Vụ ‘Chuyến bay giải cứu’: Liên minh lợi ích để trục lợi từ cấp phép chuyến bay
Sáng 21/7, trong phần đối đáp tại phiên tòa xét xử vụ “ Chuyến bay giải cứu”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, các bị cáo nhận hối lộ đều trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay.
Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử, sáng 11/7/2023. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Việc thực hiện chức trách của họ đóng vai trò đẩy nhanh hoặc làm chậm quy trình này, từ đó tạo điều kiện hoặc gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Hành vi phạm tội của các bị cáo chính là liên minh lợi ích để trục lợi từ cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Hành vi của các bị cáo là mắt xích trong quy trình cấp duyệt
Trong phần bào chữa, các luật sư cho rằng bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) không có chức vụ, quyền hạn, không rõ được làm gì và không được làm gì nên có dấu hiệu của tội lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi.
Về nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Tại Biên bản làm việc ngày 13/3/2022, Văn phòng Bộ Y tế cung cấp thông tin: “Do chức danh giúp việc Thứ trưởng chưa được quy định chính thức nên nhiệm vụ của đồng chí Phạm Trung Kiên chủ yếu là tiếp nhận văn bản thông thường từ bộ phận văn thư để chuyển báo cáo Thứ trưởng và làm các nhiệm vụ khác do lãnh đạo phân công trực tiếp”.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng khi cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Vì vậy, Phạm Trung Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình trình chậm hoặc khi có phê duyệt của lãnh đạo Bộ Y tế nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao cũng ảnh hưởng lớn thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp. Nên trong vụ án này, rất nhiều bị cáo doanh nghiệp rất sợ Kiên vì nếu không gặp gỡ, đưa tiền, Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trình – trả văn bản. Thực tế, Kiên đã gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu của Kiên như lời khai của các doanh nghiệp trình bày rõ tại phiên tòa.
Tương tự, các bị cáo nhận hối lộ tại các cơ quan khác như: Văn phòng Chính phủ, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải… cũng đóng vai trò là một mắt xích trong quy trình duyệt cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Tại phần tranh luận, luật sư và các bị cáo tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho rằng, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, chưa bao giờ gây khó khăn, sách nhiễu cho các doanh nghiệp, luôn đảm bảo công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào với các doanh nghiệp, có trách nhiệm với công tác bảo hộ công dân, đặt lợi ích của công dân lên trên lợi ích của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đã dẫn chứng lời khai của các bị cáo là doanh nghiệp trong vụ án này cho thấy: Mặc dù các cán bộ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao không yêu cầu, đòi hỏi, không thỏa thuận đặt giá với doanh nghiệp nhưng việc gây khó khăn như trên đã khiến đại diện các doanh nghiệp phải tìm các mối quan hệ để nhờ tác động và đưa tiền, doanh nghiệp mới được cấp phép chuyến bay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi đưa hối lộ của các bị cáo tại phiên tòa này.
Cơ chế xin – cho xuyên suốt vụ án
Video đang HOT
Trong phần tranh luận, một số Luật sư và bị cáo cho rằng: Hành vi đưa – nhận tiền của các bị cáo không có sự hứa hẹn, thỏa thuận, đòi hỏi mà đưa – nhận tiền là tự nguyện “Cảm ơn”; hành vi đưa – nhận tiền là “Vô ý” như các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng)…
Về ý kiến trên, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Trong vụ án này, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn (được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ là đại diện các doanh nghiệp để làm một việc là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19 theo yêu cầu của người đưa tiền.
Mặt khác, hành vi đưa – nhận tiền của các bị cáo được diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2022. Đây là giai đoạn Chính phủ có văn bản tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay thương mại do dịch COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép các chuyến bay để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trước đó, phần lớn các bị cáo đưa – nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc, làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau, không thể có những món quà “Cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỷ” nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền. Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “Ngầm định”, mặc định, được xác định là “Cơ chế” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Thêm vào đó, các bị cáo đưa – nhận hối lộ đều là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa – nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình, họ đã thực hiện hành vi phạm tội là “cố ý” chứ không phải “vô ý”.
Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn” của doanh nghiệp. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mong muốn được về nước.
Công tố viên nhấn mạnh, trong khi Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, tìm mọi cách để đưa công dân về nước tránh dịch với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, các bị cáo lại có hành động trục lợi chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin – cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Do vậy, việc Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” như cáo trạng đã kết luận là có căn cứ, đúng pháp luật.
Vụ chuyến bay giải cứu: 'Trung bình mỗi chuyến 10 hũ tro cốt, các anh bảo chưa cấp thiết'
Bị cáo Trần Thị Mai Xa nói "rất giận Cục Lãnh sự" và rất ấm ức vì bị gây khó dễ khi cấp phép chuyến bay dẫn đến bị cáo phải đưa tiền hối lộ để được cấp phép.
Chiều 20-7, ngày thứ 8 xét xử vụ "chuyến bay giải cứu", bị cáo Trần Thị Mai Xa, Công ty Masterlife nói rằng hoàn toàn đồng ý với lời bào chữa của luật sư và xin được "bổ sung thêm một ý để nhẹ lòng hơn khi đứng ở đây".
Bị cáo Trần Thị Mai Xa tại phiên tòa
Bị ép buộc đưa hối lộ?
Bị cáo Trần Thị Mai Xa bị xét xử với cáo buộc 19 lần đưa hối lộ hơn 8 tỉ đồng cho 8 cá nhân có thẩm quyền để được cấp phép 18 chuyến bay. Bị cáo bị đề nghị mức án 4-5 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Xa, luật sư Hà Văn San nói rằng bị cáo Xa ở trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải đưa hối lộ. Khi tổ chức chuyến bay, doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện như thuê và đặt cọc máy bay, khách sạn... từ trước khi được cấp phép.
Khi chuyến bay không được phê duyệt, bị cáo Xa đã phải bồi thường thiệt hại 1,5 tỉ đồng và phải bán căn nhà. Đến chuyến bay sau, khi sát ngày bay mà chưa được cấp phép, bị cáo Xa cũng như nhiều bị cáo nhóm DN đã phải chi tiền. Những chuyến bay sau đó, việc đưa tiền trở thành thông lệ.
Luật sư cho rằng Trần Thị Mai Xa sau khi gửi nhiều văn bản nhưng không được cấp phép nên đã mất hàng tỉ đồng tiền đặt cọc. Do đó bị cáo đã phải tìm đến Cục lãnh sự, Cục xuất nhập cảnh và phải tự ép mình thực hiện một cơ chế mà bản thân không mong muốn, đó là đưa hối lộ.
Các bị cáo nhận hối lộ đã lợi dụng dịch bệnh để ép doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép các chuyến bay. Nhóm bị cáo khối DN phải đưa hối lộ là tình huống bị ép buộc, không thể khác hơn.
Với quan điểm bào chữa như trên, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo San hưởng tình tiết phạm tội trong trường hợp bị ép buộc, không tự nguyện. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ khác.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa: "Rất giận Cục Lãnh sự"
Trần tình trước HĐXX, bị cáo Mai Xa nói rằng đến tháng 6-2021, sát ngày bay dự kiến nhưng vẫn không được chấp thuận bay, bị cáo rất sốt ruột.
"Bị cáo rất lo lắng. Sau chuyến bay đầu tiên không thể tổ chức và bị cáo phải bán nhà, bị cáo rất run như chim sợ cành cong vì không còn nhà để bán nữa"- bị cáo Xa nghẹn ngào nói.
Bị cáo Xa khai lúc ấy đã gọi lên Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự thì được bảo có một chút vướng mắc bên Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an và bảo bị cáo sang bên đó xem thế nào.
Khi bị cáo Xa liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh thì được bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục XNC) nói rằng "sếp không biết công ty của em là ai cả. Thôi để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì khó lắm".
"Đứng trước sự lựa chọn... vì bị cáo là người phụ thuộc vào cơ quan ban ngành, bị cáo phải tìm mọi cách đi xoay tiền"- bị cáo Xa nói.
Với giọng nghẹn ngào, bị cáo Xa nói rằng "rất giận Cục Lãnh sự", là cơ quan chủ trì mà làm sao để DN rơi vào hoàn cảnh này, đưa tiền một cách vô thức, dẫn đến một loạt hành vi sau này của bị cáo cũng như các bị cáo DN khác.
"Bị cáo không có ý thức về vấn đề đó (đưa hối lộ-PV). Lần sau cứ thế phải đưa, đó cứ như một thông lệ"- bị cáo Xa nói.
Bị cáo Xa nói rằng bản thân cảm thấy rất xót xa. Trên những chuyến bay bị cáo tổ chức, mỗi chuyến khoảng 250 chỗ thì trung bình 10 hũ tro cốt được mang về.
"Bị cáo hỏi anh Cường, anh Tuấn (bị cáo Vũ Sỹ Cường, Vũ Anh Tuấn, cùng là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh -PV) tại sao lại không cấp phép, thì được trả lời "chưa có sự cấp thiết"" - bị cáo Mai Xa nói.
Càng nói, bị cáo Xa càng xúc động và không giữ được bình tĩnh: "Trong lúc dịch bệnh trong nước, thế giới như thế, thế nào là cấp thiết?", "Nếu mỗi chuyến bay như vậy lên tới vài ba chục hũ tro cốt thì có cấp thiết hay không?", "Bị cáo thấy rất ấm ức. Dù các anh nhận lỗi lầm nhưng trong lòng bị cáo vẫn rất trách".
Sau những lời ruột gan bị cáo Xa nói rằng: "Những gì muốn nói đã nói ra hết rồi. Bị cáo khẩn thiết mong nhận được sự đồng cảm của HĐXX với các bị cáo khối DN cũng ở trong hoàn cảnh như bị cáo".
"Mong HĐXX là người đem lại công bằng, đồng cảm với doanh nghiệp", Trần Thị Mai Xa kết thúc phần tự bào chữa.
Luật sư của Nữ Tổng Giám đốc đưa hối lộ 34 tỷ đồng bào chữa gì tại tòa? Tiếp tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", chiều 20/7, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) đề nghị giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo, đồng thời cho bị cáo được ủy quyền cho người nhà thực hiện các giao dịch dân...