Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế che giấu tội?
Sau khi nhận hối lộ 253 lần và thấy cơ quan điều tra khởi tố vụ án “ chuyến bay giải cứu”, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã trả lại tiền cho hàng loạt doanh nghiệp, khi chuyển khoản ghi là “trả nợ”.
Chiều 14.7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”. Đại diện viện kiểm sát thẩm vấn đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, về các khoản tiền hối lộ mà bị cáo này trả lại cho doanh nghiệp.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế. ẢNH TRẦN PHAN
Nhận hối lộ 253 lần, thấy khởi tố vụ án thì trả lại
Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, ông Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, lên tới 253 lần, với tổng số 42,6 tỉ đồng. Sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” khởi tố, ông Kiên trả lại cho đại diện các doanh nghiệp hơn 12 tỉ đồng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên: Từng muốn chết khi biết có thể bị xử chung thân hoặc tử hình
Một trong những người được cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế trả lại tiền là bà Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA.
Khai trước tòa, bà Vy cho hay, ngày 27.1.2022, ông Kiên chuyển khoản cho bà 2,4 tỉ đồng, nội dung chuyển khoản ghi là “trả nợ”. Trước khi trả, ông Kiên không trao đổi gì; nhận được tiền, bà Vy hỏi ông Kiên thì được trả lời rằng “anh trả lại em”.
Giám đốc Công ty ATA xác nhận bản chất đây là tiền trước đó đưa hối lộ cho ông Kiên, chứ thực tế giữa hai bên không vay mượn gì.
Đại diện viện kiểm sát hỏi nếu như vậy, vì sao lại có nội dung “trả nợ”. Bà Vy nói, trước đó giữa bà và ông Kiên có ký với nhau một giấy nhận nợ.
“Vì sao lại có giấy này?”, kiểm sát viên truy vấn. Bà Vy giải thích rằng, khi thấy có diễn biến tố tụng đối với một số bị cáo trong vụ án, ông Kiên đề nghị bà làm giấy nhận nợ, bà đồng ý. Lúc ký xong, bà không nghĩ là ông Kiên sẽ trả lại tiền.
“Bị cáo hiểu như thế nào về giấy nhận nợ, trong khi hai người hoàn toàn không có quan hệ vay mượn, viết giấy này để làm gì, tại sao phải làm như vậy?”, kiểm sát viên hỏi dồn. Bà Vy phân trần, vì ông Kiên là người quen, đã giúp mình rất nhiều, nên khi được đề nghị thì đồng ý làm theo.
Đại diện viện kiểm sát trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. ẢNH TRẦN PHAN
Giám đốc vụ ‘chuyến bay giải cứu’ tố ông Phạm Trung Kiên ép đưa hối lộ
Bị cáo che giấu hành vi phạm tội của mình?
Đại diện viện kiểm sát sau đó hỏi bị cáo Phạm Trung Kiên. Trước khi đặt câu hỏi, kiểm sát viên dẫn chứng sao kê tài khoản ngân hàng của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, cho thấy hầu hết các khoản tiền mà bị cáo trả lại cho doanh nghiệp đều ghi nội dung là “trả nợ”.
“Bị cáo có nợ nần gì những người này không?”, kiểm sát viên thẩm vấn. Không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng ông Kiên thừa nhận các khoản tiền mình nhận từ doanh nghiệp là hành vi nhận hối lộ, như cáo trạng đã quy kết.
Thời điểm trả lại tiền, theo lời cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo có nhiều bệnh tật, bị sang chấn về tâm lý, nên đã ghi nội dung chuyển khoản không phù hợp. “Thực tế bị cáo nhận thức được sai phạm của mình và mong muốn trả lại cho doanh nghiệp, không cố ý làm sai trái điều gì”, ông Kiên thanh minh.
“Bị cáo đã chủ động nhờ bị cáo Tường Vy viết giấy vay nợ, coi nó như một giao dịch dân sự chứ không phải là việc đưa nhận hối lộ, như vậy là che giấu hành vi phạm tội của mình?”, đại diện viện kiểm sát tiếp tục truy vấn. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhắc lại khi ấy bị nhiễm Covid-19 nên chưa nhận thức được việc này và gửi lời xin lỗi tới hội đồng xét xử. “Sau đó, bị cáo nhận thức được hành động của mình nên đã khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả”, ông Kiên khai.
Trước đó, trong quá trình xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên cũng nhiều lần trả lời về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng như thế nào.
Bị cáo cho biết, ngoài hơn 12 tỉ đồng trả lại cho các doanh nghiệp, người này sử dụng khoảng 2 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân, cho một người chú họ hàng vay khoảng 10 tỉ đồng, còn khoảng 20 tỉ để sửa chữa nhà và mang đi mua đất ở Mũi Né (Bình Thuận), các huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội).
Giám đốc vụ ‘chuyến bay giải cứu’ nói 3 lý do chi tiền cho ông Phạm Trung Kiên
Từng muốn chết để thoát khỏi áp lực
Một diễn biến đáng chú ý khác, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên có nhắc đến hồ sơ bệnh án của thân chủ, liên quan đến chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần đa dạng không có triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19.
Trả lời về nội dung này, bị cáo Kiên kể rằng từng bị nhiễm Covid-19 rất nặng, phải vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu, nằm viện một thời gian. Sau khi ra viện, cộng thêm thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra sai phạm trong các chuyến bay đưa công dân về nước, tâm lý bị cáo chịu sức ép rất nặng.
Sau khi xuất viện, ông Kiên cũng thường xuyên phải làm việc với cơ quan điều tra; rồi tự tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, thấy khung hình phạt rất nặng, từ 20 năm, chung thân tới tử hình.
“Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai”, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Cựu thư ký thứ trưởng nhận 42 tỉ 'chuyến bay giải cứu': Mang tiền về cho vợ
Cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nhận hối lộ 42 tỉ vụ chuyến bay giải cứu nhưng "không nói cho ai biết".
"Bị cáo nhận tiền đem về nhà, vợ chỉ biết cầm cất đi chứ không biết tiền gì", cựu thư ký trình bày.
Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế được dẫn giải đến phiên tòa 'chuyến bay giải cứu' - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 13-7, đại diện viện kiểm sát tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) tiếp tục khẳng định nhận hối lộ hơn 42 tỉ và không chia cho ai, không nói cho ai biết.
Viện kiểm sát: "Hành động của bị cáo đáng lên án"
Trả lời xét hỏi, ông Kiên cho biết các doanh nghiệp hối lộ ông có vài trường hợp có quen biết trước, còn lại chủ yếu là khi có phát sinh công việc liên quan đến tổ chức các chuyến bay giải cứu thì doanh nghiệp mới liên hệ để nhờ hỗ trợ, giúp đỡ.
"Các doanh nghiệp nhờ giúp đỡ thế nào?", viện kiểm sát hỏi.
Ông Phạm Trung Kiên không trả lời cụ thể, chỉ nói ngắn gọn các doanh nghiệp nhờ giúp đỡ "như nội dung bản cáo trạng đã thể hiện". Bị cáo nhận tiền của các doanh nghiệp liên quan đến chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu hoặc liên quan đến số khách lẻ.
"Đối với chuyến bay combo, đúng như nội dung cáo trạng truy tố, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng và trình lãnh đạo bộ ký duyệt. Sau khi lãnh đạo bộ xét duyệt xong, bị cáo trả hồ sơ để Văn phòng Bộ Y tế phát hành, hoặc chuyển cho Cục Y tế dự phòng sửa chữa", ông Kiên trình bày.
"Nếu chỉ đơn giản việc nhận từ lãnh đạo bộ cho tới Cục Y tế dự phòng để đưa cho văn thư phát hành, việc gì doanh nghiệp phải đến với bị cáo?", viện kiểm sát truy.
"Có lẽ các doanh nghiệp tin rằng bị cáo giúp được, hỗ trợ được các doanh nghiệp xử lý công việc một cách nhanh hơn nên các doanh nghiệp đến gặp bị cáo", Kiên phân trần.
"Doanh nghiệp phải đến Cục Y tế dự phòng chứ đến bị cáo làm gì?", viện kiểm sát tiếp tục đặt vấn đề. "Cái đấy bị cáo không rõ", ông Kiên cúi mặt, nhỏ giọng khai.
Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH
Trước lời khai trên, viện kiểm sát đánh giá bị cáo chưa thực sự thành khẩn và chưa nhận ra cái sai của mình.
"Tất cả những doanh nghiệp ở đây không có mâu thuẫn gì với bị cáo, thời điểm đó người ta rất muốn có chuyến bay với 2 mục đích, thứ nhất là lợi nhuận, thứ hai là đưa công dân về càng nhanh càng tốt để tránh dịch.
Người Việt Nam mình sang nước ngoài chủ yếu là lao động, chủ yếu là du học sinh thì thu nhập không thể bằng nước sở tại được. Nước sở tại khi dịch bùng ra đương nhiên người ta ưu tiên công dân của người ta, còn công dân của mình thì làm sao có tiền để chi phí theo như mức thu nhập ở nước đó.
Đó là lý do tại sao Nhà nước có những chuyến bay như vậy. Bị cáo làm trong Bộ Y tế mà lại có hành động như vậy thì rất đáng lên án, bị cáo phải suy nghĩ lại về hành động của mình, về nhận thức của mình", đại diện viện kiểm sát nói.
"Mang tiền về cho vợ"
"Số tiền bị cáo nhận được của doanh nghiệp có nói cho ai biết?", viện kiểm sát tiếp tục hỏi.
Giống như những lời khai trước, ông Kiên tiếp tục khẳng định nhận hối lộ hơn 42 tỉ "nhưng không nói cho ai biết".
"Bị cáo nhận được tiền đem về nhà, vợ chỉ biết cầm cất đi chứ không biết tiền gì", ông Kiên phân trần.
Ông Kiên khai các doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản của mẹ vợ mình.
"Toàn bộ số tiền này giao dịch trên tài khoản, bị cáo không rút tiền mặt, tổng số nhận của các doanh nghiệp 42 tỉ đồng. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã trả lại cho một số người 12 tỉ, bị cáo dùng 2 tỉ cho mục đích cá nhân, cho một người chú ở Thái Bình vay 10 tỉ, còn lại mua đất đai và sửa chữa nhà cửa.
Có 2 mảnh đất ở Ba Vì và Hoài Đức bị cáo đã bán để khắc phục hậu quả, còn mảnh đất ở Mũi Né chung tên với người bạn do bị cáo bị bắt nên chưa giao dịch được", ông Kiên khai về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ liên quan chuyến bay giải cứu.
Bị cáo Hoàng Anh Kiếm: Cựu trợ lý phó thủ tướng ra giá 20.000 USD một chuyến bay giải cứu
Trong phiên tòa chiều nay, đại diện viện kiểm sát thẩm vấn bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để làm rõ chênh lệch số tiền mà Kiếm hối lộ ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Theo đó, Kiếm khai đã hối lộ ông Linh 320.000 USD để giúp cấp phép chuyến bay giải cứu, còn ông Linh khai chỉ nhận 180.000 USD.
Ông Kiếm khẳng định đã hối lộ ông Linh 320.000 USD.
"Bị cáo có nhờ anh Linh giúp 2 chuyến thí điểm chuyến bay giải cứu. Anh Linh yêu cầu 10.000 USD một chuyến. Với 16 chuyến tiếp theo, anh Linh yêu cầu 20.000 USD một chuyến. Tổng số 16 chuyến là 320.000 USD nhưng anh Linh chỉ lấy 300.000 USD. Anh Linh yêu cầu như vậy nên bị cáo đưa", ông Kiếm khai.
Xét xử chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội khóc nghẹn, nói 'rất ân hận'
Đang xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" Trong vụ án này, 21 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tham gia tổ chức các "chuyến bay giải cứu". Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối...