Vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc: Đủ căn cứ xử lý hình sự
Những thông tin mà VOV phản ánh trong vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc là đủ để xử lý các đối tượng có liên quan về tội buôn bán người.
Vừa qua, VOV.VN đã đăng loạt bài phản ánh vụ buôn bán người ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Loạt bài đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến người dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng ở địa phương cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ dấu hiệu phạm tội của nhóm đối tượng.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, địa phương đã từng xảy ra nhiều vụ buôn bán người ra nước ngoài về vụ việc này.
Phóng viên: Với những thông tin VOV đã phản ánh, luật sư đánh giá như thế nào về dấu hiệu phạm tội của vụ việc mua bán người ra nước ngoài tại địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Với những thông tin mà VOV đã cung cấp và phản ánh thì những hành vi của các đối tượng liên quan có thể nói là có đủ căn cứ, có dấu hiệu của tội mua bán người. Bởi để xử lý một hành vi phạm tội, xử lý hình sự dựa trên một yếu tố quan trọng nhất đó là về mặt chứng cứ.
Ở đây có đủ các yếu tố quan trọng như là lời khai nhận tội của nghi can; thứ hai là có tố cáo và có cung cấp về chứng cứ của người bị hại và đặc biệt là cơ quan điều tra cũng đã thu thập được những chứng cứ tài liệu.
Như vậy, có thể khẳng định, có đủ căn cứ để xử lý các đối tượng liên quan về tội mua bán người theo quy định tại điều 119 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 và điều 120 năm 2015. Tuy nhiên, thời điểm phạm tội thì đã xảy ra cách đây hơn 10 năm và có thể xử lý các đối tượng liên quan về hành vi này theo Bộ Luật Hình sự năm 2009 về tội mua bán người.
Bà Lai B- một trong 2 đối tượng lừa bán Chẻo Mý Hin.
Phóng viên: Đây là vụ việc diễn ra nhiều năm và có yếu tố nước ngoài. Điều này gây khó khăn gì cho cơ quan chức năng điều tra, làm rõ?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Việc phát hiện xử lý đối với một hành vi phạm tội nó xảy ra trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Đối với vụ việc diễn ra ở nước ngoài, quá trình điều tra nhiều năm cũng là một khó khăn cản trở rất lớn cho cơ quan điều tra. Đặc biệt là việc thu thập, xác minh đối tượng, hành vi ở nước ngoài.
Video đang HOT
Khó khăn thứ nhất là việc tiếp cận các đối tượng. Thứ 2 là thu thập tài liệu chứng cứ. Thứ 3 là mở rộng điều tra để xử lý đúng người, đúng tội đối với các đối tượng liên quan. Vụ việc này xảy ra đã nhiều năm và diễn ra ở nước ngoài cho nên việc điều tra của cơ quan điều tra có thẩm quyền chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến đến yếu tố nước ngoài. Trước mắt nếu đủ căn cứ thì có thể bắt đối tượng bị tố cáo để xử lý, còn đối tượng còn lại ta có thể tách vụ án khác.
Phóng viên: Với những người bị hại thì cần tiếp tục làm gì để giúp các cơ quan chức năng, đưa vụ việc ra pháp luật?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Vụ việc đã kéo dài hơn 10 năm với sự quan tâm của dư luận, của các cơ quan, nhưng vẫn chưa thể khởi tố đúng đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Sự chậm trễ này một phần nào đó có phần chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương.
Để vụ việc được xử lý, để bảo vệ quyền lợi của mình, những người bị hại cần cung cấp tài liệu, chứng cứ tiếp theo; Hợp tác với cơ quan điều tra tại địa phương và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng tích cực điều tra, thu thập củng cố chứng cứ và nhanh chóng ra các quyết định tố tụng như là khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu để chậm trễ thêm nhiều năm sẽ thêm nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.
Tẩn A Thiên, con trai bà Lai B.
Phóng viên: Công tác hoàn thiện pháp luật và những chế tài hiện nay đã đủ mạnh để răn đe, hạn chế những vụ buôn bán người hay chưa?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Trên thực tế thì việc xử lý đối với tội mua bán người và các tội phạm liên quan đưa người ra nước ngoài cũng đã được quy định trong Bộ luật hình sự cũng rất đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình điều tra xử lý, xét xử nói về mặt nào đó cũng chưa thực sự quyết liệt.
Có nhiều vụ án như là vụ án chúng ta đang đề cập ở đây, nó diễn ra chậm và làm như vậy thì không có hình thức răn đe, giáo dục, phòng ngừa và trừng trị đối với hành vi phạm tội.
Theo tôi thì trong các lần sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự tiếp theo hoặc trong các văn bản cần phải điều chỉnh về mặt thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong Bộ luật hình sự để làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý thật nghiêm, thật khách quan, thật nhanh chóng và kịp thời nghiêm khắc đối với tội mua bán người và các tội liên quan.
Phóng viên: Qua vụ việc này, cần nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con như thế nào để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Theo quan điểm của tôi vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Tăng cường tuyên truyền bằng những biện pháp cụ thể hơn.
Phía người dân cần nâng cao cảnh giác, phân biệt cái thiện cái ác, cái tốt cái xấu. Khi nghi ngờ hành vi mua bán đưa mình ra nước ngoài thì có thể báo cho người thân và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý và ngăn chặn.
Một điều khác cũng rất quan trọng chính là cần phải có một thái độ dứt khoát từ phía người bị hại, khi xảy ra vụ việc cần tìm cách tố cáo thật quyết liệt để giúp các cơ quan có thẩm quyền để mà xử lý.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./
Theo PV/VOV-Tây Bắc
Vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc : Vì sao vẫn chưa sáng tỏ?
11 năm đã trôi qua, dù có cả đơn tố cáo của nạn nhân và gia đình cùng lời thú nhận của kẻ bị tố cáo, đến nay vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Ngay từ năm 2008, khi biết con mình là em Chẻo Mý Hin, sinh năm 1993, ở bản Phăng Xô Lin 1, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bị chính gia đình người bác ruột lừa bán sang bên kia biên giới, gia đình nạn nhân đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Bà Lai B- một trong 2 đối tượng lừa bán Chẻo Mý Hin.
Nhưng không hiểu sao vụ việc vẫn chưa đươc các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, người bác ruột và những đối tượng lừa bán nạn nhân vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thấm thía nỗi đau, sự mất mát của gia đình, căm phẫn người bác ruột tàn nhẫn bán cháu, Chẻo Mý Hin quyết tâm về quê hương cùng gia đình một số nạn nhân khác lên tiếng, làm đơn tố cáo nhóm buôn người.
Ngay khi Bà Lai B cùng nhóm đối tượng thừa nhận việc lừa đưa Hin sang Trung Quốc năm 2008, bà Tẩn Mý Nái mẹ em Hin đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng nhưng sự việc không được giải quyết: "Gia đình đã làm đơn đến nhiều nơi hơn. Chúng tôi không nhớ nổi đã gửi bao nhiều đơn trình báo, đơn kiện, đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng nhưng đều không có hồi đáp.
Mãi đến ngày 15/08/2008 gia đình tôi mới nhận được câu trả lời của cơ quan công an huyện Sìn Hồ là: Vụ việc trên xảy ra trên địa bàn rộng liên huyện, liên tỉnh vượt quá thẩm quyền của cơ quan Công an huyện Sìn Hồ nên Cơ quan Công an huyện Sìn Hồ đã chuyển giao toàn bộ hồ Sơ đơn đề nghị của tôi tới phòng CSĐTTP-TNXH Công an tỉnh thụ lý điều tra theo thẩm quền. Sau đó chúng tôi làm đơn lên cấp cao hơn nhưng nhiều năm cũng không được giải quyết".
Lý giải về nguyên nhân vụ việc chưa được giải quyết, Đại uý Đào Công Hùng, Phó Trưởng công an huyện Sìn Hồ cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn Cơ quan điều tra, Công an huyện Sìn Hồ đã tiến hành điều tra ban đầu, có trao đổi phối hợp với phòng chuyên môn cấp tỉnh, nhưng chưa xử lý được một đối tượng nào trước pháp luật về tội mua bán người, cũng chỉ dừng lại quá trình điều tra xác minh giải quyết vụ việc.
Khó khăn trong quá trình điều tra các vụ mua bán người, thứ nhất là trong quá trình điều tra gia đình bị hại và đối tượng tự thoả thuận và sau đấy bị hại không trình báo hợp tác. Thứ hai là: Tài liệu chứng cứ chủ yếu là tài liệu 1-1 giữa lời khai báo của đối tượng và bị hại. Và phần điều tra xác minh tiếp theo ở phía Trung Quốc là Cơ quan điều tra Công an huyện cũng như Công an tỉnh khó tiếp cận để điều tra xác minh làm rõ tài liệu chứng cứ.
"Vụ việc này, cơ quan điều tra Công an huyện Sìn Hồ đã tiếp nhận đơn thư phản ánh từ năm 2008. Sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh cơ quan điều tra cũng đã tiến hành lập hồ sơ xác minh vụ việc. Từ năm 2008 nạn nhân đã sinh sống bên Trung Quốc nên gián đoạn quá trình điều tra xác minh.
Đến năm 2019 nạn nhân đã quay trở về Việt Nam đã gửi đơn trình báo, gia đình nạn nhân đã tiếp tục gửi đơn trình báo lên cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra Công an huyện đã tiếp nhận được và đã tiến hành lập hồ sơ điều tra xác minh vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật, đến thời điểm hiện tại chúng tôi đang thu thập chứng cứ để xem xét xử lý đối tượng trước pháp luật".
Cho đến nay, ngoài nạn nhân Chẻo Mý Hin, đã có thêm nạn nhân Chẻo Xoang Mẩy và gia đình nạn nhân Tẩn Mý Hoán lên tiếng tố cáo bà Lai B, cùng nhóm chuyên lừa bán phụ nữ sang bên kia biên giới.
Phóng viên VOV cũng đã tiếp cận các nhân chứng chứng kiến vụ việc là bà Chẻo Mý Diển, người dân ở bản Săng Tăng Ngai và bà Chẻo Mý Dao ở bản Phăng Xô Lin 1, xã Phăng Xô Lin khi đó là Bí thư Chi bộ bản: "Hôm đó vợ chồng tôi có đến nhà chị Tẩn Mý Nái đổi thóc giống thì gặp vợ chồng ông Tẩn Lềnh Sỉ là thông gia của bà Lai B đến đó bàn bạc thương lượng.
Ông Lềnh Sỉ bảo chị Nái rút đơn kiện, rút đơn rồi sau sẽ bồi thường cho một ít tiền. Chị Nái trả lời: Con gái tôi về tôi chưa về thì tôi không rút đơn, phải đưa con gái tôi về rồi mới bàn bạc sau. Chúng tôi nghe rõ như thế. Vào bản thì nghe người dân ở đâu cũng nói là Bà Lai B cùng các con bà ấy đã lừa đưa Mý Hin bán ở Trung Quốc".
Tẩn A Thiên, con trai bà Lai B.
Ngay cả các đối tượng bị tố cáo lừa bán nạn nhân là bà Lai B và con trai Tẩn A Thiên cũng đã thừa nhận sai phạm. "Tôi nhận sai là đã bảo con trai là Tẩn A Thiên đưa Mý Hin đi. Sau khi Mý Hin đi rồi thì bố mẹ Mý Hin có đến nhà và bảo tôi sau ba ngày tôi phải đưa Mý Hin về. Lúc đấy tôi không trả lời và đã chạy đi trốn sang xã Huổi Luông vì sợ vợ chồng Mý Nái đánh", bà Lai B nói.
"Hôm đó là vào khoảng 23h đêm 01/02/2008 khi tôi đi chơi về thì mẹ tôi có bảo tôi đưa Hin sang Lai Châu. Khi đến đó thì tôi đã thả Hin giữa chợ gần bến xe cũ Lai châu, rồi sau đó tôi quay về Sìn Hồ khoảng chừng 3h sáng hôm sau", A Thiên nói thêm.
Thậm chí, đến thời điểm này, con gái bà Lai B là Tẩn Pà Mấy khi biết gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng vẫn gọi điện từ Trung Quốc về đe doạ.
Lời tố cáo của các nạn nhân và gia đình, nhân chứng và thậm chí cả sự thú nhận của những kẻ bị tố cáo lừa bán nạn nhân, những chứng cứ đó liệu đã đủ để giải quyết vụ việc? Câu hỏi này xin giành cho các cơ quan chức năng ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Người dân nói chung, các nạn nhân và gia đình của họ hơn lức nào hết chỉ mong pháp luật được thực thi công bằng để những kẻ có tội phải trả giá cho việc làm của họ. Ở một huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em có chiều hướng phức tạp như Sìn Hồ thì càng phải làm nghiêm để giáo dục, răn đe.
"Tôi may mắn có cơ hội trở về và làm đơn tố cáo tội ác của nhóm lừa bán người. Kính mong các cơ quan liên quan sớm giải quyết, đem lại công bằng cho tôi, trừng trị thích đáng những người đó để bản làng tôi không còn ai phải đau khổ như gia đình tôi nữa", em Hin nói.
"Chúng tôi là dân nghèo, không biết chữ, không biết bấu víu vào đâu. Nay con tôi đã may mắn trở về. Chúng tôi khẩn thiết xin các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết để chúng tôi được an lòng", mẹ em Hin nói thêm./.
Theo PVVOV-Tây Bắc
Bắt 2 đối tượng bán 3 phụ nữ sang Trung Quốc Công an tỉnh Phú Thọ vừa thông tin đã bắt được 2 đối tượng là Trương Thị Hiền và Phan Văn Lượng (đều trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi buôn bán người. Đối tượng Phan Văn Lượng tại cơ quan điều tra. Theo Công an tỉnh Phú Thọ, ngày 26/5/2019, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh...