Vụ công ty tiền ảo bị tố lừa 15 nghìn tỷ đồng: Chưa thể khởi tố
Trao đổi với báo Dân Trí, đại diện Công an quận 1 (TPHCM) cho biết: “Hiện chưa có nạn nhân nào trong vụ công ty tiền ảo bị tố lừa đảo đến cơ quan chức năng trình báo. Do vậy chưa thể khởi tố vụ án. Nếu có người trình báo và xác định có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án”.
Không nạn nhân nào trình báo
Trưa ngày 10/4, trao đổi với PV Dân Trí ông Nguyễn Tấn Đạt – Trưởng Công an quận 1 (TPHCM) cho biết mới đã nắm bắt thông tin về sự việc nhưng chưa có ai đến cơ quan chức năng trình báo.
“Ngày 8/4, ngay sau khi người dân tập trung tại địa chỉ công ty M.T trên đường Nguyễn Huệ để phản ứng thì lực lượng chức năng đã có mặt tại địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự. Ngay sau đó, công an quận cũng đã hướng dẫn người dân về công an phường, quận, hoặc địa bàn cư trú để trình báo nhưng không có ai trình báo”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Đạt thông tin thêm: “Nếu có người đến tố cáo sự việc cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh. Nếu xét thấy đủ yếu tố để khởi tố cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án. Nếu đúng như số tiền mà người dân phản ánh là 15 nghìn tỉ đồng thì Công an quận cũng sẽ gửi lên cơ quan cấp cao hơn để xử lý. Tuy vậy, đến hôm nay vẫn chưa có ai đến để gửi đơn phản ánh hay tố cáo. Chúng tôi thông qua các cơ quan báo chí gửi đến những nạn nhân trong sự việc trên hãy nhanh chóng đến cơ quan chức năng để phản ánh. Không có người phản ánh thì chúng tôi không thể mời những người đang bị tố cáo lên làm việc được. Như vậy không đủ cơ sở!”.
“Trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều hình thức tiền ảo, đa cấp. Vì nhà nước chưa chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo hay tổ chức các hoạt động đa cấp nên công an quận cũng đã có nhiều cảnh báo cho người dân. Chúng tôi khuyên người dân khi đầu tư vào các hình thức chưa được cho phép cần hết sức thận trọng”, ông Đạt nhấn mạnh.
Video đang HOT
Dù căng băng rôn phản ánh nhưng chưa nạn nhân nào đến cơ quan chức năng trình báo.
Nhiều hội thảo được iFan tổ chức rầm rộ để kêu gọi khách hàng nhưng không cơ quan nào quản lý.
Cơ quan chức năng nên khởi tố
Về nguyên nhân chưa có người đến cơ quan chức năng trình báo, ông Lê Thanh Tùng – chuyên gia kinh tế, chia sẻ: “Thứ nhất, người dân tham gia vào các hình thức đầu tư tiền ảo đã là vi phạm pháp luật. Thứ 2, khi tham gia vào các hình thức tiền ảo đều không có hợp đồng hay thoả thuận gì cả. Thứ 3, các hình thức chuyển tiền của tiền ảo hầu hết cũng chuyển bằng tiền mặt. Đặc biệt, khi người dân đồng ý bỏ tiền thật ra mua các loại tiền ảo thị họ đã chấp nhận việc đầu tư mạo hiểm. Như vậy, rất khó để người dân dám đến cơ quan chức năng phản ánh và cơ quan chức năng cũng rất khó trong quá trình xử lý sự việc”.
Nhận định về sự việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng cần đề nghị khởi tố vụ án để làm rõ nhiều vấn đề liên quan.
Ông Lễ nói: “Theo Ngân hàng Nhà nước thì các quy định hiện hành không thừa nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Không những vậy mà theo quy định hiện nay còn xử phạt 150 đến 250 triệu đồng đối với những hành vi này. Còn xác định dự án iFan có lừa đảo hay không thì cơ quan điều tra cần xác minh thêm các dấu hiệu khác mà pháp luật qui định như dự án iFan có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác hay không?”
Theo ông Lễ, vụ việc này có dấu hiệu lẫn lộn nhiều hình thức kinh doanh như đa cấp, tiền ảo… Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần bóc tách từng phần, từng giai đoạn của dự án xem giai đoạn nào hợp pháp, giai đoạn nào phạm pháp để xử lý đúng pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác thì cần đề nghị khởi tố vụ án để đảm bảo an ninh trật tự xã hội và bảo vệ người bị hại.
“Với số tiền khủng lên đến 15.000 tỷ đồng liên quan đến 32.000 người thì là rất nghiêm trọng rồi. Bởi đằng sau 32.000 người kia là gia đình họ nên sẽ còn nhiều người hơn nữa. Mặc khác, đã có nhóm người cầu cứu đến cơ quan pháp luật can thiệp thì cơ quan công an cần thiết vào cuộc điều tra”, luật sư Lễ nhấn mạnh thêm.
Theo Xuân Hinh (Dân trí)
Hàng trăm người căng băng rôn tố công ty tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỉ đồng
Nhiều người đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần M.T tại đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) căng băng rôn tố cáo bị lừa đảo khi tham gia vào dự án đầu tư tiền ảo. Theo người dân, công ty tiền ảo M.T đã lôi kéo khoảng 30.000 người tham gia với số tiền lên tới 15 nghìn tỉ đồng. Theo tố cáo của người dân, họ biết đến đồng tiền ảo Ifan và Pincoin qua sự giới thiệu của các thành viên nhóm kinh doanh, gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính.
Theo phản ánh của người dân, Modern Tech gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính quảng cáo một dự án huy động vốn mang tên Ifan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.
Thời gian qua, Modenrn Tech đã tổ chức các sự kiện tại TPHCM và Hà Nội để huy động vốn từ chủ đầu tư. Theo quảng cáo đồng coin Ifan này đang trong quá trình gọi vốn ban đầu, được tạo ra để thanh toán ứng dụng V-FAN (1 ứng dụng cho fan hâm mộ Sao mua nhạc, MV, đặt vé trực tuyến), đang ICO để gọi vốn với gói khởi điểm 1USD/coin. Lộ trình đến tháng 12.2017 đạt giá 12,8 USD tại thời điểm trước khi lên sàn giao dịch vào đầu năm 2018.
Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước).
Ifan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh "đa cấp" theo kiểu kim tự tháp.
Theo đơn tố cáo của người dân thì bằng cách trên, Ifan dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn (con số theo đơn tố cáo của người dân). Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan.
Theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất "khủng" lến đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước.
Mặc dù hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Ifan quy định giá công bố 5 USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên, giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng,
Không chỉ số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). "Họ nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi nữa rồi" - Trọng Nguyễn, sinh viên tại TPHCM dành hết số tiền có được đầu tư vào iFan, cho biết.
Hiện chúng tôi chưa liên hệ được với Cty Modern Tech để có thông tin phản hồi liên quan về những phản ánh của các nhà đầu tư.
Theo Danviet
Phía sau công ty bị tố lừa 15 ngàn tỷ đồng và tiền ảo iFan lãi ảo "khủng" là gì? Ban đầu Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo Ifan, với cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng, có nghệ sĩ đã lên tiếng cảnh báo vì bị lợi dụng hình ảnh. Trước đó, theo tự quảng bá trên một số phương...