Vụ cháy chung cư mini 56 người tử vong: Sẽ khởi tố cán bộ quản lý trật tự xây dựng
Công an TP Hà Nội cho biết đã có căn cứ xác định nhóm hành vi vi phạm về trật tự xây dựng nhưng không được kiểm tra, xử lý triệt để liên quan đến vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong.
Chiều 19-1, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội do UBND TP Hà Nội tổ chức, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến tiến độ điều tra vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân làm 56 người tử vong.
Thiếu trướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, thông tin về vụ cháy chung cư mini
Thiếu trướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Công an TP Hà Nội đã tập trung tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can Nghiêm Quang Minh (chủ chung cư mini xảy ra cháy).
Công an TP Hà Nội đồng thời có kế hoạch điều tra, xác định tất cả yêu cầu và nhiệm vụ điều tra, trong đó đã có căn cứ xác định nhóm hành vi vi phạm về trật tự xây dựng nhưng không được kiểm tra, xử lý triệt để.
Công an TP đã tiến hành điều tra, phân loại, cá thể hoá trách nhiệm hành vi của cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm. “Chúng tôi sẽ tiến hành tố tụng trong thời gian tới. Hiện đang trong quá trình điều tra, khi có thông tin Công an TP Hà Nội sẽ thông tin công khai” – Thiếu trướng Nguyễn Hồng Ky nêu rõ.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội
Chung cư mini xảy ra cháy làm 56 người tử vong được ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (đã nghỉ hưu từ năm 2022) ký, cấp Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD. Sau khi được cấp giấy phép, chủ đầu tư đã xây công trình này cao 9 tầng, vượt 3 tầng so với giấy phép.
Năm 2015, ông Vũ Cao Minh giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Thanh Xuân; ông Nguyễn Xuân Lưu (hiện là Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội) giữ chức Chủ tịch UBND quận. Đến tháng 10-2019, ông Minh nghỉ hưu theo chế độ, ông Nguyễn Xuân Lưu được bầu làm Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Tháng 3-2021, ông Lưu được phân công làm Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thay ông Nguyễn Việt Hà, ông Hà được điều động làm Bí thư Quận ủy Thanh Xuân.
Tháng 4-2021, ông Võ Đăng Dũng được bầu làm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho đến nay. Tháng 11-2022, bà Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, được phân công làm Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2020-2025; ông Nguyễn Việt Hà được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy Gia Lâm.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 23 giờ 22 phút ngày 12-9, chung cư mini 9 tầng, 1 tum tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ đã xảy ra vụ cháy khiến nhiều người mắc kẹt bên trong. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã huy động 15 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ cảnh sát tới hiện trường cùng người dân tổ chức chữa cháy. Đến 0 giờ 15 phút ngày 13-9, đám cháy cơ bản được dập tắt, lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, vụ cháy đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Nguyên nhân gây cháy chung cư mini được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc-quy thuộc phần đầu của chiếc xe ga đặt giáp tường phía nam tầng 1. Sau đó, lửa cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công-tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh.
Bộ Xây dựng từng cảnh báo biến tướng nhà chung cư mini
Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở số 37 ngách 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2020 bộ này đã cảnh báo, yêu cầu tăng cường kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, tháng 6.2020, bộ này đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ, trong đó có chung cư mini.
Chung cư mini bị cháy ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người tử vong. Ảnh CTV
Văn bản kể trên nêu rõ, ở một số địa phương tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật như: xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... bán, chuyển nhượng.
Xem nhanh 12h ngày 14.9: Chung cư mini ở Khương Hạ xây dựng sai phép
Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ;; làm gia tăng mật độ dân số; phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị...
Theo Bộ Xây dựng, luật Xây dựng 2014, luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh tương đối đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.
Đáng chú ý, luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ đã quy định: căn hộ có diện tích tối thiểu 30 m 2 trở lên, thiết kế theo kiểu khép kín, đáp ứng các yêu cầu về nhà chung cư thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu từng căn hộ này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu.
Theo quy định của luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện: thứ nhất, phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; thứ 2, bảo đảm an toàn cho công trình; thứ 3, đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; thứ 4, có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng...
Kiểm soát tốt hơn trật tự xây dựng
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo Sở Xây dựng phổ biến, tuyên truyền các quy định liên quan đến quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng để chính quyền địa phương và người dân hiểu rõ được các quy định của pháp luật trong việc quản lý các hoạt động xây dựng nhà ở.
Các địa phương cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng, triển khai thi công, quản lý chất lượng xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo đúng quy hoạch được duyệt và nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp. Đặc biệt là đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở kiểu khép kín.
Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng: xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...
Những vụ cháy đau thương bên trong nhà ống bị khói lửa bao trùm Phần lớn nhà ở dạng ống tại Hà Nội không có lối thoát hiểm hoặc bị "chuồng cọp" quây kín. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mọi lối thoát nạn bị bịt kín khi xảy ra cháy. Cháy chung cư mini ở Hà Nội có số lượng người thiệt mạng lớn Cơ quan chức năng đã xác định 56 người tử...