VỤ CÔNG AN DÙNG NHỤC HÌNH: Nghi ngờ có dàn xếp, thông…
Các luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Gia đình bị hại đề nghị khởi tố gần hết cán bộ đã tham gia bắt và dẫn giải Ngô Thanh Kiều. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào chiều 15-4
Sau 2 ngày nghỉ, ngày 13-4, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục xét xử sơ thẩm lần 2 vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa với phần tranh luận.
Trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Đây là đề nghị của luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) vì cho rằng còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ; có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, mớm cung, dụ cung. LS Thắng lấy ví dụ như lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên) bị sửa chữa quá nhiều. Giải thích điều này, vị đại diện VKSND nói: “Khi vụ án mới xảy ra, các nhân chứng là công an bị bất ngờ, sợ, không muốn dây vào. Khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào, họ xác định trách nhiệm của mình nên khai lại, xác định lại là chuyện bình thường”. Trong khi đó, nhân chứng Đại trong phần xét hỏi đã thừa nhận khi cơ quan điều tra Công an Phú Yên vào cuộc, ông có suy nghĩ biết càng ít càng tốt, càng nhẹ lòng, giấu được gì thì giấu nên không khai việc thấy bị cáo Thành đánh Kiều.
Các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa ngày 13-4
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng đề nghị HĐXX làm rõ vì sao tất cả các bị cáo tại ngoại và các nhân chứng đều thay đổi lời khai từ khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc. “Phải chăng lời khai của các bị cáo tại ngoại, các nhân chứng được sắp xếp để thống nhất lời khai. Phải chăng họ đã thông cung, khai theo ý đồ của ai đó để che giấu sự thật, né tội, đổ tội cho người khác!” – bị cáo Thành uất ức, nói như muốn khóc tại tòa.
Theo LS Thắng, dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ còn thể hiện trong quá trình giám định pháp y. Về vấn đề này, ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên, thừa nhận có sai sót: “Sai sót là chúng tôi chỉ lập biên bản giao nhận mẫu nội bộ cơ quan chứ không phải biên bản thu mẫu”.
LS Võ An Đôn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ con nạn nhân) cũng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại vụ án vì “nghi ngờ có sự dàn xếp, thí chốt đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành”. Tuy nhiên, người giữ quyền công tố tại tòa, kiểm sát viên Phạm Duy Tân vẫn khẳng định “đủ cơ sở để truy tố tội dùng nhục hình đối với các bị cáo”.
Riêng về vật chứng quan trọng của vụ án là dùi cui các bị cáo dùng để đánh Kiều mà bị cáo Thành cho rằng đã bị thay thế, kiểm sát viên Tân thừa nhận: “Trong quá trình điều tra đã xác định khi cán bộ Công an TP Tuy Hòa sử dụng gậy cao su xong thì treo trên giá ở trong phòng. Do đó, khi thu vật chứng thì không biết cái nào đã gây án nên chọn một cái để thu. “Cái này gọi là thu vật chứng đồng dạng chứ không phải thay thế” – ông Tân giải thích.
Phải xử tội “Giết người”!
Video đang HOT
Trong khi LS Thắng đề nghị cần khởi tố thêm 3 tội danh trong vụ án này là tội “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”, “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” và “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác” thì LS Đôn đề nghị phải xử tội “Giết người” đối với những người đã đánh vào vùng bụng, ngực và đầu nạn nhân Kiều. “Trước khi bị bắt, Kiều không bị khởi tố, không thuộc đối tượng bắt khẩn cấp nên không thuộc khách thể tội dùng nhục hình. Hơn nữa, so với vụ 4 công an xã Kim Nỗ (Hà Nội) đánh chết người thì vụ này tương tự. Vậy tại sao vụ Kim Nỗ xét xử tội giết người còn vụ này lại xử tội dùng nhục hình” – LS Đôn phân tích.
LS Đôn cũng đề nghị khởi tố bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó trưởng công an, phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa) thêm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, khởi tố ông viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa và một số người có liên quan vì có hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Ngoài ra, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, LS Đôn cho rằng chỉ truy tố mỗi ông Hoàn là chưa đủ mà cần phải truy tố trưởng Công an TP Tuy Hòa và giám đốc Công an tỉnh Phú Yên thời điểm đó vì để cấp dưới đánh người dẫn đến hậu quả chết người.
Trong khi đó, trước tòa, bà Ngô Thị Tuyết (chị Kiều) đề nghị khởi tố tội “Bắt giữ người trái pháp luật” đối với hầu hết cán bộ trong ban chuyên án vì dù biết không có lệnh bắt nhưng vẫn tham gia bắt giữ, dẫn giải Kiều, trong đó có nhân chứng Nguyễn Trần Nguyên Phúc (cán bộ Công an TP Tuy Hòa), ông Nguyễn Văn Lai (Công an huyện Tây Hòa), ông Nguyễn Văn Thắng (trưởng Công an xã Hòa Đồng). “Tôi đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn và ông Nguyễn Trần Nguyên Phúc đồng phạm trong tội giết người” – bà Tuyết đề nghị thêm.
Nếu có tội, sẵn sàng chịu án cao nhất
Nói lời sau cùng, trong khi các bị cáo còn lại mong HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt thì bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai nhân chứng và các bị cáo để xét xử công minh. “Bị cáo không đánh Ngô Thanh Kiều. Nếu thấy bị cáo có tội thì xin HĐXX tuyên bị cáo mức án cao nhất để cho những người ở đây xem một bản án như vậy có đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật chưa. Bị cáo giờ đứng trước vành móng ngựa này với những bị cáo khác là nỗi nhục nhã không thể tả hết” – bị cáo Thành nói.
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH
Theo_Người lao động
Công an dùng nhục hình: Bị cáo nói lời sau cùng, xin mức án cao nhất
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) đã đưa ra đề nghị làm bất ngờ nhiều người.
Phiên xử vụ án công an TP.Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình khiến nạn nhân Ngô Thanh Kiều, nghi can trong chuyên án trộm cắp tài sản 312T chấn thương sọ não dẫn đến tử vong tiếp tục được diễn ra vào sáng ngày 13/4.
Luật sư đề nghị điều tra bổ sung
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, Công an TP Tuy Hòa), Luật sư Thắng cũng cho rằng, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ trong quá trình giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên.
Tuổi trẻ đưa tin cho hay, Luật sư Thắng đề nghị khởi tố điều tra tội khai báo gian dối hoặc tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội làm sai lệch hồ sơ và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành không phạm tội, tuyên thả ngay tại tòa.
Ngoài ra, Luật sư Thắng cũng đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ tội "dùng nhục hình" sang tội "cố ý gây thương tích" hoặc tội "gây tổn hại sức khỏe cho người khác".
Tuy nhiên, kiểm sát viên Phạm Duy Tân (Viện KSND tỉnh Phú Yên) giữ quyền công tố tại tòa cho rằng đề nghị của luật sư Thắng là không có căn cứ.
Toàn cảnh phiên xử sáng ngày 13/4. (Ảnh Tuổi trẻ)
Thanh niên dẫn lời đại diện VKS đánh giá chứng cứ buộc tội bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là cả một quá trình từ lời khai của các nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, giám định pháp y... Việc buộc các bị cáo phạm tội nhục hình là có căn cứ, vì các bị cáo không cho nạn nhân Kiều ăn, đánh gây thương tích khắp người và gây chấn thương sọ não, dẫn đến nạn nhân Kiều tử vong.
Riêng về dùi cui cao su tang vật vụ án mà bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành nói đó là vật thay thế thì đại diện VKS khẳng định trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu giữ tang vật đồng dạng chứ không phải thay thế.
Đối với lời đề nghị của Luật sư Thắng về khởi tố điều tra tội làm sai lệch hồ sơ, vị đại diện VKS cho rằng không có chứng cứ.
Theo đại diện VKS, quá trình giám định pháp y của Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Phú Yên là đúng qui trình chuyên môn và kết luận giám định pháp ý của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên là đúng qui định pháp luật, đó là chứng cứ để tòa xém xét buộc tội các bị cáo.
Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên cũng phản bác luận cứ của luật sư Thắng cho rằng bản giám định pháp y đối với Ngô Thanh Kiều là vi phạm pháp luật.
Ông nói rằng tuy trong hồ sơ có hai biên bản lấy mẫu xét nghiệm mô học, một bản có đại diện cơ quan chuyên môn, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên, Viện KSND tỉnh Phú Yên và người nhà nạn nhân.
Một bản do giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên và cán bộ lấy mẫu của trung tâm này ký, nhưng đều có nội dung là lấy 19 mẫu. Ông khẳng định việc lấy mẫu mô là đúng quy định chuyên môn.
Vị đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên không đối đáp với luật sư về ý kiến luật sư cho rằng các lãnh đạo một số cơ quan liên quan của tỉnh Phú Yên có dấu hiệu bao che, chỉ đạo hợp thức hóa hồ sơ.
Tranh luận lại, luật sư Nguyễn Văn Thắng cho rằng sai lầm lớn nhất của Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên là đã hòa khám nghiệm tử thi và giám định pháp y làm một.
Ông cũng cho rằng việc không có kết luận cơ chế hình thành các vết thương trên người Ngô Thanh Kiều, đặc biệt là cơ chế nào hình thành nên vết tụ máu trên bán cầu não phải, là thiếu sót lớn.
Một bị cáo xin xử mức án cao nhất
Kết thúc phần tranh luận phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên cho sáu bị cáo nói lời sau cùng.
Bị cáo Thành nói rằng cảm thấy rất nhục nhã khi đứng trước vành móng ngựa cùng những người đồng đội trước đây, nhưng họ gây án mà không dám thẳng thắn nhận tội. Bị cáo này đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét toàn bộ vụ án để tuyên án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai.
"Bị cáo xin khẳng định một lần nữa là không có đánh anh Ngô Thanh Kiều. Còn nếu HĐXX xét thấy rằng có đủ căn cứ, cơ sở để buộc bị cáo có tội thì xin hãy xử bị cáo ở mức hình phạt cao nhất", Tuổi trẻ dẫn lời bị cáo Thành phát biểu.
Năm bị cáo Lê Đức Hoàn, Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, đều nguyên cán bộ Công an TP Tuy Hòa) đều xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt, mong gia đình nạn nhân tha thứ.
Tòa tuyên bố chuyển sang phần nghị án, chiều 15/4 sẽ tuyên án.
Theo cáo trạng, chiều ngày 12/5/2012, ông Hoàn chỉ đạo cấp dưới đi mời ông Kiều về làm việc (ông Kiều là đối tượng tình nghi trong một nhóm trộm cắp - chuyên án 312T). Khoảng 3h15 ngày 13/5/2012, tổ công tác vào nhà khóa tay ông Kiều, rồi đưa về Công an TP.Tuy Hòa. Tại phòng làm việc của Đội điều tra tổng hợp, ông Kiều bị còng tay vào thành ghế dựa bằng gỗ. Suốt mấy giờ xét hỏi, ông Kiều không khai nhận việc đi ăn trộm nên đã bị Mẫn, Quyền, Huy, Quang cầm dùi cui cao su đánh nhiều lần vào hai bắp đùi, cẳng chân; Thành đánh 2-3 cái vào đầu. Đến chiều 13/5/2012, ông Kiều đã chết trên đường chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên kết luận: Ông Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm, trên cơ địa có viêm phổi. Tại tòa, các bị cáo vẫn "kiên quyết" khai nhận chỉ đánh khoảng 10 dùi cui cao su vào chân ông Kiều. Những vết thương nghiêm trọng trên đầu, mặt, lưng, nội tạng giập nát... trên người ông Kiều vẫn chưa được tòa tìm ra thủ phạm.
Văn Quang (Tổng hợp)
Theo_Người Đưa Tin
Vụ CA dùng nhục hình: "Không biết thuộc cấp đánh người" Tại phiên tòa, ông Lê Đức Hoàn liên tục "báo cáo đồng chí", đến mức chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở ông Hoàn phải xưng "tôi" và "thưa HĐXX". Chiều 8/7, trong phiên tòa phúc thẩm vụ 5 công an dùng nhục hình dẫn đến chết một nghi can xảy ra ở Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, ông Lê Đức...