Vụ chìm tàu du lịch Trường Hải 06: Tạm giữ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn
Theo kế hoạch sẽ trục vớt con tàu Trường Hải 06 bị chìm trên vịnh Hạ Long(làm chết 12 du khách) vào đêm 17-2, nhưng do không tìm được loại cần cẩu phù hợp, nên tới sáng qua (18-2), hoạt động cứu hộ tàu mới được triển khai.
Trục vớt tàu bị nạn
Theo ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã điều động 3 tàu kéo loại lớn và một sà lan, chở theo cần cẩu và trục vớt con tàu lên khỏi mặt nước một cách dễ dàng. Sau đó, các tàu kéo đã đưa tàu Trường Hải 06 vào một đảo nhỏ nằm cạnh đảo Ti Tốp. Công ty cổ phần Vận tải trục vớt cứu hộ Tuấn Phúc (Quảng Ninh) được thuê trục vớt.
Tới 13 giờ 30 chiều qua, khi con tàu vừa nổi lên, người ta nhìn thấy rất nhiều vật dụng của khách du lịch và “nhà tàu” như giày dép, túi xách, điện thoại di động, quần áo… trôi ra xung quanh. Theo xác định, vào thời điểm con tàu không may bị chìm, 21 du khách trên tàu vẫn còn đang ngủ. Do đó nhiều du khách bị mắc kẹt trong tàu.
Ông Lê Văn Cách, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải trục vớt cứu hộ Tuấn Phúc, cho biết, do trong khoang tàu Trường Hải 06 còn ngập đầy nước, tàu nặng nên chưa thể kéo ngay lên cạn. Theo kế hoạch, chiều nay (19-2), khi thủy triều xuống, lực lượng cứu hộ sẽ hút khô nước để kéo tàu lên đảo để cơ quan công an tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân tàu chìm.
Video đang HOT
Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm giữ hình sự thuyền trưởng tàu Trường Hải cùng với thủy thủ đoàn để làm rõ nguyên nhân.
Cứu hộ tàu bị đắm trên vịnh Hạ Long.
Quản lý tàu du lịch
Trước đó, trong quá trình trục vớt nạn nhân trong khoang tàu, cơ quan công an đã tìm thấy những tài liệu, giấy tờ cần thiết để phục vụ công tác điều tra như biên bản kiểm tra kỹ thuật, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó, theo biên bản kiểm tra kỹ thuật ngày 29-1-2010 do Trạm đăng kiểm đường thủy Quảng Ninh thực hiện, tàu Trường Hải 06 được đóng mới năm 2008, dài hơn 20m, rộng 7m, được đóng bằng gỗ, công suất 105CV, khả năng chở tối đa 30 khách. Tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thời hạn đến ngày 29-4-2011, tức vẫn trong thời hạn đăng kiểm.
Sau khi xảy ra vụ đắm tàu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có lệnh cấm các tàu đưa khách ra khơi, yêu cầu các tàu còn ở trên vịnh phải trở về tập kết tại khu vực cảng. Đến sáng 18-2, lệnh trên đã được dỡ bỏ, nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn yêu cầu Ban quản lý vịnh Hạ Long và các lực lượng công an, biên phòng tạm thời không cho phép các tàu lưu trú qua đêm trên vịnh, việc đưa khách tham quan vịnh chỉ được thực hiện trong ngày.
Sẵn sàng ứng cứu
Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là kiểm soát và quản lý chất lượng, an toàn của các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long như thế nào sau khi đã có những vụ tai nạn, đắm tàu chở khách? Được biết, không chỉ trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) mà hiện ở vịnh Cát Bà (Hải Phòng) và giữa hai vịnh Hạ Long – Cát Bà cũng đang có hàng trăm con tàu du lịch hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm cảng vụ tại cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy (Hạ Long – Quảng Ninh), cho biết, hiện trên khu vực vịnh Hạ Long đang có tới 400 tàu chở khách du lịch hoạt động, trong đó có 130 tàu được phép đưa du khách ngủ qua đêm trên vịnh. Từ đầu năm 2011 tới nay, mỗi ngày lượng khách du lịch lên tàu để tham quan vịnh lên tới 4.000 khách. Trong đó, thường xuyên có từ 700 đến 1.200 khách ngủ đêm trên vịnh.
Phần lớn các tàu được phép lưu trú qua đêm trên vịnh đều đạt các tiêu chuẩn sao, được kiểm định về kỹ thuật. Trước đây, trên vịnh Hạ Long đã từng xảy ra các vụ cháy tàu, đắm tàu làm du khách bị thiệt mạng, song chưa có vụ nào lớn và nghiêm trọng như vụ tàu Trường Hải 06. “Tuy nhiên, sau vụ tai nạn đáng tiếc này, chúng tôi sẽ thắt chặt, tăng cường kiểm tra độ an toàn của tất cả các tàu du lịch. Yêu cầu tất cả các thuyền ra khơi phải đi đúng luồng và về đúng giờ quy định” – ông Hùng nói.
Đồng thời, ông Hùng khẳng định, cảng vụ Bãi Cháy cũng đã bố trí các trạm chốt an ninh tại nhiều địa điểm trên vịnh Hạ Long. Bất cứ khi nào, tàu thuyền nào gặp sự cố, chủ tàu cần liên lạc ngay qua hệ thống radio và điện thoại để chúng tôi nhanh chóng có biện pháp ứng cứu và giúp đỡ.
VĂN PHÚC
Hỗ trợ các nạn nhân về nước Sau vụ tai nạn, hôm qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định hỗ trợ các du khách nước ngoài còn sống số tiền 10 triệu đồng/người và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 20 triệu đồng/người. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lo toàn bộ chi phí ăn, ở, sinh hoạt, dưỡng thương cho 9 du khách được cứu sống trong thời gian lưu trú tại Hạ Long. Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, 9 du khách nước ngoài được cứu sống đã được đưa về các đại sứ quán tại Hà Nội để tiếp tục làm thủ tục về nước. Với 10 nạn nhân đã chết, cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện thủ tục pháp lý liên quan. Chiều 18-2, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và các đại sứ quán đã làm xong thủ tục để đưa 6 nạn nhân về nước. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long của Công ty TNHH Trường Hải, chủ sở hữu tàu Trường Hải, từ ngày 18-2, cho tới khi cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn. V.PHÚC
Theo Sài Gòn Giải Phóng