Vụ cháy công ty Rạng Đông: Bộ đội hóa học chuẩn bị phương án tẩy độc
Liên quan đến vụ cháy công ty Rạng Đông, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho biết binh chủng Hóa học đã chuẩn bị sẵn sàng để tẩy độc nhưng vẫn phải có đề nghị của UBND TP.Hà Nội, Công ty Rạng Đông đến Bộ Quốc phòng.
Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích tại hiện trường vụ cháy . Ảnh: binhchunghoahoc.vn
Các chuyên gia cho rằng, với lượng 15 – 27 kg thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, đây là sự cố phát tán thủy ngân lớn nhất từ trước tới nay.
Phải xử lý như sự cố về môi trường !
Trả lời Thanh Niên, TS Trần Thế Loãn, nguyên Cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết đã từng xảy ra những sự cố phát tán hóa chất, a xít ra môi trường do cháy nổ, phương tiện vận chuyển gặp tai nạn. Nhưng đối với thủy ngân thì đây có thể coi là vụ việc lớn nhất từ trước đến nay.
“Đáng lẽ vụ cháy phải được xem là một sự cố môi trường. Việc phản ứng, ứng phó với sự cố phải giống như việc cấp cứu, càng hành động nhanh, khẩn trương thì càng tốt, để giảm tối đa ảnh hưởng và thiệt hại”, ông Loãn đánh giá và cho rằng trong những ngày đầu, các cơ quan chức năng đã có phần lúng túng, chậm trễ.
Ngày 5.9, cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích tại hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông . Ảnh: binhchunghoahoc.vn
Trong khi đó, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lượng thủy ngân phát tán trong vụ cháy ở nhà máy của Công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) chưa đến ngưỡng “thảm họa”, nhưng dứt khoát phải xử lý triệt để.
Video đang HOT
GS Đặng Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thì phân tích: “Kể cả khi chưa có kết quả chính thức về mức độ ô nhiễm thì việc khoanh vùng, cô lập vẫn rất cần thiết để giảm bớt nguy cơ phát tán những hóa chất độc hại ra môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu, vì phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh”. GS Chi cho rằng hiện tại vẫn chưa thể đánh giá một cách chính xác mức độ nghiêm trọng về môi trường do vụ cháy gây ra vì các thông tin những ngày qua đưa ra thiếu chính xác và thuyết phục.
Lên phương án tẩy độc môi trường sau vụ cháy
Chiều 7.9, thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng), cho hay chiều 5.9, cán bộ của Viện đã lấy 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường… từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông để tiến hành phân tích.
Cô lập 3 nguồn khả năng phát tán hóa chất độc hại
Theo GS Đặng Kim Chi, việc cô lập, khoanh vùng khu vực xảy ra sự cố như vụ cháy Công ty Rạng Đông cần phải thực hiện ở cả 3 “nguồn” có khả năng phát tán hóa chất, gồm không khí, nước và đất.
Đầu tiên là phải che chắn khu vực xảy ra sự cố bằng vải địa nhiệt hoặc vật liệu chuyên dùng. Đồng thời xem xét khả năng bay hơi của hóa chất độc hại để duy trì, đảm bảo nhiệt độ của khu vực sự cố thấp hơn nhiệt độ bay hơi của các hóa chất này.
Để ngăn sự phát tán hóa chất độc hại vào nguồn nước, phải đào hào xung quanh khu vực sự cố để nếu có mưa thì toàn bộ nước từ khu vực có nguồn hóa chất sẽ chảy vào rãnh rồi tiến hành thu gom, xử lý. “Nước này không được xả ra môi trường tự nhiên mà phải gom lại để xử lý đặc biệt. Thậm chí có thể phải hy sinh cả cái hồ để đặt vải địa nhiệt ở dưới rồi thu gom nước về đó để xử lý”, GS Chi cho hay.
Đối với chất thải rắn như đất, bụi, GS Chi cho rằng cần phải đưa về khu xử lý chất thải rắn nguy hại để xử lý chuyên biệt. Những người tham gia xử lý cũng phải trang bị mặt nạ phòng độc, quần áo, giày dép chống độc chuyên dùng. Người dân ở khu vực xung quanh tùy theo hàm lượng nhiễm độc có thể phải di dời và cách ly.
Theo thượng tá Hoài, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước mới công bố một số kết quả quan trắc như thủy ngân trong không khí, nước, đất… nên bên cạnh việc kế thừa kết quả này, Viện tiến hành lấy mẫu với các đối tượng phục vụ cho công tác tiêu độc sau này. “Chúng tôi cần biết tro xỉ cháy vương vãi trong nhà xưởng, kho, vữa tường, bùn đất ở cống rãnh, ngoài sông Tô Lịch, rồi số lượng lớn bóng đèn đã cháy… có mức độ ô nhiễm thế nào, tồn lưu trong đất ra sao, khi đó mới có phương án xử lý hiệu quả”, ông Hoài phân tích và cho hay kết quả phân tích của Viện sẽ có trong tuần tới.
Tuy nhiên, ông Hoài cũng thông tin việc lấy mẫu kể trên là theo chỉ đạo của thủ trưởng binh chủng, để lên phương án tiêu độc cho khu vực xảy ra sự cố. “Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của TP.Hà Nội hay cơ quan chức năng nào đề nghị Binh chủng Hóa học tham gia xử lý sự cố tại nhà máy Rạng Đông”, thượng tá Hoài nói.
Sẽ có văn bản gửi TP.Hà Nội để quân đội tham gia xử lý
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho hay theo quy định thì phân cấp xử lý vụ việc này vẫn thuộc trách nhiệm UBND TP.Hà Nội. Trong trường hợp UBND TP.Hà Nội không xử lý được thì phải đề nghị phía Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ. “Binh chủng Hóa học đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, khi có lệnh của Bộ Quốc phòng thì vào cuộc ngay, nhưng vẫn phải có đề nghị của UBND TP.Hà Nội và Công ty Rạng Đông đến Bộ Quốc phòng”, ông Tiến cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, để xảy ra sự cố hóa chất là vấn đề nhạy cảm liên quan đến ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự và kinh tế xã hội, do đó sự tham gia của Bộ Quốc phòng là rất quan trọng để góp phần cung cấp thông tin, ổn định tình hình chính trị – xã hội của địa phương. “Ở vai trò của Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đang chuẩn bị văn bản gửi đến UBND TP.Hà Nội và Bộ TN-MT để các cơ quan này có đề nghị lực lượng quân đội tham gia xử lý các tàn dư, tiêu độc môi trường khu vực xảy ra vụ cháy”, thiếu tướng Tiến nói.
16 người nhập viện điều trị sau vụ cháy
Báo cáo cuối ngày 7.9 của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong hai ngày 6 – 7.9, đã có 598 người dân (trong đó 84 người dưới 18 tuổi) sống gần vụ cháy Công ty Rạng Đông đã đến khám sức khỏe tại 2 trạm y tế P.Hạ Đình và P.Thanh Xuân Trung (Hà Nội).
Trong số này, 204 người được chuyển tuyến trên để xét nghiệm thủy ngân và một số xét nghiệm chuyên khoa, trong đó 16 trường hợp phải điều trị tại các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa. Đợt khám này dự kiến đến hết 12.9.
Nam Sơn
Theo Thanhnien
Quân đội vào cuộc xử lý môi trường vụ cháy Công ty Rạng Đông
Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự, cho biết cán bộ của viện đã lấy 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... ở khu vực vụ cháy. Dựa trên kết quả phân tích, Bộ Tư lệnh Hóa học sẽ xây dựng phương án thu gom xử lý các vật tư, hóa chất, tiêu độc ở khu vực bị cháy của Công ty Rạng Đông.
Sau khi phương án được các cơ quan chức năng thống nhất, các lực lượng chuyên trách sử dụng trang bị chuyên dụng tiến hành xử lý, trả lại môi trường an toàn cho công ty và người dân.
6.000m nhà xưởng công ty bị thiêu rụi
Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã yêu cầu Công ty Rạng Đông phải triển khai ngay các biện pháp khắc phục môi trường sau vụ cháy. Cùng với đó, cần quan trắc môi trường thường xuyên đến khi khắc phục hoàn toàn sự cố và thông báo kết quả đến người dân nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; phối hợp và tạo điều kiện để Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành quan trắc thường xuyên nồng độ thủy ngân bay hơi từ khu vực vụ cháy, cảnh báo cho người dân khi phát hiện có nồng độ cao vượt ngưỡng cho phép. Đồng thời, Công ty Rạng Đông phải quan trắc môi trường nước ngầm trong bán kính 500m, đặc biệt là khu vực Nhà máy nước sạch Hạ Đình để cảnh báo cho người dân khi phát hiện nồng độ thủy ngân và kim loại nặng trong nước vượt ngưỡng; cảnh báo với người dân về việc không sử dụng nguồn nước mặt, thực vật, động vật sinh sống trong khu vực nguồn nước mặt xung quanh khu vực nhà máy.
Sau hơn 1 tuần xảy ra vụ cháy, Công ty Rạng Đông đã gửi thư xin lỗi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng một số lãnh đạo quận, phường và các cơ quan, trường học và nhân dân phường Thanh Xuân Trung, phường Hạ Đình; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường.
Công ty Rạng Đông cho biết đã lắp đặt các tấm lưới mịn ngăn chắn rác, tro xỉ cháy chảy theo nước mặt ra mương thoát thải của thành phố. Tại mỗi hố gas, lắp tấm lưới chắn, đặt 1 thùng rác và định kỳ cho người vớt rác vào thùng để chuyển vào kho chất thải nguy hại. Công ty đã xây be tường gạch ngăn cách khu vực cháy với khu vực xung quanh, ngăn nước cứu hỏa, nước mưa ở khu vực cháy có thể chảy ra mương thoát nước mặt rồi chảy ra mương thoát thải. Cùng với việc căng bạt che chắn khu vực cháy cách ly khu dân cư ngõ 342 phố Hạ Đình, doanh nghiệp này đã cho thi công lắp đặt ống nước phun sương dọc nhà xưởng giáp ngõ 342 phố Hạ Đình, hút bùn các hố gas gần khu vực cháy.
Cũng liên quan tới vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động khám sức khỏe cho người dân địa phương, nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Trong khi đó, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hiện trường vụ cháy đã có đơn gửi tới chính quyền phường sở tại, UBND quận Thanh Xuân và lãnh đạo Công ty Rạng Đông yêu cầu khẩn trương đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường để công bố cho người dân biết; sớm có biện pháp tẩy độc ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng cho người dân bị thiệt hại.
NGUYỄN QUỐC
Theo SGGP
Sau vụ cháy công ty Rạng Đông: Những tàn tích được dọn dẹp gọn gàng Một tuần sau khi vụ cháy ra tại công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, hiện trường vụ hỏa hoạn đã được dọn dẹp gọn gàng, khu vực nhà kho cũng đã được che chắn, cô lập an toàn bằng bạt. Khoảng 1 tuần sau khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại công ty cổ phần bóng đèn phích...