Vụ cứa cổ linh mục nguy cơ thổi bùng xung đột tôn giáo ở Pháp
Ngọn lửa xung đột tôn giáo ở Pháp có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào sau khi một linh mục nhà thờ bị những kẻ có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo cứa cổ hôm 26/7.
Nhà thờ bị tấn công ở Saint Etienne du Rouvray. Ảnh: Le Figaro
Thương vong trong vụ tấn công được kích động bởi Nhà nước Hồi giáo (IS) tại một nhà thờ ở ngôi làng nhỏ thuộc vùng Saint Etienne du Rouvray, miền bắc Pháp, tương đối nhỏ, với một người chết và một người bị thương. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới xã hội Pháp lại rất khó đong đếm, theo Washington Post.
Rất nhiều người lúc này coi vụ tấn công trên là biểu hiện của một cuộc xung đột tôn giáo dai dẳng tại Pháp, một vùng đất thế tục về danh nghĩa nhưng xã hội ngày càng chia rẽ sâu sắc, bình luận viên James McAuley đánh giá.
Với những người bảo thủ nổi bật, trong tất cả các vụ khủng bố xảy ra tại Pháp hơn một năm qua, từ cuộc tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tháng một năm ngoái, đánh bom liên hoàn ở Paris tháng 11, đến vụ đâm xe ở Nice hồi giữa tháng, không vụ việc nào được nhìn nhận như một sự sỉ nhục sâu sắc đối với hệ tư tưởng lâu đời của Giáo hội Công giáo bằng vụ tấn công tại Saint Etienne du Rouvray hai ngày trước.
Thời điểm đó, Adel Kermiche, 19 tuổi, cùng một đồng phạm xông vào giáo xứ địa phương và cắt cổ linh mục Jacques Hamel, 85 tuổi, giữa lúc ông đang cử hành thánh lễ.
Kermiche từng nằm trong vòng theo dõi của cơ quan điều tra Pháp bởi y hồi năm ngoái hai lần tìm cách đến Syria nhưng bất thành. Y cũng thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội những thông điệp kêu gọi người Hồi giáo ở Pháp nhập cư đến các quốc gia Hồi giáo hay tiến hành những vụ tấn công bạo lực ngay trên đất Pháp, theo một báo cáo từ Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông.
Video đang HOT
Gần như ngay lập tức sau khi tin tức được công bố, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã lên án vụ tấn công là hành vi chống lại “linh hồn của nước Pháp” trên mạng xã hội Twitter. Tương tự, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, tuyên bố vụ tấn công đe dọa tới “bản sắc văn hóa dân tộc”.
Đối với bà Le Pen cùng rất nhiều người dân Pháp khác, rõ ràng cuộc tấn công nhằm vào nhà thờ dù nhỏ nhưng lại là mối đe dọa rất lớn đối với quốc gia, cây bút McAuley nhận định.
Trước chuỗi vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến 130 người thiệt mạng hồi tháng 11/2015, ông Sarkozy cũng chỉ nói rằng “khủng bố đã tuyên chiến”. Bà Le Pen thì nhấn mạnh vụ việc cho thấy “trung tâm nước Pháp đang rung chuyển vì một hành vi vô cùng man rợ”. Nhưng việc một linh mục nhà thờ bị sát hại về mặt nào đó đối với họ chính là đòn giáng nhắm vào những giá trị làm nên nước Pháp, McAuley nhận xét.
Mặc dù chính thức theo đường lối thế tục từ năm 1905, Pháp vẫn là một quốc gia của 45.000 nhà thờ Công giáo và hầu như tất cả các ngày nghỉ lễ đều dành cho người Thiên chúa. Pháp cũng là một trong những nước có dân số Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu nhưng hành động đeo mạng che mặt khi ra đường, một quy định mà phụ nữ Hồi giáo phải tuân theo, lại bị nghiêm cấm.
Một cuộc tranh cãi gay gắt hồi tháng trước nổ ra ở Pháp khi bộ trưởng giáo dục nước này đề xuất dạy tiếng Arab cho học sinh tiểu học tại các trường công lập.
“Ở Pháp có văn hóa Pháp và đấy là thứ cần phải học trước tiên”, Bruno Le Maire, một thành viên bảo thủ của quốc hội, lúc bấy giờ nói với kênhBFM TV, phản đối ý tưởng của bộ trưởng. Và cụm từ “văn hóa Pháp” ở đây không bao gồm văn hóa Arab hay Hồi giáo.
“Lợi ích chung trong nhóm cực hữu kết hợp với sự trỗi dậy của Daesh đã gây nên tình trạng chia cắt xã hội Pháp”, Marwan Muhammad, lãnh đạo một nhóm chống bài Hồi giáo ở Pháp, cho hay, sử dụng cách viết tắt bằng tiếng Arab của IS.
Cảnh sát và nhân viên cứu hộ tập trung gần hiện trường vụ tấn công nhà thờ Pháp hôm 26/7. Ảnh: Reuters
Một số người Hồi giáo Pháp hiện lo sợ bị trả thù sau vụ tấn công nhà thờ nhưng nhiều người khác lại bày tỏ mong muốn thay đổi hình ảnh của cộng đồng họ.
Phát biểu trước các phóng viên vào hôm qua, ông Dalil Boubakeur, người đứng đầu một thánh đường Hồi giáo tại Paris, còn ngầm thể hiện thái độ ủng hộ việc “cải cách” các tổ chức Hồi giáo.
Cùng ngày, Giáo hoàng Francis cũng bác bỏ những suy đoán cho rằng Pháp sắp nổ ra một cuộc “chiến tranh tôn giáo”.
Nhưng Muhammad không loại trừ khả năng trên. Ông lo sợ một nhóm cực đoan thiểu số nào đó sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công và làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa phe cực hữu Pháp và người Hồi giáo nói chung.
“Mục tiêu chính mà chúng theo đuổi là phá hoại nền dân chủ bằng cách ép buộc mỗi người trong chúng ta phải chọn phe”, Muhammad nói về các hoạt động của IS. “Đó về cơ bản chính là thứ mà Marine Le Pen cũng như một số người khác đang trao cho Daesh”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Linh mục Pháp bị phiến quân Hồi giáo ép quỳ gối, cứa cổ
Những kẻ tấn công xông vào giữa buổi lễ nhà thờ Pháp, ép linh mục 85 tuổi quỳ xuống và rạch cổ ông, đồng thời quay phim cảnh hành quyết, trước khi chúng bị cảnh sát bắn chết.
Thi thể một trong hai kẻ tấn công nằm trên mặt đất sau khi người này bị cảnh sát tiêu diệt bên ngoài nhà thờ. Ảnh: SkyNews
"Chúng buộc ông quỳ và ông đã cố tự vệ, đó là khi thảm kịch bắt đầu", nữ tu Danielle, người thoát ra khi những kẻ tấn công sát hại linh mục, nói với đài RMC. "Chúng tự quay phim. Nó giống như bài giảng đạo bằng tiếng Arab xung quanh bệ thờ", nữ tu cho biết. Cha Jacques Hamel, 85 tuổi, thiệt mạng trong vụ việc.
Ba con chiên khác bị bắt làm con tin cho tới lúc những thủ phạm bị tiêu diệt. Hai kẻ tấn công mang theo bom giả và một khẩu súng lục, bị cảnh sát bắn chết khi ra khỏi nhà thờ, hô "Allahu akbar" (Thượng đế Vĩ đại), dùng các nữ tu làm lá chắn sống.
Vụ bắt cóc con tin bắt đầu sáng qua, khi hai người đàn ông xông vào lễ nhà thờ ở thị trấn Saint Etienne du Rouvray, miền bắc Pháp. Lúc đó, Cha Hamel đang chủ trì lễ cầu nguyện.
Giáo hoàng Francis bày tỏ "nỗi đau" và nói ông kinh hoàng trước "vụ giết người man rợ".
Một trong hai kẻ tấn công được xác định là Adel Kermiche, 19 tuổi, sống ở cùng thị trấn. Nam thanh niên đã hai lần cố tới Syria và đã bị giam lỏng tại nhà, đeo vòng điện tử để giám sát, nhưng nó bị tắt vài giờ mỗi sáng, cho phép người này ra khỏi nhà.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tài xế bị thiêu sống vì tin đồn chở thịt bò 2.000 người hôm 20/10 biểu tình ở khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Ấn Độ hôm qua sau khi một thanh niên Hồi giáo bị thiêu sống trong xe vì tin đồn anh chở thịt bò. Đám tang nạn nhân hôm qua. Ảnh: News.hec.su Theo Latimes, nạn nhân Zahid Rasool Bhat, tài xế xe tải mới 18 tuổi tử vong do bị...