Vụ Chủ tịch xã ăn chia tiền làm đường: Không khởi tố vụ án
Mặc dù đã xác định hành vi của các lãnh đạo xã cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện không khởi tố vụ án.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Hiệp Đức (Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Thông – Bí thư Đảng ủy xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) bị kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo. Ông Trần Đoàn Minh Hiệp – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm – bị cách chức Đảng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Lâm nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Hiệp cũng đã bị cách chức Chủ tịch UBND xã Bình Lâm nhiệm kỳ 2016-2021.
Báo cáo của Ban Thường vụ xã Bình Lâm về những khuyết điểm của cán bộ xã
Ông Trần Oai Dũng – Phó Chủ tịch xã Bình Lâm cũng bị kỷ luật cách chức Phó Chủ tịch xã nhiệm kỳ 2016-2021. Còn ông Nguyễn Văn Diện – kế toán xã Bình Lâm – bị kỷ luật khai trừ Đảng và buộc thôi việc.
Đó là các hình thức kỷ luật của huyện Hiệp Đức đối với các cá nhân sai phạm trong việc làm đường bê tông nông thôn trong giai đoạn 2014-2015; tuy nhiên sau khi nhận chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức, Công an huyện Hiệp Đức đã vào cuộc điều tra và đã có cuộc họp liên ngành cùng với Viện Kiểm sát nhân dân huyện.
Theo đó, hai cơ quan này thống nhất không khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” đối với các ông Lê Tấn Quân (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã năm 2014), ông Nguyễn Văn Diện và không khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Trần Đoàn Minh Hiệp, ông Trần Oai Dũng.
Kết luận của UBKT Huyện ủy Hiệp Đức về sai phạm của cán bộ xã Bình Lâm
Video đang HOT
Theo tài liệu mà PV có được, sau khi có đơn tố giác và UBKT Huyện ủy Hiệp Đức có quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm, ngày 28/10/2016, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bình Lâm đã có báo cáo tự kiểm điểm. Theo đó, Đảng ủy xã Bình Lâm thừa nhận đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, để xảy ra những biểu hiện tiêu cực.
Cụ thể, trong năm 2014, huyện Hiệp Đức giao cho xã Bình Lâm hơn 1,2 tỉ đồng để thực hiện 9 tuyến đường bê tông thì các ông Lê Tấn Quán (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đương nhiệm năm 2014); ông Trần Oai Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã); ông Nguyễn Văn Diện (kế toán xã Bình Lâm) đã lập hợp đồng khống số tiền hơn 104 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền gần 167 triệu đồng theo quy định phải hoàn công cho người dân thì những cán bộ trên bàn bạc với 8 trưởng thôn trong xã chia 50/50.
Kết luận của Công an huyện không khởi tố vụ án
Năm 2015, huyện Hiệp Đức cũng giao hơn 1,25 tỉ đồng để xã Bình Lâm đầu tư 8 tuyến đường bê tông thì các ông Dũng, Diện và Trần Đoàn Minh Hiệp (tân Chủ tịch UBND xã Bình Lâm) lập hợp đồng khống số tiền 143 triệu đồng, đồng thời lấy 200 triệu đồng tiền hoàn công chia 50/50 cho xã và thôn.
Cũng trong năm 2015, cấp trên cấp tiền hỗ trợ bão lụt cho xã Bình Lâm gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, xã Bình Lâm chỉ cấp cho 10 thôn hơn 359 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 136 triệu đồng ông Dũng chỉ đạo hỗ trợ trái quy định cho Công ty An Hiệp.
Tháng 12/2015, cán bộ nông nghiệp xã là ông Lê Anh nhận trên 140 triệu đồng tiền hỗ trợ sản xuất lúa nhưng không chịu cấp cho các thôn để cấp cho dân. Đến tháng 7/2016, sau khi có ý kiến thì Đảng ủy xã đã cho kiểm tra.
Trụ sở xã Bình Lâm
Sau khi nhận chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức, Công an huyện Hiệp Đức đã vào cuộc điều tra và kết luận ông Lê Tấn Quán đã lập khống chứng từ để làm thủ tục quyết toán rút tiền tại kho bạc nhà nước hơn 271 triệu đồng để chi sai mục đích hơn 191 triệu đồng. Hành vi của ông Quán đã cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Công an cũng xác định ông Quán đã lấy sử dụng vào mục đích cá nhân hơn 24 triệu đồng, hành vi này cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Tương tự, trong 2 năm 2014-2015, ông Nguyễn Văn Diện được xác định đã lập khống chứng từ để quyết toán tổng cộng gần 643 triệu đồng. Ông Diện chi sai mục đích hơn 415 triệu đồng, sử dụng cá nhân hơn 79 triệu đồng.
Hành vi của ông Diện được xác định cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Ông Trần Đoàn Minh Hiệp lập khống chứng từ để quyết toán hơn 371 triệu đồng, chi sai mục đích hơn 201 triệu đồng. Hành vi ông Hiệp cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Trần Oai Dũng cũng có hành vi cấu thành tội danh trên khi lập khống chứng từ để quyết toán hơn 642 triệu đồng để chi sai mục đích hơn 415 triệu đồng.
Với những kết luận sai phạm trên nhưng Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện đã họp và thống nhất không khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” đối với ông Quán và ông Diện, không khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Hiệp và ông Dũng.
Công Bính
Theo Dantri
Bắt Phó Tổng Giám đốc công ty đa cấp lừa chiếm đoạt 300 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Đối tượng Nguyễn Văn Thông (áo trắng) trong một lần dự sự kiện của công ty.
Trước đó, từ tháng 4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, cơ quan công an xác định Nguyễn Văn Thông có vai trò giúp sức đắc lực cho Nguyễn Thế Anh trong việc lừa đảo hàng trăm khách hàng với hình thức huy động vốn lãi suất cao.
Từ năm 2015, Nguyễn Văn Thông kết hợp với Nguyễn Thế Anh, bàn bạc lên kế hoạch lập Công ty đa cấp cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868, có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) và nhiều chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Nghệ An...
Kết quả điều tra ban đầu xác định với hình thức huy động vốn lãi suất cao, công ty đa cấp này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm khách hàng với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng.
Hai bị can Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn Thông tự giới thiệu công ty của mình là đối tác chính thức của một tập đoàn Mỹ, đang cần hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng hệ thống càphê, nấm linh chi đỏ, xây dựng chuỗi siêu thị mini tự chọn... và đề nghị khách hàng hợp tác đầu tư với hai mức.
Mức 1: Nếu đóng vào công ty 36,6 triệu đồng sẽ được nhận năm hộp càphê hoặc một thẻ VIP 500 lần uống càphê. Tháng thứ nhất sẽ nhận 9 triệu đồng tiền hoa hồng; tháng thứ hai 12 triệu đồng, tháng thứ ba 24 triệu đồng; tháng thứ 4, tháng thứ 5 và tháng thứ 6 khuyến mãi đều là 27 triệu đồng. Tổng số tiền nhận được sau 6 tháng góp vốn là 126 triệu đồng. Từ tháng thứ 6 khách hàng sẽ được tái đầu tư với các mức: 12 triệu đồng, 100 triệu đồng, 150 triệu đồng, 500 triệu đồng và hưởng lãi suất 5%/năm.
Mức 2: Nếu đóng vào 72,6 triệu đồng thì tổng số tiền nhận được sau 10 tháng đầu tư là hơn 2 tỷ đồng. Khách hàng được lấy lãi hàng tháng và số tiền tái đầu tư được trả lại sau 36 tháng.|
Vì thấy lời cao nên nhiều người cả tin đã góp tiền vào công ty nhưng sau một thời gian dài khách hàng không nhận lại được đồng nào.
Bị can Nguyễn Văn Thông với vai trò là Phó Tổng Giám đốc trực tiếp ký 168 hợp đồng huy động vốn của khách hàng với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.
Ngoài vai trò là Phó Tổng Giám đốc, bị can Thông còn kiêm thêm Trưởng Chi nhánh số 82 Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).
Quá trình làm việc, Nguyễn Văn Thông là người trực tiếp tham gia các cuộc họp bàn và đưa ra ý kiến thống nhất trong việc triển khai các gói huy động vốn.
Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Thông là người trực tiếp ký thông báo chỉ tiêu phân bổ gói huy động vốn 72,6 triệu đồng đến các chi nhánh khác.
Theo Vietnam