Vụ ‘cô giáo cho học sinh tát bạn’: Cục trưởng Cục Trẻ em nói gì?
“Cả 2 vụ việc học sinh bị tát cho thấy không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà tâm lý của giáo viên cũng bất thường” – Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.
Liên quan đến sự việc cô giáo cho học sinh tát bạn học khi mắc lỗi xảy ra tại trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ: “Cả 2 vụ học sinh bị tát ở Quảng Bình và Hà Nội xảy ra trong những ngày qua cho thấy một thực trạng, không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà tâm lý của giáo viên cũng bất thường.
Ngay khi sự việc xảy ra ở trường Tiểu học Quang Trung, UBND quận Đống Đa và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã vào cuộc để xác minh sự việc này.
Sự việc ở Quảng Bình vừa diễn ra và vẫn chưa được giải quyết triệt để mà ngay sau đó lại diễn ra sự việc ở Hà Nội, điều này làm nhiều người đặt ra nghi vấn tình trạng bạo hành ở trường học không chỉ dừng lại ở con số 1 hay 2 trường, đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH
Nói về hành vi dùng bạo lực dạy dỗ trẻ của giáo viên, ông Nam cho rằng đây là phương pháp phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Luật Giáo dục, quy chế của các trường học không cho phép thầy cô dùng bạo lực để dạy dỗ học sinh.
Hơn nữa, trước khi trở thành giáo viên, các thầy cô đã được dạy cách xử trí khi trẻ mắc lỗi. Và trong trường sư phạm các thầy cô cũng đã được dạy những điều được làm và không được làm trong công tác giảng dạy. Trường sư phạm không ai dạy giáo viên tát học sinh, đánh học sinh.
Theo ông Nam, để xảy ra tình trạng này có thể do một số nguyên nhân, trong đó lỗi một phần là do công tác tuyển chọn giáo viên chưa đảm bảo chất lượng. Người được chọn lựa làm thầy ngoài chuyên môn nghiệp vụ còn phải có đạo đức, phải được đào tạo chuyên nghiệp.
Một nguyên nhân nữa là do giáo viên không hiểu biết pháp luật. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng là không được xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm trẻ. Luật Hình sự, luật Giáo dục, luật Trẻ em đều cấm các hành vi bạo lực với trẻ, vậy mà họ vẫn làm. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật của thầy cô giáo.
Video đang HOT
Tiếp đó là vấn đề tâm lý giáo viên. Giáo viên là người lớn mà lại nhẫn tâm bạo hành trẻ, điều này cho thấy tâm lý giáo viên bất thường.
Hơn nữa, khi sự việc xảy ra, giáo viên thường đổ lỗi cho học sinh. Quan niệm học sinh hư, ngỗ nghịch nên phải dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ là hoàn toàn sai lầm.
Học sinh cho dù có thế nào thì trách nhiệm dạy dỗ học sinh ở nhà trường là của giáo viên. Trẻ em còn nhỏ, chưa trưởng thành nên cần phải đi học và được giáo dục.
Dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ là thầy cô đã vi phạm pháp luật. Không những vậy, hành vi đó còn thể hiện chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục của người giáo viên chưa tốt.
Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì giáo viên lại dùng đến bạo lực, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như những em học sinh ra tay tát vào mặt bạn.
Ông Hoa Nam cho rằng, trách nhiệm của ngành giáo dục lúc này là cần phải tìm ra nguyên nhân gây ra thực trạng bạo lực trong trường học để có biện pháp giải quyết đúng hướng. Tìm được nguyên nhân để có những biện pháp mang tính phòng ngừa, không để các sự việc bạo hành trẻ diễn ra trong nhà trường.
Để làm được điều đó, cần chú trọng giải quyết các mối quan hệ trong trường học, trong đó không chỉ là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, mà còn có các mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên với phụ huynh học sinh…
Hiện nay có 2 vấn đề mà ngành giáo dục đang lúng túng và cần phải xử lý rốt ráo hơn là vấn đề tâm lý học đường và kỷ luật tích cực trong giáo dục.
Những người làm giáo dục phải hiểu rõ, tâm lý học đường không phải chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý cho học sinh, mà còn phải giải quyết vấn đề tâm lý cho các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh trong các mối quan hệ trong môi trường giáo dục.
Phải có sự kết nối giữa trường học với các dịch vụ ở bên ngoài như chăm sóc sức khỏe tâm thần. Cần phải xác định rõ nhà trường phải làm gì, nhà trường phải kết hợp với các cơ sở bên ngoài làm những điều gì để giảm thiểu tình trạng bạo lực xảy ra trong trường học.
Điều gì ngành giáo dục không làm được một mình thì cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác để chung tay góp phần bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Còn về vấn đề kỷ luật cũng phải cần được hiểu cho đúng. Không có kỷ luật không giáo dục được con người nhưng các biện pháp kỷ luật phải là kỷ luật tích cực, không có bạo hành.
Do đó, phải đưa kỷ luật tích cực vào chương trình đào tạo bắt buộc cho giáo viên. Thầy cô được phép kỷ luật học sinh nhưng phải là những kỷ luật tích cực, không bạo hành.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần phải chú trọng trong việc tuyển chọn đầu vào và đào tạo giáo viên.
Việc đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, đạo đức không chỉ được thực hiện tại trường sư phạm mà còn phải được giám sát chặt chẽ, tập huấn, trau dồi thường xuyên trong hoạt động giảng dạy.
Có như vậy mới giúp xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, không bạo lực. Để trường học đúng nghĩa là môi trường an toàn cho trẻ, là nơi dạy dỗ trẻ, giúo trẻ nhận thức và phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.
Theo giadinhmoi
Vụ học sinh bị phạt tát 50 cái: Bất ngờ với báo cáo của Quận Đống Đa
Hôm nay, ngày 6/12, Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về "vụ việc giáo viên trường Tiểu học Quang Trung để học sinh tát bạn."
Báo cáo của Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa
Điều bất ngờ là theo báo cáo này, diễn biến vụ việc có điểm khác so với thông tin từ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung và khác với phản ánh của phụ huynh.
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Quận Đống Đa, chiều ngày 5/12, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội của Quận làm việc trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường và cô giáo Nguyễn Hà Trang, chủ nhiệm lớp 2A5.
Báo cáo nêu rõ: "Xác minh có sự việc nêu trên, diễn biến như sau:
Giờ Hướng dẫn tự học vào buổi chiều ngày 3/12, tại lớp 2A5, cô giáo Nguyễn Hà Trang đang hướng dẫn cho học sinh làm bài, học sinh Minh Đ. ở phía dưới lớp thưa với cô là bạn P. có trêu con. Trong lúc đang nghe học sinh phát biểu, cô Trang có nói dọa học sinh "Tát cho bạn cái" rồi quay ra hướng dẫn cho các em học sinh khác. Học sinh Minh Đ. có quay xuống bàn và tát bạn Phong. Khi phát hiện học sinh P. bị bạn tát, cô Trang đã xuống và cho dừng ngay sự việc. Sau đó mọi hoạt động học tập của lớp vẫn diễn ra bình thường.
Tối cùng ngày, cô Trang đã liên hệ với gia đình để thông báo và trao đổi vụ việc nhưng không liên lạc được với phụ huynh học sinh.
Vào chiều ngày 4/12, ban giám hiệu nhà trường và cô giáo Nguyễn Hà Trang đã đến nhà học sinh P. gặp gỡ gia đình để thăm hỏi tình hình học sinh và xin lỗi gia đình học sinh về sự việc đáng tiếc trên. Tại thời điểm hiện tại, học sinh P. đi học bình thường."
Như vậy, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Quận Đống Đa, sự việc diễn ra khác so với thông tin được bà Lê Anh Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, cung cấp trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay.
Bà Vân cho biết: "Sự việc xảy ra vào giờ hướng dẫn tự học, các cháu được cô giáo hướng dẫn làm bài tập của các bộ môn để không phải làm bài về nhà. Các cháu tranh giành nhau hộp bút và có tát nhau. Sau đó cô giáo xuống và yêu cầu học sinh dừng lại (...). Sau khi xác minh chúng tôi thấy đây là sự việc đáng tiếc xảy ra trong giờ học khi học sinh tát nhau trong giờ dạy của cô giáo."
Trong khi đó, cũng trong buổi trao đổi thông tin với báo chí sáng nay, chị Ngô Thanh Tâm, phụ huynh học sinh P. cho biết: "Tôi có hỏi con và có nhờ một số phụ huynh hỏi con họ để xác minh. Con nói cô giáo đang hỏi một bạn nào đó trong lớp là ai ném hộp bút. Con tôi ngồi sau bạn Minh Đức thì bạn Đức có quay sang đố con phép tính 1 cộng 1 bằng mấy, con có đáp và cười to, sau đó cô đã có hành động như vậy."
Như vậy, cùng một sự việc nhưng có đến ba cách diễn biến khác nhau được đưa ra.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Theo vietnamplus
Cô giáo cho học sinh tát bạn: Đến lúc phải kiểm soát quyền lực ở trường học Chúng ta hay nói đến kiểm soát quyền lực ở cơ quan, ban ngành nhưng lại "bỏ quên" một nơi mà ít ai nghĩ lạm quyền dễ xảy ra, nhưng lại đang diễn ra là trong lớp học, trường học. Sự việc cô giáo cho bạn cùng lớp tát học sinh 231 cái tại Quảng Bình đang còn đang gây bức xúc trong...