Vụ cưa gỗ khô: Sẽ dời ngày xử vào tháng 12
Theo chuyên gia, việc hơn ba tháng qua năm công dân chưa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao sẽ làm họ không kịp chuẩn bị để tự bào chữa hay nhờ người bào chữa…
Chiều 9-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Phước Hòa (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra I, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho biết trước đây TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã lên lịch xử giám đốc thẩm vụ cưa gỗ khô tại Kon Tum trong tháng 10, tuy nhiên sau đó đã phải hoãn do “ vụ án phức tạp” và “còn có nhiều vấn đề”.
Có thể xử trong tháng 12
Về thời gian dự kiến mở phiên xử, ông Hòa nói: “Cái này thuộc thẩm quyền của chánh án, chúng tôi cũng chưa biết được. Vụ này phức tạp nên không vội được. Tháng 11 chắc chưa xử, khả năng là phải sang tháng 12″.
Cũng theo ông Hòa, do vụ án phức tạp nên thành phần HĐXX tiến hành phiên xử giám đốc thẩm có thể sẽ là toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao. “Chánh án có thể quyết định ủy ban ba người hoặc ủy ban toàn thể. Nhưng theo phán đoán của cá nhân tôi, đối với vụ án mà dư luận chú ý này, có thể chánh án sẽ quyết định ủy ban toàn thể” – ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận được đơn xin tham gia phiên xử giám đốc thẩm của các luật sư bào chữa cho năm công dân trong vụ án. “Khi nào có lịch xử cụ thể thì chúng tôi sẽ gửi giấy mời họ tham dự” – ông Hòa nói.
Về việc đã hơn ba tháng qua kể từ ngày có kháng nghị giám đốc thẩm nhưng năm công dân trong vụ án vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị, ông Hòa cho biết việc này không thuộc trách nhiệm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: “Khi TAND Tối cao ban hành kháng nghị thì phải gửi cho các đương sự, bị cáo, trong quyết định kháng nghị bao giờ cũng có các đương sự, bị cáo rồi. Còn chúng tôi chỉ biết là khi TAND Tối cao kháng nghị xong thì chuyển quyết định kháng nghị, chuyển hồ sơ về”.
Về vấn đề trên, chúng tôi cũng đã liên hệ lãnh đạo TAND Tối cao để tìm hiểu nhưng chưa được trả lời.
Cho đến nay, năm công dân vụ cưa gỗ khô vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: N.NGA
Vi phạm tố tụng, gây bất lợi cho năm công dân
Video đang HOT
Xung quanh vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc: BLTTHS quy định sao về thẩm quyền, trách nhiệm và thời hạn tống đạt quyết định kháng nghị giám đốc thẩm? Nếu những người tham gia tố tụng không nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì có bị thiệt thòi gì không?
Một vụ cưa gỗ rừng đặc dụng, tòa xử tội khác
Gần đây, TAND tỉnh Kon Tum đã mở phiên xử sơ thẩm đối với Vũ Văn Toàn và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS 1999). Sau đó, tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số tình tiết liên quan đến nhân thân của các bị cáo…
Theo hồ sơ, cuối năm 2016, Toàn cùng nhóm người của mình thống nhất tìm thợ cưa vào Vườn quốc gia Chư Mom Ray nhằm khai thác gỗ để bán lấy tiền. Nhóm của Toàn đã có hành vi khai thác trái phép hơn 55 m3 gỗ quy tròn. Tháng 2-2018, VKSND tỉnh Kon Tum đã truy tố nhóm của Toàn về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
ông Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Điều 380 BLTTHS 2015 quy định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay cho tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị. Trường hợp chánh án TAND Tối cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm…
Trong vụ này, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao đã thể hiện rõ trong mục “Nơi nhận” có tên của năm công dân. Vì vậy, TAND Tối cao, cơ quan ban hành kháng nghị, phải có trách nhiệm gửi ngay quyết định kháng nghị cho họ. “Quyết định kháng nghị được ban hành từ hơn ba tháng trước mà đến nay năm công dân vẫn chưa nhận được nghĩa là TAND Tối cao đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng” – ông Phước nhận xét.
Đáng chú ý, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử năm công dân theo hướng có tội. Nếu TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị thì năm công dân từng được tuyên không phạm tội sẽ trở thành có tội và bản án giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay. Do đó, năm công dân cần phải có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong tay để còn nghiên cứu nội dung nhằm chuẩn bị thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình.
Đồng tình, luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) và LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng nếu TAND Tối cao “quên” gửi kháng nghị cho năm công dân thì đây được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. “TAND Tối cao cần phải sớm gửi quyết định kháng nghị cho năm công dân để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật định” – LS Hồng Hà nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ TAND Tối cao và thông tin tới bạn đọc.
Bất ngờ bị kháng nghị có tội
Như Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3(trị giá hơn 19 triệu đồng).
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. HĐXX nhận định theo Thông tư liên tịch số 19/2007, chỉ có thể xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản khi cây gỗ trắc các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo cưa gỗ trắc là rừng đặc dụng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, nếu xem xét xử lý các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3) nên chưa đủ định lượng để khởi tố, chỉ có thể phạt hành chính.
Năm công dân bị oan yêu cầu được xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ngày 26-7, chánh án TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đáng chú ý, nội dung quyết định này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.
T.AN – N.NGA
Theo PLO
Nửa đêm, 4 bảo vệ rừng bị 40 người kéo lê ra ngoài rồi đốt chòi canh
Sau 2 lần bị đốt phá, chòi canh bảo vệ rừng của UBND xã A Bung (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị) được dựng lại, 4 nhân viên bảo vệ rừng được cắt cử ngủ lại, thì nửa đêm xuất hiện khoảng 40 đối tượng đến tiếp tục phá chòi canh.
Chòi canh bảo vệ rừng của UBND xã A Bung bị phá hoại lần 3. Ảnh: HT.
Như LĐO đã có bài viết "Chòi bảo vệ rừng bị phá, gỗ rừng bị cưa xẻ ngổn ngang" phản ánh việc xã A Bung dựng 3 chòi bảo vệ rừng. Ngày 3.10, chòi đặt tại thôn A Bung bị xô đổ rồi được dựng lại thì đến ngày 6.10 tiếp tục bị cưa xẻ, châm lửa đốt.
Kiểm lâm huyện Đak Rông (Quảng Trị) và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) kiểm tra thông tin cây gỗ bị đốn hạ tại địa điểm dựng chòi canh vào thời điểm chòi vừa được dựng lại. Ảnh: HT.
Tiếp đó, từ ngày 16.10, xã A Bung dựng lại chòi canh. Khung gỗ ở chòi bị cưa được thay mới, mái tôn kẽm nhăn nhúm được đập phẳng và lợp lại, các chân gỗ bị cưa cũng được chắp nối, gia cố lại. Tấm biển "Đội bảo vệ rừng thôn A Bung" cũng được làm mới, gắn ở chòi canh. Việc cắt cử lực lượng chốt ở chòi được triển khai.
Tuy nhiên, đến 2h30 ngày 24.10, 4 thành viên của tổ bảo vệ rừng xã A Bung đang ngủ tại chòi bảo vệ rừng thì xuất hiện khoảng 40 người dân của làng La Nga và Pi ReH (thôn 7, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang theo rựa và gậy. Đoàn người này kéo 4 bảo vệ rừng ra khỏi chòi, dùng máy cưa xăng phá hoại và thiêu rụi toàn bộ chòi gỗ.
Báo cáo của UBND xã A Bung, lực lượng bảo vệ chòi đã xác định được danh tính một số đối tượng đến phá chòi như: Hồ Văn Khê (trưởng thôn 7), Hồ Cu Reh (làng Pi ReH), Hồ Cu Tíc, Hồ Cu Tinh, Hồ Văn Diên (làng La Nga)...
Chòi canh bị 40 đối tượng dùng cưa băm nát rồi châm lửa đốt. Ảnh: HT.
Theo lãnh đạo xã A Bung, việc phá chòi canh bảo vệ rừng không chỉ xâm phạm tài sản của nhà nước, mà còn khiến tình hình ở khu vực đang tranh chấp về địa giới hành chính giữa 2 xã A Bung và Hồng Thủy thêm căng thẳng.
Được biết, xã A Bung dựng chòi canh bảo vệ rừng trên địa phận được cho là của xã A Bung quản lý. Ngược lại, xã Hồng Thủy nói rằng địa điểm đặt chòi canh bảo vệ rừng nằm sâu trong địa giới hành chính của xã Hồng Thủy. Ghi nhận cho thấy, ở khu vực đặt chòi bảo vệ rừng, nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ từ trước và có hiện tượng đang được cưa xẻ thành hộp gỗ để vận chuyển ra khỏi rừng.
Từ thông tin nói trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đi kiểm tra. Ngoài việc phát hiện có cây gỗ đã bị đốn hạ, có dấu vết mới bị cửa xẻ, còn phát hiện việc chồng lấn khu vực quản lý. Cụ thể, Kiểm lâm Đak Rông xác định khu vực đặt chốt bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 758, thuộc quản lý xã A Bung; Kiểm lâm huyện A Lưới thì xác định địa điểm trên thuộc tiểu khu 258 và quản lý của xã Hồng Thủy.
HƯNG THƠ
Theo LĐO
Lâm tặc trú bất hợp pháp trong làng để mua gỗ trái phép Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên vừa ký công văn số 2279/UBND-NL về việc tăng cường các biện pháp chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý việc chặt hạ cây rừng để thu hái lâm sản ngoài gỗ trái phép; chống người thi hành công vụ trên địa bàn. Một vụ vận chuyển gỗ lậu bị...