Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Tại sao không coi trọng vật chứng vụ án?
Luật sư cho rằng: Việc điều tra vụ án sẽ không khách quan, toàn diện khi cơ quan tố tụng đã xem phương tiện gây tai nạn không phải là vật chứng của vụ án.
Vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ xảy ra cách đây 5 năm, mới đây, cơ quan điều tra Công an TP HCM mới có bản kết luận điều tra bổ sung. Tuy nhiên, những vấn đề mấu chốt của vụ án vẫn chưa đang khiến dư luận băn khoăn. Liên quan vấn đề này, VOV.VN phỏng vấn Luật sư Hoàng Long Hà- Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
PV: Cơ quan điều tra Công an TP HCM vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ. Như vậy, phải mất hơn 3 năm, cơ quan điều tra mới có thể ra kết luận điều tra bổ sung. Theo ông, vì sao phải mất quá nhiều thời gian như vậy để cơ quan công an có thể đánh giá, bổ sung quan điểm đề nghị truy tố bị can?
Luật sư Hoàng Long Hà: Không phải mất quá nhiều thời gian để điều tra vụ một án về tai nạn giao thông mà nguyên nhân của vụ tai nạn đó đã được cơ quan chức năng (trong vụ án này là Cục Hàng hải Việt Nam) xác định rất rõ ràng ngay từ ban đầu.
Luật sư Hoàng Long Hà cho rằng, việc ca nô bị nạn không được cơ quan điều tra đưa vào kết luận điều tra bổ sung sẽ làm cho vụ án không khách quan, toàn diện.
Lý do cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả trưng cầu giám định ca nô BP 12-04-02 (ca nô bị nạn) theo yêu cầu của tòa án.
Sau khi có kết luận giám định thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định phục hồi điều tra.
Trong vụ án này mặc dù đang trong thời gian tạm đình chỉ điều tra nhưng cơ quan điều tra vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng (ra các quyết định trưng cầu giám định lại) và thời gian tạm đình chỉ mất đến hơn 3 năm chỉ để chờ kết luận giám định theo ý muốn của cơ quan điều tra, thì đó là hành vi vi phạm tố tụng để kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Vụ án chìm cano ở Cần Giờ là vụ án có hậu quả rất nghiêm trọng, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án vào ngày 4/9/2013 theo Điều 214, BLHS 1999 với thời hạn điều tra là 4 tháng, được gia hạn tối đa không quá 2 lần mỗi lần không quá 4 tháng, tổng thời gian điều tra không quá 12 tháng thì cơ quan điều tra phải ban hành kết luận điều tra.
Nhưng cơ quan điều tra đã vi phạm thời hạn điều tra khi ban hành bản kết luận điều tra vào ngày 12/9/2014, vượt quá thời hạn luật định 8 ngày. Khoản 6, Điều 119 BLTTHS 2003 quy định “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.”
Như vậy nếu cơ quan điều tra thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì vụ án này phải đình chỉ từ ngày 4/9/2014 mà không phải kéo dài hơn 5 năm qua.
Luật quy định nếu tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng, tuy nhiên trước khi vừa hết thời hạn điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra ban hành quyết định tạm đình chỉ vào ngày 28/8/2015 để chờ kết quả trưng cầu giám định. Dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng cơ quan điều tra làm thế có phải để ngâm án (!?)
PV: Tình tiết đáng chú ý trong vụ án này là, trước đây cơ quan điều tra xác định ca nô bị nạn là của lực lượng biên phòng, sau khi điều tra bổ sung thì lại là của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc do ông Vũ Văn Đảo làm giám đốc. Và đây cũng là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự bị can. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Luật sư Hoàng Long Hà: Theo như kết luận điều tra bổ sung, thì căn cứ vào hợp đồng mua bán giữa Công ty Việt Séc và Biên phòng thì không thể phủ nhận tài sản này thuộc quyền quản lý, sử dụng của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên thực tế Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã nhận bàn giao tàu và đã được Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm để đưa vào sử dụng.
Như vậy con tàu này đã thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Biên phòng mà không thuộc về ông Đảo hay của Công ty Việt Séc nữa.
Có thể, về mặt thủ tục nội bộ, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu chưa hoàn tất công tác đăng ký phương tiện nhưng không thể vì vậy mà phủ nhận phương tiện này không phải của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khi nó đã được mua bán, nhận bàn giao và đăng kiểm đưa vào sử dụng từ trước khi xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên theo tôi, phương tiện của ai cũng không là vấn đề quan trọng khi mà cơ quan điều tra không chứng minh được nguyên nhân tai nạn là do phương tiện “rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Điều này đã được chứng minh trong kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do “chở quá số người và gặp thời tiết bất lợi”…, không có lý do “con tàu rõ ràng không đảm bảo an toàn”.
Như vậy vụ án này không có ai phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” như cơ quan tố tụng đã quyết định khởi tố.
PV: Chiếc ca nô bị nạn gần như “biến mất” khỏi kết luận điều tra ban đầu cũng như điều tra bổ sung của cơ quan công an. Ông có đánh giá gì về vấn đề pháp lý này. Phải chăng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan Công an hay VKS cứ việc truy cứu còn vật chứng để xem xét trách nhiệm của bị can trong một vụ án có tồn tại hay không, không quan trọng?
Luật sư Hoàng Long Hà: Việc ca nô bị tai nạn không được coi là vật chứng của vụ án nhưng cơ quan điều tra lại ra các quyết định trưng cầu giám định nhiều lần suốt 3 năm qua (trong thời gian vụ án đang tạm đình chỉ hoạt động điều tra) là điều chưa từng có trong tiền lệ khi xử lý các vụ án hình sự.
Việc điều tra vụ án sẽ không khách quan, toàn diện khi cơ quan tố tụng đã xem phương tiện gây tai nạn không phải là vật chứng của vụ án.
Văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định ca nô bị nạn là của lực lượng Biên phòng
Video đang HOT
Qua những thông tin về vụ án cho thấy, sau một thời gian điều tra, liên ngành tố tụng ở TP HCM đã xác định vụ án không thuộc thẩm quyền của mình và tiến hành chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xử lý.
Nhưng khi cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng không nhận vụ án thì cơ quan công an, VKS ở TP HCM vẫn cứ làm là vi phạm về thẩm quyền dẫn đến việc điều tra, truy tố không khách quan, toàn diện.
Được biết, Cơ quan Điều tra hình sự Quân chủng Hải Quân cũng đã có văn bản trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM khẳng định đăng kiểm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy cũng đủ cơ sở để cơ quan công an, VKS TP HCM đình chỉ vụ án. Họ cần tôn trọng sự thật khách quan, không nên để vụ án kéo dài gây bức xúc dư luận.
PV: Kết luận điều tra bổ sung lần này không đưa văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định ca nô là của lực lượng quốc phòng. Sự thiếu sót này ảnh hưởng như thế nào trong việc tìm ra sự thật của vụ án?
Luật sư Hoàng Long Hà: Trong giai đoạn điều tra chính thức, cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can về hành vi “Điều động cano” không bảo đảm an toàn nhưng khi không thể chứng minh được các bị can có quyền điều động được phương tiện của lực lượng vũ trang, thì cơ quan điều tra lại quy kết cho các bị can đã có hành vi sai phạm là “Đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam” thành tội phạm chỉ vì vội vã dựa vào văn bản số 1378 ngày 1/7/2013 của Cục đăng kiểm Việt Nam mà không xác minh đúng hay sai.
Ngay cả việc nếu các bị can có sai phạm đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền thì cũng không phải là tội phạm nếu như đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án, vì Hiến pháp và pháp luật đang khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống để phát triển kinh tế.
Để sửa sai, ngày 25/6/2015, Cục đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cơ quan điều tra và VKS giải thích việc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền là đúng pháp luật, đúng theo Giấy phép kinh doanh.
Tàu bị tai nạn BP12-04-02 đơn vị sử dụng là của Biên phòng nên việc đăng kiểm theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Việc cơ quan công an không đưa văn bản số 2411 ngày 25/6/2015 của Cục Đăng kiểm Việt Nam giải thích về công nghệ mới sản xuất tàu thuyền và việc đăng kiểm tàu BP12-04-02 gửi các cơ quan tố tụng TP HCM là sai sót cực kỳ nghiêm trọng, làm cho hoạt động tố tụng không còn khách quan và tạo cho dư luận cảm giác, cơ quan điều tra đang cố truy cứu trách nhiệm hình sự bị can đến cùng.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Theo Việt Đức/VOV.VN
Đối tượng sát hại lái xe ở Hòa Bình có thể chịu mức án tử hình
Trong các vụ án giết người, cướp tài sản tương tự, người phạm tội thường bị áp dụng mức hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình
Ngày 23/9, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố 2 kẻ giết tài xế vứt xác xuống đèo Thung Khe (Hòa Bình) là Bùi Văn Hiền (19 tuổi) và Bùi Văn An (21 tuổi), cùng trú xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi "Giết người" và "Cướp tài sản".
Luật sư Nguyễn Xuân Vinh, Công ty luật The Light
Trước đó, ngày 6/9, Công an huyện Lạc Sơn nhận được đơn trình báo của bà Bùi Thị Hương (SN 1948), trú tại xóm Yên Kim về việc con trai ruột của bà là Bùi Văn Nam, vào ngày 4/9, điều khiển xe ô tô của anh đi chở khách nhưng không thấy về nhà và không liên lạc được.
Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an huyện Lạc Sơn tổ chức tìm kiếm, điều tra. Đến ngày 11/9, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát dày dặn kinh nghiệm đã phát hiện chiếc xe ô tô của anh Nam được cầm cố tại hiệu cầm đồ số 42, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Qúa trình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan, cơ quan Công an đã xác minh, làm rõ 2 đối tượng cầm cố xe ô tô là Bùi Văn Hiền và Bùi Văn An. Tại cơ quan Công an, bước đầu Hiền khai nhận cùng với Bùi Văn An dùng dây dù siết cổ làm anh Nam tử vong. Sau đó, hai đối tượng vứt xác nạn nhân tại khe núi đèo Thung Nhuối, cách đường quốc lộ 6 khoảng 150m. Nơi đây, khe núi sâu, cây cối rậm rạp, ít người qua lại nên sẽ không ai phát hiện ra
2 nghi phạm có thể chịu mức án tử hình
Liên quan đến vụ việc trên, căn cứ các thông tin trên báo chí, luật sư Nguyễn Xuân Vinh, Công ty luật The Light cho rằng, trường hợp có đầy đủ căn cứ (lời khai, vật chứng...) xác định 2 đối tượng trên là hung thủ sát hại người lái xe thì mức hình phạt có thể áp dụng theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Theo đó, tội Giết người theo quy định tại Điều 123 khoản 1, điểm e (Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), điểm g (Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác), điểm o (có tổ chức)
Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Khoản 3 điểm a (Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng) Bộ luật hình sự năm 2105 với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Tổng hợp cả 2 hình phạt thì 2 đối tượng này có thể phải chịu là hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Giang Hồng Thanh
Đa số vụ án cướp của, giết người người phạm tội khó thoát tội
Đồng tình quan điểm này, luật sự Giang Hồng Thanh, văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, trong các vụ án giết người, cướp tài sản tương tự, người phạm tội thường bị áp dụng mức hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình. Vì vậy, rất có thể bị can Bùi Văn An và Bùi Văn Hiền cũng sẽ phải chịu mức án này nếu được Tòa án xác định là có tội.
Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam cũng có những quy định về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nói chung và người phạm cả hai tội là Giết người và Cướp tài sản nói riêng, từ đó có thể sẽ không áp dụng mức án cao nhất. Vậy nên, hình phạt cuối cùng đối với Bùi Văn An và Bùi Văn Hiền sẽ do Hội đồng xét xử quyết định sau khi xem xét, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, đối với đa số các vụ án giết người, cướp tài sản, người phạm tội sẽ bị Cơ quan công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, xác định được hành vi phạm tội và bắt giữ. Rất hiếm vụ mà đối tượng gây án không bị phát hiện. Và khi đã bị xử lý, mức hình phạt đối với người phạm tội là rất nghiêm khắc./.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN
Viện kiểm sát kiến nghị, yêu cầu Chi cục thi hành dân sự khắc phục nhiều vi phạm Trong quá trình trực tiếp kiểm sát tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), VKSND huyện Cư Kuin đã phát hiện một số vi phạm của đơn vị này. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến sai phạm được xác định là tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chấp hành viên chưa cao, chưa...