Vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc Alibaba bị bắt: Luật sư nói gì?
“Nếu cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền kết luận các bị can trong vụ án có hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với giá trị trên 500 triệu đồng hoặc trường hợp khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định”, luật sư nhận định.
Bị can Nguyễn Thái Lĩnh – Ảnh: Bộ Công an
Trưa 18/9, cả trăm cảnh sát có mặt tại trụ sở công ty cổ phần địa ốc Alibaba nằm ở 120-122 Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM).
Cơ quan CSĐT bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt Chủ tịch HĐQT Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Tổng giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ông Luyện). Cả hai bị cáo buộc hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả xác minh của Công an TP.HCM cho thấy Nguyễn Thái Lĩnh cùng đồng phạm đã lập công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên ở nhiều tỉnh phía nam rồi tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… để huy động tiền của hàng nghìn khách hàng.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 18/9, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Alibaba và các công ty có liên quan.
Trao đổi với PV về hình phạt áp dụng cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty luật TNHH MTV QTC dẫn Khoản 4 Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người phạm tội chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hoặc từ 200 triệu đến dưới 500 triệu nhưng rơi vào các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Video đang HOT
Luật sư Thoa dẫn khoản 5 Điều 174 Luật này còn quy định thêm: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
“Như vậy, nếu cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền kết luận các bị can trong vụ án có hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với giá trị trên 500 triệu đồng hoặc trường hợp khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định”, luật sư Thoa nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty luật TNHH MTV QTC
Cũng theo Luật sư Thoa, căn cứ Điều 48 BLHS về việc trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi công khai. Nếu người bị hại có các tài liệu hợp pháp để chứng minh với cơ quan tố tụng hình sự về việc bị các bị can trong vụ án xâm phạm đến tài sản hợp pháp của mình thì tùy từng trường hợp mà cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể xem xét trả tài sản cho người bị hại hoặc họ có thể lấy lại tài sản sau khi có bản án hiệu lực của Tỏa án có thẩm quyền.
Ngoài ra, Theo quy định pháp luật hiện hành thì người bị hại có thể làm đơn đề nghị kèm theo tài liệu chứng minh là mình có tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt tới cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để tránh việc tẩu tán tài sản của người phạm tội, mục đích phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can để đảm bảo thi hành án.
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, có quá trình kinh doanh và quảng cáo tốt, nhưng người dân không thể biết được nội dung hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi giao dịch dân sự họ thường làm hồ sơ có đảm bảo về hình thức, nội dung hợp đồng, và khi một bên cố tình ẩn giấu thông tin thật để thực hiện giao dịch giả tạo, giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật thì người dân rất khó phát hiện.
Theo đó, để tránh làm nạn nhân của những hành vi lừa đảo của các tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp, khi quyết định đầu tư hoặc mua bán bất động sản thì người dân nên tìm hiểu về chủ đầu tư, kiểm tra tính hợp pháp của BĐS, hồ sơ pháp lý của dự án…và có thể nhờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức có chức năng tư vấn để tránh những rủi ro thiệt khi quyết định đầu tư hay mua bán bất động sản”., Luật sư Thoa khuyến cáo.
Điều tra nhiều đối tượng liên quan đến Alibaba
Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định trong thời gian tới, các đơn vị tập trung lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng khác có liên quan.
200 đơn tố cáo
Ban Giám đốc Công an TP HCM cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP HCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên để thu gom số lượng lớn đất nông nghiệp rồi giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh, thành phía Nam; chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... Đồng thời, tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn khách hàng, thu hàng ngàn tỉ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin: "Qua kiểm tra bước đầu, có rất nhiều mảnh đất (đất nông nghiệp), đất không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Bằng hình thức như vậy, Công ty Alibaba đã quảng cáo tạo niềm tin, kêu gọi nhiều người góp tiền để phát triển dự án, cùng chia lợi. Nhưng bản chất thì không phải như vậy".
Lực lượng công an phong tỏa, khám xét trụ sở Công ty Alibaba
Một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Công ty Alibaba đã lập 40 dự án "ma" ở 3 tỉnh, thành để bán đất nền cho 6.700 người, thu 2.650 tỉ đồng. Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo. Đến nay, Công an TP HCM đã nhận gần 200 đơn của các nạn nhân tố cáo Công ty Alibaba.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng kêu gọi các khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba liên hệ Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cơ quan CSĐT ở các địa phương có liên quan cung cấp thông tin để phục vụ điều tra làm rõ vụ án.
Chính quyền địa phương ở đâu?
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), cách đây vài năm, các dự án bất động sản "chui, không phép, ma", thường thi công hạ tầng như đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, cắm cọc phân lô hay xây dựng các công trình khác vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương có thể do lực lượng mỏng, thiếu và một phần người dân xung quanh chưa cảnh giác, không phát hiện hoặc phát hiện chậm.
Cũng theo luật sư Toàn, 3 năm trở lại đây, các dự án "ma" tập hợp vật tư, thiết bị, nhân lực rầm rộ, khuếch trương... thi công vào cả các ngày làm việc trong tuần, thậm chí khi có mặt của chính quyền địa phương. Vì vậy, những chủ dự án "ma" mới có đất sống, đánh vào sự ham muốn lợi nhuận của nhiều người. "Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để cho người dân gom góp tiền bạc, thậm chí có người còn dùng cả gia tài của gia đình để đầu tư vào những dự án "ma" này?" - luật sư Toàn đặt câu hỏi. Để người dân không bị dính bẫy các dự án "ma", LS Toàn cho rằng chính quyền cần công khai quy hoạch sử dụng đất hằng năm, dài hạn và chi tiết từng khu vực để mọi người biết. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành, nhất là cán bộ phụ trách tài nguyên và môi trường, địa chính, tư pháp ở các địa phương phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân không bị mắc lừa bởi các dự án đất "ma", đất ảo. Luật sư Toàn đề nghị nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Các địa phương phải nắm bắt và giải quyết kịp thời những vi phạm, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm công vụ cho các cán bộ được phân công phụ trách. Đồng thời, có hình thức kỷ luật thích đáng nếu phát hiện cán bộ có hành vi tiếp tay với các đối tượng lợi dụng việc mua đất đai bất hợp pháp để trục lợi.
"Đối với thực trạng các dự án bất động sản "ma" đã xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự với chủ dự án thì các cấp chính quyền, những người đứng đầu phải bị kỷ luật thật nặng để nêu gương" - luật sư Toàn nói.
Biểu dương 6 tập thể
Ngày 21-9, tại trụ sở Công an TP HCM, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã chủ trì buổi trao thưởng cho 6 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty liên quan. Phát biểu tại buổi trao thưởng, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương các đơn vị đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong điều tra án, bước đầu khởi tố vụ án, bị can đúng người, đúng tội.
Sau khi 2 anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt, website của Alibaba https://www.tapdoandiaocalibaba.com đã không thể truy cập. Trang web này là một trong những phương tiện để Alibaba đăng tải các dự án không có thật để quảng cáo, lừa bán đất nền. Bên cạnh đó, Alibaba còn đăng thông tin trên YouTube và Facebook để đánh bóng tên tuổi công ty và tung những thông tin không có thật về các dự án "ma" nhằm lôi kéo khách hàng.
Bài và ảnh: PHẠM DŨNG
Theo nld.com.vn
Nhà xuất bản nói gì về cuốn sách Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên Alibaba 'bí kíp' lừa đảo? Nhà xuất bản Thông tấn khẳng định nội dung 2 trang sách đang được lan truyền không nằm trong cuốn sách do đơn vị này phát hành. Liên quan đến cuốn sách Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên Alibaba 'bí kíp' lừa đảo đang lan truyền, ngày 21/9, một lãnh đạo Nhà xuất bản Thông tấn khẳng định với VTC News nội dung...