Vụ “Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bị tố cáo”: Không chỉ một ông Huỳnh Uy Dũng kêu cứu
Vụ Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam – ông Huỳnh Uy Dũng – có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD) – đang gây xôn xao công luận. Tuy nhiên, thời gian qua ngoài ông Dũng, ít nhất có 4 DN khác cũng kêu trời vì bị hành về thủ tục hành chính ở BD.
Một góc khu đất dự án nhà ở CN tại KCN Sóng Thần 3, chưa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/500.
Khốn đốn vì… giấy phép khai thác đá
Đó là 4 Cty TNHH chuyên khai thác đá ở mỏ Thường Tân (huyện Tân Uyên), gồm: Liên Hiệp, Hồng Đạt, Phan Thanh và Cty đá xây dựng BD. Từ năm 2006, GĐ của 4 DN này đã gửi “đơn kêu cứu”, vì bị ông Cao Minh Huệ – GĐ Sở TNMT tỉnh BD lúc đó – hành đủ điều.
Theo “đơn kêu cứu”, mặc dù 4 DN đã có giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Công nghiệp cấp; thế nhưng, năm 2004, ông Huệ cho đoàn xuống kiểm tra, nhắc nhở các DN làm “thủ tục thuê đất, lập bảng đánh giá tác động môi trường”… Sau khi làm xong các thủ tục, 4 DN đi lại rất nhiều lần, nhưng vẫn không nộp được hồ sơ thuê đất và bản đăng ký đạt chuẩn môi trường cho Sở TNMT.
Tháng 11.2005, ông Huệ mời 4 DN đến nộp lại “giấy phép khai thác và bản đồ thiết kế”, với lý do “điều chỉnh giấy phép” và đề nghị các Cty đo vẽ hiện trạng để Sở TNMT có cơ sở cấp giấy phép mới. 4 Cty nộp lại “giấy phép khai thác” và ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật tài nguyên (thuộc Sở TNMT) nhằm hoàn tất hồ sơ thuê đất sớm.
Nào ngờ, 4 Cty đã bị ông Huệ cho quả “lừa”, để thu hồi lại giấy phép, bởi lý do… trốn thuế(?). Ấm ức, 4 DN kêu cứu lên lãnh đạo cấp cao hơn, gỡ bỏ được việc thu hồi giấy phép khai thác. Nhưng sau đó, khi nộp lại hồ sơ xin thăm dò khoáng sản, Sở TNMT lại… từ chối hồ sơ. Thật oái oăm, muốn được thuê đất, nộp tiền thuê đất, đăng ký đạt chuẩn môi trường… 4 DN phải có quyết định cho phép khoan thăm dò khoáng sản. Nhưng khi các DN nộp hồ sơ xin thăm dò khoáng sản thì không được chấp thuận…
Video đang HOT
Theo ông Trần Vĩnh Hồng – GĐ Cty TNHH Liên Hiệp: “4 Cty chúng tôi phải làm gì, khi mà thời gian thực hiện thủ tục sắp hết hạn? Họ không cấp giấy phép, đồng nghĩa 4 Cty sẽ phá sản, vì hàng trăm tỉ đồng đầu tư không thể thu hồi, hoàn vốn”.
Có dấu hiệu không minh bạch
Trở lại vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng, ngày 22.10, PV Lao Động trở lại BD, nhưng vẫn không thể tiếp cận được chủ tịch tỉnh BD. Chiều 22.10, PV tìm gặp ông Trần Văn Dũng – nguyên GĐ Sở Xây dựng – và ông Lê Phú Cường – Phó GĐ Sở Xây dựng tỉnh BD hiện tại. Tuy nhiên, 2 ông này đều viện nhiều lý do không thể cung cấp thông tin chính xác vụ việc trên.
Phát biểu với báo chí xung quanh sự vụ này, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN – cho biết: “Việc chủ đầu tư chờ lâu mà không được giải quyết, bắt buộc phải kiện cáo thôi”.
Ông Liêm tỏ ra kinh ngạc, khi Chủ tịch UBND tỉnh BD Lê Thanh Cung kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với dự án khu đất ở KCN Sóng Thần 3.
Ông Liêm nói: “Đây không phải là chuyện ký hay không ký, vì Nhà nước đã quy định rõ rồi, làm việc gì cũng có thời hạn, việc UBND tỉnh BD “lặng thinh” không nói gì nguyên nhân không phê duyệt quy hoạch là sai, khiến người ta nghi ngờ động cơ. Tôi đoán chủ đầu tư không chịu “bôi trơn” cho đúng mức (đây là điều thông thường xảy ra ở nhiều dự án, chứ không chỉ là chuyện ở BD, chỉ có điều lâu nay, chúng ta không chống thôi, chứ chẳng ai cho không ai cái gì)”.
Ông Liêm khẳng định, việc chủ tịch tỉnh BD “không cho phép chuyển nhượng QSDĐ dưới bất cứ hình thức nào”, thật ra đây là việc “treo” quy hoạch chi tiết. Tại sao lại quy hoạch “treo”, chủ tịch tỉnh BD phải trả lời dư luận. Ông Liêm nhấn mạnh: “Có dấu hiệu không minh bạch trong câu chuyện này, Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc”.
Ngoài vụ việc nổi cộm đang thu hút sự quan tâm của công luận kể trên, năm 2010, Bộ Công an đã khởi tố vụ án đấu giá sai phạm nghiêm trọng gần 700ha đất công trồng caosu tại Cty Sobexco (Bình Dương), gây thiệt hại cho Nhà nước gần 440 tỉ đồng. Trong vụ án này, GĐ Sở TNMT Cao Minh Huệ và 3 đối tượng khác đã bị khởi tố bắt tạm giam (báo Lao Động đã có nhiều tin bài phản ánh). Tuy nhiên, không hiểu tại sao đã hơn 3 năm, vụ án trên vẫn chưa đưa ra xét xử. Trong lúc đó, việc UBND tỉnh chấp thuận giao 320,7ha đất công (thuộc Lâm trường Long Nguyên, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, trước đây do Cty Sobexco quản lý) cho một số cá nhân, không thông qua đấu giá, khiến dư luận cho rằng có dấu hiệu trục lợi cá nhân… Song, đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ.
Theo Hoàng Hưng
Lao Động
Hé lộ nhiều tình tiết trong vụ đại gia đất Thủ tố chủ tịch tỉnh Bình Dương
Sáng 24.10, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online và một số tờ báo khác liên quan đến vụ ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Phú Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương (người đứng phát biểu) trả lời phỏng vấn sáng 24.10
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, những ngày vừa qua, dư luận xôn xao việc ông Dũng gửi đơn tố cáo tới Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với KCN Sóng Thần 3 nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ và đô thị Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "KCN Sóng Thần 3 do Công ty Cổ phần Đại Nam đầu tư, được Thủ tướng phê duyệt năm 2006 với quy hoạch chi tiết 1/2.000 với các hạng mục: Khu hành chính, Khu xây dựng nhà máy xí nghiệp và Khu ở".
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, Khu ở trong quy hoạch KCN Sóng Thần 3, theo cam kết của chủ đầu tư là công ty Đại Nam, được hiểu là khu nhà ở dành cho chuyên gia và công nhân thuê ở; không phải là khu dân cư vì theo chủ trương trong KCN không có khu dân cư.
Tuy nhiên, từ năm 2007 đến 2009, dưới hình thức góp vốn, công ty Đại Nam tự ý phân lô bán nền khu ở có diện tích trên 61 ha.
Ông Lê Phú Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, nói: "Trước tình hình đó, Công ty Đại Nam mới xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chia tách KCN Sóng Thần 3 thành KCN Sóng Thần 3 và Khu đô thị Đại Nam từ 61 ha lên trên 130 ha, nhưng mục đích là để hợp thức hóa diện tích đã phân lô bán nền".
Ông Lê Phú Cường phân tích, theo phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 do đề nghị của Công ty Đại Nam là thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, nếu phê duyệt hoạch chi tiết 1/500 thì sẽ phá vỡ quy hoạch chung của Khu liên hợp và KCN.
"Do đó, muốn phê duyệt quy hoạch 1/500 thì phải điều chỉnh toàn bộ quy hoạch 1/2.000, mà điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc Công ty Đại Nam xin chủ trương (không phải là xin điều chỉnh quy hoạch - PV) điều chỉnh quy hoạch 1/500 là có. Tuy nhiên, quá trình xin chủ trương và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là do Sở Xây dựng tham mưu.
"Phía Sở Xây dựng cũng đã nhận được văn bản của Công ty Đại Nam, nhưng xét thấy việc phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể KCN để quy hoạch chi tiết 1/500 cho Công ty Đại Nam xây dựng Khu đô thị là chưa thực sự cần thiết. Chính vì vậy mà sự việc kéo dài cho đến nay".
Ông Cường cũng cho biết là thực chất là từ năm 2010, Công ty Đại Nam mới xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng phía Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bình Dương chưa trả lời cụ thể bằng văn bản cho Công ty Đại Nam. "Đây là một thiếu sót, Sở Xây dựng xin nhận trách nhiệm", ông Cường thừa nhận.
Cùng ngày, PV Thanh Niên Online cố gắng liên hệ với ông Huỳnh Uy Dũng qua điện thoại để tìm hiểu vụ việc, nhưng chưa liên lạc được
Theo VNE
500.000 hộp sữa đến với trẻ em miền Trung Từ ngày 20-10, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Liên hiệp hội Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Công ty sữa Abbot bắt đầu triển khai chương trình "Tiếp nguồn dinh dưỡng, trao gửi yêu thương". Theo đó, Abbot sẽ trao tặng 500.000 hộp sữa nước Grow, trị giá khoảng 5 tỷ đồng cho trẻ em, học sinh các tỉnh...