Vụ cụ bà bị lừa lấy nhà: Yêu cầu tòa tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Công chứng viên cùng những người liên quan thống nhất yêu cầu tòa án tuyên bố các văn bản, hợp đồng công chứng là vô hiệu.
“Người nhận chuyển nhượng nhà, công chứng viên đã thống nhất cùng gia đình cụ Lê Thị Háo yêu cầu tòa tuyên bố các văn bản công chứng liên quan đến ngôi nhà của cụ tại 18 Bạch Đằng, TP Nha Trang, Khánh Hòa là vô hiệu” – luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, người trợ giúp pháp lý cho cụ Háo, cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 22-8.
Ngày 21-8, hai người cháu ruột của cụ Háo đang sinh sống ở nước ngoài đã trở về Việt Nam để thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Hai người cháu này được cụ Háo cùng em ruột là Lê Thị Chỉnh (đã mất năm 2012) lập di chúc chuyển giao toàn bộ tài sản là diện tích đất ở cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng từ năm 2006.
Trước đó, cụ Háo tố cáo bị người giúp việc Trương Thị Tín cùng một số người lừa lấy ngôi nhà của cụ, chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hoàng Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ các văn bản liên quan việc chuyển nhượng đều do Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ – Phạm Tuấn, TP Nha Trang công chứng.
Hai người cháu của cụ Háo vừa trở về Việt Nam để tiến hành các thủ tục đòi lại quyền sở hữu căn nhà. Ảnh: TẤN LỘC
Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM liên tục phản ánh, ông Trung đã giao giấy chứng nhận (GCN) nhà, đất cho LS Hà để lập thủ tục chuyển trả lại quyền sở hữu nhà cho cụ Háo.
. Phóng viên: Việc chuyển trả lại quyền sở hữu ngôi nhà cho cụ Háo sẽ được thực hiện như thế nào, thưa LS?
Video đang HOT
LS Nguyễn Hồng Hà: Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM lên tiếng và được LS phân tích hợp đồng chuyển nhượng là vô hiệu, ông Trung đã cam kết tự nguyện chuyển trả quyền sở hữu ngôi nhà cho cụ Háo. Nhưng theo quy định của pháp luật, do các văn bản, hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà sang tên ông Trung đều đã được công chứng nên hai bên không thể tự thỏa thuận hay đến VPCC hủy bỏ những văn bản này.
Với tư cách người trợ giúp pháp lý cho cụ Háo, tôi đã trao đổi với ông Trung và công chứng viên Hoàng Thị Huệ của VPCC Hoàng Huệ – Phạm Tuấn để giải quyết vụ việc. Cả người mua nhà và công chứng viên đều thống nhất sẽ cùng cụ Háo và hai cháu yêu cầu tòa án tuyên bố các văn bản, hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến ngôi nhà trên là vô hiệu. Sau khi các bên thống nhất gửi đơn đến tòa án thì đây được xem là vụ việc dân sự, không có bị đơn. Sau khi tổ chức phiên họp để giải quyết, tòa án sẽ ra văn bản tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản công chứng liên quan đến chuyển nhượng. Đây là cơ sở để UBND TP Nha Trang thu hồi GCN đứng tên ông Trung, trả lại quyền sở hữu ngôi nhà cho cụ Háo.
. Vấn đề tiền bạc liên quan đến chuyển nhượng ngôi nhà sẽ được giải quyết như thế nào, thưa LS?
Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện gia đình cụ Háo mua lại ngôi nhà từ ông Trung. Từ trước đến nay, cụ Háo vẫn luôn nhấn mạnh không hề bán nhà hay nhận tiền của ai. Khi tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì cũng sẽ giải quyết hậu quả của nó. Ông Trung có nghĩa vụ phải chứng minh với tòa việc giao nhận tiền bạc liên quan tới ngôi nhà. Khi có tranh chấp về tiền bạc, ông Trung sẽ đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết.
. Việc các bên tự thỏa thuận chuyển trả quyền sở hữu nhà cho cụ Háo có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết đơn tố cáo của cụ Háo là bị lừa lấy nhà không?
Tôi cho rằng thỏa thuận này không ảnh hưởng gì tới công tác điều tra của cơ quan công an. Sau này, nếu kết quả điều tra chứng minh có hành vi câu kết hoặc gian dối chiếm đoạt của những người liên quan, cơ quan chức năng sẽ xử lý.
. Xin cám ơn LS.
TẤN LỘC
Theo PLO
Người mua sẽ trả nhà cho cụ bà 81 tuổi
Luật sư trợ giúp pháp lý cho cụ Háo cho biết người đang đứng tên căn nhà cam kết trả lại giấy tờ và làm thủ tục sang tên căn nhà cho gia đình cụ Háo.
Sau khi tiếp nhận giấy tờ tùy thân của cụ Háo từ ông Nguyễn Hoàng Trung, luật sư Nguyễn Hồng Hà (phải) trao lại cho người thân của cụ. Ảnh: TẤN LỘC
Chiều 19-8, ông Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Khánh Hòa) có cuộc làm việc với luật sư và đại diện người thân của cụ Lê Thị Háo (81 tuổi, 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Cuộc gặp nhằm giải quyết việc cụ bà tố cáo bị lừa lấy căn nhà tại địa chỉ trên mà chúng tôi đã có nhiều bài phản ánh.
Sẽ trả giấy tờ và sang lại tên cho cụ Háo
Trao đổi với PV sau buổi làm việc, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, người trợ giúp pháp lý cho cụ Háo, cho biết ông Trung nói sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, ông quyết định xuất hiện, làm việc với luật sư và người thân của cụ Háo để cùng trao đổi về vụ việc báo nêu.
Ngay tại buổi làm việc, ông Trung đã trả lại toàn bộ giấy tờ tùy thân của cụ Háo mà ông giữ từ khi ông trực tiếp đi làm giấy tờ ngôi nhà trên như sổ hộ khẩu, giấy CMND.
"Tại cuộc làm việc, tôi phân tích toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng, giao dịch dân sự liên quan đến ngôi nhà 18 Bạch Đằng đã được công chứng là vô hiệu. Bởi vì từ năm 2006 hai chị em cụ Háo đã cùng lập di chúc chuyển giao toàn bộ tài sản cho hai người cháu ở nước ngoài" - luật sư Hà kể.
Theo luật sư Hà, sau khi nghe phân tích, ông Trung cam kết sẽ không lấy ngôi nhà này nên bà cụ hãy yên tâm. Ngoài ra, ông Trung cũng cam kết ngày 20-8 sẽ giao bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN) của ngôi nhà 18 Bạch Đằng đang đứng tên ông cho luật sư giữ để thể hiện ý chí tự nguyện thỏa thuận. Sau đó các bên sẽ lập thủ tục chuyển tên trở lại cho gia đình cụ Háo. "Ông Trung nói việc làm này để gia đình bà cụ yên tâm và không cần các cơ quan chức năng ngăn chặn vì ông đảm bảo không mua bán, tặng cho liên quan đến ngôi nhà. Về vấn đề tiền bạc, hai bên đang tìm hiểu các vấn đề liên quan và sẽ giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên" - luật sư Hà nói.
Bất thường từ vụ sang tên nhà 5 tỉ
Như chúng tôi đã phản ánh, Công an TP Nha Trang đang điều tra cụ Lê Thị Háo tố cáo bị người khác lừa lấy mất ngôi nhà 18 Bạch Đằng (giá trị thực tế hơn 5 tỉ đồng). Theo hồ sơ, ngôi nhà này do cụ Háo cùng người em ruột là Lê Thị Chỉnh đồng đứng tên sở hữu. Năm 2006, hai chị em cụ Háo cùng lập di chúc để lại nhà, đất cho hai người cháu ruột đang sống ở nước ngoài.
Thế nhưng mới đây người thân của cụ Háo phát hiện GCN cùng sổ hộ khẩu, CMND của cụ Háo bị mất. Bà Trương Thị Tín, người giúp việc của cụ Háo, thừa nhận có đem GCN đi thế chấp vay 150 triệu đồng. Tiếp đó, người thân của cụ Háo phát hiện nhiều văn bản liên quan đến việc chuyển dịch quyền sở hữu ngôi nhà trên như "văn bản khai nhận tài sản thừa kế" lập ngày 25-7, trong đó ghi cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh với tài sản là ngôi nhà trên; một GCN mới của ngôi nhà chỉ đứng tên mình cụ Háo do UBND TP Nha Trang cấp ngày 28-7 và đã chuyển tên sang ông Trung một ngày sau đó.
Người thân còn phát hiện một hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất cùng ngôi nhà sang ông Trung. Ngoài ra còn có một bản di chúc cụ Háo để lại ngôi nhà cho người giúp việc được lập ngày 19-7 và đã hủy vào ngày 28-7. Toàn bộ các văn bản trên đều được Văn phòng công chứng Hoàng Huệ - Phạm Tuấn (26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang) công chứng.
Theo Tấn Lộc (Pháp luật TPHCM)
Nhiều vi phạm trong vụ cụ bà bị lừa lấy nhà Cơ quan công an đã triệu tập làm việc đối với một số người liên quan việc cho vay tiền trước khi ngôi nhà bị chuyển nhượng. Ngày 17-8, cụ Lê Thị Háo đã mời luật sư để trợ giúp pháp lý cho cụ trong quá trình tố cáo vụ việc. Ảnh: TẤN LỘC Ngày 17-8, Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Công...