Vụ chống lệnh TAND Cấp cao tại Bắc Giang: Tổng cục Thi hành án vào cuộc!
Liên quan đến vụ kê biên, cưỡng chế thi hành án tại Công ty Hải Hà (Bắc Giang) có nhiều dấu hiệu mập mờ, bất thường của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng, Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) đã lập đoàn kiểm tra sự việc. Dự luận còn chưa hết bức xúc bởi sự thách thức pháp luật diễn ra công khai ngay tại địa phương này.
Ngày 17/3, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 775/TCTHADS-GQKNTC gửi báo Dân trí cho biết: Từ thông tin phản ánh của báo Dân trí về vụ cưỡng chế thi hành án có nhiều dấu hiệu bất thường tại Công ty Hải Hà của Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Tổng cục Thi hành án đã ra Quyết định thành lập tổ xác minh để xác minh sự việc, đồng thời yêu cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang rà soát quá trình tổ chức thi hành án và báo cáo về Tổng cục.
Công văn hồi âm của Tổng cục Thi hành án dân sự đến báo Dân trí sau loạt bài điều tra.
Tổng Cục thi hành án cũng cam kết sẽ xử lý đúng pháp luật, đồng thời sẽ hồi âm kết quả giải quyết đến bạn đọc báo Dân trí một cách công khai.
Liên quan đến vụ án gây bất bình này, báo Dân trí đã có nhiều bài báo điều tra “lật tẩy” từng góc khuất đến bạn đọc. Từ việc chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng “lập lờ” việc kê biên quyền sử dụng đất của Công ty Hải Hà đến việc nhiều đối tượng côn đồ ngang nhiên chiếm giữ, đuổi hàng chục cán bộ công nhiên viên ra khỏi mảnh đất công ty Hải Hà đang là chủ sử dụng hợp pháp. Đặc biệt hơn, tham gia vào việc “yêu cầu” cán bộ công nhân viên Công ty Hải Hà “ra đường” còn có sự tham gia của Công an xã Lão Hộ và Công an huyện Yên Dũng.
Tại buổi cưỡng chế ngày 3/3/2016, với sự hỗ trợ của hàng chục công an, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng đã trục xuất toàn bộ cán bộ, lao động, tài sản, đồ đạc, tài liệu… của công ty Hải Hà ra đường. Ngay lập tức, biển hiệu của công ty Hải Hà đã bị giật phá để treo lên cổng nhà máy biển hiệu mang tên công ty Bắc Hải Hưng.
Hàng chục cán bộ, công nhân Công ty Hải Hà bị đuổi ra khỏi nhà máy trong khi quyền sử dụng đất hợp pháp đang là của công ty này chưa hề bị kê biên thi hành án.
Một tấm biển mang tên Công ty Bắc Hải Hưng đã được treo ngang nhiên trên mảnh đất Công ty Hải Hà là chủ sử dụng đất hợp pháp.
Video đang HOT
Nhiều đối tượng bặm trợn đang bao vây nhà máy cấm công nhân công ty Hải Hà vào làm việc.
Người áo đỏ tự xưng là Trưởng công an xã Lão Hộ cũng tham gia ngăn cấm cán bộ, công nhân của Công ty Hải Hà vào nhà máy.
Theo thừa nhận của bà Nguyễn Thị Thuý Khơi – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng với PV Dân trí, Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng không hề kê biên quyền sử dụng hơn 10ha đất của Công ty Hải Hà. Đây vẫn đang là tài sản hợp pháp của Công ty Hải Hà. Đồng thời, bà Khơi cũng lập tức chối phắt việc yêu cầu Công ty Hải Hà di dời toàn bộ tài sản không bị kê biên ra khỏi khu đất của công ty để giao cho Công ty Bắc Hải Hưng tiếp quản.
Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra PV Dân trí thu thập được, một sự thật khác đã hé lộ. Để “lập lờ đánh lận con đen” về quyền sử dụng hơn 10 ha đất của Công ty Hải Hà, tại Thông báo về việc tự nguyện chuyển dịch tài sản và giao tài sản cho người trúng đấu giá số 44/TB-CCTHA của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng do chấp hành viên Nguyễn Thành Long ký ngày 23/2/2016 (ngay trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án) có ghi rõ: “ Căn cứ quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất, tài sản trên đất số 06/QĐ-CCTHA ngày 27/5/2014 và quyết định sửa đổi bổ sung quyết định về thi hành án số 01/QĐ-CCTHA ngày 2/6/2014 của chấp hành viên chi cục thi hành án huyện Yên Dũng…” với công ty Hải Hà.
Quyết định khẳng định không kê biên quyền sử dụng đất của Công ty Hải Hà được Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng từng ban hành.
Nhưng cơ quan này đã “lập lờ đánh lận con đen” trong Thông báo yêu cầu Công ty CP Hải Hà chuyển toàn bộ tài sản không có trong danh mục kê biên ra khỏi công ty để giao tài sản cho Công ty CP vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng.
Trong khi đó, toàn bộ hơn chục ha diện tích mặt bằng nhà máy đều do công ty Hải Hà lập, triển khai dự án, đền bù, san lấp mặt bằng, được cấp sổ đỏ với thời hạn sử dụng 49 năm. Số tiền mà công ty này bỏ ra để biến một vùng đồng ruộng lầy lội, thùng vũng thành mặt bằng nhà máy lên đến gần 30 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích nhà máy, đường giao thông, cổng nhà máy, nhà bảo vệ cũng như hàng loạt tài sản khác vẫn đang thuộc quyền sỡ hữu của công ty Hải Hà. Điều này có nghĩa hàng chục công nhân cùng cán bộ, lãnh đạo Công ty Hải Hà đã bị hệ thống nhiều cơ quan chức năng huyện Yên Dũng dùng lực lượng “đuổi” ra khỏi chính mảnh đất hợp pháp của mình một cách trắng trợn để tước phần tài sản này giao cho một công ty khác ngang nhiên chiếm giữ.
“Cưỡng chế hay “cướp” doanh nghiệp?”. Đây là câu hỏi mà Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đặt ra với đại diện Công an huyện Yên Dũng sáng ngày 9/3/2016 trước hàng chục công nhân và người dân tại hiện trường nhà máy gạch của Công ty Hải Hà. Tuy nhiên, câu hỏi này đã rơi tõm vào im lặng vì không nhận được câu trả lời.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Nụ cười 'lạnh gáy' của hai tử tù trước giờ thi hành án
Trong phòng biệt giam, cả hai tử tù Vũ Xuân Trường và Nguyễn Đức Nghĩa đều có diễn biến tâm lý thất thường nhưng lại tỏ ra khá bình tĩnh và mỉm cười trước giờ thi hành án.
Liên minh tội ác
Có thể nói vụ án Vũ Xuân Trường là một vụ án lớn nhất về ma túy, gây chấn động dư luận trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Vụ án có tới 22 bị cáo với hơn 3.000 bút lục. Gần 20 chiếc xe chở phạm nhân và hơn 200 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo an ninh cho phiên tòa xét xử vụ trọng án này.
Kẻ cầm đầu đường dây là Vũ Xuân Trường, nguyên là một đại úy Cảnh sát, thuộc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy phòng 5, C14. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế mở cửa, Trường tỏ ra rất hăng hái trong việc làm kinh tế. Trường bắt đầu bằng việc buôn chuyến các mặt hàng như quần bò, dép tông... từ Lào về.
Trong những lần buôn chuyến đó, Trường gặp Đào Xuân Xe, một người có thâm niên và nhiều mánh lới trong giới buôn bán, đặc biệt là buôn hàng trắng. Vì rất khéo léo trong việc giao tiếp, Xe có quan hệ thân thiết với nhiều người, trong đó có không ít cán bộ ở lai Châu.
Hình ảnh Vũ Xuân Trường làm việc với cơ quan chức năng
Hai con người có máu làm ăn này vừa gặp nhau đã cùng chung chí hướng làm giàu. Sau vài chuyến buôn chung, cả hai đã trở thành "cặp đôi hoàn hảo" cùng thiết lập nên một đường dây buôn ma túy khủng. Năm 1991, Xe ở lại Điện Biên gom ma túy còn Trường về Hà Nội làm nơi nhận và tiêu thụ hàng. Từ đó, một mạng lưới tiêu thụ ma túy rộng khắp đã được thiết lập, một khối lượng lớn ma túy từ biên giới được tuồn về Hà Nội rồi phân bổ đi các nơi.
Ở Hà Nội, Trường bắt tay với Tạ Thị Hiển để phối hợp làm ăn đồng thời sống như vợ chồng với người này. Kiếm bộn tiền từ buôn ma túy, lại hợp nhau trong khoản ăn chơi, Trường và Hiển lao vào cờ bạc đỏ đen. Cả hai đã từng ném vào đề cả tỉ đồng nhưng không thu lại gì. Đây cũng là lý do khiến Trường và Xe mâu thuẫn với nhau dẫn đến việc làm ăn bị đổ bể. Khi bị bắt, Trường, Xe cùng đồng bọn luôn tìm cách chối tội, đổ lỗi và mạt sát lẫn nhau không tiếc lời.
Trước giờ đền tội
Theo những thông tin được đăng tải trên báo giới, trong thời gian bị biệt giam, Vũ Xuân Trường có rất nhiều cảm xúc khác nhau, tâm trạng nắng mưa thất thường. Có lúc, Trường tỏ ra vui vẻ vì được xử đúng người đúng tội, có lúc, Trường lại chán nản, bỏ ăn, tìm cách tự sát hoặc gào thét, chửi bới như một kẻ điên.
Trước ngày thi hành án, Trường từng rút dây gai ở chiếu xe lại để chờ cơ hội thắt cổ nhưng bị phát hiện. Đôi lúc, Trường hát ngêu ngao nhưng giọng Trường hát rất hay. Tuy nhiên, trước giờ ra pháp trường, ông trùm ma túy, tội phạm nguy hiểm một thời tỏ ra khá bình thản.
Rạng sáng ngày 3/3/1998, tại trường bắn Cầu Ngà (Từ Liêm, Hà Nội), tử tù Vũ Xuân Trường cùng 6 tử tù khác phải thi hành án. Mỗi người đều được mang đến một bữa cơm ân huệ cuối cùng gồm 1 bát phở, 1 cốc nước, 1 điếu thuốc nhưng hầu như không ai đụng đũa, chỉ có Xe húp một chút nước rồi thôi.
Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi các tử tù khác đều tỏ ra lo lắng và sợ hãi thì Vũ Xuân Trường vẫn giữ được sự bình tĩnh. Khi một trong 6 tử tù còn lại là Lại Thị Ngấn sợ đến ngất xỉu, Trường cười khẩy: "Thế là thêm một con cave xuống đấy đủ một mâm bảy người".
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa trước giờ thi hành án
Chiều 22/7/2014, sau 4 năm gây ra tội ác man rợ với người yêu cũ, Nguyễn Đức Nghĩa, đã bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc tại trại giam số 1 (Công an Hà Nội).
Giống với Vũ Xuân Trường, trong phòng biệt giam, Nguyễn Đức Nghĩa có những tâm trạng thất thường và từng tìm cách tự sát nhưng không thành. Trước giờ thi hành án, như tất cả các tử tù khác, Nghĩa được ăn bữa cơm cuối cùng trong đời là một bát phở gà. Bát phở còn nóng nhưng Nghĩa chỉ nhấm nháp một chút rồi buông đũa.
Trong những giây phút ngắn ngủi trước cái chết, Nghĩa tỏ ra khá bình tĩnh. Tử tù này đã viết những lời cuối cùng gửi tới gia đình như một lời xin lỗi: "Mẹ, anh chị và các con thân yêu. Vậy là sau hơn 4 năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé! Yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng. Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa".
Khi làm thủ tục lấy danh chỉ bản, Nghĩa đưa mắt nhìn mọi người xung quanh, đôi lúc mỉm cười. Đó là nụ cười của một người đã biết ăn năn sám hối về những tội lỗi mà mình đã gây ra cho người khác, nụ cười mong được thứ tha, nụ cười của một người đã hiểu ra rằng chỉ có cái chết mới hóa giải được tội ác của bản thân. Nếu có một cuộc đời khác sau khi chết, có lẽ Nghĩa cũng mong rằng nó sẽ không tăm tối như cuộc đời mà Nghĩa đã đi qua.
Theo Ngươi đưa tin
Hà Nội: Trúng đấu giá tài sản, hơn mười năm mòn mỏi chờ đợi bàn giao Tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh - Đông Anh (Hà Nội), tháng 7/2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản hơn 88 triệu đồng cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên,...