi trong hơn hai năm.
Bayoumi đã giúp đỡ Hazmi và Mihdhar cư trú tại một căn hộ thuộc khu chung cư nơi ông ta sinh sống ở San Diego, California. Bayoumi còn cùng ký tên vào hợp đồng thuê nhà và trả tiền cọc thuê nhà cũng như tiền thuê tháng đầu tiên cho Hazmi và Mihdhar. Hai kẻ cướp máy bay sau này hoàn trả ông số tiền nhưng người ta vẫn chưa rõ động cơ của Bayoumi là gì.
Lambert cho hay ông không tin sự giúp đỡ này là ngẫu nhiên. Kế hoạch tấn công khủng bố 11/9 phụ thuộc nhiều vào việc những kẻ cướp hòa nhập vào cuộc sống thường ngày ở Mỹ nên ông ngờ rằng các thủ lĩnh al-Qeada chắc chắn phải bố trí để chúng nhận được hỗ trợ.
"Tôi tin rằng chúng phải lên kế hoạch chăm sóc cẩn thận những gã này sau khi đến Mỹ. Chúng không quá thành thạo cuộc sống nơi đây và cũng không biết tiếng Anh. Chúng cần giúp đỡ để ổn định cuộc sống và tiến hành các bước chuẩn bị cho vụ khủng bố", Lambert nhận xét.
Ngoài ra, nhiều manh mối khác cũng cho thấy sự tồn tại của một mạng lưới hỗ trợ chúng. Hazmi và Mihdhar bắt đầu đi lễ ở một nhà thờ tại San Diego, nơi Anwar al-Awlaki làm chủ tế. Anwar al-Awlaki là một giáo sĩ người Mỹ, nhiều năm sau trở thành kẻ tuyển mộ khét tiếng cho al-Qaeda.
Một sinh viên người Yemen tên Mohdar Abdullah đã lái xe chở Hazmi và Mihdhar đi khắp nơi, giúp chúng mở tài khoản ngân hàng hay giới thiệu chúng đến các trường dạy bay. Hai sĩ quan hải quân Arab Saudi sống ở San Diego thời điểm đó cũng liên lạc điện thoại với Hazmi. Tuy nhiên, mối quan hệ với Thumairy và Bayoumi là đáng nghi ngờ hơn cả, theo New York Times.
Đối tượng cần lưu tâm
Nhà thờ King Fahad ở thành phố Culver, bang California, nơi Fahad al-Thumairy làm chủ tế. Ảnh: billwarnerpi.com
Eleanor J. Hill, giám đốc phụ trách nhân sự cho cuộc điều tra phối hợp của quốc hội Mỹ về vụ khủng bố 11/9, lưu ý 28 trang tài liệu mật không phải manh mối giúp giải mã các bí ẩn.
"28 trang này chỉ là bản tóm tắt những thông tin được chuyển đến cho các cơ quan liên quan để điều tra thêm. Mọi người không nên kỳ vọng chúng sẽ giúp đưa ra một kết luận cuối cùng", bà nhấn mạnh.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 4, Thomas H. Kean và Lee Hamilton, đồng chủ tịch Ủy ban 11/9, khẳng định họ đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các nghi vấn về vai trò của Arab Saudi đối với âm mưu tấn công 11/9 và bám rất sát những manh mối trong 28 trang tài liệu mật.
Họ khẳng định dù Ủy ban 11/9 không tìm thấy bằng chứng cho thấy Thumairy hỗ trợ những kẻ cướp máy bay nhưng ông này vẫn là "đối tượng cần lưu tâm".
Báo cáo cuối cùng của Ủy ban 11/9 có đoạn "chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy chính phủ Arab Saudi với vai trò là một thể chế hay các quan chức cấp cao Arab Saudi có tài trợ cho al-Qaeda".
Nhưng một số người chỉ ra rằng ngôn từ trong bản báo cáo không loại trừ khả năng các quan chức cấp thấp Arab Saudi đã hỗ trợ những kẻ cướp máy bay. Theo họ, Ủy ban 11/9 phải làm việc với áp lực thời gian căng thẳng nên không thể bám sát mọi manh mối.
Thị thực của Thumairy bị thu hồi năm 2003 vì nhà chức trách Mỹ nghi ngờ ông này là phần tử cực đoan. Trong một cuộc trả lời thẩm vấn hồi tháng 2/2004, Thumairy nói ông không bao giờ ý thức được rằng mình đã hỗ trợ những kẻ khủng bố.
"Ông ấy nói luôn truyền bá thông điệp hòa bình ở Mỹ và Arab Saudi, đặc biệt là sau vụ 11/9. Ông ấy nói muốn hợp tác với chính phủ Mỹ và Arab Saudi vì khủng bố gây tổn thương cho tất cả mọi người", New York Timesdẫn báo cáo của hai nhà điều tra Dieter Snell và Rajesh De, những người từng thẩm vấn Thumairy.
Hồng Vân
Theo VNE
Bộ Ngoại giao Ai Cập nói kẻ cướp máy bay là 'gã ngốc' Người đàn ông cướp máy bay EgyptAir, đeo đai bom giả trên người hôm qua được xác định không phải là một kẻ khủng bố. Seif Eldin Mustafa đeo đai bom giả. Ảnh: SkyNews "Hắn không phải là kẻ khủng bố, hắn là một gã ngốc", Telegraph dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập nói khi cảnh sát tại...