Vụ cưa cây gỗ khô bị phạm tội trộm cắp: Lấy làm án điểm?
Năm bị cáo trong vụ án bi hài “Cưa cây khô bị phạm tội trộm cắp” đã dắt díu nhau đi khắp các cơ quan tố tụng cao nhất gửi đơn kiến nghị mong công lý được thực thi.
Ngày 19-8, nông dân Nguyễn Quốc Khánh – bị cáo trong vụ án bi hài “Cưa cây khô phạm tội trộm cắp” (Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin) cho biết từ ngày 11-8 ông đã gác hết công việc cùng 4 bị cáo còn lại dắt díu nhau ra Hà Nội gửi đơn kiến nghị lên VKSND tối cao, TAND tối cao và nhiều cơ quan khác gửi đơn kiến nghị việc bản án số 07/2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum bị kháng nghị.
Năm bị cáo dắt díu nhau từ Kon Tum ra Hà Nội để gửi đơn kiến nghị
Ông Phan Tiến Dũng, một bị cáo khác cho biết gửi đơn nhiều cơ quan nhưng VKSND tối cao không nhận đơn và nói vụ việc đang thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nên hướng dẫn gửi đơn về đó để được giải quyết. Sau đó, 5 người tiếp tục bắt xe ô tô khách tới gửi đơn kiến nghị tới TAND và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thì được thông báo đã nhân hồ sơ vụ việc, hiện đơn vị đang phân công người để giải quyết.
Theo ông Dũng, tại VKSND cấp cao tại Đà Nẵng 5 người được thông báo vụ án của họ tuy nhỏ, nhưng có nhiều quan điểm pháp luật khác nhau, hơn nữa được dư luận đặc biệt quan tâm nên sẽ lấy làm án điểm. “Chúng tôi không biết là án điểm là như thế nào, chỉ cần làm đúng pháp luật là được” – ông Dũng nói.
Liên quan đến vụ án này, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP HCM, người bào chữa miễn phí cho các bị cáo) cho biết cũng đã có đơn kiến nghị gửi bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét, có ý kiến để vụ án được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Trong đơn kiến nghị, LS Lê Văn Hoan khẳng định hành vi của 5 người vào rừng đặc dụng chặt cây gỗ đã chết khô mà không được sự đồng ý là sai nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều căn cứ, trong đó có 3 căn cứ chính sau:
Thứ nhất: Theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định: Lâm sản là sản phẩm khai thác từ thực vật, động vật, vi sinh vật và các bộ phận, dẫn xuất của chúng có nguồn gốc từ rừng. Người có hành vi lấy lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xử phạt như sau: Đối với hành vi khai thác rừng đặc dụng trái phép với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 8 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái phép dưới 0,3 m3. Cây gỗ mà 4 người cưa trộm là lâm sản và khi cưa cây này không được Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy cho phép nên hành vi này là “khai thác rừng đặc dụng trái phép”. Tuy nhiên, tang vật vi phạm chỉ có 0,123 m3, chưa đủ định lượng (5 m3) nên không thể xử lý hình sự về hành vi “Khai thác trái phép”.
Thứ hai: Thông tư liên tịch số:19/2007 của liên bộ, ngành hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định: Trường hợp khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ… Nếu người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ Luật Hình sự. Trong khi đó, rừng đặc dụng Đắk Uy không phải là rừng trồng, không phải rừng khoanh nuôi tái sinh nên không thể áp dụng “Các tội xâm phạm sở hữu” để kết tội 5 người trên được.
Thứ ba: Rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên, các cây gỗ mọc tự nhiên không một ai tác động để có cây này và cũng không phải do quan hệ dân sự chuyển giao mà có nên không thể xem xét theo hướng hành vi trên là “Trộm cắp tài sản”. Nếu cho rằng hành vi của 5 người trên là “Trộm cắp tài sản” thì Điều 175 BLHS và Điều 12 Nghị định 157/2013 được áp dụng trong trường hợp nào?
Cả 5 người cùng làm thủ tục gửi đơn kiến nghị
Video đang HOT
Theo LS Hoan, tại quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao gần như không phân tích, lập luận mà chỉ dẫn lại nội dung vụ án rồi sau đó kết luận bản án phúc thẩm xử như vậy là không có căn cứ. Nếu TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận quyết định giám đốc thẩm này thì có lẽ đây là bản án đầu tiên ở Việt nam xét xử về “Tội trộm cắp tài sản” đối với hành vi vào rừng tự nhiên cưa trộm 1 cây chết khô. Việc TAND tối cao kháng nghị cho rằng 5 người trên phạm “Tội trộm cắp tài sản” là trái với quy định của pháp luật và có nguy cơ làm oan sai người vô tội. Từ đó, đề nghị xem xét kỹ lưỡng vụ án để không làm oan người vô tội.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2016, ông Phan Tiến Dũng để Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (cùng trú tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng đặc dụng Đắk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cưa 1 cây trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng 0,123 m3 thì bị phát hiện nên bỏ chạy. Sau đó, 4 người trên đến Công an huyện Đắk Hà tự thú. Cả 4 người này và Phan Tiến Dũng sau đó bị khởi tố về “Tội trộm cắp tài sản”.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà tuyên xử 5 bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà vì vi phạm tố tụng. Ngày 27-9-2017, TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt từ 11 đến 14 tháng tù giam về tội “trộm cắp tài sản.
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội theo Bản án số 07/2018/HS-PT. Ngày 26-7-2018, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND tối cao, ký Quyết định số 22/2018/KN-HS, kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 07/2018/HS-PT.
Theo đó, TAND tối cao đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án số 07/2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum và giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST, ngày 27-9-2017 của TAND huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Hoàng Thanh
Theo NLĐ
Bài học cay đắng cho mọi chủ tiệm điện thoại, cầm đồ
Một vụ án trộm cắp tài sản "khó xử", người bị truy tố tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" liên tục kêu oan và cho rằng mình bị dụ cung, cố gắng buộc tội bằng hồ sơ có lời khai mâu thuẫn. Người này cũng tố CQĐT "quên" trả lại tài sản thu giữ với giá trị cả trăm triệu đồng. Vụ án có tới 6 kết luận điều tra, 3 lần ra cáo trạng và 3 năm nhưng chưa có hồi kết.
Ông Cách kêu oan, cho rằng khi mua không biết tài sản do phạm tội mà có
"Tàn đời" vì mua phải đồ gian
Ông Nguyễn Văn Cách (SN 1976, ngụ quận 12, TP HCM) có đơn kêu oan đến cơ quan chức năng về việc ông bị các cơ quan tố tụng quận Thủ Đức (TP HCM) truy tố xét xử về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/12/2015, Lê Ngọc Hòa (SN 1990, quê Bình Định) chạy xe máy chở Nguyễn Thị Loan (SN 1993, quê Nghệ An); đối tượng tên Thịnh (chưa rõ lai lịch) chở Nguyễn Văn Tốt (SN 1992, quê Bình Định) đi trộm tài sản. Cả nhóm phát hiện nhà anh Lê Văn Khánh ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức không khóa cổng nên phá cửa phòng vào lấy 3 máy tính xách tay. Cả nhóm bị người dân phát hiện và bắt quả tang đưa về cơ quan công an.
Mở rộng điều tra, CQĐT Công an quận Thủ Đức còn phát hiện Hòa, Loan, Thịnh, Tốt và Tạ Ngọc Linh (SN 1992, quê TP HCM) thực hiện sáu vụ trộm cắp, cướp giật khác. Trong số tài sản phạm tội, nhóm này khai bán ở tiệm điện thoại Quang Minh (quận Thủ Đức) do ông Cách làm chủ, một điện thoại Sony Z2 với số tiền 1,7 triệu và một điện thoại Mobistar với giá 700 ngàn đồng. Nhóm của Hòa bị khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản", "Cướp giật tài sản" và "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Từ lời khai của nhóm trộm cắp trên, ngày 15/12/2015, công an khám xét tiệm điện thoại của ông Cách, phát hiện 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng, 54 điện thoại di động. Trong số đó không có chiếc điện thoại Sony Z2 vì ông Cách đã bán lại cho người khác với số tiền 2 triệu đồng; cũng không thấy chiếc Mobistar mà nhóm trộm khai bán cho ông Cách.
Ông Cách bị tạm giữ hình sự. Sau khi ông Cách bị bắt, trong ngày 15/12/2015, vợ ông Cách mới mang điện thoại Mobistar đến giao nộp. Tại biên bản thu giữ, chiếc điện thoại có nhãn hiệu Mobiistar Touch Lai 512. Ông Cách bị khởi tố về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và bị tạm giam 2 tháng.
Cáo trạng lần thứ nhất, ngày 31/10/2016, ông Cách bị truy tố vì tiêu thụ chiếc điện thoại Sony Z2 do nhóm của Hòa cướp giật. Theo cơ quan định giá, chiếc điện thoại này có giá 2,6 triệu. Về chiếc điện thoại Mobistar, Hòa khai cướp giật được của một phụ nữ trên đường, do chưa tìm được bị hại nên tách ra xử lý sau.
Đơn kêu oan của ông Cách
Lời khai bất nhất của đối tượng bán đồ
Trải qua nhiều lần xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến ngày 20/6/2018, VKS quận Thủ Đức ra cáo trạng lần thứ 3. Cáo trạng lần này, nhóm Hòa thực hiện 8 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản (cáo trạng lần 1 chỉ có 7). Về điện thoại Mobistar, cáo trạng lần 1 cho rằng nhóm Hòa khai cướp giật được của một phụ nữ không rõ lai lịch; nhưng cáo trạng lần 3 lại nói rằng do trộm cắp của anh Lê Văn Thanh tại một nhà trọ ở Thủ Đức. Theo định giá, điện thoại Mobistar có giá 2,07 triệu đồng. Cáo trạng lần này có nhiều tình tiết mâu thuẫn so với cáo trạng lần thứ nhất, đồng thời truy tố ông Cách tiêu thụ cả 2 điện thoại.
Suốt 3 năm, hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn. Nhất là việc các bị cáo liên tục thay đổi lời khai trong việc ông Cách biết hay không biết điện thoại Sony Z2 và Mobistar là tài sản phạm tội mà có.
Lời khai lần thứ nhất, ngày 20/11/2015, Linh (người trực tiếp bán điện thoại cho ông Cách), nói rằng ông Cách biết hai chiếc điện thoại trên là tài sản phạm tội mà có. Nhưng lời khai ngày 26/04/2016, Linh nói rằng không nói cho chủ tiệm (ông Cách) biết là tài sản do phạm tội mà có. Linh đưa điện thoại (Sony Z2), ông Cách kiểm tra và hỏi mật khẩu nhưng Linh không biết nên Linh im lặng. Sau đó ông Cách mua với giá 1,7 triệu đồng. Linh không biết ông Cách có biết tài sản do phạm tội mà có hay không?
Đối với điện thoại Mobistar, vì không cài mật khẩu, Linh đưa cho ông Cách. Ông Cách thu mua 700 nghìn đồng. Linh khai "nghĩ rằng ông Cách biết điện thoại do Linh phạm tội vì trước đó Linh đã bán Sony Z2". Linh khai "nghĩ như thế nên khai ông Cách biết tài sản do Linh phạm tội mà có".
Còn ông Cách nói lần đầu khai biết biết điện thoại Sony Z2 và Mobistar là tài sản phạm tội là do bị mớm cung, bức cung. Nhưng sau này, được đứng trước tòa mới dám khai thật. Lời khai bị mớm cung, bức cung của ông Cách được Tòa và VKS cũng nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu CQĐT làm rõ tố cáo của ông Cách. Nhưng phía CQĐT khẳng định không hề có bức cung, mớm cung như ông Cách khai nên giữ nguyên quan điểm.
Từ tháng 6/2018, Tòa án quận Thủ Đức nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng bị hoãn vì nhiều lý do.
Bị cáo tố cáo CQĐT "quên" trả tang vật
Ông Cách cho rằng vụ án còn nhiều vi phạm nghiêm trọng của CQĐT và ông đã gửi đơn kêu oan, tố cáo đến Cơ quan điều tra của VKS Tối cao về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Theo ông Cách, sau khi khám xét, thu giữ 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng, 54 điện thoại di động, CQĐT Công an quận Thủ Đức "quên" trả lại cho ông. Việc thu giữ số tài sản này là do ông Cách không chứng minh được nguồn gốc, chứng từ.
Hồ sơ vụ án cho thấy, kết luận điều tra lần thứ nhất ngày 09/06/2016, CQĐT không nhắc gì đến số tài sản thu giữ của ông Cách. Sau khi VKS trả hồ sơ, CQĐT mới ra thông báo tìm chủ sở hữu. Nhưng đến kết luận điều tra bổ sung lần thứ 2, thứ 3 và cáo trạng lần thứ nhất của VKS quận Thủ Đức ngày 31/10/2016, cả hai cơ quan cũng không nhắc đến số tài sản này.
Mãi đến khi phiên tòa vào tháng 12/2016, khi luật sư của ông Cách nhắc đến số tài sản này, tòa mới trả hồ sơ và sau đó, tháng 04/2017, CQĐT mới gọi ông Cách lên trả lại.
Ông Cách tố cáo: "CQĐT mời tôi lên nói rằng do hồ sơ thu giữ bỏ trong hộp tủ nên quên không đưa vào vụ án. Họ bảo tôi lên nhận hồ sơ, không tố cáo, không khiếu nại thì sẽ đình chỉ tội danh của tôi nhưng tôi cương quyết không nhận. Họ dụ tôi nhận lại số tài sản đó nhiều lần. Những lần trao đổi này, tôi đều ghi âm lại".
Những bản ghi âm này, phía tòa án cũng đã yêu cầu ông Cách giao nộp để xem xét, thẩm định. Ông Cách đã nộp 1 thẻ nhớ lưu 8 đoạn ghi âm mà ông cho rằng CQĐT "dụ" ông nhận lại số tài sản đã thu giữ cho tòa án.
Theo đúng luật, CQĐT phải trả lại cho ông Cách những tài sản không liên quan đến vụ án trước khi có kết luận điều tra. Những việc như thông báo tìm chủ sở hữu, tìm bị hại phải có trước khi ra kết luận điều tra.
Luật sư Nguyễn Duy Bình, bào chữa cho ông Cách nói: "Vụ án có dấu hiệu bị xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc ông Cách tố cáo bị chiếm đoạt 54 điện thoại, 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng nhưng chưa có cơ quan nào giải quyết. Việc kết luận điều tra, cáo trạng ghi giá trị điện thoại này 2.070.000 đồng là thiếu căn cứ. Theo tìm hiểu dòng máy Mobiistar Touch Lai 512, loại máy mới không còn bán trên thị trường.
Cần triệu tập người bị mất điện thoại Mobirar là Lê Văn Thanh để làm rõ ông này có bị mất hay không, mất lúc nào, điện thoại hiệu gì, đời nào, hình thức mất vì hồ sơ có dấu hiệu lờ mờ về người này nhưng chưa được làm rõ. Tòa cần triệu tập tất cả các điều tra viên tham gia phiên toà để làm rõ có việc ép cung, dụ cung, giam giữ trái pháp luật và chiếm đoạt tài sản của bị can như bị cáo khiếu tố hay không vì theo yêu cầu của Viện họ phải giải trình, báo cáo nhưng hiện phía CQĐT chưa thực hiện. Cơ quan điều tra cần tổ chức định giá lại vật phạm pháp là điện thoại Sony Z2 vì kết quả định giá là giá điện thoại mới, trong khi đó ông Cách mua là điện thoại cũ".
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc khi có diễn biến mới.
Bùi Yên
Theo baophapluat
Kon Tum: Nghi án vợ treo cổ tự tử vì giận chồng đi nhậu từ chiều tới đêm Chồng đi nhậu với bạn bè, chị V. gọi điện mãi không được. Đến đêm khuya mới thấy chồng về đến nhà nên cả hai xảy ra mâu thuẫn; trong cơn tức giận chị V. đã dùng dây treo cổ tự tử. Ảnh minh họa. Khoảng 16 giờ ngày 13/8, ông Nguyễn Văn M. đi nhậu bên nhà hàng xóm, lúc này vợ...