Vụ chủ Trung Nguyên ly hôn: Đọc nhầm án phí, phải xử lý thế nào?
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã thừa nhận việc đọc nhầm số tiền án phí. Việc nhầm lẫn này sẽ được xử lý thế nào, liệu có phát sinh hệ quả pháp lý?
Vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên khiến dư luận rất chú ý (ảnh IT).
Liên quan tới vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, trao đổi với một số phóng viên, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân đã thừa nhận đọc nhầm án phí trong khi tuyên án. Ông cho biết, đây là vụ án phức tạp, số liệu rất nhiều, bản án dài, đọc nhiều mờ mắt nên đã dẫn tới sai sót.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp (Viện KSND Tối cao) cho rằng, theo những thông tin báo chí đã nêu, đây là việc đọc nhầm con số trong bản án chứ không phải trường hợp tính toán nhầm dẫn tới con số sai. Việc xử lý sai sót này không quá phức tạp bởi khi kiểm tra lại ngoài bản án do chủ tọa đọc trước tòa còn có thêm căn cứ quan trọng nữa đó là biên bản nghị án của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án và bản án có cùng con số và con số này được tính toán phù hợp với thực tế, trong khi thẩm phán lại đọc con số khác thì có nghĩa là việc đọc sai chứ không phải văn bản sai.
Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân tuyên án (ảnh IT).
Ông Hưng cho rằng, tòa có thể xin lỗi đương sự và những người nghe vì đã đọc nhầm và khi phát hành bản án đến đương sự thì sẽ theo văn bản chuẩn.
Theo ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, việc bản án đã tính đúng án phí nhưng chủ tọa đọc nhầm có thể nói lại cho rõ. Trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì mới phải sửa chữa, bổ sung bản án.
Video đang HOT
Bản án được đọc trước tòa đó là kết quả của tập thể (gồm thẩm phán và và hai hội thẩm nhân dân). Trường hợp đọc sai chỉ là lỗi của chủ tọa chứ không làm thay đổi đến bản án.
Vụ ly hôn chủ cà phê Trung Nguyên giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kết thúc vào chiều muộn ngày 27.3. Khi tuyên án thẩm phán đã đọc án phí lên tới hơn 80 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao. Sau đó trả lời các phóng viên, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân thừa nhận ông đọc nhầm khiến con số án phí tăng gấp 10 lần so với con số thực tế.
Theo Danviet
Vợ chồng 'vua cà phê' ly hôn: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia phần hơn
HĐXX tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phần hơn về cổ phần, vốn góp chung giữa hai vợ chồng. Đồng thời ông Vũ sẽ nhận lại phần tỷ lệ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và hoàn tiền lại cho bà Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm và tạm dừng phiên tòa để xác minh thêm chứng cứ, chiều 27.3, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ "tranh chấp ly hôn" giữa nguyên đơn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có mặt ở phiên tòa chiều 27.3 khá sớm ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo đó, về quan hệ hôn nhân gia đình, HĐXX đánh gía hai bên đều thừa nhận mục đích hôn nhân không đạt được nên chấp nhận vì hai bên đều hoàn toàn tự nguyện.
Về con chung, HĐXX giao 4 con chung cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo nuôi dưỡng theo nguyên vọng các cháu. Đồng thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 cháu, từ năm 2013 đến khi các cháu học xong đại học, theo thỏa thuận các bên tại tòa. "Sau này khi các cháu trưởng thành mà không có khả năng nuôi sống bản thân thì các bên có thể thỏa thuận lại về nội dung cấp dưỡng, nếu có", tòa nêu.
Về phân chia 13 bất động sản chung, theo tòa, do hai bên đã thống nhất về giá trị khoảng 725 tỉ đồng và cách chia, mỗi bên hưởng 50%. Đồng thời, tại phiên tòa, các bên thống nhất ai đang sở hữu và quản lý bất động sản nào thì tiếp tục quản lý và sở hữu tài sản đó, nên HĐXX tuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục sở hữu 7 bất động sản, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản còn lại. Bà Thảo trả phần giá trị chênh lệnh cho ông Vũ.
Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên, HĐXX tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phần chênh lệch cao hơn bà Thảo, là 60% (ông Vũ) - 40% (bà Thảo). Đồng thời ông Vũ sẽ nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn tiền cho bà Thảo để đảm bảo việc tập đoàn Trung Nguyên sẽ kinh doanh, sản xuất ổn định.
Chủ tọa phiên tòa ẢNH: NGỌC DƯƠNG
HĐXX phân tích, theo luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà không thỏa thuận được là chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của vợ/chồng; công sức đóng góp của vợ/chồng trong tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung...
"Xét quá trình hình thành tài sản chung của vợ chồng, dựa vào các chứng cứ do các bên cung cấp và quá trình thẩm tra tại tòa, xác định ông Vũ tạo lập thương hiệu cà phê dựa vào việc bán hai căn nhà của gia đình ông Vũ, người xin cấp phép là ông Vũ; ông Vũ là người quản lý, điều hành trực tiếp của Tập đoàn Trung Nguyên từ thời điểm tạo lập đến nay; quá trình thành lập doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ luôn là người có số vốn đóng góp cao hơn những người còn lại, điều này thể hiện công sức đóng góp, tạo lập tài sản của ông Vũ, vì vậy việc phân chia tỉ lệ ông Vũ cao hơn đối với bà Thảo là phù hợp với các quy định của pháp luật", HĐXX phân tích.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vòng vây của báo chí ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trước đó, trong những phiên tòa trước đây, về Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần, ông Vũ chỉ nắm 49% cổ phần; đối với Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị mỗi người sở hữu 15% cổ phần; Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị mỗi bên sở hữu 7,5% cổ phần. Đối với số cổ phần của vợ chồng tại 4 công ty còn lại: Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, bà Thảo đề nghị để ông Vũ sở hữu toàn bộ.
Không đồng ý, ông Vũ đề nghị chia toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty theo tỷ lệ 70% (ông Vũ được nhận - PV) - 30%, đồng thời nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn tiền cho bà Thảo theo kết quả thẩm định giá ngay sau khi án có hiệu lực thi hành.
Sau khi đối trừ tất cả (kể cả khoản tiền 1.764 tỉ đồng do bà Thảo đã sử dụng), HĐXX tuyên ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán phần chênh lệch cho bà Thảo là hơn 1.233 tỉ đồng. Án phí tài sản bà Thảo phải chịu là khoảng 33,7 tỉ đồng; ông Vũ phải nộp khoảng 48 tỉ đồng.
Chia số tài sản 1.764 tỉ đồng chứ không phải 2.109 tỉ đồng
Đối với tài sản là tiền mặt, vàng, ngoại tệ tương đương hơn 2.109 tỉ đồng, theo yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ năm 2015, cho rằng hơn 2.109 tỉ đồng là tài sản chung nên đề nghị chia theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) - 30% (bà Thảo). Quá trình tạm dừng phiên xử xác minh lại, do có sự hiểm lầm về khoản 10.000 lượng vàng, nhưng đại diện ngân hàng liên quan cho biết số vàng này không phải 10.000 lượng vàng mà 10.000 chỉ vàng. Từ đó, phía ông vũ điều chỉnh số tiền yêu cầu được phân chia từ hơn 2.109 tỉ đồng xuống còn hơn 1.764 tỉ đồng.
Về khoản tài sản này, phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định khoản tài sải này không phải là tài sản chung, nhưng cũng không khẳng định là tài sản riêng vì bà Thảo là người kinh doanh nên có thể là tiền hợp tác đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, bà Thảo không có nghĩa vụ chứng minh nguồn tiền là tài sản chung.
Về tranh chấp hơn 1.764 tỉ đồng này, HĐXX nhận định phía bà Thảo không chứng minh được đây là tài sản riêng nên theo luật định tài sản trong thời kỳ hôn nhân đương nhiên tài sản chung và chia đôi, có tính đến công sức đóng góp. Từ đó HĐXX chia theo tỉ lệ 60% (ông Vũ) - bà Thảo (40%) về khoản tiền này.
Theo TNO
Vụ ly hôn chủ cà phê Trung Nguyên: Án phí 80 tỷ đồng hay 8 tỷ đồng? Vụ ly hôn chủ cà phê Trung Nguyên giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khép lại vào chiều muộn 27.3. Tuy nhiên sau vụ án, phần án phí "khủng" mà các bên đương sự phải nộp lên tới 80 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao. Trưa 28.3, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi...