Vụ cưỡng chế Hải Phòng: Những phát ngôn gây “sốc” và đáng chú ý nhất
Xung quanh vụ cưỡng chế ở Hải Phòng có rất nhiều phát ngôn của chính quyền, người nhà ông Vươn, các chuyên gia, luật sư… khiến độc giả phải chú ý.
1. Những phát ngôn “ nóng” của lãnh đạo Hải Phòng
“Việc lực lượng chức năng phá nhà ông Vươn là do các đối tượng cố thủ trong đó”
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã nói trước báo chí vào ngày 12/1.
Khi được hỏi liệu UBND huyện có cưỡng chế nhầm vị trí đất và tháo dỡ nhầm ngôi nhà của ông Vươn? Ông Hiền trả lời thẳng thẳn: “Hai căn nhà trên phần đất được cho là cưỡng chế nhầm sở dĩ đã bị tháo dỡ (thực tế đã bị đánh sập hoàn toàn – PV) là do khi cưỡng chế các đối tượng gây án đã ẩn nấp trong đó”.
Ngôi nhà của ông Vươn chỉ còn là đống gạch vụn.
Thủ phạm phá nhà ông Vươn là người dân(?)
Sáng 17/1 tại Hà Nội, trong cuộc giao ban báo chí thường kỳ ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, lại khẳng định, thủ phạm phá nhà ông Vươn là người dân!
Ông Thoại nhấn mạnh, việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là đúng pháp luật.
“Các đồng chí ở huyện báo cáo do người dân bất bình nên vào phá ngôi nhà này chứ không phải chính quyền” – ông Thoại quả quyết.
Huyện Tiên Lãng khẳng định không phá nhà ông Vươn
Sáng 2/2, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh trả lời trực tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam (kênh VOV1) vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Ông Khánh khẳng định, chính quyền không phá nhà ông Vươn.
Người phát ngôn UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) khẳng định, việc thu hồi đất của gia đình ông Vươn hoàn toàn đúng đắn và đoàn cưỡng chế không ra lệnh cũng như không có ai tham gia việc phá nhà dân.
“Tôi khẳng định rằng đoàn cưỡng chế không có một lệnh nào và không có một ai tham gia việc phá nhà dân. Còn việc nhà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, đồng thời nó là khu vực gây án nên việc phá hay thế nào thì đã có cơ quan chức năng làm rõ”, ông Khánh nói.
“Tôi không lệnh cho anh em phá nhà Vươn!”
Đó là khẳng định của đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an TP. Hải Phòng trả lời báo chí xung quanh việc ngôi nhà của ông Vươn, ông Quí nằm bị san phẳng.
Đại tá Đỗ Hữu Ca cũng cho hay: Việc cưỡng chế tại Tiên Lãng là nhiệm vụ của huyện Tiên Lãng. Chỉ khi xảy ra sự việc Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý nổ súng chống người thi hành công vụ, công an TP mới tăng cường lực lượng, nhất là khi đối tượng sử dụng các phương tiện gây mức độ sát thương lớn.
“Nhà sập thì phải hỏi huyện”
Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng
Cũng theo vị chủ tịch xã này, nhà của ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Việc nhà ông Quý bị giật sập và huy động máy xúc để cưỡng chế thì “phải hỏi huyện, xã không nắm được”.
“Xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận diện tích cưỡng chế, còn việc tiến hành cưỡng chế như thế nào là do huyện chứ chúng tôi không liên quan”, vị chủ tịch này cho biết.
“Là một điều đáng tiếc với Hải Phòng”
Trả lời báo chí vào ngày 1/2, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết: sau khi có báo cáo kết quả về ủy ban, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào sẽ xử lý, không bao che.
“Sai đến đâu xử đến đấy, đồng chí nào sai thì phải xử lý theo sai phạm đó. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, cứ theo luật mà làm, thượng tôn pháp luật”, ông Điền nhấn mạnh.
“Bài học lớn đó là về phương thức tổ chức cưỡng chế”
Trả lời trên báo Thanh Niên, ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho rằng: “Hải Phòng rút ra bài học sâu sắc từ vụ việc ở Tiên Lãng. Có rất nhiều điều cần được rút kinh nghiệm, nhưng bài học lớn đó là về phương thức tổ chức cưỡng chế.
Các vụ cưỡng chế đất đai bao giờ cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong công tác dân vận, cũng cần những người có trí tuệ, am hiểu kiến thức, có uy tín để có thể giải thích, thuyết phục người dân thay đổi nhận thức. Điều quan trọng là phải có chủ trương, chính sách đúng đắn, minh bạch.
Sau đó là phải giải thích cho người dân hiểu và tự nguyện chấp hành. Khi xảy ra sự việc, công tác thông tin với báo chí, để giải thích với dư luận cũng chưa được đầy đủ, nên dẫn đến còn có nhiều ý kiến khác nhau, gây hiểu lầm giữa nhân dân với chính quyền”
Cưỡng chế đầm tôm được dư luận nhân dân “đa số ủng hộ”
Video đang HOT
Đại diện UBND xã Vinh Quang lẫn Mặt trận tổ quốc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho rằng, cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Vươn nhằm đảm bảo công bằng khi mà diện tích đất của người dân hạn hẹp.
Ông Vũ Thế Tuyền, Chủ tịch UBMTTQ huyện Tiên Lãng cho rằng: “Chúng tôi đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc xã, các đoàn thể vận động để anh Vươn sớm nhận thức và chấp hành quy định song anh cố tình không chấp hành. Vì thế, chính quyền phải cưỡng chế để đảm bảo công bằng cũng như tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn diện tích bãi bồi ven sông ven biển”.
Cũng theo ông Tuyền: “Mặt trận Tổ quốc phải ủng hộ cao việc cưỡng chế thu hồi đất vì nó đúng đắn”, ông Tuyền nói và cho biết thêm, dư luận nhân dân “đa số ủng hộ”.
Hoa lợi trong đầm “không có cái gì”
Chiều ngày 31/1, trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Ngọc Khánh, CVP UBND huyện Tiên Lãng thông tin: “Ngay trong ngày, sau buổi cưỡng chế, chúng tôi quản lý đầm rồi thì đoàn cưỡng chế đã tháo cống thông thủy”.
Và theo ông Khánh, khi đó hoa lợi trong đầm “không có cái gì”. Ông Khánh cũng cho biết thêm, việc làm trên dựa theo nguyên tắc, trước khi thu hồi có thông báo cho chủ đầm thu hoạch hoa lợi.
Tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý), toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống trong đầm đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
2. Tiếng nói từ người nhà ông Vươn
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết…”
Trả lời báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết, toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết, trong đầm bây giờ em không thấy tăm cá, cua nào ngoi lên. Chính những người từng mua cua, cá nhà em những năm trước đã đến đây mua của họ”, bà Hiền nói.
Vợ, con của ông Vươn và ông Quý (Ảnh: TP)
Chúng tôi hỏi “họ” là ai, bà Hiền cho biết, đó là người nhà gia đình T.K, một chủ đầm gần đó. “Chính nhà này đã cho người xuống tiếp quản đầm nhà em ngay sau khi anh Vươn bị bắt”, bà Hiền nói.
Ở trong lều từ mùng 1 Tết
Cũng theo bà Hiền cho biết: “”Mãi hôm 29 tết, những người của xã rút đi, đến sáng mùng 1, chúng em xuống lại khu đầm để dựng tạm căn lều bạt, em và chị Thương ở đó từ mùng 1 tết”.
Không có quà Tết
Chiều 27-1 (mùng 5 Tết), chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cùng cho biết trong những ngày Tết, chính quyền địa phương không đả động gì đến việc thăm hỏi, hỗ trợ Tết.
Chuẩn bị khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, chị Phạm Thị Báu (em dâu Vươn) cho biết gia đình chị đang làm các thủ tục pháp lý để khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng về việc hủy hoại tài sản công dân.
Gia đình đã được 2 đoàn luật nhận lời tư vấn và bào chữa miễn phí. Đó là công ty Luật Hồng Bách và công ty Luật Phú Lợi đến từ Hà Nội. Chị nói thêm, cách đây ít ngày gia đình chị đã cùng với luật sư hoàn tất các thủ tục trong vụ kiện này.
Đồng thời với việc kiện, gia đình chị cũng chuẩn bị gửi đơn tố giác tới nhiều cơ quan, ban ngành chức năng liên quan. Nội dung tố giác là việc ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đã phủ nhận việc Hội đồng cưỡng chế huyện Tiên Lãng chiếm đoạt, hủy hoại tài sản và đổ lỗi cho người dân, bao che cho việc làm của cấp dưới…
3. Những “phản pháo” từ chuyên gia, lãnh đạo
Vụ Tiên Lãng “là một bài học cho cả nước”
Đó là khẳng định của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước.
Đại tướng khẳng định: “Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân”.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng cho biết, khi ông còn công tác, đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm về quản lý đất đai bị xử lý nghiêm. “Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng”
“Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên đại biểu quốc hội khóa X nói rằng, ông theo dõi rất sát diễn biến của vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng. Chính vì thế, ông cảm thấy thất vọng về cách quản lý của chính quyền địa phương nơi này.
“Chuyện cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng không còn là câu chuyện của một địa phương, mà có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân với chính quyền. Tôi không hiểu ý nghĩa của pháp luật trong vụ cưỡng chế này là gì khi người dân phản kháng tiêu cực rồi phải đi tù, còn người thi hành luật pháp cũng bị thương vong”, tướng Thước nói.
“MTTQ Việt Nam sẽ phản biện “
Ngày 31/1 ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQVN cho biết: MTTQ Việt Nam sẽ phản biện.
“Mặt trận sẽ phản biện báo cáo về vụ việc này chứ không kết luận vấn đề. Mặt trận phải làm theo chức năng của mình, phải phản biện những kết luận của chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật” – ông Kim nói.
Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng- Hải Phòng: Việc cưỡng chế đã sai!
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, Luật đất đai năm 1993 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước vào thời điểm đó. Luật này quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc cưỡng chế là sai.
Vì vậy, theo ông Võ, nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định. Còn việc giao đất năm 1997 và đến năm 2007 quyết định thu hồi là sai. “Huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng không trả lời về việc này có nghĩa là họ đã sai”, ông Võ nhấn mạnh.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là hành vi thu hồi do hết hạn nhưng lại không căn cứ vào khoản 10, điều 38 Luật đất đai. Bởi khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi thì người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
Cần khởi tố ngay vụ phá nhà ông Vươn
Đó là khẳng định của Luật sư Phạm Văn Sinh, được đăng tải trên Vnexpress: “cho dù là ai gây ra sự việc trên thì rõ ràng việc phá hủy căn nhà trên là trái pháp luật và đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và cơ quan có thẩm quyền phải khởi tố vụ án để điều tra giải quyết”.
Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trong buổi giao ban báo chí đầu xuân, ngày 31-1, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét việc báo chí đưa tin, phân tích đa chiều vụ cưỡng chế thu hồi đầm thủy sản ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là đúng đắn và cần thiết.
“Tôi đã điện thoại cho Thành ủy Hải Phòng, yêu cầu làm rõ vụ việc. Hành vi chống người thi hành công vụ là phải lên án, xử lý nhưng cán bộ mà cấp đất sai, thu hồi đất sai thì phải điều tra, xử lý nghiêm” – ông Huynh nói.
Chính quyền cơ sở bất chấp pháp luật
Sau khi thực hiện giám sát về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), trao đổi với báo chí Luật sư Lê Đức Tiết- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ VN cho biết:
Qua những tài liệu mà chúng tôi có được và về tận nơi tìm hiểu sự việc, chúng tôi cho rằng chính quyền cơ sở ở đây làm việc không căn cứ vào pháp luật. Pháp luật cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhất quán là khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, sử dụng đất đai có hiệu quả, làm ích nước lợi nhà.
Còn pháp luật về đất đai quy định rõ đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản phải giao 20 năm. Sau thời hạn này, nếu người dân có nhu cầu sử dụng thì được ưu tiên giao lại.
Lý do thu hồi đất của ông Vươn không minh bạch
Chiều 2/2, tại buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng khẳng định: “Đất nuôi trồng thủy sản tại đầm Đoàn Văn Vươn là đất canh tác nông nghiệp, mục đích thu hồi đất phải rõ ràng, chẳng hạn để phục vụ cho thủy điện, khu công nghiệp… chứ theo lý do huyện Tiên Lãng đưa ra là để thu hồi đầm ở xã Vinh Quang thì không minh bạch”.
Theo Giáo Dục VN
Hải Phòng: Công bố thông tin phía sau vụ 6 chiến sĩ bị xả súng
Lật lại nguyên do vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, đại diện TAND Hải Phòng cho biết, trong quá trình giải quyết khiếu kiện của chủ đầm trước đó, thẩm phán đã "nhầm lẫn" vụ việc của ông Vươn với một chủ đầm tôm khác!
Chiều tối ngày 12/1, tại trụ sở UBND TP Hải Phòng đã diễn ra cuộc họp báo công bố thông tin vụ chống đối cưỡng chế đầm tôm xảy ra trên khu đất ông Đoàn Văn Vươn (xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng). Một số tình tiết trước và sau vụ án được hé mở...
Tại cuộc họp báo, sau khi thông tin về sự chống đối của gia đình ông Vươn trong buổi cưỡng chế ngày 5/1 vừa qua khiến 6 chiến sỹ bị thương, đại diện UBND tỉnh Hải Phòng cũng điểm lại quá trình giao đất và những bất đồng nảy sinh giữa các hộ và UBND huyện Tiên Lãng.
Quang cảnh buổi họp báo tại trụ sở UBND TP Hải Phòng chiều tối 12/1. (Ảnh: Q.Đ)
Theo đó, ngày 04/10/1993 UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành quyết định số 447/QĐ-UB giao cho ông Vươn diện tích 21 ha đất bãi biển thuộc địa bàn hành chính xã Vinh Quang để ông Vươn nuôi trồng thủy sản với thời hạn 14 năm.
Ngày 02/3/1997, ông Vươn có đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích mà ông đã đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao. Ngày 09/4/1997, UBND huyện đã ra quyết định số 219/QĐ-UB xử phạt hành chính 1 triệu đồng với hành vi lấn chiếm đất đai của ông Vươn. Cũng ngày 09/4, UBND huyện Tiên Lãng lại ban hành Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Vươn 19,3 ha là phần đất ông Vươn sử dụng vượt so với quyết định giao ban đầu, đều có thời hạn 14 năm. Tổng diện tích ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao đất để nuôi trồng thủy sản là 40,3 ha.
Theo luật đất đai năm 2003, đến thời điểm hết thời hạn giao đất, UBND huyện Tiên Lãng tiến hành làm thủ tục để thu hồi toàn bộ 40,3 ha đất cho ông Vươn thuê. Riêng đối với diện tích 19,3 ha, sau khi làm các thủ tục theo quy định, ngày 07/4/2009 UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 461/QQĐ-UBND thu hồi 19,3 đất giao đã hết hạn sử dụng đối với ông Vươn.
Ông Vươn đã khiếu nại Quyết định số 461/QQĐ-UBND, tiếp đến ngày 19/6/2009, UBND huyện Tiên Lãng lại ra Quyết định số 1237/QĐ-CTUBND về việc giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi đất đối với ông Vươn.
Không đồng ý với việc giải quyết của UBND huyện, ông Vươn đã khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Ngày 20/1/2010, TAND huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm bản án số 01/2010/HCST tuyên giữ nguyên quyết định thu hồi đất số 461/QQĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Vươn tiếp tục làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa hành chính TAND TP Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo (ông Vươn) đã có đơn xin rút lại nội dung kháng cáo nên ngày 22/4/2010 TAND TP đã ra Quyết định số 02/2010/HCPT-QĐ đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Bản án sơ thẩm lại có hiệu lực.
Giải thích về việc TAND TP có "uẩn khúc" trong việc ra quyết định đình chỉ việc xét xử vụ án hành chính nói trên, tại cuộc họp báo, ông Ngô Văn Phích - Phó Chánh án TAND TP cho hay: "Thẩm phán Ngô Văn Anh - người thừa quyền Chánh án đã nhầm lẫn giữa trả lời khiếu nại của ông Vũ Văn Luân (một chủ đầm tôm xã Quang Vinh cũng thuê đất nuôi trồng thủy sản) thành trả lời khiếu nại dành cho ông Vươn.
Tại buổi họp báo, nhiều cơ quan báo chí đặt vấn đề, buổi hoà giải ngày 9/4/2010 tại trụ sở TAND TP Hải Phòng do Thẩm phán Anh chủ trì thì người kiện (ông Luân) đã đồng ý rút đơn khi được đại diện UBND huyện Tiên Lãng (ông Phạm Xuân Hoa - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện) hứa, nếu ông Luân rút đơn thì UBND huyện sẽ tiếp tục cho ông Luân thuê đất theo quy định".
Tiếp đến ngày 25/6/2010, TAND TP Hải Phòng đã gửi văn bản trả lời ông Vươn (với tư cách là người khởi kiện) rằng "trong qúa trình giải quyết ở cấp phúc thẩm, TANDTP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thoả thụân với nhau để giải quyết vụ án..., đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật".
Ông Phích đối đáp: "Việc sai sót này là do lỗi của thẩm phán Anh". TAND TP đã nhận rõ sai lầm trong việc sai sót do nhầm lẫn của thẩm phán Anh, theo đó khuyết điểm của thẩm phán Anh đã được kiểm điểm trước cơ quan.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cũng thừa nhận, UBND huyện đã cho ông Vươn thuê tổng diện tích 40,3 ha đất. Trong đó, có 21 ha đang tiến hành các thủ tục thu hồi theo quy định, riêng 19,3 ha đã có quyết định thu hồi.
Việc thu hồi đất không có bồi thường là theo quy định của luật Đất đai năm 2003, khi hết thời hạn thì không thể gia hạn. Ông Vươn đã không thực hiện hoàn trả khi hết hạn thì huyện tiến hành cưỡng chế.
"Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng huyện làm nhiệm vụ thì lại bị cài mìn gây thương tích cho 6 cán bộ, chiến sĩ tại ngôi nhà ông Vươn xây dựng để nuôi trồng thủy sản, không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế vào ngày 05/1 vừa qua. Việc ngôi nhà bị lực lượng làm nhiệm vụ phá dỡ và việc gây án của những đối tượng chống đối cưỡng chế đang được cơ quan công an làm rõ và sẽ có kết quả sau quá trình điều tra, làm rõ vụ án" - ông Hiền cho hay.
Liên quan đến vụ việc này còn khá nhiều uẩn khúc trước và sau việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế vào ngày 05/1, cần được làm sáng tỏ trước công luận. Kết thúc buổi họp báo, UBND TP Hải Phòng cho biết sẽ tiếp tục thông tin với cơ quan báo chí sau khi cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra và thu thập đủ thông tin sự việc trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Hữu Thư - Chánh văn phòng, là người phát ngôn chính thức của UBND TP - cho biết, vụ chống đối lực lượng cưỡng chế UBND huyện Tiên Lãng xảy ra trên khu đầm tôm, nơi ông Đoàn Văn Vươn thuê theo hợp đồng đã hết hiệu lực với UBND huyện Tiên Lãng.
Vào 7 giờ 30 phút ngày 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo kế hoạch của UBND huyện. Tuy nhiên, khi lực lượng làm nhiệm vụ tiến đến khu đầm ông Vươn đang sử dụng thì những người liên quan đã bố trí 3 lớp hàng rào để ngăn chặn lực lượng cưỡng chế. Tổ công tác tiến vào hàng rào thứ 3 khu vực cưỡng chế thì các đối tượng bên trong nhà coi đầm kích nổ mìn tự tạo chôn sẵn dưới đất và sử dụng súng đạn hoa cải bắn làm bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an huyện và Ban chỉ huy quân sự huyện.
Ngay sau đó, những người bị thương được đưa đi cứu chữa tại bệnh viện, sự việc lập tức được báo cáo lên Giám đốc Công an TP để triển khai trinh sát nhanh chóng vào cuộc bao vây, truy bắt các đối tượng gây án.
Đến ngày 11/1, CQĐT Công an TP đã khởi tố vụ án với tội danh "giết người"; "chống người thi hành công vụ" với Đoàn Văn Vươn và 5 đối tượng liên quan đến vụ án.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Theo Dân Trí
"Nơi xảy ra nổ súng là mảnh đất thuần nhất Hải Phòng" Trước khi xảy ra sự việc nổ súng khiến 6 công an ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị thương, UBND huyện và gia đình đã có 8 lần hòa giải song bất thành. Xung quanh câu chuyện này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CATP Hải Phòng. - Ông đánh giá như...