Vụ cháy bar Zone 9: 5 quan tài trong một xóm
5 người tử vong trong đám cháy quán bar khu Zone 9 Hà Nội (nơi được mệnh danh là “hợp tác xã ăn chơi” của giới trẻ Hà thành) là họ hàng ruột thịt của nhau và đều ở cùng một thôn.
Chiều ngày 19/11, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở khu Zone 9, nơi vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Hà thành tại số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã khiến 6 người tử vong, trong đó có 5 người cùng ở một thôn.
Con thơ mặc 2 áo tang
8h sáng ngày 20/11, đội 4, thôn Quảng Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội vẫn còn chìm trong sương mờ nhưng trong làng đã rậm rịch tiếng kèn trống, tiếng khóc than người tử nạn. Bên đường làng, người lớn, trẻ nhỏ khuôn mặt thẫn thờ, tiếc thương cho những gia đình có người tử nạn trong vụ cháy quán bar khu Zone 9.
Đoạn đường ra nghĩa trang thôn Quảng Yên phủ trắng khăn tang trắng. Ở thôn này có 5 nạn nhân tử vong trong vụ cháy xảy ra ở quá bar khu Zone 9. Ảnh: Như Hoàn
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng nạn nhân Nguyễn Văn Chí (SN 1979) và Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983) nằm lọt sâu trong ngõ nhỏ. Trong ngôi nhà chừng 30m2, không có lấy một thứ đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ đã ngả màu. Chiếc giường của đôi vợ chồng anh Chí cũng ọp ẹp, xiêu vẹo, bên trên là chiếc chiếu đã mủn sợi cói. Phía trước hiên, một chiếc bàn nhỏ được kê làm bàn thờ kèm theo di ảnh của đôi vợ chồng trẻ.
Trong căn buồng nhỏ, bà Nguyễn Thị Nhung, quê ở Lạng Sơn, chị gái anh Chí nằm vật vã khóc than người em của mình. Bà Nhung liên hồi gọi lớn: “Chí ơi, chị không được nhìn em lần cuối rồi”.
Bà Nguyễn Thị Nhung, quê ở Lạng Sơn, chị gái anh Chí khóc than người em của mình. Ảnh: Đức Nguyễn
Bà Phùng Thị Điểm (61 tuổi), chị dâu của anh Chí, mắt ngấn lệ khi nhìn vào di ảnh trong nhà. Bà kể, vợ chồng Chí sinh được 2 người con, một đứa học lớp 3, một đứa học lớp 7. Vợ chồng Chí sống cùng với mẹ già 69 tuổi.
“Gia đình nhà Chí khổ lắm, quanh năm suốt tháng đi làm thuê mà chẳng đủ ăn. Trong nhà nó không có lấy nổi một vật dụng đáng giá 500 nghìn đồng. Vợ chồng nó chết đi, hai đứa con bơ vơ không biết bấu víu vào đâu. Tôi thương vợ chồng nó quá…”, bà Điểm nghẹn ngào nói.
Video đang HOT
Lần lượt đưa tro cốt từ trên xe xuống để chuẩn bị đưa ra nghĩa trang chôn cất. Ảnh: Như Hoàn
Bà Điểm cho biết, ông bà ngoại của hai đứa nhỏ con anh Chí đã mất, gia đình chỉ còn lại bà nội nhưng tuổi đã cao, sức yếu.
“Cả bố mẹ đều mất đi, hai đứa con thơ phải mặc hai áo tang, đeo hai khăn tang. Nhìn chúng nó mà lòng tôi đau không thốt lên lời. Tôi thương hai đứa nhỏ quá, rồi chúng nó không biết sẽ sống ra sao đây”, bà Điểm vừa khóc vừa nói.
Bà Nguyễn Thị Vụ, hàng xóm của gia đình vợ chồng Chí cho hay, gia đình vợ chồng Chí dù nghèo nhưng sống hòa thuận, chẳng làm mất lòng ai bao giờ. Quanh năm ngày tháng, gia đình anh Chí chỉ lo làm ăn nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
“Ở thôn Quảng Yên, đây là vụ tai nạn khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Chúng tôi đâu ngờ, chỉ cách nhà nhau vài ngõ mà có đến 5 cái quan tài”, bà Vụ nói.
Em Diệu, con của vợ chồng anh Trì – chị Bảy luôn miệng gọi: “Bố ơi, Mẹ ơi!”. Ảnh: Đức Nguyễn
Những nạn nhân tử vong đều là họ hàng
Trong số 5 nạn nhân tử vong trong cùng một thôn thì có 3 người là họ hàng, ruột thịt. Nguyễn Phú Hải (1992) gọi anh Nguyễn Phú Trì (40 tuổi) là chú. Cùng sống ở gần nhà nhau nên khi chú nhận được công trình ở Hà Nội, Hải đã ra phụ giúp và tử nạn trong trận hỏa hoạn.
Cách ngôi nhà vợ chồng anh Chí khoảng 50m, nhà của vợ chồng anh Trì – chị Bảy cũng ở sâu trong ngõ hẻm. Trong căn nhà rộng 10m2, mẹ của anh Trì đang ngồi thẫn thờ nhìn về phía di ảnh của con.
Ở tuổi 77, bà Nguyễn Thị Lượt không còn đủ sức để khóc thương. Nước mắt khóc thương con dường như đã chảy ngược vào trong đáy lòng bà. Bà Lượt cho hay, vợ chồng Trì sinh được hai cô con gái, một đứa đang học lớp 8, một đứa học hết lớp 9 thì bỏ dở.
Trước kia, vợ chồng anh Trì ở nhà làm ruộng, nhưng do mấy năm nay tuyến đường cao tốc Láng – Hòa Lạc mở, gia đình phải nhường đất nên không còn ruộng để cày cấy. Cuộc sống của cả gia đình đều dựa vào hai vợ chồng Trì đi làm thuê.
“Vợ chồng nó mất đi, hai đứa con khóc nhiều lắm. Cả gia đình, giờ chỉ còn lại tôi là trụ cột. Ở tuổi gần đất xa trời rồi không biết tôi sẽ sống ra sao. Tôi khổ quá…”, bà Lượt nói.
Bé Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Thị Ngọc con cuả vợ chồng anh Chí, nức nở bên tro cốt của bố mẹ mình. Ảnh: Như Hoàn
Đối diện ngõ của gia đình anh Chí, chính là ngôi nhà nạn nhân Nguyễn Phú Hải (SN 1992). Hải cũng là một trong số 5 nhân bị tử nạn trong đám cháy. Ngôi nhà của Hải cũng đơn giản không kém ngôi nhà của vợ chồng anh Chí, chẳng có lấy một vật dụng đáng giá. Bên phía bàn thờ, di ảnh Hải cùng với khói hương tỏa ra nghi ngút.
Mẹ của Hải, bà Phạm Thị Lan từ khi biết con trai mất đã ngất lịm đi. Lúc tỉnh bà cũng không nói được gì chỉ nằm thơ thẩn bên giường.
“Từ nhỏ Hải đã phải chịu cảnh mất cha, chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Giờ Hải mất đi rồi mẹ nó không biết có đứng dậy nổi mà sống không nữa”, ông Phạm Văn Tiếp, anh ruột bà Lan chia sẻ.
Học hết lớp 11, Hải bỏ ngang việc học hành đi làm thuê để đỡ đần mẹ ở nhà. Lúc thì Hải vào miền Nam, lúc ra Bắc. Thời gian gần đây, Hải ở hẳn nhà lao động tự do phụ giúp mẹ.
Người thân ngất lịm đi vì quá đau xót. Ảnh: Như Hoàn
“Thằng Hải gọi vợ chồng Trì – Bảy là chú. Nó đi làm cùng cô chú gần một tuần rồi. Tính Hải cũng hiền lành lắm, nó sống ở thôn ai cũng quý. Vậy mà không ngờ nó lại chết thảm như vậy”, ông Tiếp ngậm ngùi.
Chiều nay, gia đình các nạn nhân làm lễ an táng cho các nạn nhân tử vong.
Theo Khampha
Khám nghiệm hiện trường vụ cháy tại Zone 9
Không được cấp phép cải tạo sửa chữa nhưng chiều qua 19/11, quán bar tại Zone 9 vẫn thi công cải tạo công trình để chuẩn bị kinh doanh, dẫn đến vụ hỏa hoạn làm 6 người tử vong, 10 người bị thương.
Cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường, tổ chức khám nghiệm điều tra
Sáng nay 20/11, cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội đã vào hiện trường vụ cháy tại số 9 Trần Thánh Tông để khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân vụ việc. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên hiện trường được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Trao đổi với báo chí, ông Lâm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - khẳng định, UBND quận không cấp phép cho cải tạo tại bất cứ công trình nào thuộc tòa nhà xảy ra cháy. "Việc xác định tòa nhà này có phải công trình nguy hiểm hay không thì quận không có chuyên môn. Còn các đơn vị cũng chưa từng xác định đây là công trình nguy hiểm. Về quản lý trật tự xây dựng, đây là công trình nhà cũ của doanh nghiệp và đang thuộc doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, chỉ tới khi xây dựng mới thì chúng tôi mới quản lý theo quy định về trật tự xây dựng đô thị", ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng trong sáng nay, tiếp xúc với phóng viên các báo, ông Vũ Đạo Hùng - đại diện quán bar xảy ra hỏa hoạn - cho biết đang quyên góp tiền để ủng hộ gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn.
"Diện tích quán rộng khoảng 150m2 được trang bị các bình cứu hỏa, tuy nhiên do cháy quá nhanh nên những người làm việc tại tòa nhà này không kịp trở tay", ông Hùng cho biết thêm.
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC, sáng nay cho hay, 10 chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC bị ngạt khói hiện đều xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Sáng nay đại diện Sở Cảnh sát PCCC cũng đã xuống hiện trường phối hợp cơ quan CSĐT tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Hồng Ngân
Theo Dantri
Đêm trắng của người nhà nạn nhân vụ cháy ở Zone 9 Mắt nhòe nước, hai con gái của anh Chì - chị Bảy ngồi lặng im chờ đến giờ khâm liệm cha mẹ. Cạnh đó, vài người phụ nữ trẻ hết gào khóc, lại ngất đi bên xác 6 người thiệt mạng. 23h ngày 19/11, nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) yên ắng, không còn tiếng khóc than như vài giờ...